Những nụ cười nương rẫy

11:41 20/11/2021

Tây Nguyên bắt đầu vào vụ cà phê, giá cà phê năm nay tăng ngay từ đầu vụ thu hoạch khiến nhiều người mừng vui và nở nụ cười trên nương rẫy.

Rộn ràng vào vụ

Cũng như mọi năm, thời điểm này, lượng người hái cà phê ở nhiều nơi đổ về các tỉnh Tây Nguyên rất đông. Vụ thu hoạch chỉ kéo dài hơn 1 tháng và đó cũng là khoảng thời gian để nhiều người tranh thủ làm công và có nguồn thu nhập đáng kể.

Niềm vui của những người thu hoạch cà phê.

Ông Đặng Thanh Trung (47 tuổi), chủ vườn cà phê ở huyện Ia Grai “đánh” chiếc công nông đầu dọc, chở theo trên xe là gần 10 người làm công vào rẫy cà phê hơn 4ha của mình. Trên đường đi, rất nhiều chiếc công nông, hay xe tải nhỏ cũng chở theo rất nhiều người hăm hở vào nương rẫy, nơi những rừng cà phê đang đỏ ối chờ thu hoạch.

Ông Trung bộc bạch: “Nhiều người ở đồng bằng mới lên Tây Nguyên tưởng rằng làm cà phê dễ ăn hơn làm lúa. Thì cứ đến kỳ thu hoạch lại vào vườn hái quả sau đó cân cho đại lý, lấy tiền, nghe thì dễ nhưng để có được thành quả ấy nhà vườn đã đổ mồ hôi không ít, họ cũng sớm khuya vất vả không thua kém người trồng lúa. Một năm lao động vất vả chỉ trông chờ vào một vụ thu hoạch. Nếu thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh, thiếu nước... thì tiền công đầu tư cả trăm triệu cho mỗi ha cà phê sẽ đổ sông đổ bể”.

Công việc hái cà phê khá vất vả, đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật.

Ông Trung tính sơ sơ với mỗi ha cà phê, tiền phân bón, tiền thuốc bảo vệ thực vật, tiền công bón phân, mấy đợt làm cành, làm cỏ, phun thuốc và hái cà phê cũng ngốn gần 100 triệu đồng cho mỗi vụ. Vụ mùa năm nay, với hơn 4 ha cà phê, ông Trung đã đầu tư gần 400 triệu đồng. Sản lượng cà phê của ông ước lượng cũng được khoảng 3,5 tấn cà phê nhân/ha.

Không chỉ tại Ia Grai, hay huyện Chư Păh (Gia Lai) các huyện Đăk Hà, Đăk Tô...(Kon Tum), hay các vùng Cmga, Ea Hleo... (Đăk Lăk), Đăk Min (Đăk Nông)... đều là những vùng chuyên canh cà phê lớn, với sản lượng cao của vùng Tây Nguyên. Hàng triệu hộ gia đình trồng cà phê như của ông Trung cũng đang tất bật cho vụ thu hoạch sau một năm trời đầu tư, chăm bón.

Ông Trung với những người công nhân hái cà phê của mình.

Tại Đăk Hà (Kon Tum) và khoảng thời gian đầu tháng 11, khi những vườn cà phê đã có quả chín trên cây khoảng 60-70% là có thể cho thu hái. Nhà vườn nào cũng chuẩn bị hơn chục chiếc bạt lớn, loại bạt dài 4-5 mét và ba bốn chục chiếc bao (loại trên 50 kg) để hái cà phê. Ông Vũ Văn Thành, chủ vườn cà phê cũng vừa thuê 6 nhân công, cùng với 4 người trong gia đình ông tổng cộng là 10 người hái cà phê.

Bữa cơm đạm bạc của những người hái cà phê, cả chủ vườn và công nhân thu hái đều ăn chung không phân biệt.

Với nhiều người, việc hái cà phê tưởng chừng đơn giản, nhưng không hẳn như vậy. Những người không quen chỉ tuốt chừng vài cây đã mỏi nhừ các ngón tay, bị các mắt cây cào xước, hoặc bị côn trùng như kiến lửa, rắn… trên cây tấn công. Chưa hết, khi thu hái cà phê cũng cần làm rất cẩn thận, tránh làm gãy những cành sẽ cho quả mùa sau. Khi hái xong một vài cây, tùy vào lượng quả cà phê trong bạt nhiều hay ít, việc kéo bạt sẽ nặng thì người hái cà phê sẽ mang ra trút bao. Việc đóng và khâu miệng bao đã có người khác làm. Ông Thành cho biết, nhiều vườn cà phê có năng suất cao, chỉ cần hái 2-3 cây là đã đầy 1 bao, loại bao 50 kg được tận dụng từ những bao phân hóa học, giặt sạch, phơi khô và sử dụng.

Những nụ cười nương rẫy

5 tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 577.000 ha cà phê (chiếm hơn 90% diện tích cà phê của cả nước). Cây cà phê là một trong số ít những cây trồng chủ đạo của người dân Tây Nguyên, cùng với hồ tiêu, cao su. Cà phê Tây Nguyên hiện được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (sau Brazil), tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Thành quả sau cả năm trời chăm sóc cây cà phê.

Mùa gió chướng về, cũng là lúc bạt ngàn cà phê Tây Nguyên vào vụ thu hoạch. Có những vùng sớm hơn 5- 7 ngày, nhưng tựu chung lại mùa thu hoạch chỉ kéo dài hơn 1 tháng. Từ cuối tháng 10 tới đầu tháng 12 là thu hoạch xong. Theo thống kê, giá cà phê đầu tháng 11-2021, tại các vùng trồng trọng điểm trong nước giá cà phê trong khoảng 40.300 - 41.200 đồng/kg, ổn định hơn so với các niên vụ trước.

Cà phê được giá, người trồng cà phê cũng mừng vui, người hái cà phê cũng sung sướng bởi tiền công nhận được có thể cao hơn chút đỉnh. Ông Trung cho biết, cứ 1 bạt là 2 người hái, hết cây này sẽ kéo sang cây khác. Công việc tiếp theo là có 1 người “nhặt gốc”, tức là khi có những quả cà phê rơi ngoài bạt, vương vãi trên nền đất sẽ cần một người đi sau để thu nhặt, tránh thất thoát. Người nhặt gốc đồng thời cũng là người khâu lại miệng bao, và xếp bao đã đầy cà phê vào đường luống ở vị trí cao ráo dễ nhận thấy nhất, để cuối buổi thu hoạch hoặc cuối ngày sẽ vác từng bao tới điểm tập kết, thường là những căn nhà trong rẫy.

Cà phê được chở về phơi khô, xay vỏ để bán nhân với giá cao hơn.

Có nhiều chủ vườn vào vụ thu hoạch đã làm việc với đại lý thu mua nông sản, nên đến chiều tối các đại lý này sẽ cho xe tải vào tận rẫy cà phê cân đong, hai bên ký nhận số lượng cà phê hái trong ngày, có thể trả tiền tại chỗ hoặc tổng kết vào cuối vụ thu hoạch. Với nhiều gia đình khác, họ sẽ không “bán tươi” ngay tại chỗ mà mang cà phê về nhà để phơi khô hoặc xay vỏ và bán cà phê nhân. Với cách thức này, giá sẽ cao hơn bán tươi nhưng cũng sẽ vất vả hơn vì công phơi phóng, cất ủ, xay vỏ cần sân bãi, cộng với đó là nhân lực và công nghệ nhiều hơn.

Một điều đặc biệt trong mùa thu hoạch cà phê, đó là công việc “trông vườn”. Ông Thành chia sẻ, khi cà phê được giá, sẽ có nhiều tình trạng kẻ gian vào vườn buổi tối hái trộm cà phê. Nhưng điều tai hại nhất đó là việc kẻ gian không thu hái cà phê theo cách đơn thuần như mọi người làm, mà họ sẽ bẻ cành, hoặc dùng kéo để cắt cành, khiến nhiều cây cà phê bị vạt hẳn một mảng lớn, ảnh hưởng rất lớn tới việc phục hồi, cải tạo để cho ra quả vụ sau.

Chính vì thế, việc trông vườn gần như là điều không thể thiếu với mỗi vườn cà phê khi vào vụ. Thông thường, mỗi gia đình sẽ có 1-2 người trông vườn, có thể nhiều hơn tùy vào diện tích vườn cà phê rộng hay hẹp. Những người trông vườn sẽ ở lại vườn vào ban đêm, thi thoảng đi tuần tra, sử dụng những chiếc đèn pin, đèn chiếu sáng công suất lớn, có thể chiếu sáng xa tới vài trăm mét…

Công việc nhặt gốc, tránh để rơi vãi những quả cà phê.

Năm nay, giá cà phê “tạm ổn” như cách nói của ông Trung, ông Thành, nên nhiều người cảm thấy mừng hơn, khi công sức một năm chăm trồng được đảm bảo hơn. Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê năm 1995 đến nay, người trồng cà phê Tây Nguyên đã qua nhiều cuộc “bể dâu” với những biến động do giá cả thất thường. Song đến nay cà phê vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong các loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, mang lại cuộc sống ổn định cho người trồng cà phê và tạo việc làm thu nhập khá cao cho người lao động. Làm cà phê vốn nhọc nhằn nhưng công việc này đã tạo ra việc làm và thu nhập cho hàng triệu người.

Năm nay cà phê được mùa, lại không mất giá, thêm một mùa vui với người nông dân Tây Nguyên.

Tiêu Dao

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文