“Người đuổi gió” trên đỉnh Cu Vơ

08:25 03/05/2023

Cách đây 20 năm, vùng đồi núi Cu Vơ, xã rẻo cao Hướng Linh, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) không một nóc nhà định cư sinh sống. Quanh năm, ở đó chỉ có gió chướng với thỉnh thoảng mưa rừng. Song khoảng 10 năm lại đây, ở lưng chừng các sườn núi này lần lượt mọc lên những ngôi nhà sàn rất đẹp.

Sự đổi thay ấy được mang lại bởi trí óc và sự lao động cần mẫn của một nông dân Vân Kiều. Tên ông là Hồ Văn Thương, bà con ở đây thường gọi ông bằng cái tên khác: “Người đuổi gió” để thể hiện tấm lòng biết ơn, sự trân trọng và ngưỡng mộ ông.

Bà con Vân Kiều ở bản Cu Vơ kể lại, cách đây 20 năm, họ sinh sống ở bản Miệt bên sông Rào Quán thuộc xã Hướng Linh. Tuy nhiên, năm 2003, tỉnh Quảng Trị tổ chức xây dựng công trình thủy lợi - thủy điện trên con sông này nên người dân ở đây được bố trí tái định cư tại các vùng đất Hoong Cóc và Xa Bai cách đó nhiều cây số. Riêng ông Thương không theo bà con về nơi ở mới, ông ngược lên vùng đồi núi Cu Vơ khai hoang, định cư sinh sống.

Ông Hồ Thương bên cánh rừng trẩu xanh tốt.

Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó hẳn với Cu Vơ, ông Thương mới thực sự nhận ra mình không lường hết trước được những khó khăn, thách thức do sự khắc nghiệt của thời tiết gây ra. Nhớ lại lúc đó, ông Thương bộc bạch: “Sau chưa đầy một năm lên ở hẳn đây, gia đình mình đã bị thiệt hại gần 100 con trâu, chúng bỗng dưng bị bệnh rồi chết hàng loạt. Cũng vào thời điểm này, lâm trường Hướng Hóa tiến hành khoanh nuôi rừng tái sinh và trồng ở một số khu vực trên đỉnh Cu Vơ. Nhiều người bảo đàn trâu của gia đình mình chết là do bị người của lâm trường này bỏ thuốc độc vì sợ chúng phá rừng. Vì thế, mình không khỏi hoang mang và hoài nghi. Song, sau nhiều đêm nghĩ lại và đi hỏi những người tốt bụng, mình xác định được nguyên nhân trâu bị chết là do thời tiết khắc nghiệt. Chúng bị đói, rét; sức đề kháng suy giảm dẫn đến bị bệnh và chết”.

Đường lên Cu Vơ ngày ấy chỉ là lối mòn vắt qua đỉnh núi, quanh co hiểm trở bởi một bên vách núi cao, một bên là vực thẳm. Vào những lúc thời tiết giao mùa, ông Thương hay ra ngồi ở phiến đá lưng chừng con dốc nhìn về làng cũ. Lúc ấy ông nhớ lắm ngôi nhà cũ dưới chân núi bên sông, nhớ về cuộc sống yên bình nơi bản làng mà gia đình ông đã gắn bó qua nhiều thế hệ. Những lúc gặp khó khăn, ông cũng đã đôi lần quay về tha thẩn nơi bản cũ bên con sông ấy. Nhưng rồi một ngày kia ông bỗng nhìn thấy cây trẩu nở hoa trên đỉnh Cu Vơ bấy lâu trọc trụi mà cảm thấy như tìm được phép màu.

“Hoa trẩu làm tôi lóe lên ý nghĩ trồng rừng, bởi ở nơi mà rừng lên xanh được thì chắc chắn sự sống cũng sẽ sinh sôi. Thế rồi tôi tình nguyện làm bảo vệ rừng cho lâm trường Hướng Hóa và tích cực trồng cây trẩu”, ông Thương trầm ngâm nhớ lại và giải thích thêm, ở đây chỉ có loài cây trẩu mới chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, mới lớn kịp nhanh thành rừng để giữ đất, giữ nước, tỏa bóng mát vào mùa hè và đặc biệt là có đủ sức để ngăn chặn, xua đuổi gió chướng vào mùa đông.

Kể từ đó, ngoài việc giữ rừng, năm nào ông Thương cũng tranh thủ trồng thêm cây trẩu. Rừng Cu Vơ đã trả ơn người tận tâm chăm sóc, sản sinh và giữ gìn những dòng nước xanh mát quanh năm. Suy nghĩ của ông Thương về làm kinh tế cũng thay đổi kể từ khi xác định kẻ gây khó khăn cho ông chính là gió chướng. Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào đàn trâu, ông bắt tay khai hoang hơn 0,5ha ven rừng để trồng lúa. Cách làm lúa nước của ông Thương cũng có sự tính toán khác với bà con Vân Kiều trong vùng, ông chỉ gieo cấy lúa một vụ, thu về khoảng hơn 3 tấn thóc để đủ lương thực, thời gian còn lại ông dẫn nước từ khe suối vào ruộng để nuôi cá và đây cũng là cách ông không khai thác quá mức để đất bị bạc màu, nguồn nước bị cạn kiệt.

Nói về các khu tái định dành cho người dân bản Miệt năm xưa, sau khi thấy ông Thương có cuộc sống ngày càng ổn định trên đỉnh Cu Vơ, hàng chục gia đình đã rời những khu tái định chật hẹp ấy để ngược lên Cu Vơ như một miền đất hứa. Vậy là, Cu Vơ - ngọn đồi hoang hiểm trở và khắc nghiệt năm xưa giờ đây đã là làng của 88 hộ dân. Những ngôi nhà ẩn mình dưới tán cây trẩu xanh tốt bên cánh rừng đã sinh sôi sự sống mãnh liệt. Khu rừng trẩu và cây bản địa không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn cung cấp nước để nhiều gia đình chăn nuôi và trồng lúa nước, nuôi cá. Ngôi nhà của ông Thương bây giờ một phía là rừng, còn lại ba phía là cây trẩu. Ông vẫn duy trì đàn trâu 60 con, mỗi năm cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng.

Ông Thương thường bảo với mọi người, nhất là bọn trẻ, với Cu Vơ mùa hè và mùa đông vẫn khắc nghiệt, vẫn mang theo gió chướng nhưng bằng công việc trồng cây, giữ rừng kiên trì từ năm này sang năm khác, ông cùng với mọi người đã “đuổi” được gió chướng lên cao để sinh sống. Mọi người phải nhắc nhở nhau về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, phải biết ơn từng gốc cây đã góp phần xua đuổi những mùa gió chướng càn quét qua bản làng.

Thanh Bình

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文