Tết xưa trong cung đình Việt Nam

09:24 15/02/2024

Ngày Tết, triều đình phong kiến nước ta tiến hành hàng loạt nghi lễ phức tạp, nhưng tập trung vào hai mảng chính là tế và lễ.

Về tế, thì quan trọng nhất là vua tế trời đất, tế các thần kỳ và tế tổ tiên. Vua là “thiên tử” – con Trời, nên sẽ thay mặt trăm họ để tế trời, cầu mong một năm mới thái bình, no đủ…

Tết cung đình xưa có nhiều hoạt động ý nghĩa, truyền cảm hứng cho Tết Nguyên đán trong dân gian. Ảnh tư liệu

Nước ta cũng như các nước nông nghiệp Á Đông khác thờ các thần đất, thần mùa màng, nên đầu năm, vua cũng tế Xã Tắc. Sử sách nước ta để lại cho biết, từ thời nhà Đinh, ở kinh đô Hoa Lư, vua Đinh Tiên Hoàng đã “dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc”. Xã là nơi thờ Thần Đất, Tắc là nơi thờ Thần Nông. Xã tắc chính là nơi thờ thần chủ về nông nghiệp. Khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, đã lập đàn Xã Tắc ở phía Nam kinh thành, được xác định là vị trí ngã năm Ô Chợ Dừa. Theo Lê Quý Đôn viết trong sách “Kiến văn tiểu lục” thì các vua thời Lý, Trần, Lê hàng năm tế đàn Xã Tắc vào ngày lập xuân, lấy đó làm lễ Nghênh Xuân. Ngày Lập xuân (4 hoặc 5/2 dương lịch) thường rơi vào xung quanh ngày Tết Nguyên đán, nên đây cũng là một sự kiện quan trọng trong ngày Tết.

Cúng lễ tổ tiên là nghi thức quan trọng ngày Tết ở các nước Á Đông và theo Nho giáo. Nghi lễ này thời Trần được Lê Tắc kể lại trong “An Nam chí lược” là sáng mùng Một Tết, các vua Trần thường đến cung Trường Xuân, hướng về các lăng tổ tiên ở Thiên Trường phía Nam làm lễ vọng bái. Thời hậu Lê cũng giống nhà Trần, khi quê hương các vua ở Lam Sơn, Thanh Hóa, nên vua thường chỉ về cúng tế phần mộ tổ tiên lúc thư nhàn, còn ngày Tết, vua làm lễ vọng từ kinh thành mà thôi.

Sang đến thời Lê Trung hưng, thì trong các ngày Tết, các vua Lê cũng thực hiện nghi lễ cúng bái tổ tiên ngay tại điện Kính Thiên, rồi mới tiến hành nhận nghi thức chúc thọ của hoàng tộc và trăm quan. Điện Kính Thiên, thời Lê sơ vốn là nơi vua thiết đại triều, đến thời Lê Trung hưng, chính quyền nằm trong tay các chúa Trịnh, thì nghi lễ đại triều không còn nữa, điện chuyển thành nơi vua Lê thờ cúng tổ tiên. Trong các ngày Tết, Thái miếu, nơi thờ các vị vua trước và tổ tiên vua Lê Thái Tổ, cũng luôn đỏ đèn với các nghi lễ thờ phụng.

Các quan triều đình thực hiện nghi thức đại lễ trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh tư liệu

Tiếp đến là lễ tế trời đất, ở lễ tế đàn Nam Giao. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, đàn Nam Giao được ghi chép đầu tiên vào đời vua Lý Anh Tông, năm 1154. Sử sách có chép lại nhiều lần các vua tế Giao đầu xuân vào đời Lê, đời Hồ… Theo bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì “Lễ này là nghi lễ tôn nghiêm, long trọng nhất”. Các sử quan triều Nguyễn rất phê phán khi thấy thời Lê Trung hưng, các chúa Trịnh chèn ép vua Lê, vua không còn thực quyền, “nói về lễ nghĩa vua tôi đã đổ nát hết, chỉ có việc Nam giao tế trời là còn giữ được thân phận tôn ti mà thôi”, sách “Cương mục” chép vậy.

Do đó, vào ngày Tết năm Canh Tý 1600, đời vua Lê Kính Tông, lần đầu tiên sau khi vua Lê chiến thắng nhà Mạc, được chúa Trịnh phò tá về Thăng Long và tổ chức lễ tế Nam giao, sách “Cương mục” chép long trọng: “Mùa xuân, tháng Giêng, nhà vua thân hành đến làm lễ (hợp tế trời ở điện Chiêu sự, đàn Nam Giao). Chúa Trịnh Tùng đem trăm quan theo hầu để dự lễ bồi tế. Việc này người ta cùng truyền tụng là một điển lễ long trọng”. Trong khi đó, bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” do sử quan triều Lê dưới sự chỉ đạo của chúa Trịnh không chép chuyện này. Theo “Cương mục” thì nhiều lần trong thời Lê mạt, nhà vua đi tế Giao đúng ngày mùng Một Tết. Trong khi đó, sang thời Nguyễn, vua Gia Long sau khi lên ngôi tuy khẳng định “Tế trời là lễ lớn, sao có thể đơn giản được” và sai các quan Lễ bộ khảo kỹ lễ tế Giao, châm chước bàn định để thi hành, nhưng đến năm Gia Long thứ 6 (1807), mới chọn một ngày tốt trong tháng 2 để tế Trời. Thời điểm tiến hành lễ tế triều Nguyễn này đã xa dịp Tết Nguyên đán.

Thời nhà Nguyễn, nghi lễ tế tổ tiên được tiến hành rất phức tạp. Các miếu thờ các vị tiên tổ triều Nguyễn, từ Triệu miếu (thờ chúa Nguyễn Kim), Thái miếu (thờ các chúa Nguyễn), Hưng miếu (thờ thân phụ vua Gia Long), Thế tổ miếu (thờ các vua triều Nguyễn), điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua và hoàng hậu cho phép các bà trong cung được phép vào cúng lễ) đều đỏ đèn, dâng lễ suốt cả dịp Tết, với quy cách về cỗ bàn chặt chẽ. Bên cạnh đó, miếu Lịch đại đế vương (thờ các vua triều đại trước), miếu công thần, rồi các điện thờ vua đời trước đặt tại lăng vua… cũng đều được dâng cỗ cúng lễ long trọng.

Ngoài ra, triều đình còn có hàng loạt lễ tế các miếu, điện khác trong dịp cuối năm và đầu năm. Ngoài các lễ trong Tết như lễ Trừ tịch vào đêm cuối năm, lễ các ngày mùng Một, Hai, mùng Ba Tết, thì các miếu, điện thờ mỗi năm lại có bốn lễ tế Hưởng vào đầu bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Theo điển lễ từ Trung Quốc, các lễ tế Hưởng này diễn ra vào ngày mùng Một tháng mạnh (tháng bắt đầu quý). Ngoài ra, cuối năm, còn có lễ tế Hợp hưởng để báo cáo với tổ tiên các việc đã làm trong năm qua. Thời vua Minh Mạng, lễ này diễn ra ngày 15 tháng Chạp. Còn lễ Xuân hưởng, do ngày mùng Một là Tết, nên thời vua Gia Long đã quy định lấy ngày 8 tháng Giêng để tổ chức. Theo lệ cúng các miếu vua Minh Mạng điều chỉnh năm 1822, vào lễ tế Xuân hưởng, vua đến tế ở Thái miếu. Còn lễ Hợp hưởng cuối năm 1824, nhà vua làm lễ ở Thái miếu, và năm tiếp theo làm lễ ở Thế miếu.

Hoạt động dựng cây nêu trong hoàng cung triều Nguyễn ngày Tết. Ảnh tư liệu

“Cương mục" cũng cho biết, vào dịp Tết, các vua nhà hậu Lê đều cùng bá quan văn võ đến yết Thái miếu để ghi nhớ công ơn tổ tiên. Còn vào ngày đầu tiên của năm mới, các triều đại phong kiến nước ta đều có lễ vua ngự ra điện lớn cho các Hoàng hậu, phi tần, hoàng tử, vương hầu và trăm quan vào bái hạ, chúc thọ. Thời Trần, sáng mùng Một, vua ra điện Vĩnh Thọ cho con cháu và quan tướng làm lễ bái hạ. Vào dịp Tết, các vị vua Việt cũng thưởng tiền cho bề tôi hay dâng tiền lên Hoàng thái hậu. Tết Nguyên đán trong cung đình thời nhà Lê Trung hưng diễn ra ngắn gọn hơn. Lúc vua Lê còn có vai trò thì sáng mùng Một Tết, chúa Trịnh hoặc Thế tử (con trai cả của chúa) vâng lệnh chúa dẫn quan tướng mặc lễ phục vào chầu vua Lê, làm lễ chúc mừng năm mới, sau đó trở về phủ chúa chúc thọ chúa Trịnh, dự yến chúa đãi.

Sử triều Nguyễn cho biết, thường vào sáng mùng Một Tết, vua đến cung Diên Thọ lễ mừng Thái hậu, sau đó đến điện Thái Hòa nhận biểu mừng, các quan trong triều được ăn Tết đến khoảng mùng Bảy, tùy vào lịch ngày xấu đẹp do Khâm Thiên giám định trước. Trước đó, triều đình triển khai nhiều nghi lễ, từ lễ dựng nêu khoảng ngày 23 tháng Chạp, cho đến lễ Phất thức (kiểm kê, lau chùi, niêm phong kim sách, kim bảo – tức các loại ấn tín của triều đình) để chính thức nghỉ Tết. Trong thời gian từ lễ Phất thức cho đến lễ Khai ấn diễn ra vào ngày tốt đầu tháng Giêng, triều đình chính thức nghỉ Tết, các công sở đóng cửa. Tất nhiên, bên cạnh vua vẫn có các quan đại diện các Bộ, Viện chịu trách nhiệm trực Tết, và vẫn có ấn dự phòng để đóng khi cần thiết. Ngoài ra, từ thời vua Gia Long, lễ phong ấn cũng trùng hoặc sát ngày vua làm lễ ban lịch cho các quan và các địa phương. Đến năm 1806, lịch được vua ban từ ngày mùng Một tháng Chạp để tiện cho các địa phương đem về phổ biến trong nhân dân.

Còn ra năm mới, nhiều lần các vị vua tổ chức lễ cày ruộng Tịch điền đầu Xuân, với nghi lễ tế thần Tiên Nông. Tuy nhiên, triều Nguyễn dời lễ này sang tận tháng Năm. Sách nghi lễ triều Nguyễn viết: “Đầu mùa xuân duyệt binh để giảng việc võ; giữa mùa hạ cày ruộng Tịch điền để khuyến khích việc nông”. Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đầu Xuân, chỉ sau lễ khai ấn mấy ngày, “Vua mặc nhung phục ngự ở điện Càn Nguyên xem duyệt binh. Lệ duyệt binh bắt đầu từ đấy”.

Lê Tiên Long

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文