Ngày về của Nay Tri

08:11 16/10/2024

Tin theo lời dụ dỗ của các đối tượng lưu vong, Nay Tri (SN 1978, trú buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vượt biên sang Thái Lan và đã trải qua những ngày tháng sống chui sống lủi, sai lầm nhất trong cuộc đời.

Lạc lõng trên đất người

Đón chúng tôi trong nhà mình, anh Nay Tri không giấu được sự mừng vui, hạnh phúc khi lại được trở về sống trong tình yêu thương, bao bọc của buôn làng và chính quyền địa phương. Cuối năm 2023, anh liên lạc, trao đổi qua mạng xã hội với Siu Thoan, Ksor Non, Nay Phoan (đối tượng đang sống lưu vong ở nước ngoài). Các đối tượng này dụ dỗ, lôi kéo Nay Tri vượt biên trái phép sang Thái Lan để làm việc ổn định với mức lương 1 triệu đồng/ngày và nhiều ưu đãi khác.

Gia đình khó khăn, hiểu biết lại hạn chế nên anh đã tin theo. Gom góp hết tiền trong nhà không đủ, anh phải mượn thêm của người quen hơn 40 triệu đồng (tổng cộng khoảng 60 triệu đồng) để làm lộ phí sang Thái Lan.

Gia đình, buôn làng và chính quyền dang rộng vòng tay đón người lạc lối biết quay đầu trở về.

Ngày 4/1/2024, anh Nay Tri liên lạc và được các đối tượng hướng dẫn đi từ Gia Lai vào Đồng Nai rồi lên Tây Ninh. Tại cửa khẩu Mộc Bài, Nay Tri được một đối tượng người Việt Nam đón. Ksor Non liên lạc và yêu cầu anh phải đưa toàn bộ số tiền mang theo cho đối tượng dẫn đường để đổi sang tiền Thái Lan, sau khi sang được Thái Lan sẽ được trả lại toàn bộ số tiền này, không lấy tiền công dẫn đường.

Tuy nhiên, sau khi sang được đất Thái Lan, kẻ dẫn đường chỉ đưa lại cho anh số tiền nhỏ, tương đương khoảng 6 triệu đồng. Đất khách quê người, anh không thể đòi lại tiền, cũng không dám phản kháng nên phải theo sự sắp đặt của các đối tượng.

Ở Thái, anh thuê trọ ở chung với một người khác trong căn phòng rộng vài mét vuông, giá  thuê 1,2 triệu đồng/tháng. Công việc chủ yếu là phụ hồ, dọn vườn thuê nhưng chỉ được trả mức lương 200 Bạt Thái Lan/ngày (khoảng 150 nghìn đồng), trong khi chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ.

Không có giấy tờ hợp pháp, anh liên tục phải trốn tránh sự kiểm tra của cảnh sát Thái Lan. Các chủ thuê lo sợ bị phạt nên không thuê mướn nữa. Những kẻ từng hứa hẹn cũng bặt tăm. Bị đau nhưng không còn tiền, không dám đi khám bệnh, sốt nằm ở nhà 2 ngày mà không có gạo ăn, may mà hàng xóm thấy thương nên cho ít gạo về nấu cháo, ăn qua cơn sốt.

Lúc cùng quẫn nhất, Ksor Non lại tìm đến và xúi giục, anh chỉ cần lên mạng xã hội nói xấu Đảng và Nhà nước thì sẽ được cấp tiền, được cho gạo ăn. Tuy nhiên, lương tâm tỉnh táo, anh không nghe theo. Không đạt được ý đồ, các đối tượng quay ra cô lập, trù dập anh trên xứ người.

“Nhà nước có làm gì đâu mà kêu mình nói xấu. Trốn đi Thái Lan là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi”, anh Nay Tri bộc bạch.

Ngày Nay Tri trở về, được chính quyền địa phương đến thăm và hỗ trợ gạo.

Vòng tay yêu thương

Hiểu được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của anh Nay Tri, Công an huyện Krông Pa đã lên phương án giúp đỡ. Thông qua gia đình, cơ quan Công an đã chủ động liên lạc, hướng dẫn Nay Tri cách thức để trở về Việt Nam. Theo sự hướng dẫn, hỗ trợ này, đến ngày 27/7, Nay Tri đã trở về địa phương an toàn.

“Về đến cửa khẩu, tôi được cán bộ cho 1 triệu đồng để có tiền đi xe, chi phí trở về nhà. Trước khi về, tôi có động viên những người ở cùng hãy quay về nhưng họ không nghe, họ vẫn còn mê muội với những lời lừa phỉnh của Ksor Non”, anh Nay Tri chia sẻ.

Công an huyện Krông Pa và chính quyền xã Đất Bằng đã động viên, tháo gỡ giúp Nay Tri sớm hòa nhập, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chính quyền xã Đất Bằng đã hỗ trợ cho gia đình Nay Tri 50kg gạo. Ông Rô Krik - Chủ tịch UBND xã Đất Bằng cho biết: Gia đình Nay Tri có 5 con, đứa lớn nhất 20 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi thuộc diện hộ cận nghèo. Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào 8 sào đất trồng mì và nuôi 2 con bò.

Địa phương cũng đã hỗ trợ cho gia đình anh Nay Tri 3 con bò giống trị giá 37 triệu đồng, lắp nước máy sinh hoạt và trang bị Wifi miễn phí cho gia đình. Đây là chính sách hỗ trợ thực hiện dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trung úy Cù Trung Hùng - Cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Krông Pa cho hay: giờ thì anh Nay Tri chỉ an tâm lao động sản xuất để thoát nghèo, đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ chung của địa phương.

Trung tá Mai Văn Năng - Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa thông tin: “Những năm qua, bọn phản động lưu vong liên tục thông qua mạng xã hội tung tin, tác động vào một bộ phận quần chúng còn khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí thấp, nhất là số thanh niên người dân tộc để dụ dỗ, chỉ dẫn xuất cảnh trái phép sang Thái Lan, Campuchia nhằm gây rối loạn tình hình trong nước.

Sau đó, các đối tượng xúi giục, bắt buộc họ tham gia các tổ chức phản động, xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống tình hình trong nước, ở địa phương họ sinh sống hoặc bị ép buộc vào các nhóm lừa đảo công nghệ cao. Những hành vi này cần phải bị lên án, bị xử lý nghiêm khắc; cộng đồng nhân dân tiến bộ cả trong và ngoài nước cần cảnh giác và đấu tranh bài trừ”.

Chí Hào

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文