Thiêng liêng lễ kết nạp Đảng ở Trường Sa (bài 1)
Thời khắc đặc biệt chào đón năm mới 2023, chúng tôi được hòa mình vào không khí sôi nổi của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân huyện đảo Trường Sa đang ra sức thi đua, rèn luyện, hăng say lao động, sẵn sàng chiến đấu, lập thành tích chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023).
Một mùa Xuân mới đang về trên quần đảo, nơi có những đảng viên, quần chúng ưu tú là tấm gương sáng ngời, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đưa Nghị quyết XIII của Đảng vào cuộc sống, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã và đang được chính quyền và nhân dân huyện đảo Trường Sa; Đảng bộ Vùng 4 Hải quân thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo.
Được công tác, rèn luyện ở địa bàn tuyến đầu là các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là vinh dự lớn, niềm tự hào; đồng thời cũng thể hiện phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của mỗi CBCS, quần chúng, người dân đang công tác, sinh sống ở đây. Khi mỗi đảo, điểm đảo kết nạp thêm một đảng viên mới là đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng vững mạnh, xây dựng các chi bộ, đảng bộ mạnh về chính trị - quốc phòng, vững về phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết nạp đảng giữa trùng khơi
Sau 16 ngày lênh đênh trên biển, binh nhất Lý Quý Cường, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã có mặt trên đảo Nam Yết - hòn đảo mà trước đây Cường chỉ biết qua đọc sách, báo, xem tivi. Đón em là những chỉ huy, CBCS trên đảo với nụ cười ấm áp, cái bắt tay rất chặt làm em nhanh chóng quên đi mệt nhọc sau chuyến hành trình trên biển.
Thiếu tá Mai Bá Tuấn, khi ấy là Chính trị viên đảo Nam Yết đã có những lời động viên, chia sẻ, quan tâm đến những binh nhất mới đến đảo công tác. Ngày đầu còn lạ lẫm với khí hậu và nếp sống trên đảo, được các thế hệ CBCS đi trước quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia, Lý Quý Cường đã nguôi dần nỗi nhớ gia đình, hăng say rèn luyện, học hỏi các tấm gương cán bộ, đảng viên trên đảo. Tháng 6/2006, sau 18 tháng phấn đấu, rèn luyện, binh nhất Lý Quý Cường đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Câu chuyện về binh nhất Lý Quý Cường, một tấm gương đảng viên sáng mà chúng tôi được nghe anh em CBCS kể lại trong hải trình đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào dịp công tác xuyên hai năm 2022-2023 đã thôi thúc tôi tìm gặp đảng viên Lý Quý Cường. Nhân duyên khi đến đảo Trường Sa, chúng tôi đã gặp được nhân vật cần tìm. Hiện, Lý Quý Cường đã có một quá trình phấn đấu liên tục, trở thành "hạt giống đỏ", là cán bộ mang quân hàm Đại úy, đang công tác tại đảo Trường Sa.
“Giữa muôn trùng sóng gió, lễ kết nạp Đảng ở Trường Sa đã mang lại những cảm xúc rất khác biệt với đất liền và rất đỗi thiêng liêng. Khi đó, Chi bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Nam Yết đã tổ chức rất trang trọng buổi lễ kết nạp đảng. Trước Đảng kỳ, Quốc kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã xúc động tuyên thệ… Được kết nạp đảng là niềm hạnh phúc, vinh dự với tất cả các đảng viên nhưng với tôi, điều đặc biệt hơn là được kết nạp ngay nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đây là niềm vinh dự không phải ai cũng may mắn có được, từ đó đến nay, tôi luôn tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng và chia sẻ những kinh nghiệm mình có được cho các đảng viên, chiến sĩ trẻ để kế tục sự nghiệp của các thế hệ CBCS đi trước, ươm mầm giống cho Đảng…” - Đại úy Lý Quý Cường xúc động nhớ lại buổi lễ kết nạp Đảng mà anh không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Anh cũng chia sẻ thêm, hồi đó ở đảo chưa có điện thoại, ngay đêm hôm đó anh đã thức viết một lá thư rất dài về cho gia đình, vậy mà phải 6 tháng sau bố mẹ ở quê nhà mới nhận được thư và vui mừng biết con trai đã phấn đấu, trưởng thành, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện cảm động về sự phấn đấu của CBCS, đảng viên, quần chúng ở nơi đầu sóng ngọn gió, đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà chúng tôi đã nghe và gặp các nhân vật trong chuyến đi thực tế. Những chiến sĩ trẻ mà chúng tôi gặp, trước khi đến với Trường Sa họ đều có ước mơ, hoài bão riêng của mình nhưng khi được công tác ở đảo tiền tiêu, họ đều có chung ước mơ, có điểm chung là được cống hiến sức trẻ, khi Tổ quốc cần và gọi tên, họ sẵn sàng đến những nơi gian khó nhất để chắc tay súng, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Công Chính, Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: Đảng uỷ đảo Trường Sa luôn xác định xây dựng Đảng là công tác đặc biệt quan trọng. Trong đó, công tác xây dựng Đảng gắn với việc phát triển đảng viên là một trong những nội dung cốt lõi, bởi muốn tổ chức Đảng mạnh thì từng chi bộ phải mạnh, muốn chi bộ mạnh thì từng đảng viên phải mạnh nên việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên là một trong những nội dung mà cấp uỷ các cấp thường xuyên quan tâm.
“Đảo xa đất liền, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với nhiệm vụ, đặc thù riêng của đơn vị thì nguồn phát triển đảng của đơn vị tập trung ở các đồng chí Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng... đã được đào tạo hạ sỹ quan, có đầy đủ phẩm chất, năng lực và được ra đảo công tác. Đây là những quần chúng ưu tú, trong quá trình công tác tại đơn vị thì tiếp tục rèn luyện, trải qua thử thách, công tác tại tuyến đầu của tổ quốc, là nguồn cho Đảng bộ đảo Trường Sa. Công tác kết nạp đảng thời gian qua chúng tôi đã làm rất tốt. Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đảng từ đầu năm, lựa chọn nguồn chặt chẽ, đúng quy trình; phân công các đồng chí đảng viên theo dõi giúp đỡ; tổ chức cho quần chúng ưu tú học các lớp đối tượng Đảng, bồi dưỡng kiến thức đảng viên; đặc biệt là giao nhiệm vụ thử thách để quần chúng rèn luyện, trưởng thành… khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, các chi bộ tổ chức lễ kết nạp rất trang trọng, thực sự để lại ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc cho mỗi đảng viên. Trong nhiều năm qua, trung bình mỗi năm đảo kết nạp được từ 3-5 đảng viên”- Thượng tá Nguyễn Công Chính chia sẻ thêm.
Vinh dự được rèn luyện, phấn đấu nơi tuyến đầu Tổ quốc
Thanh xuân là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người và với những chiến sĩ Hải quân, họ đã dành cả tuổi trẻ để cống hiến, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có chiến sĩ trẻ được kết nạp đảng ngay trên ghế nhà trường, có chiến sĩ được kết nạp đảng trên đảo nơi họ công tác. Thực tế công tác xây dựng phát triển đảng ở đảo Trường Sa cũng có nhiều thuận lợi đan xen khó khăn. Những chiến sĩ chưa đủ thời gian kết nạp thì khi vào bờ, đến đơn vị công tác mới lại tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để sau khi được đứng trong hàng ngũ của đảng họ lại viết đơn tình nguyện ra đảo công tác, trở thành những “hạt giống đỏ”, lan tỏa tinh thần, sức chiến đấu của đảng viên cho các CBCS trẻ. Và còn nhiều chiến sĩ dù hết thời hạn quân ngũ, chưa được kết nạp đảng nhưng trở về địa phương, họ trở thành những công dân mẫu mực, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Câu chuyện của Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa là một ví dụ điển hình về tấm gương của đảng viên. Ngay từ khi còn là học viên K61 trên ghế nhà trường Sỹ quan Lục quân I (niên học 1994-1998), anh đã phấn đấu, rèn luyện được kết nạp vào Đảng. Sau khi ra trường, anh Nhương được phân công công tác ở Vùng 4 Hải quân. Phát huy sức trẻ của người đảng viên, năm 2000, anh xung phong ra đảo Trường Sa công tác, khi ấy anh Nhương mới mang quân hàm Trung úy, là đảng viên trẻ trên đảo. Đến nay, Thượng tá Phạm Thế Nhương đã 31 tuổi quân và 25 năm tuổi đảng. Năm 2021, Thượng tá Nhương được cấp trên điều động trở lại đảo Trường Sa công tác và đến cuối năm 2022 được bổ nhiệm, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa.
Kiệm lời khi nói về mình và gia đình nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người cán bộ, đảng viên ấy đã từng công tác ở rất nhiều đảo gian khó như: Cô Lin, Song Tử Tây, Sơn Ca… Quá trình phấn đấu, rèn luyện, trải qua nhiều vị trí công tác, với Thượng tá Phạm Thế Nhương, những chuyến về thăm gia đình ở quê hương Nam Định chỉ đếm trên đầu ngón tay và mùa Xuân 2023, thêm một lần nữa anh lại xa gia đình, cùng đồng đội đón Tết trên đảo tiền tiêu, góp phần giữ cho đất nước bình yên. Câu chuyện của những đảng viên nơi đầu sóng ngọn gió như Thượng tá Phạm Thế Nhương, Đại úy Lý Quý Cường và còn rất nhiều thế hệ đảng viên đi trước ở các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã lan tỏa được hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi cũng đã gặp những CBCS, đảng viên hải quân trẻ tuổi nhưng chí cao. Được sống những ngày trên đảo, “ba cùng” với CBCS Hải quân, nghe họ trải lòng về công việc và cuộc sống đời thường mới thấy, dù còn nhiều khó khăn nhưng các chiến sĩ trẻ luôn thể hiện niềm vinh dự, tự hào khi được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường công tác, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt, luôn tích cực học tập, rèn luyện, có phẩm chất chính trị vững vàng; hăng say huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, tăng gia sản xuất, có nhiều sáng tạo trong công tác, chiến đấu… xứng đáng là người cán bộ, đảng viên công tác đầu sóng ngọn gió, nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Ngày 8/5/1978, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 903/QĐ thành lập Trung đoàn 146 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Cùng với quyết định thành lập Trung đoàn, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng ra Quyết định thành lập Đảng bộ Trung đoàn 146. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân chủng Hải quân và Vùng 4 Hải quân, gần 45 năm qua, Đảng bộ Lữ đoàn 146 nói chung, Đảng bộ đảo Trường Sa nói riêng đã thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, bám sát nhiệm vụ và thực tiễn cơ sở, lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, xây dựng Đảng bộ và Lữ đoàn ngày càng trưởng thành, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phát huy tốt truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền”, quản lý, bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.