Hạnh phúc trên quê hương Gia Lai
Những ngày tháng 4, trong cái nắng mới của xuân sang hè, ông Bome vẫn cần mẫn đi đến từng nhà dân ở xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai để trò chuyện, tâm sự cùng mọi người. Với ông, những buổi sinh hoạt, gặp gỡ như vậy chính là cách để ông chuộc lỗi và giúp đỡ bà con tránh bẫy lừa “vượt biên đổi đời”.
Lạc lối nhưng… không quên đường về
Đang mải cuốc đất ngoài vườn, ông Bome lật đật chạy ra mở cổng khi nghe thấy tiếng gọi của chúng tôi. Rót chén nước trà pha vội, ông lấy tay quệt trán lấm tấm mồ hôi, chạy vội ra ngoài mang nốt bó cỏ cho bò ăn rồi mới trở lại. Ông bảo ông tranh thủ buổi sáng rảnh rỗi làm việc nhà để chiều còn sang làng bên nói chuyện với mấy gia đình có người vượt biên và theo FULRO.
Ông kể, với 66 năm cuộc đời, trải qua rất nhiều sự kiện và biến cố, với ông lúc này, những ngày sống trên quê hương là hạnh phúc nhất. Vợ chồng ông Bome có 3 người con đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Con cả là giáo viên, người con thứ 2 làm công nhân bốc vác, con út thì đang đi làm thực tập sinh ở Nhật Bản.
Nhấp ngụm chè, mắt nhìn ra xa, ông Bome nói: “Cuộc sống của các con tôi đều đã ổn định. Tôi không còn phải lo lắng cho chúng nữa. Nhưng nhiều lúc nghĩ lại vẫn tự trách mình và thương chúng. Tôi hối hận nhất là những ngày tháng theo FULRO chống phá Nhà nước. Cuối cùng tôi còn lại được gì ngoài những ký ức buồn của các con. Chúng đã rất thiệt thòi. Tôi bỏ con mình theo FULRO khi đứa lớn mới 8 tuổi, đứa út thì mới sinh được vài tháng. 11 năm trong tù là thời gian quá dài đối với tôi. Đổi lại, nếu tôi không lầm đường, tôi đã có thể ở nhà làm kinh tế, giúp vợ nuôi dạy con. Dẫu có khó khăn nhưng như thế vợ con cũng đỡ khổ hơn”.
Ông Bome có tên gọi thân mật là Jana, hiện đang là một già làng uy tín trong cộng đồng người dân tộc Bana ở xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Tham dự những buổi chia sẻ kinh nghiệm của ông với bà con, ít ai có thể ngờ được rằng ông từng theo tổ chức phản động FULRO chống phá Nhà nước, thậm chí còn được chúng dựng thành nhân vật “Tỉnh trưởng Gia Lai” của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị”.
“Hồi trẻ còn non nớt, tôi không hiểu biết nhiều, thấy FULRO dụ dỗ thì gia nhập thôi, từ năm 1975 cơ. Sau khi bị bắt đưa đi cải tạo, năm 1991, tôi trốn trại và tiếp tục hoạt động cho FULRO. Năm 1999, tôi nhận được sự chỉ đạo từ Ksor Kơk (đối tượng cầm đầu tổ chức phản động FULRO sống lưu vong ở Mỹ-PV) kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức biểu tình tại Pleiku, gây bạo loạn, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”. Khi đó, nào có suy nghĩ sâu xa gì, thấy chúng hứa hẹn cất nhắc lên làm chức to nếu thành công nên theo. Chúng nói rằng, nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ có cách giải quyết, Liên hợp quốc sẽ cứu giúp. Nhưng giờ thì tôi biết chắc những điều đó là lừa phỉnh”, giọng kể của ông Bome trầm xuống. Sau sự kiện ngày 2/2/2001, ông bị bắt với tội danh “Phá rối an ninh”, “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.
Hơn 11 năm sau, ông Bome mới được trở về quê hương và luôn ăn năn về lỗi lầm quá khứ của mình. “Tôi rất hối hận đã làm những điều không hay, hối hận cũng muộn màng rồi. Bây giờ không muốn liên quan đến FULRO nữa. FULRO ảo tưởng thành lập một nhà nước riêng. FULRO lừa dối. Nhà nước đối xử với người Kinh và người dân tộc đều bình đẳng như nhau. Tôi mong muốn vận động, khuyên nhủ bà con thấy rõ mưu đồ của bọn xấu, đừng nghe những gì bọn chúng nói mà phải nhìn thực tế, bởi vì cuộc sống ngày nay tốt đẹp hơn trước đây nhiều”, ông Bome nhấn mạnh.
Và thế là 10 năm qua, người đàn ông đó từng bước học hỏi kinh nghiệm làm nông, làm kinh tế của bà con trong làng, trồng lúa, cà phê, tiêu, nuôi cá, nuôi gia súc, gia cầm… Nhờ chăm chỉ chịu khó mà cuộc sống của gia đình ông ngày càng khấm khá, thậm chí, còn được UBND xã Hà Bầu công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
“Thời gian trôi đi, nhớ lại những năm tháng sai lầm của mình, tôi càng thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn. Các dân tộc ở Tây Nguyên và Việt Nam nói chung, nếu 54 dân tộc ai cũng muốn xé đất nước ra để thành lập nhà nước riêng thì làm sao có đất để ở. Tranh giành nhau đất đai thôi cũng sẽ bất ổn, đất nước không thể phát triển. Tôi phải lên tiếng, phải nói để bà con không nghe những điều bọn xấu nói. Lời dụ dỗ của chúng chỉ làm những người nhẹ dạ cả tin đi vào con đường tù tội, phản bội đất nước mà thôi. Tôi là người Việt Nam thì phải yêu nước Việt Nam, làm sao đưa đất nước mình phát triển mạnh hơn để sánh với các nước khác”, ông Bome tâm sự.
Quê hương là chùm khế ngọt
Không như ông Bome, hoàn cảnh của ông Ksor Hir (62 tuổi, người dân tộc J’Rai ở làng Sao Đúp, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) hơi khác một chút. Ông đã “tay trắng lại hoàn tay trắng” khi trở về từ Mỹ sau chuyến vượt biên đầy khó khăn.
“Đó là vào đầu những năm 2000, tôi vượt rừng trốn sang Campuchia với mong muốn tìm đường sang Mỹ đoàn tụ với gia đình bên đó. Bị phía Campuchia bắt giữ rồi trả lại Việt Nam vào năm 2003, tôi phải đi cải tạo mất 3 năm. Lúc ra khỏi trại cải tạo, tôi vẫn nung nấu ý định đi Mỹ để được ở gần vợ con. Hai năm sau, được tin vợ đã lấy chồng ở Mỹ, tôi quyết định tạo dựng cuộc sống mới. Nhưng thật khó khăn, cái nghèo đeo đẳng khiến cuộc sống luôn bất bênh. Năm 2006, được con trai ở Mỹ bảo lãnh, tôi khăn gói lên đường”, ông Ksor Hir nhớ lại.
Thế nhưng, 6 năm ở quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương, ông không thể nhận ra đó là “thiên đường” bởi cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Không biết tiếng Anh, trình độ văn hoá thấp, lại không có kỹ năng nghề…, Ksor Hir không thể hoà nhập được với văn hoá phương Tây. Khoảng thời gian đó, ông sống lay lắt với những nghề nghiệp tạm bợ và một mái nhà thuê lụp xụp.
“Tôi sang đó nhưng nào có được gần con. Mỗi người ở một nơi. Tôi sống ở thành phố Greensboro, bang North Carolina. Ngày nào cũng làm từ sáng sớm cho tới đêm khuya mà nhiều lúc vẫn không đủ ăn, lại thêm bệnh tật không có bảo hiểm và tiền để chữa trị. Tôi không bao giờ có thể nghĩ “giấc mơ Mỹ” của mình lại chật vật, khổ sở đến vậy. Tôi muốn được trở về Việt Nam nhưng cứ nghĩ khoản vay nợ trước khi đi thì lại cố. Nhưng càng cố thì càng thấy mờ mịt, tối tăm. 6 năm đó tôi sống tủi nhục và cô đơn biết bao”, ông Ksor Hir kể. Năm 2012, Ksor Hir quyết định về nước. Ông nói với vợ rằng, ở Việt Nam dù nghèo tí nhưng vẫn vui vì có gia đình bên cạnh. Rồi nhờ có sự hỗ trợ của họ hàng, người thân, ông mở một tiệm sửa xe nhỏ, bằng lòng với nghề mưu sinh mới.
“Tôi thấy mình còn may mắn chán vì cuối cùng vẫn còn nhà để về, có vợ và con để yêu thương. Nhiều người Việt mình sang đó khổ quá mà không còn đường về, như kiểu đâm lao phải theo lao ý”, ông Ksor Hir nói. Khi được hỏi có khi nào ông muốn trở lại nước Mỹ lần nữa, Ksor Hir vội cười rồi gạt tay: “Không, với tôi như thế là quá đủ. Giờ chỉ có ở quê hương mới thực sự là hạnh phúc nhất. Tôi không đi đâu nữa. Tôi cũng đã bảo với con mình và người thân không phải đi đâu cả. Sống ở quê cha đất mẹ là sướng nhất”.
Trên thực tế, kể từ sự kiện năm 2001 đến nay, 21 năm qua, bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chính quyền tỉnh Gia Lai cũng rất quan tâm đến công tác đưa người lầm lỡ trở lại với cộng đồng để họ yên tâm lao động, sản xuất và sinh sống trên quê hương.
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, để có được sự tin tưởng của bà con, cả hệ thống chính trị ở cơ sở đã vào cuộc. Bên cạnh các lớp tuyên truyền về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng phân tích rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của những kẻ xấu, các thế lực thù địch, nhóm FULRO lưu vong… để vạch trần bản chất lừa bịp, núp bóng tôn giáo hòng tập hợp lực lượng chống đối chính quyền…
“Chúng tôi có nhiều cách làm linh hoạt, thực tế. Đóng vai trò lớn là những người có uy tín, cốt cán ở cơ sở cũng như các chức sắc tôn giáo. Chúng tôi thậm chí còn gọi điện cho những người đã xuất cảnh sang Mỹ, mời họ nói chuyện qua Zalo, Facebook với bà con về cuộc sống bên đó xem thực sự họ có sống sung sướng, an nhàn, không làm mà vẫn có ăn như những kẻ xấu vẫn tuyên truyền hay không. Những lời kể và câu chuyện của họ là khách quan nhất, thật nhất đối với bà con…”.