Chuyện “cổ tích” về lương y “sọ dừa”

08:00 23/02/2017
Nếu như gặp Ngô Văn Định khoảng 20 năm về trước, có lẽ không ai dám tin một cậu bé có cơ thể ốm yếu, dị dạng như Định lại có thể trở thành một thầy lang giỏi. Bằng nghị lực phi thường, Định đã vượt lên số phận theo học hết bậc THPT và còn thi đỗ Đại học. Tốt nghiệp, Định về quê mở phòng khám đông y. Nhiều năm qua, phòng khám của Định đã giúp ích cho rất nhiều người dân nghèo quê anh.

1. Người dân ở thôn 2, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) hầu như ai cũng biết tên tuổi của lương y Ngô Văn Định. Định mới hành nghề y được khoảng 3 năm nay, nhưng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi cả về tay nghề và y đức của thầy lang mà cơ thể có phần dị dạng này. Định cao chưa được 1m, cái đầu to quá khổ, chân tay ngắn cũn cỡn. Duy chỉ có đôi mắt và nụ cười của anh thì luôn tươi rói.

Gặp lại chúng tôi tại phòng khám bệnh, bốc thuốc của mình, Định rất mừng rỡ (cách đây 6 năm, chúng tôi đã gặp Định khi cậu đang là tân sinh viên). Định cho biết mỗi ngày căn phòng nhỏ, với những đồ vật cũng “xinh xẻo” của cậu có cả chục lượt bệnh nhân đến thăm khám. Bằng những bài thuốc Đông y, Định đã giúp cho hàng trăm người trong và ngoài huyện khỏi các bệnh viêm xoang, thần kinh tọa, các bệnh về xương khớp... Vì người dân quê chủ yếu là những người nghèo, nên Định thường chỉ lấy tiền thuốc. Nhiều khi Định còn không lấy tiền những cụ già neo đơn, cháu bé mồ côi...

Đặc biệt Định đã chữa khỏi cho không ít người dân mà trước đó họ từng chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Chị N.T.T. (35 tuổi, trú tại xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là một ca như vậy.

Một buổi sáng cuối năm 2013 chị T. tìm đến phòng khám của Định với khuôn mặt đậm vẻ u buồn, sầu não. Lấy chồng gần chục năm rồi mà chị chưa được hưởng niềm vui làm mẹ. Chị cũng kể tiền sử bị chửa ngoài dạ con và viêm nhiễm vùng kín nên dù đã “vái tứ phương” rồi mà vẫn không có kết quả.

Đã là lương y, thấy bệnh thì phải chữa. Tâm niệm vậy nên Định ngay lập tức nhận lời khám bệnh, bốc thuốc cho người đàn bà hiếm muộn. Vận dụng những kiến thức mà thầy cô truyền dạy trong thời gian học tại Học viện Y dược cổ truyền, cùng nhiều bài thuốc mà Định chịu khó sưu tầm, tham khảo ở sách vở cũng như trên thực tế bệnh tình của chị T. đã có nhiều phần biến chuyển.

Sau khoảng một năm kiên trì uống thuốc do Định bốc, một ngày chị T. vui mừng thông báo đã mang bầu. 9 tháng 10 ngày sau thì chị sinh hạ một bé trai rất kháu khỉnh. Hai năm sau chị T. có thêm một cô con gái nữa. Gia đình chị coi Định như ân nhân, và cứ nằng nặc xin Định làm cha đỡ đầu cho các cháu.

Sau một vụ tai nạn giao thông, anh Ngô Văn Quỳnh (30 tuổi, trú tại xã Vĩnh Quang, Vĩnh Lộc) gần như bị liệt các cơ trên mặt. Khuôn mặt anh lúc nào cũng bị lệch sang một bên, miệng thì méo xệch, khi ăn uống thì không có cảm giác gì. Đặc biệt là mỗi khi ăn, thức ăn, nước uống cứ dồn hết sang một bên khiến anh vô cùng khó chịu.

Anh Quỳnh từng đi khám ở khá nhiều bệnh viện lớn trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, song các bác sỹ đều lắc đầu bó tay. Nghe đến phòng khám của Định, anh liền tìm tới với tâm lý “còn nước còn tát”.

Ngô Văn Định thực tập bài tiêm bắp tay (thời điểm tháng 5-2010).

Tiến hành thăm khám, Định phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến việc anh Quỳnh bị liệt cơ mặt là do một bộ phận dây thần kinh trên não bộ bị tắc. Định “giao hẹn” trước với anh Quỳnh là sẽ cố gắng chữa trị, nhưng khả năng chỉ phục hồi được 70-80% thôi. Anh Quỳnh nghe vậy thì mừng lắm.

Kết quả thật ngoài mong đợi, sau chừng 20 ngày được xoa bóp, bấm huyệt cộng với uống thuốc Đông y, những khối cơ trên cơ mặt của bệnh nhân Quỳnh đã dần hồi phục. Sau một quãng “nghỉ giữa hiệp”, Định tiếp tục điều trị thêm một thời gian nữa, bệnh tình của anh Quỳnh đã khỏi hẳn.

2. Bảy năm trước chúng tôi đã gặp Định khi em đang trọ học tại một căn phòng nhỏ trên phố Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Khi gặp Định, chúng tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Định có cơ thể khá “dị” (mà có người gọi vui là Sọ Dừa cũng không sai). Em chỉ cao chưa đầy 1m, nặng chừng 30kg. Đôi chân của Định rất ngắn, lại cong hình lưỡi liềm. Cánh tay cũng thế, bàn tay to bè, các ngón tay như quả chuối mắn. Đặc biệt, đầu em to một cách dị thường. Duy có đôi mắt rất sáng và nụ cười đặc biệt dễ thương. Bệnh tật đã khiến cho cuộc sống của Định vất vả gấp bội phần so với những bạn bè đồng lứa.

Cũng chính vì đôi chân ngắn mà năm 2009, khi Định cùng bố ra Hà Nội dự thi vào Trường Đại học Nông nghiệp I và Học viện Y dược cổ truyền đã gặp những tình huống dở khóc dở cười. Số là khi giám thị đọc số báo danh vào phòng thi, Định có mặt từ lâu mà người giám thị cứ mải ngó quanh quất, một lúc sau mới nhìn thấy cậu bé lũn cũn đang chìa giấy báo thi cho mình.

Thế rồi khi ngồi lên ghế trong phòng thì mặt Định cũng chạm mặt bàn, thành ra em không thể ngồi viết nổi. Chẳng còn cách nào khác, Định cứ vừa đứng vừa làm bài suốt 3 tiếng đồng hồ. Thi 2 trường, tổng cộng 6 buổi Định cứ trong tình trạng như vậy. Nhiều giám thị thương lắm nhưng cũng không biết làm cách nào.

Có mặt tại phòng trọ của em thời điểm ấy, chúng tôi thực sự cảm thấy rất xúc động, xót xa. Căn phòng nhỏ chừng gần 20m2 song lại đang có những hai gia đình sống chung mà không hề có vách ngăn. Mỗi góc phòng kê một chiếc giường cho một gia đình, còn phần không gian giữa là nơi đặt chạn bát, nồi niêu, xoong chảo...

Chúng tôi cũng được ông Ngô Văn Bằng (bố của Định) kể về đoạn trường nuôi nấng, chăm sóc cho đứa con trai tật nguyền của ông.

Từ khi lọt lòng, chân tay Định cứ co lại chứ không bao giờ duỗi thẳng được. Đã thế lại khuỳnh khoàng, ngắn cũn. Cái đầu thì to quá khổ. Càng buồn hơn, khi mà 3 tháng Định chưa biết lẫy, 7 tháng chẳng biết bò, đến khi 2-3 tuổi cũng chưa ngồi dậy nổi, đừng nói là biết đi. Nhìn cảnh bọn trẻ hàng xóm cũng trạc tuổi Định thi thoảng được bố mẹ đưa sang chơi, chạy nhảy nô đùa đuổi bắt nhau khắp làng thì ông Bằng buồn lắm.

Định chỉ biết ăn, rồi quẫy quẫy cái tay, cái chân như đang bơi. Miệng cũng bi bô được dăm ba tiếng. Ông đã đưa con đi khám bệnh ở rất nhiều nơi và đều nhận được kết luận là do hệ thống xương của Định có rất nhiều khiếm khuyết nên không phát triển bình thường như người ta.

Ông Bằng xem tivi, thấy nói những người bị liệt có thể luyện tập để cho xương cốt cứng cáp dần, thế là không ngại khó, ngại khổ, ông quyết tâm giúp đỡ con. Ban đầu, ông và bà chỉ đỡ con ngồi dậy sao cho vững. Có người đỡ thì không sao, chứ nếu không có bố mẹ ngồi đấy là Định lại nằm quay lơ ra.

Hai ông bà cũng chạy vạy khắp nơi, nào thì kiếm trứng gà, các loại hải sản chứa nhiều canxi, rồi các loại bột cóc, bột dinh dưỡng... mua bằng được về bồi bổ cho con. Mặc dù, lương mất sức của ông chả đáng là bao, lại phải chăm lo cho nhà bốn miệng ăn song không thức gì là ông bà từ.

May thay, trời cũng chẳng phụ lòng người. Sự kiên trì của ông Bằng, bà Hải cũng được đền đáp. Định đã dần dần ngồi thẳng dậy được mà không cần ai đỡ. Luyện ngồi đã khó song luyện cho con tập đứng lên, rồi đi lại càng khó khăn gấp bội. Ông Bằng xin về hưu non để có thời gian chăm sóc con. Bà vợ cũng yếu, ốm đau liên miên nên hai vợ chồng đã phải bán bớt 2 sào ruộng cho người ta, chỉ tập trung làm độ 2 sào lấy thóc lúa cho gia đình ăn.

Hai người tập trung thuê ao cấy rau muống, lại vay vốn ngân hàng mua lợn giống về nuôi. Định lên 5 tuổi thì được đưa đến nhà trẻ trong làng. Do bé và yếu nhất nên Định luôn được các cô giáo chăm sóc rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Đặc biệt, Định tiếp thu các bài hát, một số kiến thức đơn giản cũng khá nhanh nên được nhiều người quý mến.

Tới tuổi đi học, Định cũng được cha mẹ cho đến trường như ai. Và thế là bắt đầu 12 năm dằng dặc ông Bằng làm nhiệm vụ đưa con đi học rồi đón con về. May là trường cũng gần nhà, nên các năm học tiểu học và THCS cũng đỡ vất vả. Tới bậc THPT thì ông Bằng phải “cải tạo” lại chiếc xe đạp để chở con đi. Ông lấy hai thanh tre, buộc vắt chéo vào gác-ba-ga, giống như để buộc bao gạo để cho Định ngồi vững hơn và hai tay em có chỗ bám.

Ấy thế mà, một lần hai bố con đèo nhau tới cổng trường rồi. Ông Bằng dừng xe, đang định gạt chân chống thì bỗng nhiên thấy xe mất thăng bằng dữ dội. Ông càng cố giữ thì càng bị lực ấn mạnh hơn, khiến cả hai cha con ngã chổng kềnh ra đường. Hóa ra, hôm ấy Định cảm thấy hâm hấp sốt, mệt lắm nhưng lại không muốn bỏ mất một buổi học. Thế là Định làm ra vẻ khỏe mạnh, để cho bố đỡ lên xe đưa tới trường. Đi được một lúc thì Định thấy đau đầu chóng mặt, ngồi không vững nữa. Cố hết sức bám lấy hai thanh tre, đến đúng cổng trường thì không chịu nổi, ngã nhào ra.

3. Có lẽ Định bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh từ bố nên từ bé, anh đã ốm đau quặt quẹo liên miên. Tháng nào ông Bằng cũng phải đưa con lên trạm xá để bác sĩ thăm khám, điều trị. Sau rồi thấy không có biến chuyển, ông Bằng lại khăn gói vào Nam ra Bắc, cứ nghe người ta mách chỗ nào có ông lang hay là lại mò tới tận nơi xin thuốc. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm những chứng bệnh như sốt, cảm, nhức đầu, đau xương... của con vẫn không thuyên giảm, ông Bằng xót con như đứt từng khúc ruột.

Ông nhớ lại, có hôm đang cho đàn lợn ăn sau nhà thì thấy Định gọi: “Bố ơi, vào với con một tí”. Biết con lại bị cơn bệnh hành hạ, ông Bằng lập tức bỏ công bỏ việc, tắm rửa qua loa rồi vào giường nằm ôm con, mong truyền hơi ấm của mình để con bớt đau. Có những đợt mùa đông tháng giá, ông phải làm vài ly rượu, rồi mới đặt con lên bụng, lấy hơi ấm của mình sưởi cho con. “Hình như nhờ hấp thu dương khí của tôi mà thằng bé cũng cứng cáp dần” - ông Bằng tâm sự.

Nhiều đêm, khi Định đã ngủ rồi ông Bằng nằm mà thao thức mãi vì biết con đau ốm mà không có cách nào trị dứt điểm. Trong dòng suy tưởng, ông nhớ lại thuở thơ bé, nhiều lần ông cũng có những triệu chứng giống như Định, và được bố mẹ sắc một số loại lá cây cho uống. Nghĩ đến đó, ông vùng dậy ra vườn tìm hái lá. Nhưng trời tối quá, ông đành đợi sáng hôm sau.

Định giờ đã là một thầy lang mát tay có tiếng ở quê nhà.

Mặt trời vừa lên, ông Định đã ra vườn tìm lá thuốc. Nhà mình chưa có đủ, ông chạy qua hàng xóm xin rồi mang về sắc. Xong, ông thử nếm trước xem có giống vị thuốc ngày xưa mình đã từng được uống không, rồi cho con uống từng ngụm nhỏ. Thấy có hiệu quả ông mới cho uống tiếp. Không ngờ thứ thuốc ấy đã giúp cho Định khỏi bệnh, lại ăn uống được như bình thường.

Từ đó trở đi, cứ mỗi lần con ốm, ông Bằng lại mày mò qua sách vở, rồi đi thu thập các bài thuốc dân gian để tìm cách chữa trị cho con. Dần dà, ông có cả một “kho” bài thuốc để mùa nào thức nấy, đối phó với những cơn bệnh bất thường của Định. Ông còn học cả xoa bóp, bấm huyệt, các biện pháp vật lý trị liệu để giúp con cải thiện các cơ xương.

Dù bị bệnh tật hành hạ, song Ngô Văn Định vẫn rất hiếu học. Và cậu đã thi đỗ cả hai trường là Học viện Nông nghiệp và Học viện Y dược cổ truyền. Ban đầu Định muốn học tại Học viện Nông nghiệp, nhưng sau nghe lời khuyên của gia đình nên học ngành Y để giúp đời và giúp mình, Định nộp hồ sơ vào Học viện Y dược.

Trong suốt 3 năm học, Định luôn là một trong những sinh viên chăm chỉ nhất khóa. Ngoài việc học trên lớp, Định không quản mệt mỏi luôn túc trực tại bệnh viện để thực hành những bài học, nắm được thực tế. Yêu mến Định, các thầy, cô giáo trong khoa đi khám bệnh ở đâu cũng thay nhau đưa cậu sinh viên đặc biệt đi cùng. Thậm chí, có thầy giáo từ Đà Nẵng cảm phục cậu học trò nghèo khuyết tật, thường xuyên gửi tặng Định nhiều sách chuyên môn giúp Định tham khảo. Nhờ đó, Định học được nhiều kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt và nhiều bài thuốc hay.

Sau 3 năm miệt mài học tập, năm 2013 Định tốt nghiệp và trở về quê mở phòng khám. Những người dân quê nghèo chính là những bệnh nhân đầu tiên của Định. Biết hoàn cảnh của họ, Định lấy giá rất phải chăng. Nhớ lại trường hợp chị T. hiếm muộn, sau khi đẻ được thằng cu, chị T. và gia đình đề nghị Định làm bố đỡ đầu cho đứa trẻ. Định cười bảo: “Đó chính là tình cảm gia đình bệnh nhân dành cho nhưng với em đó là thành quả, đích cuối cùng mà mỗi thầy thuốc hướng đến”.

Đặc biệt, Định còn khoe thêm với chúng tôi một niềm vui nữa. Cảm kích tấm lòng của một người con hiếu thảo, một chàng trai đầy nghị lực và một thầy thuốc giỏi, cảm mến tấm chân tình của Định mà chị Vũ Thị Phấn - một người con gái cùng quê - đã nên duyên vợ chồng với anh. Chị Phấn được Định hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt, để hằng ngày cùng chồng chữa trị cho những bệnh nhân nghèo.

Yên Chi

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

Từ ngày 9/1, khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trời tiếp tục rét; vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại; nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 10-13 độ C, vùng núi Bắc Bộ 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C...

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa mới ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, từ năm học 2025-2026, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể cả trường chất lượng cao.

Từ khi được cấp phép hoạt động đến nay, mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Anh Việt Hương (xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), đã nhiều lần bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá xử phạt. Tuy nhiên, mới đây, chủ đầu tư mỏ đá này lại tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hoá xin gia hạn thời gian khai thác đá.

Ghi nhận thành tích của nữ sinh trung học cùng một người dân tình cờ nhặt được hai khẩu súng cùng hàng chục viên đạn đã chủ động trình báo, giao nộp cho cơ quan Công an, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận đã tặng giấy khen đột xuất cho hai trường hợp này để biểu dương và nhân rộng điển hình.

Ngày 8/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ 3 ngày đối với Trần Quốc Việt (SN 1980, trú huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) để điều tra làm rõ hành vi “Cướp tài sản”.

Ngày 8/1, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, từ 23 - 27/12/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị hàng không bắt 3 đối tượng người nước ngoài trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay của hãng hàng không Việt Nam, trị giá tài sản lên đến 113 triệu đồng; trục xuất 1 đối tượng nghi vấn.

Từ ngày 1/1 vừa qua, Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực thực thi trong cuộc sống, cùng ngày, Nghị định 168 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng có hiệu lực với mức phạt tăng khá cao so với mức phạt cũ được quy định tại Nghị định 100 và Nghị định 123.

Sáng 8/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm. Bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Tới đây, mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng theo bà Nguyễn Minh Phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文