Tháng Tư trên quê hương Đại tướng Lê Đức Anh

11:52 30/04/2024

Nhiều năm trở lại đây, nhà văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh (ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, ghi nhớ lời dạy và học tập tấm gương của Đại tướng Lê Đức Anh, người dân ở vùng quê nằm bên con sông Truồi hiền hòa đã thi đua lao động, sản xuất, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong tiết trời hanh nắng của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm về làng Bàn Môn, xã Lộc An - quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh. Dọc hai bên tuyến đường bê tông dẫn vào nhà văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh là những căn nhà mái ngói đỏ tươi được xây dựng khang trang, phía trước cổng treo lá cờ Tổ quốc. Bên trong khuôn viên thư viện, những người thợ đang cần mẫn sửa chữa lại gian thư viện chính để phục vụ công tác trưng bày sách báo, tư liệu về Đại tướng.

Nhà văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở làng Bàn Môn, xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Qua tìm hiểu được biết, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được xây dựng và khánh thành vào đầu tháng 4/2012 có diện tích khoảng 4.000m2 gồm có nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn. Đặc biệt, tại thư viện hiện đang trưng bày gần 4.000 đầu sách thuộc các lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn học, nghệ thuật, triết học, địa lý cùng nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Đại tướng.

Chị Nguyễn Thị Ngân, cán bộ thư viện cho biết, sinh thời, Đại tướng xác định xây nhà văn hóa, thư viện để nhân dân đến đọc sách, báo, sinh hoạt chính trị, văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể dục, thể thao góp phần nâng cao kiến thức, giáo dục đạo đức, lối sống đẹp và sức khỏe. Vì thế, thư viện không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày số lượng lớn sách báo, tư liệu quý về Đại tướng mà nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”. Hiện nhà văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh là nơi được các trường học trên địa bàn huyện Phú Lộc chọn làm điểm đến cho các em học sinh để tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng, học tập theo tấm gương đạo đức của Đại tướng.

“Hằng ngày hoặc vào dịp cuối tuần, có rất đông học sinh đến thư viện tham quan, mượn sách báo để đọc, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Vào các dịp lễ lớn của đất nước, có rất nhiều cựu chiến binh, đoàn công tác của các đơn vị, cơ quan, Sở ngành và các trường tổ chức đến thư viện Đại tướng tham quan. Đặc biệt các em học sinh tại địa phương rất say mê đọc sách, tìm hiểu kiến thức từ những cuốn sách được trưng bày tại thư viện, đúng với tâm nguyện của Đại tướng khi xây dựng nhà văn hóa - thư viện này”, chị Ngân cho hay.

Đến thư viện tìm hiểu về lịch sử, thân thế sự nghiệp Đại tướng Lê Đức Anh, hầu hết học sinh đều rất háo hức khi được cán bộ thư viện giới thiệu về những đầu sách viết về Đại tướng. “Qua đọc sách báo, tư liệu tại thư viện em mới biết thêm Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước là nhà lãnh đạo tài ba có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Em quá đỗi tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên quê hương của Đại tướng. Ông chính là tấm gương sáng để chúng em nỗ lực học tập tốt, lao động tốt, sau này trở thành công dân có ích cho xã hội”, em Đặng Nguyên Bảo Nhi, lớp 10 trường THPT An Lương Đông chia sẻ.

Ghi nhớ, học tập lời dạy của Đại tướng Lê Đức Anh, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc An đã nỗ lực thi đua lao động, sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Để minh chứng cho điều này, Chủ tịch UBND xã Lộc An Trương Thanh Tín cùng một số cán bộ xã đã dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều thôn xóm ở Lộc An để thấy được sự “thay da đổi thịt” của làng quê nằm bên bờ sông Truồi.

Các em học sinh đến đọc sách tại thư viện Đại tướng Lê Đức Anh.

Dọc đường đi, ông Tín cho hay, những năm qua, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Đảng ủy, chính quyền và sự nỗ lực trong lao động sản xuất của nhân dân nên xã Lộc An đã có sự vượt bậc đáng kể trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đặc biệt trong năm 2023 vừa qua, kinh tế địa phương có bước tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Tổng giá trị sản xuất của toàn xã Lộc An ước đạt 1.514 tỷ đồng. Ngoài tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn với tổng 120 ha, năng suất lúa đạt 68 - 70 tạ/ha, nông dân ở xã Lộc An còn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp với hơn 156 ha rau màu và cây các loại cho năng suất ổn định, trồng rừng gỗ lớn 175 ha.

“Người dân còn chú trọng cải tạo vườn tược, trồng các loại cây ăn quả có giá trị như bưởi da xanh, dâu, thanh trà, mít, chuối, ổi lê cho thu hoạch sản lượng cao. Nông dân ở bên bờ sông Truồi đổi mới sản xuất, thực hiện trồng cây chè Truồi tạo ra sản phẩm nông sản mang thương hiệu địa phương. Chính nhờ thế mà thu nhập bình quân đầu người của các thành viên trong HTX đều đạt hoặc cao hơn 63,5 triệu đồng”, ông Hoàng Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Thành, xã Lộc An phấn khởi cho hay.

Nhờ quan tâm tạo sinh kế, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo ở xã Lộc An đã giảm qua từng năm, đến nay còn 2,01%. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, giáo dục cho con em trên địa bàn cũng được quan tâm, tạo điều kiện cho nhiều học sinh nghèo học giỏi được tiếp tục đến trường. Bình quân mỗi năm toàn xã Lộc An có gần 200 học sinh giỏi xuất sắc được các cấp khen thưởng.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết thêm, khắc ghi lời dạy của Đại tướng Lê Đức Anh, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực đoàn kết, ra sức thi đua lao động, sản xuất, trong đó chú trọng cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đầu tư nông nghiệp, phát triển các loại hình dịch vụ, ngành nghề và tiểu thủ công nghiệp, tạo cơ hội khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, từ đó giúp nhân dân nâng cao đời sống, mở rộng các mô hình sản xuất để góp sức xây dựng vùng đất quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh ngày càng trù phú, giàu đẹp hơn.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920, quê gốc ở xứ Truồi, thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là một nhà chính trị, nhà quân sự tài năng. Năm 1984, ông được thăng quân hàm Đại tướng và giữ các trọng trách của Quân đội như: Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (1986); Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987-1991). Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước. Đến tháng 4/2001, Đại tướng Lê Đức Anh nghỉ hưu và qua đời tại Hà Nội vào ngày 22/4/2019. Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.

Anh Khoa

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Cảnh sát trưởng Las Vegas Kevin McMahill ngày 2/1 thông tin, lực lượng chức năng đã phát hiện một tổ hợp gồm pháo hoa, bình xăng và nhiên liệu cắm trại trong thùng xe Tesla Cybertruck phát nổ trước cửa khách sạn Trump International, đồng thời ra một tuyên bố về chiếc xe này. 

Chiều  2/1, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện E thăm hỏi, động viên Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Tổ công tác Y19B-141H, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Ngày 2/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Sỹ Mạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với phạm nhân, trại viên, học sinh, nhất là đã triển khai phương án kịp thời, đảm bảo an toàn cho các phạm nhân trong cơn bão số 3, trong đó có 1 cán bộ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính mạng cho phạm nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文