Chuyện đặc biệt của cậu học trò dự thi Học sinh giỏi Quốc gia

15:07 06/06/2021
Khi tác hợp cho mối lương duyên giữa chị Quy và anh Hinh, hai bên gia đình nội ngoại cũng chỉ nghĩ "nồi nào vung nấy". Bởi chị Quy đã thuộc diện "ế" do mắc phải căn bệnh động kinh quái ác, còn anh Hinh thì đã trải qua 2 đời vợ nhưng không ai chịu ở lại vì anh mắc bệnh thần kinh. Ấy thế mà, giời thương anh chị lại sinh được 2 đứa con ngoan ngoãn, thông minh. Mới đây, con trai của anh chị đã được lựa chọn vào đội tuyển Toán để dự thi Học sinh giỏi Quốc gia.


"Đám cưới chạy" vì sợ cả cô dâu, chú rể phát bệnh

Chúng tôi tìm đến thôn Chế Chì (xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) để tìm gặp gia đình chị Hoàng Thị Quy (SN 1974) vào một ngày cuối tháng 5 nắng cháy da cháy thịt. Lúc này cả 4 người trong gia đình chị Quy đều có mặt ở nhà. Họ đang làm công việc "chọc sen" (tức là dùng que nhọn tách riêng phần tâm sen và hạt sen - pv). Hoàn thành 1 kg thành phẩm sẽ được trả công 5.000 đồng, cả gia đình 4 người chăm chỉ làm việc, mỗi ngày kiếm được 25.000 đồng. Chị Quy bảo: "Cũng chỉ là cầm cự để sống qua mùa dịch bệnh này thôi".

Dù có hoàn cảnh hết sức đặc biệt nhưng Thông và em gái vẫn luôn cố gắng học thật giỏi để bố mẹ yên lòng.

Vất vả nhưng chị Quy không mấy khi than thở, bởi chị đã quen với gian khổ từ bé. Chị Quy tâm sự về cuộc đời mình: "Tôi sinh ra đã là con người bệnh tật. Tôi bị động kinh. Bố tôi mất sớm, mẹ tôi một nách nuôi 5 đứa con. Mẹ cố gắng cho tôi đi học, nhưng cũng chỉ đến lớp 7 thì tôi phải bỏ dở việc học. Không phải vì mẹ tôi không nuôi nổi tôi, mà vì cái bệnh động kinh mỗi tháng lại "vật" tôi lăn đùng ngã ngửa mấy bận. Có lần, đang đạp xe ở ngã tư phố Gác, tôi bị phát bệnh, ngã vật xuống đường quốc lộ, gãy cả răng. Lần khác đang đi trên đường làng, một cơn động kinh khiến tôi nhào xuống ao. Cũng may lần đó có người đi qua nhìn thấy nên vớt lên chứ không thì "xanh cỏ" lâu rồi. Ai cũng bảo tôi thế là cao số, chứ với bệnh đó ngã vật ra không ai biết là dễ chết như chơi".

Thương con bệnh tật, mẹ của chị Quy cũng cố gắng chạy chữa cho chị, uống thuốc Tây rồi cắt thuốc Nam, kiêng khem đủ thứ nhưng chứng bệnh động kinh của chị không thuyên giảm. Mỗi bận làm việc mệt nhọc hay thời tiết nắng nóng, căn bệnh quái ác ấy vẫn thường xuyên tái phát.

Việc chị Quy bị bệnh động kinh người dân trong làng ngoài xã không ai là không biết. Thế nên đến tuổi cập kê rồi mà chả chàng trai nào dám bén mảng đến con ngõ nhà chị. Ước mơ có một gia đình bình thường như bao người khác dường như quá xa xỉ đối với chị Quy. Bản thân chị cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ sống cô độc tới già.

Nhưng rồi nhân duyên bỗng dưng tới khiến chị Quy không biết mình nên vui hay buồn. Bởi lẽ người đàn ông mà người ta mai mối cho chị lại chẳng được bình thường. Anh là Phạm Văn Hinh (SN 1972), người làng bên cạnh. Ai cũng biết anh Hinh mắc bệnh thần kinh, suốt ngày cứ ngơ ngơ, ai nói gì cũng cười, ai bảo gì cũng gật.

Thông được lựa chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán.

Người làng vẫn thường gọi anh là Hinh "tồ". Trước đó anh Hinh đã từng trải qua hai đời vợ nhưng rồi họ chỉ sống chung với anh được một thời gian ngắn rồi bỏ đi. Bởi lẽ, họ không đủ kiên nhẫn và sự bao dung để yêu thương một người ngờ nghệch như anh. Mối lái dắt Hinh "tồ" đến nhà chị, họ bảo ngồi đâu thì anh ngồi đấy, cả buổi chẳng nói năng gì mà chỉ cười hì hì.

Chị Quy lạc quan tin rằng mình vẫn đang được ông trời thương.

Chị Quy nhớ lại: "Hôm đó anh ấy được người ta đưa đến nhà tôi nhưng có biết nói gì đâu. Thấy vậy tôi mới hỏi: "Đằng ấy có lấy tớ không?" thì anh ấy đáp: "Có". Hôm cưới, nhà trai có người bảo anh cứ ở nhà chờ đưa vợ về cho nhưng anh khóc toáng đòi phải đi đón dâu, còn nhà gái thì nhấm nháy nhau làm thủ tục nhanh nhanh kẻo cô dâu lại lăn đùng ra đúng vào lúc tổ chức hôn lễ thì hỏng chuyện. "Năm 2002 bọn tôi lấy nhau, cả hai bên gia đình đều nghèo nên một tấm ảnh cưới cũng chẳng có. Quần áo của anh ấy còn phải đi mua chịu. Với lại nói là cưới cho oai chứ thực tế là xác định "gá đời mình" thôi", chị Quy nhớ lại.

Ông trời vẫn thương vợ chồng tôi lắm

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã gần 20 năm kể từ khi anh Hinh và chị Quy về ở với nhau sau đám cưới chẳng giống ai. Sau từng ấy năm, căn nhà của họ vẫn không thay đổi - đó là quà cưới của họ hàng đôi bên xúm tay vào dựng cho cặp vợ chồng trẻ lấy chỗ chui ra chui vào. Nghèo thì vẫn nghèo, song hiện tại, chị Quy đang trong niềm hân hoan vui sướng sau khi hay tin con trai lớn được chọn vào đội tuyển dự thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán. Trò chuyện với chúng tôi, chị cứ tự xuýt xoa: "Không hiểu nó giống ai mà học giỏi thế".

Chị Quy vẫn còn nhớ rõ cảm giác vui sướng, hạnh phúc cũng như đầy lo lắng khi biết mình mang thai con trai đầu lòng. Chị kể: "Tôi lập gia đình từ đầu năm 2002, đến giữa năm 2003 vẫn chưa thấy mang thai. Anh Hinh vẫn vậy, ậm ừ không rõ là vui hay buồn, cũng chẳng biết làm gì đỡ đần vợ. Người làng xì xào "thằng Hinh “tồ” chắc không sinh con được đâu". Nhưng, ông trời thương tôi, cho tôi mang thai con trai. Suốt 9 tháng thai kỳ, tôi chỉ ở trong nhà, có gì ăn nấy, không dám hoạt động mạnh vì sợ tái phát bệnh, có khi mất cả mẹ lẫn con".

Con trai chào đời, chị Quy đặt tên con là Phạm Văn Thông, trong lòng thầm cầu mong rằng đứa bé sẽ thông minh, lanh lợi. Mấy năm đầu tiên, chị quan sát con, thấy con hiền hiền, ít quấy khóc, chị sợ con bị di truyền bệnh của bố mẹ. May sao, bắt đầu đi học, thầy cô giáo khen con trai thông minh, tiếp thu tốt, chị mới yên lòng. Năm năm sau, vợ chồng hạnh phúc đón người con thứ 2, bé gái có tên Phạm Thị Thương.

Ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng chị Quy.

Từ bé, Phạm Văn Thông đã có thành tích nổi bật về môn Toán. Nhà nghèo, em chưa từng xin mẹ đi học thêm. Năm lớp 7, Thông đạt giải 3 học sinh giỏi cấp huyện môn Toán. Đến lớp 9, tiếp tục đạt giải khuyến khích. Đặc biệt, trong kỳ thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Hưng Yên, Thông xuất sắc đỗ vào lớp chuyên Toán, đứng thứ 4 toàn trường.

Nhà cách trường hơn 10km, thời gian đầu Thông xin mẹ đạp xe đi học. Nhưng nghĩ đường xa, con vất vả, họ hàng giúp đỡ chị Quy mua cho Thông chiếc xe đạp điện. Nhà xa, lắm hôm học ca chiều, Thông lại xách theo cặp lồng cơm ăn trưa, tối lại về. Tháng 8-2020, Thông vinh dự là 1 trong 8 học sinh chuyên Toán của tỉnh Hưng Yên, tham gia Đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia.

Tin tức Thông được vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia lan ra khắp làng, ai nấy gặp chị Quy cũng đều chúc mừng, tán dương khiến chị đầy tự hào. Chị mong ước con trai có thể thi đỗ Đại học, theo đuổi nghề yêu thích để thoát khỏi lũy tre làng - điều mà trước giờ vợ chồng chị chưa dám nghĩ tới. Chị tâm sự: "Không ai nghĩ rằng vợ chồng tôi lại có thể sinh được 2 đứa con thông minh và ngoan ngoãn đến vậy. Tôi nghĩ mình may mắn được "trời thương".

Ngồi bên cạnh mẹ, Phạm Văn Thông ít khi góp lời, tay vẫn đều đặn "chọc sen". Dù hơi thấp nhỏ so với tuổi "bẻ gẫy sừng trâu", bù lại, Thông có đôi mắt sáng khiến khuôn mặt cậu bừng lên khi nói chuyện. Từ khi học THCS, Thông từng nhiều lần đạt thành tích cao ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Thông được thầy cô, bạn bè và những người xung quanh đánh giá là một học sinh ngoan ngoãn và có chí tiến thủ. Thành tích 10 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cháu.

Thông kể: "Cháu rất thích học. Lần đầu tiên cháu được đặt chân đến Trường THPT Chuyên Hưng Yên là vào kỳ thi HSG cấp tỉnh năm lớp 9. Đây cũng là kỳ thi đáng nhớ nhất khi cháu được ngồi tại phòng học của ngôi trường mà mình yêu thích từ lâu. Vì thế, cháu quyết tâm thi vào trường đó và đã trúng tuyển với số điểm 38/40".

Học ở trường chuyên của tỉnh Hưng Yên, Thông tiếp tục phát huy năng khiếu của mình ở khối tự nhiên, đặc biệt là trong môn Toán khi xuất sắc lọt vào đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của trường và tham dự kỳ thi vượt cấp khi mới chỉ là học sinh lớp 11. Thông nói với chúng tôi sẽ cố gắng hết mình cho cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, cũng như phân bổ được thời gian hợp lý để đạt kết quả cao nhất có thể trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thông bảo rằng cháu chưa bao giờ mặc cảm vì mình là con của bố mẹ mình. Bố mẹ dù bệnh tật, dù khiếm khuyết nhưng vẫn luôn cố gắng hết sức để nuôi anh em cháu được ăn, học bằng bạn bè.

"Nhiều lúc thấy anh em thiếu thốn, thiệt thòi mẹ cháu lại bảo giá các con được sinh ra ở gia đình có điều kiện thì các con đã không phải khổ như thế này. Nhưng nếu được lựa chọn lại, cháu vẫn muốn là con của bố mẹ".

Nghe con nói vậy chị Quy rơm rớm nước mắt. Chị bảo như vậy là ông trời đã thương vợ chồng chị quá nhiều. Một người mắc bệnh động kinh và một người mắc chứng tâm thần lấy nhau chẳng ai nghĩ lại có thể sinh ra được 2 "quả ngọt" thế này.

Trâm Anh

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文