Người kể chuyện biệt động Sài Gòn
Trong vai nữ sinh trường Trưng Vương, Trần Thị Lệ Thu (bí danh Thu Bà Điểm) thướt tha với tà áo dài trắng, len lỏi trên khắp đường phố truyền thư, vận chuyển vũ khí, phục vụ những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” vào các cơ quan đầu não của địch. Thanh xuân hiến dâng cho những nhiệm vụ cao cả thiêng liêng của cách mạng, khi tuổi đời xế bóng, bà trở thành nhân chứng lịch sử, làm người kể chuyện biệt động Sài Gòn…
Nuốt thư để bảo toàn bí mật
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn trước Mậu Thân 1968, bà Trần Thị Lệ Thu làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn – Gia Định, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Vào một ngày cuối tháng 1 năm 1968, tại quán phở Bình (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP Hồ Chí Minh), chỉ huy Tư Chu giao cho bà Thu một lá thư mang tới xóm lao động nghèo gần khu vực chợ Hòa Hưng để gặp ông Năm Hà (Lê Nam Hà – Trưởng phòng Quân báo Quân khu). Nhận thư xong, bà Thu đi xuống cầu thang nép vào một góc kín mở ra xem theo nguyên tắc hoạt động bí mật của chính mình, nếu lỡ gặp chuyện không may thì bà sẽ nuốt vào bụng tiêu hủy, bà vẫn còn nhớ nội dung trong đầu để truyền đạt lại cho người nhận.
Ra đường, bà Thu gọi một chiếc xích lô đi đến đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) rồi đi thẳng đến ngã tư Sài Gòn (nay là ngã 6 Dân Chủ). Lúc này, cảnh sát, lưu động, biệt động quân của ngụy quyền và tai mắt cảnh sát lên đến hàng trăm người. Lệ Thu thấy tình hình không ổn, nếu bị phát hiện, chúng chặn xe lại khám xét thì chắc chắn không thể thoát. Ngay lúc đó, bà cúi đầu xuống, lấy tay che miệng và nhét lá thư vào miệng nuốt chửng.
Xử lý xong tài liệu, bà Thu nhẹ nhàng lướt qua nhiều trạm kiểm soát, vô tư như một thiếu nữ đang đi dạo chơi phố. Đến hẻm Lê Văn Duyệt, bà Thu đứng cạnh số nhà 499/20 là Garare mang tên Tự Lực của ông Dương Văn Đức, một cơ sở cách mạng, bà Thu gặp ông Năm Hà.
Garage của ông Đức nằm trong xóm lao động nghèo. Ở đó, có những công nhân đang chăm chỉ sửa chữa xe ôtô. Bà truyền tin cho ông Năm Hà, rằng cấp trên giao ông Năm đến Garage nhận bảy người anh em (họ đều là chiến sĩ biệt động) để chuẩn bị đánh Tổng nha cảnh sát vì lý do anh em ở Đội 7 của đồng chí Ba Phong (Đỗ Tấn Phong – Cụm trưởng Biệt động 6 -7 -9) không đánh sân bay Tân Sơn Nhất do vũ khí bị gỉ sét.
Ông Năm Hà nghe xong hỏi người giao liên: “Thư đâu ?”. Bà Thu nhanh nhẹn trả lời: “Tôi nuốt rồi”. Ông Năm bất ngờ hỏi: “Sao lại nuốt”. “Nếu tôi không nuốt là chú bị bắt trước tiên, rồi bảy người kia cũng bị bắt luôn”. Ông Năm Hà hiểu ra vấn đề, gật đầu im lặng.
Sau Tổng tiến công Mậu Thân, Lệ Thu tiếp tục được giao đến Garage của ông Dương Văn Đức nhận cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị lạc đơn vị bị đưa về các đơn vị hậu cần ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh.
Ở Garage Tự Lực, ông Dương Văn Đức rất khéo ngụy trang. Dưới vỏ bọc ông chủ Garage sửa xe, cung cấp phụ tùng máy móc cho các loại xe ôtô ở khu vực Sài Gòn, ông Đức tạo được uy tín cũng như sự tin tưởng của quan chức chính quyền Sài Gòn. Những lần bà Thu tới nhận chiến sĩ, bà thường thấy lính Việt Nam Cộng hòa đi đầy đường, nhiều sĩ quan chỉ huy thường xuyên lui tới Garage hỏi thăm, chuyện trò, đàm luận chuyện xe cộ và tuyệt nhiên không có bất cứ mối hoài nghi nào về nơi đang nuôi giấu những người lính biệt động.
“Núm ruột” nuôi dưỡng cách mạng
Ông Dương Văn Đức lúc nào cũng mang một tác phong đĩnh đạc của một thương gia giàu có, hào phóng và có lòng yêu thương giúp đỡ người lao động nghèo khó.
Ông Đức không chỉ bao bọc, che chở cho chiến sĩ biệt động an toàn khi hoạt động trong nội thành mà còn là “núm ruột” nuôi dưỡng cách mạng, đường dây nối liền các tổ chức cách mạng của Đảng được gây dựng trong thời kỳ chiến đấu gay go, quyết liệt.
Từ năm 1963, ông bắt liên lạc với lực lượng biệt động Sài Gòn thông qua đồng chí Trần Văn Lai, cán bộ biệt động Sài Gòn trong vỏ bọc tư sản, nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, để nhận duy tu bảo dưỡng xe ôtô... Đồng chí Trần Văn Lai đã hướng dẫn ông Đức dùng văn phòng và căn nhà sát bên 499/20A Lê Văn Duyệt để cho cán bộ cách mạng ra vào thành phố đến gặp nhau, liên lạc thông qua việc đưa xe đã sửa chữa xong chạy thử trong đô thành và một số tỉnh lân cận.
Ông Đức đã trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng, giữ gìn các phương tiện phục vụ công tác bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của lực lượng biệt động Sài Gòn. Ông đã nghĩ ra sáng kiến cải tạo, thiết kế các xe Citroen có hai đáy nhằm ngụy trang chứa vũ khí, thư từ, tài liệu, thuốc men... để biệt động Sài Gòn sử dụng vận chuyển an toàn từ nội thành Sài Gòn ra chiến khu và ngược lại.
Là người gắn bó với Garage của ông Đức lâu nhất, ông Lê Văn Thương, 76 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh khi ấy là một thanh niên mười chín đôi mươi, chăm chỉ sửa xe và làm những việc ông Đức giao phó. Lâu dần, ông Thương nhận ra có điều gì đó khác lạ trong Garage này nhưng không dám lên tiếng hỏi ai, ông làm việc chuyên cần trong vai một người thợ sửa chữa ôtô và lặng lẽ quan sát những chiếc xe lạ được mang đến Garage sửa chữa. Trong đó, chiếc xe mang số hiệu NCE.345, khi thợ làm đồng, có hàn cắt hai bên thùng phía sau làm hai hộp bên trong, cộng thêm một hộp phía dưới khung sườn.
Chiếc còn lại là Hino Pickup mang số hiệu EC – 6045 được cắt sửa, thiết kế thành thùng xe 2 đáy. Lúc này, ông Thương mới hỏi ông chủ Dương Văn Đức, vốn là anh em dì ruột của mình về hai chiếc xe có hộp bí mật kia. Ông Đức dặn ông Thương tuyệt mật giữ kín, việc ai người đó làm. Ông Thương nhận ra nhiệm vụ đặc biệt của anh Hai Đức trong Garage nên tự mình tâm niệm chỉ có “sống để bụng, chết mang theo” bí mật này.
Chính nơi đây, ông Đức thường xuyên giữ 2 chiếc xe ôtô là phương tiện phục vụ vận chuyển người và vũ khí của cơ sở cán bộ biệt động A30 Trần Văn Lai, cơ sở phục vụ cho mục tiêu Dinh Độc Lập.
Hai chiếc xe này với đồng chí Trần Văn Lai – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị biệt động Đội 5 đã đi vào lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Vào năm 1974, trong một lần gặp lại ông Dương Văn Đức, ông Thương đã hỏi về tình hình chiến sự. Ông Đức không còn lạnh lùng, nghiêm khắc như thường thấy, mà nét mặt ông rạng rỡ đầy niềm tin, ông vỗ vai người em nói: “Sài Gòn sẽ giải phóng, chiến thắng sắp đến rồi”.
Trong niềm hân hoan của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, người ta mới giật mình nhìn lại Garage Tự Lực Dương Văn Đức, một địa chỉ “đỏ” của cách mạng tồn tại trọn vẹn và an toàn giữa lòng kẻ thù, giữa những trận đánh khốc liệt nhất, trong suốt thời gian dài chiến tranh.
Trở về thăm Garage khi cơm áo đời thường tạm lui, bà Lệ Thu tiếc nuối vì không còn gặp được ông chủ Dương Văn Đức nữa. Đau đáu với những việc còn dang dở, bà Thu đã nhận lãnh nhiệm vụ Trưởng Ban liên lạc đơn vị bảo đảm chiến đấu A20 –A30, F00 Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định.
Ở tuổi 73, người nữ biệt động năm xưa vẫn đang tích cực tìm kiếm các tài liệu lịch sử, các cơ sở từng tham gia cách mạng, đặc biệt là Garage Dương Văn Đức với mong muốn khôi phục và gìn giữ những giá trị lịch sử xứng đáng với công lao và máu xương của bao con người đã tận hiến cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.