Có một kỳ thi đặc biệt như thế...

17:32 14/08/2020
Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 đã khép lại với nhiều điều đặc biệt đối với gần 900.000 sĩ tử trên cả nước. Cho đến thời điểm này, có thể thấy đây là một kỳ thi an toàn, “thành công trong dông bão” khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp trong cộng đồng.

Nín thở đến phút chót

Có lẽ chưa bao giờ mà các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia lại được đưa ra và thay đổi nhiều như năm nay để ứng phó với các tình huống liên quan đến dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Ngay từ tháng 2, lịch thi tốt nghiệp THPT được lùi đến ngày 23-26 tháng 7, muộn hơn 1 tháng so với mọi năm. Sang tháng 3, lịch thi tiếp tục được lùi đến ngày 8-11 tháng 8. Sau 2 lần điều chỉnh thời gian thi do dịch COVID-19 cách nhau gần 1,5 tháng, kỳ thi vẫn có những diễn biến hết sức bất ngờ.

Dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng từ cuối tháng 7 khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra quyết định “có một không hai”: Các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp. Các địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết đảm bảo điều kiện an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch.

Đến tận thời điểm ngày 8-8, tức là ngay trước ngày thi vẫn có những tình huống “bất thình lình” xảy ra. Chẳng hạn như ở Quảng Ngãi phải dừng khẩn cấp điểm thi Trường THPT Sơn Mỹ sau khi tỉnh này xác nhận 48 học sinh lớp 12 là F2 của bệnh nhân được xác định mắc COVID-19. Nhằm đảm bảo an toàn, toàn bộ 352 thí sinh của điểm trường này phải dừng thi tốt nghiệp THPT đợt 1.

Thí sinh đến điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ sớm để đo thân nhiệt, sáng 9-8.

Ở thành phố Hà Nội, Trường THCS Tân Hội (huyện Đan Phượng) được coi là điểm thi “chạy dịch” vì đây là điểm thi mới được Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội thành lập cấp tốc để chuyển toàn bộ 633 thí sinh thi tại điểm thi Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng) về đây. Theo ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì nguyên nhân là tại điểm thi có một giáo viên thuộc diện F1 của ca bệnh mới được phát hiện ngay trước thời điểm kì thi THPT toàn quốc diễn ra. Không chỉ thay đổi điểm thi, toàn bộ tổ giáo viên coi thi cũng được thay đổi để đảm bảo an toàn.

Theo ông Nguyễn Hữu Khương - trưởng điểm thi Trường THCS Tân Hội thì quyết định chuyển sang điểm thi mới được ban hành sáng ngày 7-8, chỉ trước thời điểm các em đến làm thủ tục thi 1 ngày. Đến chiều ngày 8-8, toàn bộ các thí sinh của điểm thi đã có mặt đầy đủ để làm thủ tục dự thi theo đúng quy định.

Mỗi điểm thi là một “pháo đài” chống dịch

Có lẽ chưa bao giờ công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm thi lại nhiều công đoạn và kĩ càng đến thế, bởi ngoài việc thực hiện đầy đủ quy chế thi, còn thêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trước ngày thi, tại tất cả các điểm thi trong cả nước, công tác khử khuẩn từng phòng thi, từng bàn học, chuẩn bị phòng dự bị, phòng cách ly, bố trí bộ phận y tế chuyên trách đều được thực hiện nghiêm. Không chỉ các sĩ tử mà cả cán bộ coi thi và đảm bảo an ninh cho kì thi cũng được đo thân nhiệt kĩ càng.

Tại khu vực thi Trường THPT Việt Đức, mới 6h20 sáng 9-8, rất đông các em học sinh đã có mặt, chủ động đến đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng thi. Không giấu được sự hồi hộp trong buổi sáng đầu tiên của kì thi, em Phạm Thành Long bảo rằng, cả nước cùng quan tâm tới kì thi này, em cũng hơi căng thẳng một chút. Nhất là lúc được đo thân nhiệt, chỉ sợ trời nắng nóng, tâm lý căng thẳng mà nhiệt độ trong người hơi tăng cao thì nguy. Tuy vậy, Long cũng như các bạn đều muốn được thi theo đúng kế hoạch vì lùi lịch thi dễ khiến tinh thần mệt mỏi và quên kiến thức.

CSGT tham gia cùng sinh viên tình nguyện phát nước, áo mưa cho thí sinh. Ảnh: Bùi Hào.

Ngồi chờ con ở gần khu vực cổng trường, ông bố Trương Quang Phúc (quận Hoàn Kiếm) bảo với tôi rằng chưa năm nào đưa con trai đi thi mà lại nhiều mối lo như năm nay. Không chỉ lo con thi có tốt không mà nỗi lo lớn hơn là sợ con bất ngờ bị ho, sốt - những biểu hiện hàng đầu dễ nghi nhiễm COVID-19. Bởi chỉ cần con có biểu hiện nghi nhiễm thôi thì rất có thể sẽ phải dừng thi đợt này để theo dõi sức khỏe. Bởi thế, cả tuần nay, thỉnh thoảng anh lại “thăm dò” cậu con trai xem có sốt, có ho không. 4 buổi thi là 4 lần đo nhiệt độ, cũng là 4 lần anh Phúc hồi hộp. Anh bảo, cứ thấy con qua vòng đo nhiệt độ để vào được phòng thi là anh nhẹ cả người, coi như thắng lợi bước đầu.

Cũng liên quan đến việc đo thân nhiệt mà điểm thi Trường THCS Tân Hội (huyện Đan Phượng) được phen “hú hồn” khi thí sinh Nguyễn Thị Trà Giang bất ngờ có kết quả đo thân nhiệt cao bất thường. Thí sinh này được cán bộ y tế đưa vào một phòng riêng nghỉ ngơi, sau đó đo lại thân nhiệt lần 2 thì nhiệt độ đảm bảo an toàn theo quy định. Theo một cán bộ y tế tại điểm thi Tân Hội thì do thời tiết nắng nóng, các em học sinh có tâm lý căng thẳng khi đi thi nên một vài em có thân nhiệt cao hơn bình thường, cần được nghỉ ngơi và đo lại.

Trần Bảo Ngọc có lẽ là thí sinh đặc biệt nhất tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi em được sắp xếp thi riêng một phòng. Ngọc chia sẻ, khi biết em cùng gia đình đi nghỉ tại Đà Nẵng từ ngày 11-15 tháng 7, y tế phường đã lập tức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và em được sắp xếp thi riêng tại phòng thi dự bị. Tuy phải ngồi một mình một phòng nhưng được các thầy cô giám thị quan tâm, động viên nên Ngọc khá bình tĩnh và tự tin làm bài thi. Kết thúc buổi thi ngoại ngữ chiều 10-8, nữ sinh này cười rất tươi và bảo rằng đây sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ kết thúc những năm tháng học sinh của em.

Em Đỗ Văn Trung bị chấn thương ở chân được các tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển đến phòng thi tại điểm thi Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành.

Dịch COVID-19 “chui” vào đề thi

Tại điểm thi Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội trong ngày thi thứ nhất, Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn - công an quận Cầu Giấy cho biết điểm thi này đảm bảo 100% thí sinh được đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt đảm bảo đúng quy định an toàn trước khi vào phòng thi. Trong quá trình thi thí sinh phải đeo khẩu trang, phòng thi mở cửa, bật quạt để thoáng khí, thực hiện nghiêm phòng chống dịch. Các bậc phụ huynh ở lại chờ con thi được khuyến cáo đứng giãn cách, hạn chế nói chuyện thay vì đứng túm năm tụm ba như những năm trước.

Thí sinh Nguyễn Văn Trung đến điểm thi Nguyễn Tất Thành không chỉ với khẩu trang mà còn có thêm “phụ kiện” là nạng và xe lăn. Nguyên nhân là cách ngày thi 2 tuần, Trung bị ngã và chấn thương ở chân. Suốt 2 ngày thi, Trung được các tình nguyện viên hỗ trợ lên tận phòng thi. Kết thúc buổi thi tổ hợp sáng 10-8, mặc dù phải rời phòng thi bằng xe lăn nhưng cậu học sinh Trường THPT Chuyên ngoại ngữ này rất vui vì đã làm tốt bài thi môn hóa học.

Những ai có mặt tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy đều thấy xúc động khi chứng kiến cảnh bà Đỗ Thị Thành (76 tuổi) ngồi chờ cháu ngoại Lê Quỳnh Anh suốt mấy buổi thi. Bà Thành kể, hai bà cháu dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị, đúng 6h là Quỳnh Anh chở bà từ nhà ở phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung đến điểm thi. Trưa, thi xong, cháu lại chở bà về nhà, ăn cơm trưa. Buổi chiều, hành trình của hai bà cháu lặp lại.

Bà Thành ngồi ngoài cổng đợi cháu vào thi, hồi hộp đếm từng nhịp trống báo phát đề, chuyển môn thi trong buổi thi tổ hợp sáng 10-8. Bà bảo tuy đi lại có mất thời gian vì nhà bà cách điểm thi khá xa nhưng cháu ở trong phòng thi có bà ngoài này cũng yên tâm mà bà cũng đỡ sốt ruột. Bà Thành rất cẩn thận nên ngồi riêng một chỗ, tránh tập trung đông người. Bà bảo mừng nhất là cháu gái khoe làm được bài. Hai ngày thi quan trọng này, dù có vất vả nhưng nhất định bà phải đồng hành cùng cháu gái.

Một trường hợp thí sinh quên giấy dự thi được chiến sĩ CSGT hỗ trợ. Ảnh: Bùi Hào.

Kết thúc buổi thi tổ hợp, các sĩ tử rời phòng thi và tếu táo nói với nhau rằng dịch COVID-19 “chui” cả vào đề thi. Là bởi trong đề thi thành phần môn sinh thuộc tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên và môn giáo dục công dân thuộc tổ hợp bài thi khoa học xã hội đều có câu hỏi liên quan đến dịch COVID-19. Câu hỏi 110 (mã đề 221) môn sinh học yêu cầu thí sinh xác định các biện pháp giúp phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra. Đáp án đúng đề cập đến cả 4 phương án là đeo khẩu trang đúng cách, thực hiện khai báo y tế khi ho, sốt; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi và miệng; rửa tay thường xuyên và đúng cách.

Với đề thi giáo dục công dân, câu hỏi 120 liên quan đến dịch COVID-19 yêu cầu học sinh xác định quyền công dân của bà Q trong trường hợp “Bà Q viết bài đăng báo bày tỏ lòng tri ân đối với các nhân viên y tế đã luôn tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”. Đáp án đúng cho câu hỏi này là bà Q đã thực hiện quyền tự do ngôn luận. Đề thi môn Ngữ văn cũng được các em đánh giá là hay, mang tính thời sự, khích lệ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với quê hương, đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Chiều 10-8, tại cuộc họp báo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sau khi kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT 2020, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết cả nước có 3 điểm thi ở Bình Phước, Bắc Ninh và Điện Biên để xảy ra tình trạng một số giám thị chưa đảm bảo thời gian làm bài cho các thí sinh. Do đó một số thí sinh của 3 địa phương này sẽ thi đề thi dự bị của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vào ngày 11-8 để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các em.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020, cả nước có gần 900.000 thí sinh dự thi. Số thí sinh không thể dự thi do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 là 26.308 thí sinh tại 23 tỉnh/thành phố, chiếm tỷ lệ 2,92% tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc. Trong đó, nhiều nhất là Đà Nẵng có gần 11.000 thí sinh không thể dự thi, xếp thứ hai là Quảng Nam với hơn 9.000 thí sinh, thứ 3 là Đắk Lắk có gần 5.400 thí sinh. Hà Nội có 5 thí sinh không thể tham gia thi đợt này.

Thành phố Hà Nội có 75.465 thí sinh dự thi, là địa phương có số thí sinh đông nhất cả nước, tăng khoảng 3.000 thí sinh so với năm 2019. Toàn thành phố có 143 điểm thi với 3.336 phòng thi. Có gần 10.000 cán bộ, giáo viên và gần 1.500 nhân viên tham gia công tác thi. Do phải tăng cường giải pháp phòng ngừa dịch COVID-19 nên điều động bổ sung thêm gần 1.000 cán bộ, giáo viên.

Huyền Châm

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文