Tuyến hỏa xa vượt đèo độc đáo nhất thế giới bây giờ ra sao?

09:23 20/08/2021

Tháng chuyển mùa, Nam Tây Nguyên mưa rả rích, nhà ga trong sương mờ lúc ẩn, lúc hiện càng khiến cho những người “hoài cổ” tiếc nuối một kỳ tích đã qua. Đèo Đ’ran, Krông Pha, Eo Gió, còn đó hình hài tuyến xe lửa xuyên hầm, vượt núi độc nhất vô nhị...

Tôi men theo con đường mòn um tùm cỏ lá đến với những sân ga hoang lạnh. Tuyến hỏa xa Tháp Chàm - Đà Lạt nếu còn duy trì được tới ngày nay ắt hẳn xứng đáng được xếp vào hạng kỳ quan thế giới do con người kiến tạo. Bây giờ, những gì sót lại của tuyến đường sắt lừng lẫy một thời chỉ là hình hài, bóng dáng. Nơi đây, từng có những đoàn tàu leo đèo, vượt núi bằng đầu máy cổ chạy bằng hơi nước nhả khói đen ngòm hối hả ghé qua nhận hàng, đón trả khách.

Sân ga chiều Eo Gió u sầu, những khoảng trống cuối cùng ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các hoạt động đầy tính vụ lợi của con người. Nhà ga xập xệ, liêu xiêu, rêu phong xanh rì, đã tồn tại cả trăm năm qua như không còn sức để chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian và chính sự xâm chiếm thực dụng...

 Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt vượt đèo Krông Pha nối liền đồng bằng với cao nguyên Lâm Viên.

Ngoài 7km đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các đường hầm xuyên núi thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng từ đèo Krông Pha lên trung tâm Đà Lạt, tất cả đường ray, cầu sắt, tà vẹt trong tổng chiều dài 84km sau năm 1975 đã bị tháo dỡ để phục vụ tu sửa tuyến đường sắt Bắc - Nam nhưng hầu hết phải đem bán sắt vụn. Nguyên nhân là do đường ray này được thiết kế chuyên biệt cho tàu leo đèo, không phù hợp, ăn khớp với đường ray tàu Thống Nhất, vốn chỉ dành cho chạy đường bằng.

Năm 1990, một sai lầm khác tiếp tục lặp lại, 7 đầu máy chạy bằng hơi nước, được nhà sản xuất thiết kế chuyên biệt dành riêng cho việc leo đèo ở Việt Nam cùng các toa tàu hạng sang của tuyến xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt cũng lặng lẽ rời phố núi để đến với đất nước Thụy Sĩ xa xôi. Đó là kết quả thỏa thuận mua bán giữa Cục Đường sắt Việt Nam với một doanh nghiệp của Thụy Sĩ.

Giá bán thời điểm đó được người Đà Lạt đem ra véo von với giá... “sắt vụn”, đem theo bao tiếc nuối, hụt hẫng. Đối với ta, những đầu máy chạy bằng hơi nước lúc bấy giờ thực sự không mang nhiều giá trị, bị bỏ hoang phế, gỉ sét suốt hàng chục năm ngoài trời ở sân ga Đà Lạt. Thế nhưng, với Thụy Sĩ, họ tuyên bố với thế giới đã mua được kho báu với giá không thể nào rẻ hơn.

Đến nay, những đầu máy này sau khi được sửa chữa đã hoạt động trở lại trên đất Thụy Sĩ với tuyến đường sắt vượt đèo Furka trên dãy Alpes, phục vụ du lịch với giá vé đắt đỏ. Cũng từ đó, Thụy Sĩ là nước duy nhất trên thế giới còn tuyến đường sắt răng cưa leo đèo, vượt núi.

Ngược dòng lịch sử để thấy được sự ra đời của tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là một kỳ tích hiếm có trên thế giới. Năm 1893, ông Alexandre Yersin khám phá ra Đà Lạt và những năm sau đó là một đề án kiến thiết vùng đất này thành nơi nghỉ dưỡng bài bản cho các quan lại người Pháp được trình lên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Để cung cấp vật liệu xây dựng thành phố nghỉ dưỡng ở độ cao 1.500m, bao quanh là rừng núi hiểm trở, địa hình phức tạp, không còn cách nào khác, những người thiết kế đồ án xây dựng Đà Lạt buộc phải đề xuất toàn quyền Đông Dương cho khảo sát, xây dựng tuyến đường xe lửa leo đèo theo hướng từ Tháp Chàm lên Đà Lạt, nối liền miền đồng bằng Nam Trung Bộ với Cao nguyên Langbiang.

Trong các năm 1901 và 1902, Đại úy Baudesson và đoàn tùy tùng được giao nhiệm vụ băng rừng khảo sát địa hình cho tuyến đường sắt đặc biệt này. Sáu năm sau, đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt được khởi công.

Với địa hình phức tạp, hiểm trở, nhiều đèo cao, vực sâu dựng đứng, tuyến đường xe lửa này được thiết kế hết sức đặc biệt. Riêng ở những vị trí phải leo đèo hoặc có độ dốc lớn, ở giữa hai đường ray trơn còn phải lắp đặt thêm hai thanh ray răng cưa ăn khớp với bánh răng ở đầu máy xe lửa để kéo các toa tàu vượt đèo. Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt với 84km, người Pháp phải mất tới 25 năm (1908-1932) mới hoàn thiện. Việc thi công cũng được chia thành nhiều giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ Tháp Chàm đến Tân Kỳ dài 41km, hoàn thành và sử dụng năm 1913. Năm 1919 hoàn thành đoạn Tân Mỹ đến chân đèo Krông Pha. 10 năm sau, đường xe lửa leo đèo đoạn Krông Pha đến Eo Gió (Lâm Đồng) khó khăn, phức tạp và nguy hiểm nhất với nhiều đèo cao, vực sâu thăm thẳm cũng đã hoàn thành.

Năm 1929, tuyến Eo Gió đến D’ran được đưa vào sử dụng. Năm 1930 hoàn thành đoạn D’ran đi Trạm Hành và 3 năm sau, tuyến đường xe lửa này hoàn thành 30km cuối cùng với tổng chiều dài 84km từ Tháp Chàm đến Đà Lạt. Kinh phí xây dựng lúc bấy giờ lên tới 200 triệu Franc từ vốn vay của Chính phủ Pháp.

Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài nhất và độc đáo nhất thế giới lúc bấy giờ. Khi tàu chạy đến gần đoạn răng cưa, lái tàu giảm tốc độ, khởi động giàn bánh răng ở đầu tàu, cho móc vào đường ray răng cưa rồi khóa hệ thống bánh răng. Bánh răng của đầu máy bám chặt vào răng cưa đường ray để tàu leo dốc và xuống dốc.

Đoạn từ Tháp Chàm lên Krông Pha khá bằng phẳng nên chạy bằng đầu máy loại thường, mỗi đầu có thể kéo 20 toa. Khi tới Krông Pha thì phải thay bằng đầu máy vượt đèo, lúc này mỗi đầu máy chỉ kéo được tối đa khoảng 65 tấn, tương đương 4 toa. Vì đầu máy hơi nước nên lịch trình tàu khởi hành lúc 7 giờ nhưng từ 5 giờ sáng các nhân viên đã phải dậy nhóm lò đốt than, tiếp nước, khởi động...

Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước còn lại ở ga Đà Lạt.  

Để kéo được các toa tàu xuyên miền đồng bằng ven biển lên cao nguyên Lâm Viên hiểm trở, người Pháp đã phải đặt hàng Công ty Schweizerische Lokomotiv Maschinenfabrik ở Winterthur (Thụy Sĩ) chế tạo độc quyền loại đầu máy HG 4/4 có công suất lớn. Việc chế tạo các đầu máy kéo này trong 7 năm. Đầu máy có 4 trục bánh vận hành đồng bộ là kiểu đầu kéo đặc biệt chế tạo riêng cho tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nhằm đáp ứng cho tàu lưu thông trên vùng có độ dốc trên 12%.

Lúc bấy giờ, các đầu kéo HG 4/4 độc nhất vô nhị dành cho tuyến đường Tháp Chàm - Đà Lạt không thể tìm đâu ra ngoài ở Việt Nam. Đây là những đầu máy vô cùng hiếm, bởi Công ty Schweizerische Lokomotiv Maschinenfabrik chỉ chế tạo 7 đầu kéo HG 4/4 và Công ty Maschinenfabrik Esslingen của Đức chế tạo thêm 2 đầu kéo HG 4/4 dựa trên mẫu mã của công ty Schweizerische Lokomotiv Maschinenfabrik nhượng quyền. Tất cả 9 đầu kéo này được người Pháp mua về Việt Nam sử dụng cho tuyến xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt.

Ngày nay, ở sân ga Đà Lạt, Cục Đường sắt Việt Nam còn giữ được một đầu máy HG 4/4 duy nhất nhưng cũng để hoang phế, gỉ sét ngoài trời suốt mấy chục năm qua. Âu, đó cũng là chứng tích lừng lẫy một thời của tuyến hỏa xa vượt đèo hiếm có. 

Do xây dựng hoàn toàn thủ công bằng sức người, hàng trăm vụ tai nạn đã xảy ra, tước đi sinh mạng của nhiều người, nhất là đoạn Krông Pha đi Eo Gió. Ngày nay, dọc theo dấu vết đường xe lửa, vẫn còn những nấm mộ vô danh, ẩn sâu trong những lùm cây rậm rạp, không người hương hoa. Trong 84km, 43km về hướng cao nguyên Lâm Viên nằm trên địa hình đồi núi dốc. Có 3 vị trí phải làm hệ thống đường ray móc răng cưa, 5 vị trí phải làm đường hầm xuyên qua núi với 12 nhà ga.  

Khắc Lịch

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Tiếp tục quá trình điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu, nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Bình, trong 2 ngày 15 và 16/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố 11 bị can có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文