Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa

Những “hạt giống đỏ” ươm mầm nơi đất thép (bài 2)

09:25 25/02/2023

Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà - mảnh đất thép đã trở thành nơi ươm mầm những “hạt giống đỏ” của Đảng, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho các tổ chức cơ sở Đảng, trong đó, đảng viên gương mẫu là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.

Trải qua gần 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền… tỉnh Khánh Hòa; sự quan tâm, giúp đỡ của Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, cán bộ, công chức, viên chức, quân và dân huyện Trường Sa đã luôn khắc phục khó khăn, phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển, xứng đáng là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tá Lương Tú Đa, cán bộ đảo Trường Sa Đông cho biết, sổ Đảng viên cũng được các tàu Hải quân vận chuyển đến đảo để phục vụ cho sinh hoạt chi bộ, đảng viên ghi chép đầy đủ các cuộc họp, triển khai công tác theo đúng điều lệ Đảng.

Quân với dân một ý chí

Trong hải trình dài 16 ngày, đêm đến thăm 4 đảo Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Trường Sa Đông, điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo Trường Sa.

Tại khu sinh hoạt chung của các hộ dân, đảng viên, Phó Chủ tịch thị trấn Trần Văn Hoàng và đảng viên Lê Duy Phương, công chức văn hoá xã hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Trường Sa đang trò chuyện với người dân về hoạt động chuẩn bị thu dọn sau lễ hội mùa Xuân. Bên ấm trà nóng, chàng trai thế hệ 9X Lê Duy Phương xúc động kể lại câu chuyện xung phong ra đảo công tác và quá trình bền bỉ 4 năm phấn đấu không ngừng để vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên đảo Trường Sa.

Đảng viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trường Sa, ông Lê Duy Phương (người ngồi đầu tiên bên trái ảnh) trò chuyện với PV và người dân sinh sống trên đảo.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Khánh Hoà, từ nhỏ, Lê Duy Phương đã quen với những con sóng biển, hun đúc tình yêu với biển đảo quê hương. Năm 2018, tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao, có cơ hội lập nghiệp ở đất liền nhưng Phương viết đơn tình nguyện xin ra đảo Trường Sa công tác. Biết tin, ông nội và bố, mẹ Phương băn khoăn, lo lắng, sợ rằng với môi trường khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống trên đảo còn khó khăn, chàng trai trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong công tác và cuộc sống… Tuy nhiên, với quyết tâm và nghị lực của Phương đã thuyết phục được gia đình ủng hộ em ra đảo công tác.

Qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, nếm trải những cơn say sóng, ngay khi bước chân đến hòn đảo xinh đẹp, nơi được mệnh danh là thủ phủ, trái tim của cả quần đảo Trường Sa, Lê Duy Phương đã thấy ấm áp với sự đón tiếp nồng hậu của quân và dân nơi đảo tiền tiêu. Ở gia đình lớn thứ 2 này, có sự đoàn kết, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin vào Đảng, vào một tương lai tươi sáng cho Lê Duy Phương. Với ý chí phấn đấu, rèn luyện nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành một hạt nhân trong các phong trào của đảo, cống hiến sức trẻ cho cách mạng, cho công cuộc xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa, sau 4 năm, ngày 21/2/2022, quần chúng Lê Duy Phương đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Anh Lê Duy Phương trải lòng: “Là người con đất Việt, tôi mong muốn được công tác tại đảo Trường Sa, cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vinh dự được kết nạp ngay trên đảo Trường Sa thật thiêng liêng, niềm tự hào này không phải ai cũng may mắn có được. Lời tuyên thệ ở đảo tiền tiêu tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời mình, nguyện tiếp tục cống hiến, hy sinh cho Đảng. Năm nay là năm thứ 5 công tác ở đảo nhưng tôi chưa năm nào ăn Tết ở nhà với gia đình. Giờ phút giao thừa nhà nhà sum họp đoàn viên nhưng trong khoảnh khắc của năm mới, được hoà mình với quân và dân đón Tết nơi đảo tiền tiêu cũng rất đặc biệt, thiêng liêng. Tôi mong góp phần bé nhỏ, cùng quân và dân đảo Trường Sa giữ yên biển, trời quê hương, cho đất nước đón mùa Xuân mới yên vui…”.

Không chỉ ở đảo Trường Sa mà ở một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa có rất nhiều quần chúng là công chức, viên chức, người dân đã luôn đồng hành, sát cánh cùng các chiến sĩ, quân nhân, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trở thành “nguồn” của Đảng, được kết nạp Đảng, bổ sung đảng viên cho các Đảng bộ, chi bộ Đảng ở đảo, điểm đảo thêm vững mạnh.

Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải với các cháu thiếu nhi.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa chia sẻ: Công tác xây dựng, phát triển Đảng ở huyện đảo Trường Sa cơ bản cũng như ở đất liền. Tuy nhiên, do địa bàn đặc thù tuyến đầu nên có điểm khác nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, điều lệ Đảng, có sự linh hoạt, gắn sát với thực tiễn công tác, sẵn sàng chiến đấu nơi đảo tiền tiêu. Quan trọng là xác định nguồn đối với quân nhân ngay từ bờ, trước khi ra đảo, nhất là đối với chiến sĩ. Huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà (qua Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) xác định nguồn đối với quần chúng là người dân. Việc bồi dưỡng nguồn lấy tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc là điều tiên quyết. Ngoài ra, công tác chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật cũng là tiêu chí quan trọng. Việc xác minh lý lịch chính trị và các thủ tục hành chính Đảng chủ yếu là ở trong đất liền nên yêu cầu với các Đảng bộ, chi bộ phải chủ động, kịp thời, chất lượng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bởi đặc thù việc xét kết nạp ở đảo nhưng quyết định kết nạp lại ở đất liền, nhiều nội dung phải thông qua cơ yếu mã, dịch điện và thông tin để báo cáo…

“Những “hạt giống đỏ” của Đảng được “ươm mầm” nơi đất thép, nơi đầu sóng ngọn gió đã góp phần cùng quân và dân cả nước nói chung, cùng quân và dân huyện Trường Sa nói riêng, xây dựng huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải nhấn mạnh thêm.  

Mệnh lệnh từ trái tim “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân ”

Trải qua quá trình phấn đấu bền bỉ, nghị lực vươn lên trong điều kiện khó khăn, gian khổ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp mà chúng tôi gặp ở huyện đảo Trường Sa như những viên ngọc được mài giũa, toả sáng giữa muôn trùng khơi. Gác lại những riêng tư, sự hy sinh thầm lặng của họ và các lớp lớp cán bộ, đảng viên cũng như hậu phương ở quê nhà, ở huyện đảo không thể nói hết bằng lời, tất cả vì độc lập, chủ quyền tự do của Tổ quốc và thật đáng trân trọng.

Thượng úy Hoàng Văn Thông ( người ngồi thứ 3 bên phải ảnh) cùng chiến sĩ đảo An Bang đọc báo, sinh hoạt chính trị dưới cột mốc chủ quyền

Chúng tôi gặp đảng viên, Thượng úy Hoàng Văn Thông trên tàu Hải quân 561 vào thời khắc những ngày sắp kết thúc năm 2022, khi anh đang cùng CBCS đảo An Bang chuẩn bị vật chất cho chuyến vào đảo công tác. Nói đến đảo An Bang không chỉ cánh phóng viên mà cả những CBCS đã có nhiều năm kinh nghiệm di biển cũng phải ngại vì đây là một trong những đảo khó vào nhất trong hải trình đến các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa. Khó khăn, khắc nghiệt là vậy nhưng cách đây 11 năm, Thượng úy Hoàng Văn Thông khi ấy là binh nhất đã nhận nhiệm vụ công tác tại đảo An Bang.

Trao đổi với PV, Đại uý Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang cho biết: “Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đảo, đồng chí Thông đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đồng đội quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết cùng với truyền thống cách mạng của quê hương xứ Nghệ, đồng chí Thông đã không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận thành tích và sự cống hiến, phấn đấu của đồng chí Thông, Chi đoàn đảo An Bang đã giới thiệu với Chi bộ xây dựng nguồn phát triển Đảng. Ngày 1/12/2011, đồng chí Thông được kết nạp vào Đảng ở Chi bộ đảo An Bang. Đó là kết quả của sự rèn luyện bền bỉ, phấn đấu học tập, vượt qua bao khó khăn, thử thách, không ngừng vươn lên của người chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió…”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, chị Nguyễn Thị Hoa, vợ Thượng uý Hoàng Văn Thông gắn bó với nhau từ thời “thanh mai trúc mã”. Hai lần vượt cạn, năm 2017 và 2021, thì cả 2 lần chị Hoa đều không có chồng bên cạnh. Năm 2017, khi chị sinh con gái đầu lòng thì 14 tháng sau anh Thông mới được nghỉ phép về thăm gia đình. Bế con khi con đã biết đi lẫm chẫm, giây phút sum họp của gia đình họ là những giọt nước mắt xúc động của bao ngày xa cách, của hạnh phúc đoàn viên. Năm 2021, khi đất nước đang trong đại dịch, chị Hoa sinh hạ con trai thứ 2 và không may bị mắc COVID- 19. Em bé sau khi sinh xong phải tách mẹ ra nuôi lồng kính, xa vòng tay hơi ấm của cả mẹ và bố. Hai tháng sau, em bé và lần lượt các thành viên trong gia đình anh Thông phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19.

Đó là những ngày tháng khó khăn của gia đình anh Thông nhưng họ không hề lẻ loi. Ở đảo xa, khi anh Thông vẫn chắc tay súng, giữ biển trời thì vẫn luôn có chỉ huy và đồng đội động viên, ở quê nhà, với sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại, bà con chòm xóm, gia đình nhỏ của anh chị đã vượt qua được mọi khó khăn. Bé trai sinh ra được đặt tên là Hoàng Quý Bình với ý nghĩa trân trọng và thấu hiểu được giá trị của hoà bình cho đất nước, trong đó, có sự hy sinh vô bờ bến của CBCS Hải quân và hậu phương của họ.

Thiếu tá Lương Tú Đa (người ngồi thứ 4 bên trái ảnh) vui đón Tết Quý Mão 2023 cùng phóng viên Báo CAND và chiến sĩ đảo Trường Sa Đông

Một câu chuyện chúng tôi được nghe trong chuyến đi thực tế đó là trường hợp của đảng viên, Thiếu tá Lương Tú Đa, cán bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Đông. Nhiều năm trước, khi Thiếu tá Lương Tú Đa đang công tác tại đảo thì nhận được tin bố mất ở quê nhà. Nhận tin mà không thể về nhà chịu tang, giờ phút đau đớn ấy, được đồng đội bên cạnh sẻ chia anh đã vơi bớt đi sự mất mát. Nén nỗi đau, anh vẫn cùng đồng đội sát cánh, chắc tay súng, bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi đến đảo Trường Sa Đông đúng vào ngày mùng 1 Tết Dương lịch 2023, Thiếu tá Lương Tú Đa khi ấy vừa từ bờ ra đảo nhận nhiệm vụ mới, tất bật nhận quà Tết cho đơn vị. Cầm quyển sổ Đảng viên còn thơm mùi mực mới, Thiếu tá Đa cho biết, mỗi đảng viên ở đây dù xa đất liền nhưng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đều được triển khai tới Chi bộ kịp thời và sổ Đảng viên cũng được các tàu Hải quân vận chuyển đến đảo để phục vụ cho sinh hoạt chi bộ, đảng viên ghi chép đầy đủ các cuộc họp, triển khai công tác theo đúng điều lệ Đảng.

Những tấm gương sáng về quần chúng ưu tú, những đảng viên là “hạt giống” nơi đất thép đã chứng minh rằng, khi Tổ quốc cần, khi Đảng gọi, khi nhân dân yêu cầu, CBCS Hải quân đã sẵn sàng gác lại riêng tư của gia đình mình để bảo vệ sự bình yên cho đất nước, đó là điều hạnh phúc, là mệnh lệnh từ trái tim “Bộ đội Cụ Hồ - Người Chiến sĩ Hải quân”, bộ đội của nhân dân. Và cũng chính môi trường công tác còn nhiều khó khăn, gian khổ, huyện đảo Trường Sa trở thành cái nôi cách mạng để mỗi quần chúng, đảng viên được phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, vững tin vào tương lai, vào sự phát triển cường thịnh của đất nước.

Mỗi thành tích, chiến công của huyện đảo đều gắn liền với thành tích, chiến công của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, đặc biệt là Lữ đoàn 146, góp phần tô thắm, làm ngời sáng thêm lịch sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Anh hùng…Huyện đảo Trường Sa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2022); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Lao động các hạng Nhì, Ba. Nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân như: Đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa); đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây) và đảo Nam Yết (xã Sinh Tồn). Hai cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân là Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương và Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông…

Anh Hiếu (Còn nữa)

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文