Câu chuyện về mộ ông Phòng Biểu

20:40 03/01/2017
Tại trường, viên đội xuất giỏi môn đánh quyền nhứt trường được gọi ra. Ông rất bình tĩnh, mặc cho viên đội tấn công tới tấp, ông vừa tránh đòn vừa lùi dần, lùi dần. Khi đến một con mương rộng, nhanh như chớp ông chộp lấy thắt lưng của viên đội ném anh ta xuống nước...

Chọc trời khuấy nước

Ông Phòng Biểu tên thật là Nguyễn Văn Biểu, sinh năm 1830 ở Tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nghèo. Lúc nhỏ ông có theo học chữ Nho và võ nghệ.

Nguyễn Văn Biểu có một thân hình cao lớn và sức khỏe hơn người. Đặc biệt, ông có một sức ăn rất phi thường có thể ăn một lần no rồi nhịn đến năm bảy ngày sau mới ăn lại mà vẫn lao động như mọi người. Thuở thiếu thời, Nguyễn Văn Biểu phải làm nhiều việc như phát cỏ, tát đìa, chèo ghe mướn… giúp gia đình. Sau đó, ông theo người anh trai là Nguyễn Văn Phuông theo người cậu về Mỹ Thọ (huyện  Cao Lãnh) kiếm việc làm.

Tiếng đồn về sức khỏe và tài võ nghệ của ông lan ra khắp cả vùng. Trong một lần ông chèo ghe cho người cậu đi bán cối xay, khi tới Định Tường, tình cờ được quan Chánh lãnh binh ở đây biết đến, muốn giữ lại nhưng ông từ chối.

Chuyện này được kể lại như sau: Khi ghe của cậu cháu ông tới Định Tường thì trời đã xế chiều, hai người cho ghe ghé vào một cái ụ có lau sậy chung quanh kín gió để nấu cơm. Biểu nghe đâu đây hình như có tiếng binh khí va chạm vào nhau và có tiếng la hét. Hỏi người cậu, mới biết được gần đây có một trường võ bị tập luyện cho số lính mới tuyển của tỉnh. Nghe vậy, ông liền xin phép cậu đến xem cho biết.

Xem về, ông nói với cậu: “Trường dạy đủ cả thập bát ban võ nghệ. Không biết các ông quản cơ, lãnh binh thì sao, chứ mấy tay đội xuất, cai cơ vung đao múa gươm chỉ để đuổi gà đánh chó chớ làm gì được ai!”.

Tình cờ có một viên đội xuất, sau giờ dạy lính luyện tập, ra bờ sông chui vào đám lau tiểu tiện, nghe được mấy lời trên, về báo lại các võ quan chỉ huy trường. Lập tức ông bị một viên đội xuất và ba người lính xuống tận ghe điệu về trường. Người cậu sợ điếng hồn.

Tại trường, viên đội xuất giỏi môn đánh quyền nhứt trường được gọi ra. Ông rất bình tĩnh, mặc cho viên đội  tấn công tới tấp, ông vừa tránh đòn vừa lùi dần, lùi dần. Khi đến một con mương rộng, nhanh như chớp ông chộp lấy thắt lưng của viên đội ném anh ta xuống nước. Khi viên đội vừa chạm nước, ông đã phóng mình qua mương và chộp lấy viên đội như lúc nãy, ném qua bờ bên kia cùng với ông. Viên đội ngơ ngác, cứ tưởng mình sẽ bị nhấn chìm xuống nước không ngờ mình mẩy khô rang.

Tiếng vỗ tay vang lên như sấm.

Tiếp theo đó, một viên võ quan khác bước ra, tay cầm trường côn, ông cũng được cấp một cây. Viên võ quan nầy đã xem ông đánh quyền, biết được sức và tài của ông. Nên để thủ thắng ngay từ lúc đầu, ông ta múa côn ào ào tạo thành một bức tường che kín người và tấn công ông như vũ bão. Ông cũng tránh đòn và không chống trả, đợi đến lúc đối thủ thấm mệt và có sơ hở, ông đập mạnh một côn vào côn đối phương, làm côn gãy bắn ra mấy trượng, hai bàn tay của viên võ quan bị tét, máu tuôn đầm đìa.

Mọi người vỗ tay không tiếc lời khen ngợi. Các quan không bắt tội, mà còn mời ông ở lại trường để huấn luyện binh sĩ, nhưng ông từ chối.

Nguyễn Văn Biểu đã được một gia đình khá giả ở Rạch Miễu (nay thuộc thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) gả con gái và cho ở rể để chăm sóc ruộng nương cho nhà vợ. Vào mùa cấy năm nọ, có một người bạn cờ tướng tâm đắc đến thăm ông, mà ông thì có tật mê cờ. Sao có thể vừa làm việc vừa hầu cờ với bạn?

Ông liền kéo một chiếc ghe có sức chứa một trăm giạ lúa vào ruộng, rồi đi đánh cờ, trong khi đó nhạc gia ông cùng mấy anh em vợ chất mạ cho đầy ghe. Xong, ông liền nghỉ đánh cờ một chút để kéo đầy mạ đi qua đi lại trong ruộng cho những người kia đứng trên ghe rải mạ cho công cấy. Chỉ một loáng là hết một ghe mạ! Ông lại tiếp tục đánh cờ... cứ như thế cho đến lúc cấy xong.

Khi được tin Thiên hộ Dương kéo quân về lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ để chống Pháp, ông liền từ giã vợ con lên đường gia nhập hàng ngũ nghĩa quân. Nhờ khỏe mạnh, giỏi võ, gan dạ, và một lòng với nghĩa quân, nên buổi đầu, ông được Thiên hộ Dương chọn làm chỉ huy đội phòng vệ. Vì thế mọi người lúc bấy giờ thường gọi ông là Phòng Biểu hay Phòng Tám (vì ông là người con thứ tám trong một gia đình). Từ đó, tiếng tăm ông vang dội khắp vùng Cao Lãnh, nhất là khi ông nhận trách nhiệm điều tra và trừng trị những tên Việt gian.

Năm ấy, đáo lệ kỳ yên, đình làng Tân Yên (sau này, là Tân An) cúng thần rất lớn, có hát bội. Chức việc làng Tân Yên có mời nhiều quan trên, trong đó có cả quan Tây và quan quản bộ đạo Phạm Văn Khanh. Để lấy lòng quan quản bộ đạo, hương cả làng Tân Yên mời Phạm Văn Khanh ở lại cầm chầu đêm hát cúng thần đầu tiên.

Được nhân dân báo rõ mọi điều, Phòng Biểu bí mật đến ẩn mình trong một ngôi nhà sát bên đình làng. Tối đến, sau khi buổi hát xây chầu được một lúc, đột nhiên trên sân khấu xuất hiện một kép hát lạ thường: người cao lớn vạm vỡ, oai phong như một vị tướng, nhưng lại mặc thường phục, đầu chít khăn rìu, tay cầm thiết bảng, nói sang sảng: “Ta là quan Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu, tới đây là để trị tội tên phản dân hại nước Phạm Văn Khanh. Xin bà con đi coi hát hãy yên lòng”.

Phạm Văn Khanh rụng rời, buông dùi trống, luống cuống định tìm đường tẩu thoát, nhưng Phòng Biểu đã nhanh tay bắt lấy y cắt đầu.

Ông được Thiên hộ Dương trọng dụng, luôn luôn có mặt bên cạnh chủ tướng. Tháng 4-1886, đại bản doanh ở Tháp Mười bị triệt hạ, Đốc binh Kiều bị thương và qua đời. Phòng Biểu đem quân còn lại rút về Thông Bình (nay thuộc huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cố thủ một thời gian rồi phải giải tán vì sức cùng binh kiệt.

Để tránh sự truy lùng của giặc Pháp và tìm cơ hội tiếp tục chiến đấu, Phòng Biểu đã đi khắp nơi khi thì Rạch Giá, Phú Quốc lúc qua tận Cao Miên. Chí lớn không thành cùng với tuổi cao sức yếu, những năm cuối đời Phòng Biểu sống ẩn dật trong chùa Bửu Lâm và cùng với sư Hải Huệ dạy võ cho thanh niên trong vùng.

Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu mất ngày 10-8 (âm lịch) năm 1914.

Sè sè nắm đất bên đường

Có truyền thuyết cho rằng, sau khi Thiên hộ Dương mất, nghĩa quân phân tán khắp nơi thì Phòng Biểu có về Mỹ Thành (nay thuộc xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) cùng với ông Nguyễn Văn Rác cũng là một nghĩa binh của Thiên hộ Dương khai khẩn đất đai. Có thể do cả hai muốn trốn tránh sự tầm nã của giặc Pháp hay muốn lập một căn cứ khác để tiếp tục cuộc chiến đấu, việc này còn vẫn là một tồn nghi.

Nơi hai ông khai phá trước đó vài mươi năm là một vùng đất hoang vu. Rồi một nhóm người Khmer từ miệt Trà Vinh, Sóc Trăng lên định cư thành một xóm nhỏ khẩn hoang lập nghiệp. Nhưng có lẽ do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp với tập quán của người Khmer nên họ dần bỏ đi. Vì vậy, con rạch từ kinh Cái Bèo chạy ra kinh Hội đồng Tường ngày nay hồi đó được gọi là rạch Cao Mên.

Vùng đất nằm dọc theo con rạch này tiếp tục bị bỏ hoang cho đến khi ông Phòng Biểu về khai phá. Nhưng rồi cũng chỉ được vài năm thì ông lại bỏ đi không rõ tung tích. Có thể chính vì nhớ đến công lao khai phá trước kia mà khi Phòng Biểu mất, người dân nơi đây đã an táng ông ngay trên mảnh đất này.

Sau khi ông mất vài năm có người trong Ban tế tự đình Mỹ Long nhìn thấy một người cao lớn ngồi ở phía nhà mát dưới bến sông tự xưng là Phòng Biểu rồi đi thẳng vào trong đình Mỹ Long và biến mất. Từ đó Ban tế tự đình Mỹ Long quyết định cho tạc một pho tượng để phụng thờ và xem như ông là một trong những thần hoàng bổ cảnh của đình này cho đến nay.

Sở dĩ chúng tôi nói ông là một trong những thần hoàng bổn cảnh vì những sắc thần của đình Mỹ Long được cấp từ thời vua Thiệu Trị thứ năm (tức năm 1845). Vì vậy, có truyền thuyết cho rằng thần hoàng đình Mỹ Long có sắc phong là Phòng Biểu hoàn toàn không chính xác và chuyện ấy càng không thể xảy ra khi mãi đến năm 1914, ông Phòng Biểu mới qua đời.

Người cháu cố của Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu là Nguyễn Văn Dượt năm nay đã 86 tuổi, hiện đang sống tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung kể: “Ông cố có hai người con một trai, một gái. Người con trai tên là Nguyễn Văn Ấn (tức ông nội của ông Nguyễn Văn Dượt) và người con gái là Nguyễn Thị Thìn. Khoảng những năm 1960, bà Thìn có về thăm lại chùa Bửu Lâm và viếng mộ cha mình”.

Ông Nguyễn Văn Dượt.

Trong lần về viếng mộ cha duy nhất đó, bà Thìn kể lại với con cháu rằng: Những năm cuối đời, ông Phòng Biểu không dạy võ cho ai kể cả con trai mình là Nguyễn Văn Ấn. Ông thường hay nói với hai anh em bà là sau này đánh Pháp phải đánh bằng súng đạn chớ dùng võ nghệ thì không thể thắng chúng được. Tuy nhiên, với bà Thìn thì ông vẫn truyền nghề võ cho với ý niệm con gái trong thời buổi loạn lạc phải có chút đỉnh võ nghệ phòng thân. Rất tiếc, khi dạy đến môn khinh công đi qua sông không cần ghe thuyền thì ông Phòng Biểu ngã bệnh do sức yếu nên bà Thìn không học được trọn vẹn nghề của cha mình.

Những người trong gia đình hỏi thì chỉ được bà Thìn trả lời là đang sống với gia đình bên chồng ở Trung Lương (Mỹ Tho), có một người con trai tên Lúa. Sau đó, vì chiến tranh nên mất hẳn liên lạc cho đến nay.

Về phần mộ ông Phòng Biểu thì được biết trước đây, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp có làm việc với lãnh đạo huyện Cao Lãnh, lãnh đạo xã Bình Hàng Trung và Ban tế tự đình Bình Hàng Trung thống nhất phương án sẽ bốc mộ và di dời về an táng trong phần đất của đình cho xứng đáng với công trạng của một người yêu nước. Tuy nhiên, mãi cho đến nay ngôi mộ Phòng Biểu vẫn còn nằm trơ trọi trong một mảnh vườn của người dân địa phương.

Giải thích việc này, lãnh đạo huyện Cao Lãnh nêu ra hai lý do. Một là cần phải xác định chính xác ngôi mộ trước nay nhân dân chăm nom, coi sóc có thật sự là mộ ông Phòng Biểu hay không. Hai là, việc di dời phần mộ ông phải được họ tộc đồng ý chớ mới chỉ riêng gia đình ông Nguyễn Văn Dượt là chưa đủ. Cả hai việc phải làm này đều ngoài khả năng của huyện Cao Lãnh.

Như vậy, để phần mộ Phòng vệ Nguyễn Văn Biểu trở thành một di tích lịch sử, giờ đây không còn là trách nhiệm của của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà có sự tham gia của nhiều cơ quan có chức năng liên quan. Để trả lại Phòng Biểu một “ngôi vị” đàng hoàng, thiết nghĩ cải táng và xây dựng lại ngôi mộ của ông không còn là chuyện lâu dài mà trở thành việc cần phải làm ngay.

Hữu Nhân

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文