Làm theo lời Bác, Văn Phú ngày càng giàu đẹp

07:59 16/05/2023

Người dân làng Văn Phú (nay thuộc phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) luôn tự hào từng được đón Bác Hồ về thăm, chúc Tết vào ngày mùng 1 Tết Bính Ngọ 1966 và Bác căn dặn: "Văn là có văn hóa, Phú là giàu có".

Dịp này, về với làng Văn Phú, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hân hoan trên khuôn mặt của những người dân nơi đây khi phường đón Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập đúng vào ngày sinh của Người (19/5/2008 - 19/5/2023).

Tôi đến Văn Phú vào một sáng giữa tháng 5. Cổng làng Văn Phú cổ kính nằm phía sau chung cư Victoria (Khu đô thị Văn Phú) hiện đại tạo nên khung cảnh "phố trong làng" độc đáo. Ngay trước lối đi vào cổng làng Văn Phú là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi cách đây 57 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Văn Phú đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, chúc Tết. Năm 1976, tức là 10 năm sau ngày Bác Hồ về thăm, Văn Phú lại vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm.

Một buổi tuyên dương các em học sinh trên địa bàn phường Phú La tại Khu lưu niệm Bác Hồ ở làng Văn Phú.

Đón tôi ngay từ sớm ở trước cổng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Đỗ Quang Bính, nguyên cán bộ văn hóa -thông tin phường Phú La - người được coi là "kho sử" của làng Văn Phú. Ông Bính dẫn tôi vào thăm Khu lưu niệm với nhà tưởng niệm, nhà khách, ao cá và hàng cây xanh rợp bóng. Ông Bính thông tin: "Sau thời gian tu bổ, tháng 6 tới, nhà báo đến sẽ thấy một khu lưu niệm sạch đẹp, khang trang, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, dâng hương của cán bộ và bà con. Khi đó nhà báo sẽ được tận mắt chứng kiến các tư liệu, hình ảnh Bác Hồ về thăm, chúc Tết bà con HTX Văn Phú".

Ông Đỗ Quang Bính sinh năm 1956, như vậy hôm Bác Hồ về thăm, ông mới 10 tuổi. Trong ký ức của cậu bé 10 tuổi năm ấy thì hình bóng và câu nói của Bác vẫn vang vọng đâu đây trong Khu lưu niệm này. "Tôi còn nhớ hôm đó mưa xuân lất phất bay, trời rét ngọt. Bác giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, tay chống gậy. Cùng đi với Bác có nhà thơ Tố Hữu và Thiếu tướng Hoàng Sâm. Lúc ấy ở sân đình rất đông các cháu thiếu nhi, đều mặc áo mới, ríu rít vui chơi mừng năm mới. Trông thấy Bác, chúng tôi vỗ tay reo: "Chào Bác Hồ ạ! Chào Bác Hồ ạ!" và chạy ùa đến quanh Bác. Bác xoa đầu các cháu rồi âu yếm nói: Các cháu có ngoan không? Các cháu có giữ vệ sinh không? - Thưa Bác, có ạ!", ông Bính nhớ lại.

Sau khi cùng cán bộ và nhân dân đến thăm 2 nhà trong thôn là nhà bà Ân và nhà ông Đĩnh, Bác Hồ quay ra đình hỏi ông Thi (khi đó là Chủ tịch xã Văn Phú) và ông Lượt (Chủ nhiệm HTX Văn Phú) về tình hình sản xuất và văn hóa của địa phương. Bác căn dặn cán bộ HTX, muốn đảm bảo an sinh xã hội cần phát triển thêm bèo hoa dâu, thôn phải đào thêm giếng nước, trồng nhiều cây xanh và học cách chăm sóc cây. Đặc biệt, Bác nhắc nhở sang năm mới, HTX phải giúp mọi người trong thôn đều đi học và đọc được sách báo.

Sau khi nghe nhà thơ Tố Hữu ngâm một đoạn trong bài thơ "Xuân sớm", Bác Hồ quay sang nói: "Thôn ta là thôn Văn Phú. Văn là có văn hóa, Phú là giàu có. Thế tức là phải làm sao sản xuất ngày càng phát triển, thu nhập và đóng góp ngày càng tăng, đời sống nhân dân càng ấm no, sung sướng và ngày càng có văn hóa. Bà con có quyết tâm làm được như thế không?". Tất cả mọi người đều phấn khởi trả lời: "Thưa Bác, có ạ!". Bác tươi cười vẫy tay tạm biệt đồng bào.

Tiếp nối câu chuyện, ông Đỗ Quang Bính cho biết, ngày 19/5/2008, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 118 của Bác Hồ, xã Văn Khê đã tách thành hai phường La Khê và Phú La thuộc quận Hà Đông. Thôn Văn Phú xưa, nay trở thành tổ dân phố 1 và tổ dân phố 2 thuộc phường Phú La. "Mặc dù đã lên phố nhưng Văn Phú vẫn mang dáng dấp của làng quê, ở đó mọi người luôn sống gần gũi, gắn bó tình làng nghĩa xóm. Vâng lời Bác dạy, hiện nay phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương rất phát triển. Phường có 2 Câu lạc bộ thơ: Hương Sen (với 24 thành viên) và Thơ Đường luật Thanh Đàm (với 42 thành viên). Ngoài ra, phường còn có nhiều CLB khác, như: Văn nghệ cựu chiến binh, Hoa Sen (văn nghệ và thể dục dưỡng sinh), Thể dục ngoài trời của người cao tuổi, Bóng chuyền hơi, Khiêu vũ…", ông Bính nói.

Những người được gặp Bác hôm đó nay còn sống có ông Đào Công Tựa, nguyên Bí thư chi bộ Tổ dân phố 2 hay cô giáo Đỗ Thị Ngọ là người được Bác Hồ giao phụ trách xóa mù chữ cho cụ Đào Công Hợp. Câu chuyện càng thú vị hơn khi tôi bất giác hỏi lý do Bác Hồ lại chọn Văn Phú là nơi về thăm? Ông Đỗ Quang Bính bồi hồi cho biết: "Theo một số đồng chí lãnh đạo xã khi ấy cho biết thì Văn Phú là một trong những điểm sáng trong nông nghiệp, là một trong những ngọn cờ đầu trong mô hình phát triển hợp tác xã. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng đã về tổng kết mô hình hợp tác xã tại Văn Phú".

Chia tay ông Đỗ Quang Bính, tôi đến trụ sở Đảng ủy, UBND phường Phú La thì được bà Đào Thị Nụ, Bí thư Đảng ủy phường tiếp đón. Bà Đào Thị Nụ cho hay, trong 15 năm qua, phường đã quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 47 công trình với tổng đầu tư trên 481 tỷ đồng. Đến nay, 100% các tuyến đường trong khu dân cư, các di tích lịch sử văn hóa, nhà họp được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Khi mới thành lập, phường có 13 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo lời căn dặn của Bác, việc tập trung nâng cao văn hóa, trình độ học vấn cho nhân dân luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngày Bác về thăm Văn Phú, địa phương chỉ có khoảng 30% người dân có trình độ văn hóa hết cấp 1 nhưng từ năm 1993, phường Phú La đã phổ cập xong trung học cơ sở. Suốt 15 năm qua đã có 862 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, học viện. Gần đây phường đều tổ chức tuyên dương các em tại Khu lưu niệm Bác Hồ trên địa bàn phường.

Với tâm niệm phát triển kinh tế nhưng tình hình an ninh trật tự không bảo đảm thì người dân không hạnh phúc, do đó, trong những năm qua, trên địa bàn phường Phú La đã thành lập nhiều mô hình Tổ An ninh tự quản phối hợp với lực lượng Công an cơ sở đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhanh chóng trấn áp các loại tội phạm. Theo Trung tá Vương Toàn Công, Trưởng Công an phường Phú La thì trên địa bàn phường có các mô hình như: Giao ban an ninh định kỳ ở tổ dân phố khu dân cư; mô hình camera an ninh; điểm chữa cháy công cộng; tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; tự phòng, tự quản về ANTT; đảm bảo ANTT tại các tòa nhà chung cư, đảm bảo về trật tự an toàn giao thông ở nơi công cộng, xây dựng và duy trì tuyến phố văn minh đô thị trên 2 tuyến phố Văn Khê và Quang Trung…

"Mặc dù có dân số đông, khoảng trên 27 nghìn người, trong đó Khu đô thị Văn Phú, Khu đô thị Phú Lương, các tòa nhà chung cư là nơi người dân ở các nơi về sinh sống, kinh doanh nhưng do có nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả và các biện pháp quyết liệt nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được bảo đảm, không xảy ra vụ án nổi cộm, phức tạp nào. Phường Phú La đang thực hiện mô hình điển hình kiểu mẫu về an ninh trật tự", Trung tá Vương Toàn Công nhấn mạnh.

Thực hiện lời Bác dạy, Văn Phú đang ngày càng phát triển bền vững, có những hướng đi chắc chắn, song hành với phát triển kinh tế là phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi người dân, mỗi hộ dân, đóng góp chung vào việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Ngô Khiêm

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

Tờ Telegraph (Anh) dẫn thông báo của AstraZeneca ngày 8/5 cho biết, hãng sẽ thu hồi toàn bộ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Telegraph cũng cho hay, đơn xin rút giấy phép kinh doanh vaccine COVID-19 tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã được AstraZeneca nộp hôm 5/3.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文