Ảo tưởng thú “chơi” đồ lính

07:20 13/12/2016
Cách đây không lâu, một vụ bắt giữ lô hàng gần 100 bộ quân trang, quân phục mang nhãn hiệu USA tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cho thấy nhu cầu chơi đồ “nhà binh” là có thật và đáng lo ngại. Điều đó cho thấy một bộ phận trong giới trẻ hiện nay mất phương hướng thẩm mỹ, ảo tưởng về giá trị của bản thân.

40 năm vẫn còn zin?

Mới đây, tôi theo chân S. “đại gia”- một tay chuyên kinh doanh xe ô tô cũ ở quận 5, đến chợ Dân Sinh (Q.1, TP HCM) tìm mua đôi giày “nhà binh”. Chợ Dân Sinh có từ rất lâu, nhưng khoảng 40 năm nay giới lao động bình dân gọi nó là chợ “nhà binh”.

Đơn giản vì ở đây 99% hàng hóa là đồ “nhà binh” phục vụ từ trong bếp ăn ra đến mặt trận, những món đồ này một thời được sản xuất ra là nhằm phục vụ cho lực lượng quân sự dưới thời chính quyền Sài Gòn cũ. Từ cái bình toong đựng nước, bếp dầu, nón kết, dây nịt, giày bót, quần áo, đèn pin, hột quẹt Zippo, thậm chí cái kim tây dùng cài chốt lựu đạn cũng dễ dàng tìm thấy ở đây.

Trong bạt ngàn đồ “nhà binh” chất cao như núi kia, mấy ai biết được cái nào thật, cái nào giả, ngoại trừ người bán? Người mua biết chăng, chỉ có rất ít những ai sống cùng thời với nó, hoặc từng trải mới nhận ra rằng trong đống đồ sờn cũ, hay còn mới tinh được giới thiệu là hàng còn “nguyên xi”, “móc” ra từ nhà thầu kho quân dụng, có cả giấy “khai sinh” đi kèm trước 1975, có rất ít là hàng thật. Còn nguồn gốc xuất xứ, thời điểm gia nhập thị trường, chất lượng sản phẩm thì khó mà đoán định.

Những món hàng như thế này rất dễ tìm thấy ở chợ dân sinh.

Nhưng chúng có đặc điểm chung là trải qua nhiều vòng quay, có khi còn nhiều hơn cả vòng quay lô tô, từ “lò” sang lái rồi mới ra chợ, đến tay người chơi, vòng lại chợ đồ cũ... lại đến tay người chơi! Qua mỗi vòng quay, chất lượng hàng hóa chắc chắn sẽ giảm xuống, nhưng mang lại lợi nhuận khá cao cho người bán.

Anh N.V.Th., một người bán hàng lâu năm ở chợ “nhà binh”, giới thiệu cho chúng tôi một đôi giày bốt nói là hàng mới “nguyên xi”, mua lại từ nhà thầu quân dụng, có cả “giấy khai sinh” đi kèm. Cái gọi là “giấy khai sinh” mà anh đưa cho xem nó có kích cỡ bằng bề mặt bao diêm được đính theo sản phẩm, trên đó có một số thông tin: tên đơn vị, chủng loại hàng, size, năm sản xuất, năm nhập, xuất kho cách nay hơn 40 năm!

Giá trị của “giấy khai sinh” tùy thuộc vào “môi mép” của người bán và đẳng cấp của người chơi chứ người bán chẳng dại gì đi “bảo chứng”. Sau một hồi “ca cẩm”, đôi giày được đứt giá 4,2 triệu đồng, người mua có vẻ không hài lòng về giá nhưng sau cùng cũng đành “móc bóp” cho xong, sợ lần sau quay lại hết hàng.

Thượng vàng hạ cám

Cái thủ thuật của người bán ở đây là họ luôn để hàng hóa phủ dày một lớp bụi thời gian. Khiến cho người mua bất chợt nhìn thấy rất dễ rơi vào ký ức xa xôi nào đó mà chí ít cũng từng nghe nhắc đến đâu đó. Cùng với đó là những bản nhạc vàng cũ kĩ ỉ eo được phát liên tục khiến người nghe “yếu bóng vía” sẽ  bị dẫn dụ vào cảm giác chơi vơi trong cái mớ đồ hỗn độn, khiến không ít người ngộ nhận về giá trị của bản thân. Trong khi người bán rất sành sỏi, chỉ nhìn bước chân của khách và cách tiếp cận món hàng là biết gặp phải “tay chơi” thứ thiệt hay “gà mờ”. Từ đó họ chủ động ra giá “trói” khách hàng của mình.

Chính vì vậy mà người bán ít khi sốt sắng trong việc bán hàng. Bởi họ cho rằng một khi người mua tìm gặp món hàng mà mình “kết” thì trước sau gì cũng bán được, người mua chỉ còn lăn tăn một chút về giá cả mà thôi. Do vậy, mà các món hàng họ bày bán cũng thường “độc nhất”, mặt dù bên trong còn cả đống, nhằm tạo tâm lý hàng hiếm, nếu không mua lần sau quay lại sẽ không còn.

Đồ “nhà binh” hiện có hai dạng: kỷ vật người lính đã qua sử dụng (quẹt Zippo, nón, giày, đèn pin, bình toong đựng nước, bông xô, lưỡi lê, ba lô...) và hàng quân dụng (quần áo, giày, nón, bao da súng...). Giá cả rất vô chừng, nói chính xác là nó được định theo cái nhìn của người bán đối với sở thích và sự hiểu biết của người mua. 

Nhiều món hàng được bày bán ở đây nhưng không dễ xác định nguồn gốc và giá trị thật của nó, như ba lô (cũ) 1.200.000 đồng/cái; áo giáp chống đạn 4.500.000 đồng; áo quân cảnh giá 800.000 đồng; phù hiệu của các binh chủng may trên áo 500.000 - 800.000 đồng; nón sắt trọn bộ, bên trong có lồng da, chụp ốp quay 3,2 triệu; bình toong đựng nước bằng nhôm, loại 1,8L giá 800.000 đồng; bật lửa: 850.000; giày bốt (được giới thiệu sản xuất năm 1967, mới 99%, hàng chuẩn) giá 4.2000.000 đồng... tất cả đều được giới thiệu là “hàng USA”, “mới nguyên xi” hay “sản xuất trước 1975...”.

Một trong những món hàng “độc” rất khó tìm thấy ở nơi khác là thiết bị quân dụng, nhưng chỉ có những “tay chơi” mới buộc họ đem ra cho xem chứ không trưng bày: bao súng, áo giáp trận, lưỡi lê, ống ngắm...

Trong những món đồ lạc xoong như thế này rất dễ tìm thấy những món đồ nhà binh.

Đồ “nhà binh” ở đây còn có cả hàng sản xuất sau 1975, chủ yếu là quân phục nhập từ nước ngoài vào bằng nhiều con đường cũng được người bán giới thiệu. Chẳng hạn như áo jacket M65, áo Pilot, áo giáp nhãn hiệu Swat... loại này dân phượt hiện nay rất “ghiền”, nhưng phải đặt hàng trước và có giá rất cao, từ 5-8 triệu đồng/cái.

Ngoài ra, theo giới thiệu của người bán còn có thẻ bài làm bằng thép không gỉ, dây bi dài/ngắn, y chuẩn USA do người mua tự đặt nội dung, họ sẽ gia công. Có 3 màu: trắng, vàng và xám. Trên thẻ bài có thể đầy đủ thông tin tên, họ, CMND/hộ chiếu, nhóm máu, tôn giáo, nơi sinh, nơi cư trú... được khắc 5 dòng nhưng không quá 15 ký tự.

Các thẻ bài này được nói là làm từ Mĩ nên không thể khắc bằng tiếng Việt có dấu và phải đặt trước một tháng mới có. Giá của chúng hiện đang ở mức từ 400.000 - 500.000/ thẻ. Một mức giá không phải là thấp cho một sản phẩm bằng inox được sản xuất hàng loạt ở TP HCM, anh Thể - thợ làm inox tại một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình, nói. Qua đó cho thấy “dân chơi” xem ra cũng rất dễ bị lừa. 

Theo quan sát của chúng tôi, những món hàng như quần áo, giày, nón... giả sử đó là hàng thật, còn “nguyên xi”, tính từ 1975 đến nay nó cũng đã trải qua ít nhất 40 năm mưa nắng. Đó là chưa kể hầu hết các loại hàng này đã qua sử dụng. Một món hàng được bảo quản theo kiểu chợ trời thì dẫu chất lượng có “trên cả tuyệt vời” cũng không thể nào chống chọi nổi với từng ấy thời gian.

Anh Minh Thiện, Q. Tân Phú, một người chơi đồ nhà binh khá sành sỏi cho biết, có đến 99% đồ mới là quần áo, giày, nón... được gia công tại các cơ sở may gia đình ở quận Tân Phú và Bình Tân, nhưng người bán giới thiệu là hàng “tồn” ở các kho quân dụng còn sót lại sau 1975, nhằm bán giá cao.

Một số người bán còn nói nhập khẩu tiểu ngạch từ Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc... là không có cơ sở, mà hầu hết chúng được gia công theo đơn đặt hàng ở các cơ sở nói trên, số còn lại rất ít đồ quân phục do nhập lậu mà có. Rõ ràng nguồn gốc của những món hàng này hiện nay rất mù mờ, vô định. Người bán và người mua giao dịch theo đúng nghĩa chợ trời.

“Nhẫn sỹ quan” bán ở… hè phố

Hiện nay có một bộ phận trong giới trẻ đang ra sức săn lùng những chiếc nhẫn sĩ quan của quân đội VNCH, nhằm vào nhiều mục đích khác nhau. Có người muốn chứng tỏ “ta đây” mới là người biết chơi đồ hiếm và độc. Nhưng có người đeo nó ngầm thể hiện đẳng cấp “lưu manh”, nhìn ta đây cũng giống như... sĩ quan thứ thiệt của VNCH? Chính cái sự ảo tưởng, một sở thích khác người, rất dễ bị người bán lợi dụng, lừa đảo mà không biết.

Anh Phong, nhà trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.11, lâu nay anh bán đồ lạc xoong ở góc đường 3-2 với Lê Đại Hành (Q.11). Đồ của anh bán đa số là đồ cũ, trong đó có nhiều món là đồ “nhà binh”, như hộp quẹt, nón sắt, đèn pin... Anh nói ở TP HCM có nhiều chợ lạc xoong nhưng không có nơi nào bán các loại nhẫn vàng nhiều như ở đây.

Nhẫn ở đây được các “lò” chế tác hàng loạt rồi đem bỏ mối cho người bán. Hầu hết chúng được làm bằng hợp kim rẻ tiền rồi dùng kỹ thuật xi mạ bên ngoài nên có giá rất rẻ, từ 100.000 - 300.000/chiếc, tùy theo cách tiếp cận của người mua. Song, không phải ai cũng biết được giá trị thật của nó, nên thường người mua rất dễ bị mắc lừa. 

Chiếc nhẫn này được cho là nhẫn thật của sĩ quan VNCH, có giá khoảng 10 triệu, hiện anh H. đang sở hữu.

Anh nói ngày trước có trường sĩ quan Đà Lạt, học viên sau khi tốt nghiệp được tặng cho chiếc nhẫn như là vật kỷ niệm của quân nhân. Những chiếc nhẫn này thường được làm bằng vàng 10 hoặc 14 karat. Trên mỗi chiếc nhẫn đều có khắc biểu tượng của ngành học và 2 con số để nhận biết khóa học và năm nhập học. Ngoài chất liệu chế tác, màu đá đính trên nhẫn, giá trị chiếc nhẫn chính là biểu tượng của ngành học.

Theo một số cựu binh trước năm 1975, kể từ khi có mặt quân đội Mỹ ở Việt Nam thì chính quyền VNCH bắt chước Học viện Quân sự The United States Military Acadermy ở West Point, Hoa Kỳ, làm nhẫn để tặng cho học viên. Tuy vậy, theo anh Phong các loại nhẫn giả này hiện nay được bày bán đầy nhóc trên các hè phố.

Theo một nhà sưu tầm các kỷ vật của chiến tranh, trong đó có nhẫn sĩ quan VNCH, hay còn gọi là nhẫn Mỹ, ở Q. Gò Vấp, thì nhẫn này hiện nay được bày bán rất nhiều nơi trên đường phố, hầu hết là nhẫn giả, rẻ tiền. Điều dễ nhận thấy nhất là trên chiếc nhẫn không hề có khắc tên nhà sản xuất hay biểu tượng gì cả.

Một chiếc nhẫn sĩ quan đúng chuẩn, hàng thật hiện nay phải có giá từ 8-10 triệu đồng/chiếc, nhưng nếu là nhẫn của các sĩ quan Học viện Quân sự Hoa Kỳ thì phải có giá từ 1.000-1.500 USD/chiếc. Ít nhất là bởi giá trị thật của nó. Qua đó ông khuyên người chơi nhẫn sĩ quan trước hết là phải có văn hóa về đồ vật và nên tìm hiểu thật kỹ để biết giá trị thật của nó.

Sở thích khác người hay ảo tưởng về giá trị bản thân?

Quay lại những chiếc quẹt Zippo, những cây bút máy, những đôi giày bốt-đờ-sô tơi tả còn mang dấu tích từ những chiến trường Khe Sanh, Lai Khê, Lộc Ninh... trở về, như lời người bán ở chợ Dân Sinh giới thiệu. Chúng tôi hỏi: Tại sao khẳng định chắc chắn như vậy? Người bán lý luận “cùn”: Nếu chết thì đã mất xác cả rồi!

Thật ra các kỷ vật chiến tranh này được thu gom từ nhiều nguồn, trong đó phần nhiều là hàng “nhái” chứ không phải hàng bước ra từ trong khói lửa chiến tranh. Do vậy, đừng mong mua được một chiếc quẹt Zippo “có mùi thuốc súng”, vì nay mọi thứ đều là đồ giả mạo, một tay chơi đồ “nhà binh” có cỡ khẳng định như vậy.

Tuy nhiên, do hiện nay có khá nhiều người còn hoài niệm về ký ức của cuộc chiến đã qua từ rất lâu và đang trôi dần vào quá khứ. Họ vô tình trở thành “con mồi” đáng thương cho những tay làm ăn gian dối. Không ít “tay chơi” nhưng tỏ ra ngây thơ cho rằng, xài đồ “nhà binh” nhằm thể hiện sự hiểu biết về thời cuộc, đồng thời chứng tỏ được đẳng cấp của một người lắm tiền bạc.

Nếu là giới trẻ, đa số là dân chơi phượt, thích dã ngoại, săn bắn và dân chơi thời trang... kinh dị. “Ngày nay, mặc bộ đồ “nhà binh” đi trên phố, luật pháp không cấm nhưng chẳng khác gì một người mặc đồ tắm biển đi ra phố, nó kỳ dị và khác thường”, luật sư Trí nói.

Còn theo TS. Văn hóa học Hồ Văn Tường: Những người thích chơi đồ “nhà binh”, họ luôn thích sống trong ảo tưởng về quá khứ, trong khi thực tại đời sống của họ no đủ bội phần. Đây là một quan niệm lệch lạc, bộc lộ sự mất phương hướng trong lối sống, dẫn đến tự hạ thấp giá trị của bản thân.

Kỳ Phương

Sau nhiều ngày nghị án kéo dài, theo kế hoạch, chiều 22/4, TAND TP Hà Nội sẽ ra phán quyết đối với bị cáo Nguyễn Thị Loan (SN 1970, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) cùng 10 bị cáo liên quan trong vụ án sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội) gây thiệt hại ngân sách Nhà nước 135 tỷ đồng.

Sau nhiều ngày phong tỏa để hỗ trợ khắc phục sự cố sạt lở hầm Bãi Gió trên tuyến đường sắt xuyên Việt qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), từ 18h chiều nay 22/4, các loại phương tiện xe ôtô đã được phép vận hành trở lại trên QL1A qua đèo Cả nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa

Chiều tối 22/4, Thượng tá Trần Thanh Tùng, Trưởng Công an huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã biểu dương tinh thần trách nhiệm “Vì nhân dân phục vụ” của Công an xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn trong việc tổ chức tìm kiếm cụ ông 84 tuổi ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bị lạc trong rừng, khi đi vào thăm con trai tại xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 22/4, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng đã thông tin công khai hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải, xe vận tải khách, xe tải vi phạm vượt quá tốc độc hàng trăm lần/tháng. Đồng thời, quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu do phương tiện vi phạm tốc độ nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường thuỷ trên sông Tiền (đoạn thuộc ấp 1, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), khiến 1 người chết, 2 người bị thương, chiều 22/4, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được (SN 1982, trú xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”.

Một phụ nữ vừa tử vong, sau khi bị một con chó thả rông cắn chảy máu cách đây khoảng 4 tháng nhưng không đi tiêm phòng dại. Giữa tháng 4, người này có biểu hiện của bệnh dại, đi khám, làm xét nghiệm được chẩn đoán bệnh dại, sau đó bệnh chuyển biến nặng và tử vong. 

Hai bên thống nhất sẽ nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán tiến tới ký kết các văn kiện hợp tác như “Hiệp định Dẫn độ”, “Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự”, “Thỏa thuận phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”,… nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác phòng, chống tội phạm giữa hai nước.

Sáng 22/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Cục Đường bộ và các đơn vị có liên quan về phương án phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Trước đó, Cục đường bộ ra quyết định phân luồng giao thông trên cao tốc này (cấm các phương tiện xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe từ 6 trục trở lên lưu thông trên tuyến đường này), gây ra những phản ánh từ phía người dân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và chính quyền, sở, ban ngành chức năng địa phương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文