Không xa đâu, Trường Sa ơi...
Hằng năm, phóng viên (PV) các cơ quan thông tấn, báo chí đều có chuyến đi thực tế, thu thập tài liệu tuyên truyền về cuộc sống, công tác, chiến đấu của CBCS và nhân dân ở quần đảo Trường Sa. Nhiều thế hệ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, PV Báo CAND đã tham gia chuyến công tác đặc biệt này. Gần đây nhất, cuối năm 2022 và tháng 4/2023, những nữ sĩ quan, phóng viên Báo CAND đã có mặt tại quần đảo Trường Sa tác nghiệp...
1. Có lẽ, với mỗi phóng viên (PV) trong cuộc đời làm báo đều mơ ước một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa tác nghiệp bởi trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo, Trường Sa luôn hiện diện thật thiêng liêng, khẳng định chủ quyền của đất nước. Đến đảo tiền tiêu để hiểu về cuộc sống, công tác, chiến đấu của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, qua đó cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi nhà báo, tình yêu với biển, đảo quê hương, đất nước thông qua tác phẩm của mình. Chính vì vậy, tôi (nhà báo Anh Hiếu, Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị) đã tình nguyện ra công tác tại đảo dù biết thời điểm đó đang mùa gió chướng, mùa sóng gió nhất trong năm. Sau khi báo cáo, được sự đồng ý của lãnh đạo Cục Truyền thông CAND và Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND, tôi tất bật chuẩn bị cho chuyến công tác nơi đảo tiền tiêu.
Trước khi đi công tác, tôi đọc nhiều thông tin qua sách, báo mạng và tham khảo bạn bè đã từng đi Trường Sa để có sự chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi 21 ngày, với 16 ngày lênh đênh trên biển (từ 21/12/2022 đến 5/1/2023). Thủ đô Hà Nội lúc này nhiệt độ vẫn lạnh khoảng trên, dưới 20 độ C, mỗi buổi chiều, tôi đều dành khoảng 2h đồng hồ chạy bộ và đeo vác ba lô có chứa tài liệu để rèn thể lực. Ngoài các vật dụng cần thiết như máy tính, sổ, bút, thuốc, tôi còn cẩn thận mang theo bàn là, máy sấy tóc và vật dụng không thể thiếu là túi nôn phòng khi say sóng và đăng ký sim Viettel bởi ra đảo duy nhất mạng này là có sóng.
Khởi hành từ trưa 17/12/2022, sau 2 giờ bay, cảng hàng không Cam Ranh đón chúng tôi bằng cơn mưa lạnh, ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới. Được cán bộ Ban Tuyên huấn Vùng 4 Hải quân và cán bộ nhà khách Văn phòng Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng 4 Hải quân niềm nở đón tiếp, chúng tôi vơi đi mệt mỏi sau chặng bay dài và do phải mang vác các loại valy, ba lô lớn, nhỏ chứa vật dụng đủ 21 ngày công tác và đồ tác nghiệp.
Theo kế hoạch của BTL Vùng 4, tất cả các PV trước khi ra đảo tác nghiệp đều phải qua khâu kiểm tra sức khỏe của quân y. Là PV được gọi tên trong tốp đầu 10 người test COVID-19 mẫu gộp, tôi thấy lo lắng, cảm xúc khó tả khi mẫu này xuất hiện ca dương tính. Ngay lập tức, tôi cùng 9 PV được cách ly ra khu vực riêng, sau đó tiến hành lấy mẫu lần nữa. Ngay trong ngày đầu kiểm tra, có khá nhiều PV đã phải gác lại ước mơ ra Trường Sa bởi những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Yêu cầu đảm bảo an toàn cho thành viên đoàn, cho quân và dân trên đảo luôn được Ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Trải qua 4 lần test COVID-19, cuối cùng tôi đã vui mừng được cùng Đoàn PV báo, đài di chuyển ra Quân cảng Cam Ranh, tham dự lễ xuất quân ra đảo.
Chiều 21/12/2022, tại Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), BTL Vùng 4 Hải quân tổ chức lễ xuất quân, thăm chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tặng quà CBCS và nhân dân đang làm việc, sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Đây là chuyến đi đặc biệt, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đối với biển, đảo nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng. Cho vội hành lý lên phòng trên con tàu 561, tôi xuống cảng Cam Ranh bắt đầu tác nghiệp. Khi tàu kéo vang hồi còi lướt sóng ra khơi, các PV dường như ai cũng tất bật ngồi gõ tin, bài gửi về toà soạn để kịp “bắt sóng” trước khi đến vùng biển mất sóng. May mắn thay, những tin tức đầu tiên của tôi đã kịp gửi về toà soạn trước khi tàu ra khỏi cửa vịnh. Chuyến đi này, tôi đã mang món quà từ đất liền, món quà ý nghĩa mà những người làm báo CAND gửi tặng CBCS, quân và dân Trường Sa, đó chính là các ấn phẩm số đặc biệt của Báo CAND và các chuyên đề An ninh thế giới, Văn nghệ Công an.
Việc cố gắng ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc theo đúng chu kỳ sinh hoạt thường ngày của chúng tôi đã bị đảo lộn hoàn toàn. Xúc động nhất là trong hải trình dài ngày, nhiều PV say sóng không thể di chuyển ra nhà ăn đều được bộ đội mang cơm, cháo, hoa quả, sữa, khoai luộc… đến tận phòng để các PV ăn bù bữa, đảm bảo sức khoẻ. Trong chuyến đi này, nhiều PV, trong đó có tôi đã phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ tàu 561 và bác sĩ Bệnh viện Quân y 175. Tác nghiệp trong mùa biển động, gió bão cấp 7-8, khi di chuyển từ tàu đến các đảo, phải đi bằng xuồng chuyền tải nhưng mọi người vẫn nỗ lực thực hiện tác phẩm của mình. Việc “săn sóng” gửi tin bài về luôn được PV quan tâm nhất, cứ đến gần các đảo là có sóng điện thoại, các PV dù mệt mỏi hay đang ngủ thấy có sóng là bật dậy, ngồi ra hành lang để chuyển tin, bài về toà soạn.
Kỷ niệm nhớ nhất với tôi đó là 2 lần vượt bão mới vào được đảo Trường Sa Đông. Khi xuồng vừa hạ xuống biển, tôi mặc áo phao, mang theo túi bảo quản đồ nghề bắt đầu bước xuống xuồng thì bão bất ngờ đổ bộ, những con sóng dữ tung bọt trắng xóa, cao gần 5m ập vào làm xuồng va đập mạnh vào mạn tàu, tình huống cực kỳ nguy hiểm. Phương án tác chiến dự phòng lập tức được Thượng tá Trần Văn Quyển, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 và Thiếu tá Nguyễn Việt Hà, chỉ huy Hải đội 411, Lữ đoàn 955 cùng Đại úy Phạm Văn An, thuyền trưởng tàu 561 kích hoạt, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho đoàn công tác và bộ đội. Nhóm PV còn có một hải trình đáng nhớ khi băng xuồng từ điểm Đá Đông C sang điểm Đá Đông A khi những con sóng bạc đầu bủa vây ào mạnh vào mạn xuồng, mưa bắt đầu nặng hạt, mọi người đều bị ướt nhưng vẫn cùng nhau hát vang bài hát về biển đảo quê hương. Hải trình 16 ngày đêm mang đến cho PV thật nhiều cảm xúc đặc biệt, trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm báo, thêm trân trọng và yêu quý hơn nghề mà mình đã chọn.
Hình ảnh xúc động đó là đồng hành cùng hàng trăm CBCS Vùng 4 Hải quân trên các tàu Hải quân, Kiểm ngư ra các đảo là hơn 100 nhà báo, PV đến từ mọi miền Tổ quốc. Mỗi nhà báo, PV khi đến với Trường Sa, trong đó có PV Báo CAND, hành trang mang theo không chỉ là những thiết bị tác nghiệp mà hơn hết là tấm lòng, tình cảm với quân dân nơi đảo xa, vinh dự làm cầu nối thông tin giữa đất liền và đảo xa, nơi những CBCS đang ngày đêm bám trụ, kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; khơi dậy trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.
Thành quả của chuyến công tác, tác phẩm báo chí 5 kỳ: “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa” đăng trên báo CAND của tôi đã đoạt giải trong Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai (2022-2023), do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải tối 26/4/2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
2. Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng, một phần máu thịt của Tổ quốc mà bấy lâu tôi (nhà báo Quỳnh Vinh, Ban Thời sự - Chính trị) vẫn được nghe kể, chỉ hình dung là nơi rất xa mà chưa biết đặt chân đến sẽ như thế nào. Thì vinh dự theo Đoàn công tác số 3 do Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn, tôi đã đến thăm Trường Sa từ ngày 10-15/4/2023. Trường Sa, tuy xa mà gần, luôn đón nhận tình cảm nồng ấm từ đất liền thông qua những chuyến công tác ý nghĩa như thế.
Ấn tượng đầu tiên trong chuyến công tác là tôi may mắn được lên KN491 - tàu lớn của lực lượng Kiểm ngư, chở được khoảng 300 người, với nội thất khang trang, sạch đẹp, có bãi đỗ trực thăng. Tôi được xếp vào phòng khép kín gồm 15 thành viên, trong đó 5 PV, 9 văn công và 1 cán bộ ngân hàng. Giây phút mới lên tàu, chị em chỉ kịp kéo valy vào phòng, chọn giường rồi nằm nghỉ ngơi, vì tất cả đã được dặn dò, ngày đầu tiên sẽ rất say, mệt, mọi người không nên đi lại nhiều. Đúng y như cảnh báo, trong hai ngày đầu, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, thời tiết ngoài Bắc chuyển mưa lạnh thì ở đây biển động, lại thêm tàu vừa ra cửa biển, sóng to khiến tàu KN491 lênh đênh, lắc lư, "hạ đo ván" cả những thành viên trong đoàn trông to khoẻ, tưởng như "miễn nhiễm với sóng".
Buổi sáng đầu tiên đa số mọi người ở hết trên giường. Có người say sóng mệt quá nằm im lìm, có người uống thuốc chống say nên thiêm thiếp ngủ. Riêng tôi, không hẳn là say sóng nhưng tàu lắc lư cũng có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Lúc mới lên tàu, mọi người để valy thế đứng, nên khi tàu ngả nghiêng, bánh xe kéo valy chạy loạn xạ trong phòng "cạch cạch cạch" như có trẻ con đùa nghịch. Nằm trên giường mà mọi thứ chao đảo, lúc lăn sang trái, khi cuộn sang phải như lắc võng, thấy valy "chạy" lung tung mà chị em không tài nào dậy điều chỉnh...
Đúng 11h ngày 10/4, đoàn tàu thông báo ăn trưa. Đối với tôi, đây là bữa cơm ngon mà "anh nuôi" đã ý nhị chuẩn bị nửa cơm, nửa cháy vì cháy giúp làm giảm say sóng. Có rau cải luộc, thịt kho, chân giò luộc, cá rán và canh bầu ngon mát, rất dễ nuốt. Thế nhưng, cảnh tượng bữa trưa đầu tiên vắng tanh vì nhiều người mệt, bỏ cơm; có đại biểu đang ăn thì cáo lỗi về phòng vì không chịu nổi cơn say sóng...
Say, mệt là vậy, nhưng đến trưa hôm sau, khi nghe loa phát thanh thông báo tàu sắp thả neo, đưa đoàn công tác cập đảo đầu tiên - Song Tử Tây, là ai nấy đều tỉnh táo, trang phục chỉnh tề, chuẩn bị hành lý cho vào các túi chống nước, xếp hàng xuống xuồng trung chuyển vào đảo. Đối với cánh PV thì còn tranh thủ xem lại đề cương, kịch bản, chuẩn bị tinh thần phỏng vấn, tác nghiệp trong thời gian chớp nhoáng ở đảo. Sau khi đeo dép rọ và mũ cối Hải quân, chúng tôi được mặc áo phao và hướng dẫn xuống xuồng. Việc bước xuống xuồng cũng là một nghệ thuật, giữa lúc sóng nước dập dềnh bên mạn tàu thì mỗi người phải căn sao cho lúc xuồng gần bằng với lối ra từ mạn tàu, bước dứt khoát sang xuồng để đảm bảo an toàn.
Quá trình ở các đảo, chúng tôi chỉ có tầm 3 tiếng (trừ đảo Trường Sa lưu lại lâu hơn), trong đó CBCS, quân và dân trên đảo phải tất bật đón đoàn, tham dự chương trình chung, thăm, kiểm tra, tặng quà của đoàn công tác. Khi còn lại nửa tiếng đến 45 phút, cánh PV mới có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn, thăm thú trên đảo. Do đó, thời gian ở đảo quý như vàng, cảm giác trôi nhanh hơn bình thường, chúng tôi vừa tác nghiệp viết bài về CBCS, lính đảo, bác sĩ, giáo viên, vừa phỏng vấn người dân, học sinh... nên qua đảo nào cũng thấy lưu luyến, ước được ở lại lâu hơn, có nhiều thời gian chuyện trò với các nhân vật hơn. Tôi vẫn nhớ, một người lính đảo khi được hỏi ước mong điều gì nhất, thì anh nói: "mong có thêm nhiều đoàn công tác ghé thăm đảo". Đối với vùng đất xa xôi như Trường Sa, ước mơ chỉ giản dị là được gặp gỡ mọi người, cảm nhận hơi ấm từ đất liền dành cho đảo xa...
Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa của tôi là một tiếng lênh đênh trên xuồng tác nghiệp lễ tưởng niệm, tri ân CBCS hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo khu vực biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. 35 năm qua, xương cốt của nhiều liệt sĩ vẫn nằm lại với biển khơi, hoà vào từng tấc đất, sải biển. Không gian chính nơi diễn ra lễ tưởng niệm ở khu vực bãi đỗ trực thăng phía đuôi tàu, nhưng cần những PV tác nghiệp từ bên ngoài con tàu để quay chụp được toàn cảnh lúc thả vòng hoa, lễ vật. Tôi đã xung phong cùng 3 nam PV của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình CAND và Báo Tài nguyên - Môi trường xuống xuồng tác nghiệp.
Lễ tưởng niệm diễn ra khoảng một giờ đồng hồ với nghi thức đọc diễn văn, lần lượt hơn 200 đại biểu thắp hương tưởng niệm, sau đó mới đến khoảnh khắc thả vòng hoa, lễ vật, thả hạc giấy, hoa đăng..., song, để sẵn sàng tư thế tác nghiệp thì ngay từ khi bắt đầu buổi lễ, chúng tôi đã được bố trí xuống xuồng. Lúc này tầm 4h chiều, nắng nhạt dần, không còn gắt như ban trưa, nhưng ngồi lúc lâu dưới ánh nắng mặt trời cũng khá oi bức. Biển lặng, không gian trầm lắng với giọng đọc diễn văn truyền cảm càng làm cho buổi lễ thêm xúc động, xua tan đi mệt nhọc. Cảm giác lênh đênh sóng nước tác nghiệp về lễ tưởng niệm rất thiêng liêng, như thể các liệt sĩ đang ở cạnh bên. Vừa quan sát vừa bấm máy, nhóm phóng viên chúng tôi lúc thì yêu cầu xuồng ra xa để lấy được toàn cảnh, có lúc lại đến gần, thật gần để quay chụp trọn khoảnh khắc thả lễ vật, vòng hoa. Quan trọng là, việc tác nghiệp đã diễn ra bảo đảm an toàn, dưới sự hướng dẫn của nhân viên tàu KN491.
"Kính thưa thủ trưởng và các đồng chí, sau đây là chương trình phát thanh của Đoàn công tác số 3 đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên tàu 491..." là thanh âm quen thuộc mà chúng tôi nghe qua loa phát thanh nội bộ trên tàu vào 20h hằng ngày. Dưới sự chủ trì của nhà báo Thanh Thuỷ, Báo Hải quân, nhóm phóng viên đã lần lượt tham gia trả lời phỏng vấn, sáng tác tin bài hằng ngày phục vụ chương trình; MC là đồng chí Cao Văn Tất, cán bộ Phòng Chính trị, Vùng 4 Hải quân và chị Phương Thảo, cán bộ Ngân hàng Agribank. Đây là một trong những nét mới của Đoàn công tác số 3 so với những đoàn công tác khác, khi chương trình phát thanh với hai giọng đọc nam, nữ đan xen rất sinh động, khái quát lại những hoạt động tiêu biểu của đoàn trong một ngày. Sáu ngày 5 đêm, với 5 chương trình phát thanh nội bộ trên tàu đã để lại những kỷ niệm đẹp với những nhà báo, cán bộ tham gia chương trình nói riêng và những thành viên trên tàu nói chung...
Bên cạnh Tổ phát thanh nội bộ, thành viên phòng 325 chúng tôi còn tham gia gấp hạc giấy, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Vũ Mạnh Toàn, Chính trị viên tàu KN491. Để đảm bảo số lượng gần 300 hạc giấy phục vụ lễ tưởng niệm, anh đã huy động thêm nhân lực tại phòng tôi. Hạc giấy dễ gấp và hầu như ai cũng đã từng gấp, tuy nhiên qua nhiều năm việc này đã bị lãng quên, nên chúng tôi học lại từ đầu. Có một điều ít ai ngờ tới là nhờ gấp hạc mà đỡ say sóng. Chẳng hạn, nhà báo Hoa Trà của VTV24, hay nữ giảng viên múa Mỹ Linh, Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội bình thường nằm bẹp trên giường vì say sóng, mà lúc gấp hạc thì tỉnh như sáo, việc gấp hạc trở thành liều thuốc chống say hiệu nghiệm. Ngoài tác nghiệp báo chí, chúng tôi đã tham gia gấp hàng trăm hạc giấy, góp phần vào lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa nơi vùng biển Trường Sa thân yêu.