Chuyện của nữ chủ nhân tấm huy chương thể thao quốc tế đầu tiên

11:10 04/08/2015
“Nghề” vận động viên (VĐV) thể thao cực kỳ nặng nhọc, nguy hiểm và bạc bẽo chứ không đơn giản chỉ là trò chơi và vinh quang như mọi người vẫn hình dung - bà Nguyễn Hoàng An, chủ nhân tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam, người thầy đào tạo hàng trăm VĐV thành tích cao đẳng cấp quốc gia và quốc tế cho thể thao Việt Nam mở đầu câu chuyện nghề nghiệp và cuộc đời của mình như vậy.

Lần đầu đăng quang

Trong khuôn viên của khu tập thể Quần Ngựa (Hà Nội), bà Nguyễn Hoàng An vẫn thoăn thoắt vận hành cuộc sống thường ngày một cách đầy khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Nơi đây cũng chính là nơi bà sinh ra và chứng kiến thời gian trôi đi trong sự đổi thay chóng mặt của cảnh vật, con người, thời đại suốt hơn nửa thế kỷ.

Sinh năm 1944, Nguyễn Hoàng An được biết đến là lứa VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam cùng với những tên tuổi như: Cao Thị Thịnh, Trần Hữu Chỉ, Bùi Đình Đắc, Vũ Mộng Thư, Nguyễn Viết Trung, Đào Thị Huệ… Nguyễn Hoàng An cũng chính là VĐV đầu tiên đem về chiếc huy chương đầu tiên - Huy chương Đồng - cho thể thao nước nhà của môn bơi lội trong giải Ganefo (Indonesia) vào năm 1963, dù chuyên môn của bà là điền kinh.

"Tôi không ăn mày dĩ vãng, nhưng nghiệp thể thao đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi quá nhiều. Có được sức khỏe và tinh thần như ngày hôm nay, ở tuổi này đều nhờ thể thao, đặc biệt là điền kinh mà có cả" - bà Hoàng An nở nụ cười tươi rói và khẳng định chắc nịch như vậy.

Cuộc đời bà, chỉ có thể thao. Từ bơi lội sang điền kinh, từ VĐV đến huấn luyện viên  (HLV), thậm chí đã từng huấn luyện cho Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia. Ở vị trí nào "nữ tướng" Hoàng An cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với một bầu nhiệt huyết và quyết tâm cao độ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mất từ sớm, sống với mẹ, lại trong tình hình đất nước chiến tranh nên Nguyễn Hoàng An buộc phải bươn chải, tự luyện cho mình tính cách mạnh mẽ. Sôi nổi, mạnh mẽ nhưng cũng đầy mềm mỏng, dịu dàng, HLV Hoàng An luôn chạy đua với chính mình và trái ngang cuộc đời để giữ trọn đam mê với thể thao.

Bà Hoàng An cùng đoàn thể thao Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm tại Trung Quốc.

Bà nhớ lại quãng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, khi đó bà còn là cô học sinh cấp 2, mới 14-15 tuổi đầu đã mạnh dạn đăng ký thi đấu trong Đại hội Học sinh, sinh viên toàn miền Bắc được tổ chức lần đầu tiên năm 1959. Một bất ngờ lớn đã xảy ra, Hoàng An giành chức vô địch, chiến thắng cả những anh chị học sinh cấp 3 trong cả hai nội dung là điền kinh và nhảy xa. Từ thành tích đó, con đường đến với thể thao chuyên nghiệp đã mở ra và trở thành định mệnh của cuộc đời, Hoàng An được gọi lên tuyển, hình thành nên lực lượng VĐV chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Nhằm xây dựng lực lượng VĐV, Cục Quân huấn (Đoàn Thể công của Quân đội) điều chuyển một số người ra làm công tác huấn luyện và đào tạo. Thời điểm đó, ông Bùi Tử Liêm làm HLV và ông bắt đầu tuyển chọn VĐV để tập huấn. VĐV bóng rổ cao gần 2m Bùi Năng Tĩnh chuyển sang đẩy tạ, học sinh cấp 3 Cao Thị Thịnh chạy ngắn và Nguyễn Hoàng An, khi đó mới là học sinh cấp 2 vào 2 môn chạy ngắn, nhảy xa.

Hằng ngày, từ Quần Ngựa, đeo tạ chạy lên núi Nùng (Bách Thảo) tập luyện. Nhìn đội hình, Hoàng An ví von vui rằng: "Một con voi, hai con khỉ" đang leo núi. Tiếp đó, khi được tập huấn tại Trường Huấn luyện Kỹ thuật Thể dục Thể thao (TDTT), Hoàng An cùng VĐV Lâm Minh Thủy, Mộng Thư và Tuyết Minh đã sớm trở thành "bộ tứ lừng lẫy" trong làng điền kinh.

Năm 1963, đoàn thể thao Việt Nam xuất ngoại tham dự giải Ganefo tại Indonesia và Nguyễn Hoàng An đã xuất sắc giành Huy chương Đồng môn bơi lội, nội dung bơi cự ly 4x100m - môn thi không nằm trong nội dung tập huấn của bà. Nguyễn Hoàng An là thành viên Đội tuyển Quốc gia từ năm 1960-1968, năm 1969 chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, công tác huấn luyện phải tạm dừng và Hoàng An quyết định đi học ở Trường TDTT Từ Sơn - Bắc Ninh. Năm 1971 ra trường, bà nhận nhiệm vụ Hiệu phó Trường Văn hóa TDTT tại Hà Nội, phụ trách điền kinh.

Nhớ lại ngày đó, bà Hoàng An vẫn giữ nguyên lòng cảm kích đối với Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho thể thao phát triển trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ý thức được điều đó, thế hệ của bà vượt qua kham khổ, thi đấu hết mình. "Chúng tôi không ngại khổ, thi đấu vì hình ảnh đất nước, vì màu cờ, vì lòng tự trọng mà không màng đến tiền của, vật chất" - bà Hoàng An nhớ lại một thời sôi sục lý tưởng, say mê cống hiến.

Trong thi đấu gặt hái được nhiều thành tích, trong công tác huấn luyện Nguyễn Hoàng An đã đào tạo được hàng trăm VĐV mang đẳng cấp quốc gia và quốc tế, nắm giữ hầu hết kỷ lục trong và ngoài nước của Việt Nam. Tiêu biểu như Trần Thanh Vân, Hoàng Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Bích Vân, Vũ Thị Bích Hường…

Bên cạnh đó, trong công tác huấn luyện thể lực cho Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia, Hoàng An cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và góp phần vào tấm Huy chương Vàng đầu tiên năm 2001 cho đội tuyển. Bà nói, tất cả họ đều là những cô gái vàng mười.

Bà Hoàng An chụp ảnh cùng những học trò trong đội điền kinh tiếp sức 4x100m nữ Hà Nội.

Vui buồn đời huấn luyện

Đã nghỉ hưu gần 20 năm nay nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Hoàng An hết công việc chuyên môn bởi bà liên tục được mời làm cố vấn, huấn luyện. Nhớ lại, nhiều năm trước, trong quá trình tập luyện, bà Hoàng An bị tràn dịch màng phổi, bác sĩ khẳng định bà muốn giữ tính mạng thì phải từ bỏ sự nghiệp đầy vất vả này. Tuy nhiên, thể thao đã ngấm vào máu, sau 10 ngày điều trị và nghỉ ngơi, buồn tay chân bà lại túc tắc tập lại. Kỳ diệu, thể thao khiến bà khỏe dần lên và khỏi hẳn căn bệnh này.

Những kỷ niệm trong tháng ngày thi đấu cũng như huấn luyện luôn trở về, tiếp thêm niềm vui và nghị lực cho người phụ nữ mạnh mẽ này. Bà Hoàng An kể lại, trong những ngày đi tập luyện dưới tiết trời -8oC ở Trung Quốc, bà và đồng đội vẫn gắng sức vượt qua dù nhiều lúc tưởng chừng như khắc nghiệt đã chạm đến giới hạn chịu đựng. Vui hơn, thời điểm đó, bà và đoàn VĐV được đích thân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp đón và chụp ảnh lưu niệm tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Cũng trong một giải thi đấu thể thao tại CHDC Đức, bà Hoàng An và đoàn đã được Tổng Bí thư CHDC Đức đón tiếp. Hay như chuyến đi tập huấn tại Triều Tiên, đoàn thể thao Việt Nam đã tham gia giao lưu và chiến thắng cả VĐV của nước chủ nhà. Đoàn Việt Nam còn được tham quan nhiều địa danh lịch sử, ấn tượng nhất là Bàn Môn Điếm.

Ở nước Đức xa xôi nhưng họ vẫn dành tình cảm rất trọng thị cho đoàn thể thao Việt Nam, đủ thấy thể thao có tầm quan trọng đến thế nào.

Vào năm 2000, khi đã nghỉ hưu, bà Hoàng An được mời làm HLV thể lực cho Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam. Thời điểm đó, khi mời bà, ông Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng "các em (đội bóng đá nữ) cần một người mẹ". Vậy là bà đồng hành cùng đội tuyển bóng đá nữ trong suốt hành trình thi đấu từ trong nước đến nước ngoài, không chỉ công tác thể lực mà còn là người động viên, khích lệ tinh thần, giải quyết bất đồng… giữa các chị em trong đội.

Trong trận gặp Myanmar ở Sea Games năm 2001, Đội tuyển Việt Nam phải đấu với các cầu thủ nữ xuất thân từ Cảnh sát Hoàng gia, có võ và nền tảng thể lực khá tốt. Bà Hoàng An nhớ lại, trong một cú va chạm tranh bóng mà một cầu thủ Myanmar khiến cho 3 cầu thủ của Việt Nam bị thương, ngã xuống sân. Bà cùng y tế chạy vào, động viên, các cô gái xin đừng thay người và quyết tâm đá tiếp.

Trận đó, đội Việt Nam thắng cũng một phần lớn nhờ sự huấn luyện thể lực của bà Hoàng An. Năm đó, Việt Nam tiếp tục vượt qua Thái Lan ở trận chung kết với 2 hiệp chính, 2 hiệp phụ và đá luân lưu đến quả thứ 7 cân não, giành Huy chương Vàng đầu tiên. Tất cả như vỡ òa và khi về đến sân bay, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm ra đón đoàn với sự trân trọng.

Không nói nhiều về thành tích của mình ở các giải đấu dù bà Hoàng An giành chiếc huy chương đầu tiên cho thể thao Việt Nam năm 1963. Bức ảnh buổi lễ trao giải năm đó đã được đem triển lãm, trong buổi triển lãm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ có đến chia vui với đoàn. Bà Hoàng An nói nhiều về những người học trò của mình đã không ngừng cống hiến, đem lại vinh quang cho đất nước như Vũ Thị Bích Hường, Trần Thanh Vân, Hoàng Kim Cúc…

Bà Hoàng An chụp ảnh cùng những học trò trong đội điền kinh tiếp sức 4x100m nữ Hà Nội.Khoảnh khắc bà Hoàng An giành Huy chương Đồng tại giải Ganefo năm 1963 (Indonesia).

Còn lại những trăn trở

Bà Hoàng An nói rằng, từ không có huy chương đến có huy chương, từ ít đến nhiều, từ khu vực vươn ra châu lục, thế giới, điền kinh Việt Nam đã vững bước đi lên một cách có hệ thống. 50 năm qua điền kinh Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cống hiến cho thể thao nước nhà và cũng chưa có bộ môn nào có lịch sử đến 50 năm như điền kinh.

Bên cạnh niềm tự hào, bà Hoàng An cũng hết sức trăn trở với thể thao hiện tại, nhất là vấn đề chế độ cho VĐV khi giải nghệ. Thông thường, thể thao là công việc nặng nhọc, dễ chấn thương, lương không cao. Khi giải nghệ VĐV không có nghề nghiệp, không được học hành đến nơi đến chốn thường lâm vào cảnh khó khăn trong cuộc mưu sinh. Nhìn cảnh đó bà không đành lòng và đôi lúc tự cảm thấy mình may mắn.

Những trăn trở về cuộc sống, chế độ cho VĐV luôn cần được quan tâm, để những VĐV đang thi đấu nhìn vào và hy vọng. Bên cạnh đó, những HLV có thâm niên công tác cũng cần được hưởng mức lương thâm niên để duy trì cuộc sống sau khi nghỉ hưu của họ. Vì tự trọng, thường rất ít người đề đạt nguyện vọng này.

Bà Nguyễn Hoàng An tâm niệm rằng, thể thao không chỉ rèn luyện sức khỏe cho con người, thể thao còn đem đến nghị lực vượt qua khó khăn, đối đầu với gian khổ và chiến thắng chính mình của mỗi người. Thông qua quá trình luyện tập nặng nhọc và thi đấu đầy căng thẳng trong nhiều năm, giờ đây, bà Hoàng An bình tĩnh trước mọi khó khăn, sóng gió của cuộc đời, dù mới đây, bà gặp phải một cú sốc khá lớn trong cuộc sống…

Nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Bích Hường, nhà vô địch Sea Game năm 1995, là một trong những học trò "cưng" của bà Hoàng An chia sẻ: "Bà như là mẹ của các VĐV, không chỉ bồi dưỡng chuyên môn bà còn chăm lo, động viên, chung tay giải quyết những vướng mắc gặp phải trong cuộc sống. Với tôi, bà vừa là thầy, vừa là mẹ".

Hiện nay, dù lớn tuổi nhưng bà Hoàng An vẫn được mời làm công tác huấn luyện Đội Điền kinh Hà Nội. Ngoài ra, bà còn là Đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 10, 11, làm tổ trưởng tổ dân phố nhiều năm, được bà con khối phố hết sức tin tưởng và yêu mến.

 

Bùi Trí Lâm

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文