Gặp người chỉ huy bắn cháy B52 rơi xuống hồ Ngọc Hà

20:10 14/12/2016
Hằng năm, cứ đến tháng 12, những ký ức hào hùng về trận “Điện Biên Phủ trên không” trứ danh (diễn ra từ đêm 18 đến hết đêm 29-12-1972) lại ùa về trong tâm khảm của người lính già Phạm Văn Chắt. Ông chính là người Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn tên lửa 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không Không quân) đã chỉ huy bắn cháy “pháo đài bay” B52 rơi xuống hồ Ngọc Hà, Hà Nội.

Dịp này, ông Chắt lại bận rộn bởi lịch đến các trường học, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong và ngoài tỉnh để nói chuyện, ôn lại kỉ niệm thời kỳ hào hùng của 12 ngày đêm oanh liệt năm ấy.

Bắn rơi B52 được Chủ tịch nước tặng một con bò!

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 8/167, phố Nguyễn Thượng Mẫn, phường Bình Hàn, TP Hải Dương - nơi gia đình ông Phạm Văn Chắt đang sinh sống. Nghe tiếng gọi cửa, ông từ trong nhà ra đón, mời tôi vào. Ngôi nhà khang trang, phòng khách tiện nghi, được bày trí khá đẹp. Ngồi uống trà, tôi được nghe ông kể về cuộc đời và những năm tháng binh nghiệp hào hùng của mình.

Ông Chắt sinh ra và lớn lên tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương. Năm 1959, ông nhập ngũ và chiến đấu ở đơn vị sơn pháo 75 ly, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 280, Sư đoàn 335, Quân khu Tây Bắc. Năm 1960, đơn vị ông được lệnh hành quân sang Lào tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hạ Lào bảo vệ cánh đồng Chum.

“Do có thành tích bắn rơi máy bay của Mỹ trong chiến dịch Hạ Lào, tôi được khen thưởng, được kết nạp đảng rồi cấp trên cho về nước đi học sỹ quan. Trong suốt 4 năm từ 1961-1965, tôi học trường Sỹ quan Kỹ thuật. Ra trường, tôi được phong quân hàm thiếu úy và được điều về Tiểu đoàn tên lửa 72, Trung đoàn 285, Sư 363, Quân chủng Phòng không Không quân”, ông Chắt tâm sự.

Ông Phạm Văn Chắt ôn lại những kỉ niệm về một thời hào hùng “Điện Biên Phủ trên không”.

Tiểu đoàn tên lửa 72 của ông Chắt đóng ở Hải Phòng, nhưng thường xuyên di chuyển cơ động đến nhiều địa phương để chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc. Thời kỳ những năm 1966-1967, ông cùng đơn vị tham gia các chiến dịch đường 5, chiến dịch biển lửa Hải Phòng. Sau đó, đơn vị cơ động lên Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ đường giao thông vận tải, chiến dịch bảo vệ giao thông vận tải miền Bắc chi viện cho miền Nam ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Mỗi chiến dịch, đơn vị ông cũng đều lập công xuất sắc.

Ông bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” mà đơn vị ông đã lập “chiến công đặc biệt xuất sắc” như lời khen tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Hồi tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, lúc đó tôi là Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 72. Những ngày đầu của chiến dịch, đơn vị tôi chiến đấu, đánh địch ngay khi chúng bay vào vùng trời miền Bắc. Đến giữa chiến dịch, đơn vị tôi được lệnh tăng cường để trực tiếp bảo vệ Thủ đô giữa lúc cuộc đánh trả đợt tập kích đường không của Mỹ tháng 12 năm 1972 đang diễn ra vô cùng ác liệt.

Chiều ngày 23-12, chúng tôi họp gấp chỉ huy, rồi xuống phân đội động viên bộ đội và chuẩn bị lên đường. Lúc này, mục tiêu cơ động an toàn được đặt lên hàng đầu. Bộ phận “nhẹ” gồm sở chỉ huy, thông tin tiếp sức, ra đa P12, trận địa giả, các xe phục vụ... do đồng chí Phạm Quang Tuyến chỉ huy, theo đường Thủy Nguyên - Phà Đụn - Đường 18 - Bắc Ninh để về Đại Chu.

Bộ phận “nặng” gồm bệ phóng, xe điều khiển, xe ăng-ten, xe đạn, bộ nguồn, chia điện... hành quân theo hướng Phà Kiền - Đường 5 - Cầu Phú Lương - Cầu Đuống, ngược về Từ Sơn, tới Yên Phong, rồi về Đại Chu. Bộ phận này do tôi phụ trách. Sau 2 ngày 3 đêm, toàn bộ tiểu đoàn đã có mặt an toàn tại trận địa Đại Chu. Chuẩn bị trận địa xong, tôi báo cáo lên cấp trên và xin lệnh được chiến đấu. Chúng tôi bắt đầu chiến đấu từ ngày 26-12.

Ngay chiều và đêm hôm ấy, địch huy động khoảng 60 máy bay phản lực các loại đánh vào để dọn đường cho B52 vào rải thảm Hà Nội. Tiểu đoàn nhận chỉ thị đánh tốp F4 khi chúng đang lượn vòng tìm trận địa của ta để cắt bom. Kíp 1 của chúng tôi do đã có kinh nghiệm về cách đánh máy bay chiến thuật trong nhiễu nên đã bắn hạ 1 chiếc F4.

Trước đó, chúng tôi nhận định, khi bắn rơi máy bay địch, trận địa Đại Chu sẽ bị các tốp cường kích “bâu” lại đánh phá. Do đó, chúng tôi đã cho nổ trận địa giả cùng lúc với trận địa thật để nghi binh. Quả nhiên, chúng lao vào đánh các ụ đất và khu vực nổ giả nên trận địa chính được an toàn.

Trong đêm 26-12, đơn vị của ông Chắt cùng các đơn vị khác đã bắn rơi 4 máy bay B52. Tuy nhiên, đơn vị ông lại không được tính công. Hôm sau, ông báo cáo cấp trên, xin đánh đường bay độc lập. Được cấp trên đồng ý, ông về quán triệt, triển khai trong toàn đơn vị. Các bài bắn B52 theo phương pháp bắn 3 điểm theo dải nhiễu và vượt nửa góc được anh em tập luyện kỹ càng để sẵn sàng nghênh địch.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đối với ông Chắt và anh em kíp trực là bắn B52 theo phương pháp nào? Nếu đánh theo cách phát hiện chính xác dải nhiễu theo phương pháp 3 điểm, liệu có chắc ăn? Còn theo phương pháp T, các anh em trắc thủ liệu có phát hiện, bám sát tốt mục tiêu không? Ông Chắt và sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng đã nhiều lần đưa ra các tình huống xử lý khi B52 vào và tìm cách “đồ giải”.

Đêm 27-12 là đêm thứ 10 Mỹ dùng máy bay đánh phá Hà Nội. Đêm đó, chúng huy động 54 pháo đài bay B52 và 66 phản lực để tiếp tục hủy diệt Hà Nội. Lúc này, toàn bộ kíp chiến đấu, ai nấy đều tập trung cao độ. Đến 23 giờ, tôi cho mở đài 1, đài 2. Phát hiện có mục tiêu, chúng tôi chọn đón đánh tốp 491, trong tốp này có 3 máy bay B52 đang ở cự ly XX độ cao 11.000 m, đài 2 thu được tín hiệu là một dải nhiễu sáng mịn, ổn định. Khi nhiễu máy bay chiến thuật vừa chuyển hướng, một “khoảnh khắc vàng hiếm có” xuất hiện, tôi tự tin hô: “Cự ly 30, phát sóng”.

Trước đó, tôi đã dự liệu nếu ở độ cao tương đối ổn định, B52 rất dễ bộc lộ trong thời điểm mà tốp hộ tống quay ra. Dù còn nhiễu nặng nhưng nó sẽ lộ mặt ở khoảng cự ly này. Qua 3 lần kiểm tra đúng nhiễu B52. Anh em đều nhìn thấy mục tiêu, thao tác rất chuẩn và ăn nhịp. Tôi ra lệnh đánh địch bằng phương pháp T, chế độ dãn cách 6 giây. Rất nhanh, sỹ quan và trắc thủ đã làm các động tác dứt khoát. Trắc thủ cự ly và trắc thủ phương vị chuyển hoàn toàn sang chế độ bám sát tự động.

23 giờ 3 phút, hai “rồng lửa” từ trận địa Đại Chu bay vút lên trời xuyên màn đêm tìm đến mục tiêu. Tất cả lặng người theo dõi, ở cự ly ngoài 20 km, hai đạn tên lửa gặp B52 nổ tung, bùng lên đám cháy rất lớn. Quầng lửa trên trời rơi xuống quận Ba Đình, phần thân rơi xuống hồ Hữu Tiếp (hay còn gọi là hồ Ngọc Hà), đuôi cánh rơi trên đường Hoàng Hoa Thám, vườn Bách Thảo gần Phủ Chủ tịch, 2 động cơ máy bay rơi vào nhà dân ở tổ 51 Ngọc Hà.

Quân dân Thủ đô đã bắt sống 4 tên giặc lái, còn 2 tên đã chết. Trong số 6 tên có 2 thiếu tá, 2 đại úy, 1 trung úy, 1 thượng sỹ. Điểm đặc biệt của chiến công này là chiếc B52 rơi tại chỗ còn nguyên bom đạn khi chúng chưa kịp gây tội ác.

Sáng 28-12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận nơi B52 rơi để thị sát. Đại tướng khen “Đây là trận đánh thắng B52 thật đặc biệt xuất sắc mà Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 đã thực hiện”. Chúng tôi cũng rất tự hào là đơn vị đánh trận cuối cùng của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” vào đêm 29-12. Đơn vị của chúng tôi ai cũng phấn khởi khi được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng 1 con bò để mừng công.

Hạnh phúc giản dị

Sau chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, ông Chắt còn trải qua nhiều đơn vị chiến đấu, đến năm 1987, ông Phạm Văn Chắt nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Ông Chắt cho biết: Tổng kết trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, Trung đoàn 285 đã tham gia 431 trận, bắn rơi 143 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B52, 1 chiếc EB-66, bắt sống nhiều giặc lái.

Riêng Tiểu đoàn 72 của ông Chắt từ năm 1966 đến năm 1972 đã bắn rơi 35 máy bay các loại. Chỉ trong thời điểm diễn ra 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, Tiểu đoàn đã bắn rơi 8 máy bay các loại, trong đó có 1 B52 trên bầu trời Hà Nội trong trận đánh đêm 27-12. Trong suốt những năm tháng đó, bản thân ông Chắt 3 lần bị thương.

Vợ chồng ông Chắt lật giở những trang nhật ký, ôn lại kỉ niệm một thời.

Ông Chắt cũng vui mừng chia sẻ, với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc đạt được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2014, Tiểu đoàn 72 do ông làm Tiểu đoàn trưởng đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cá nhân ông cũng được tặng danh hiệu cao quý này.

Trò chuyện với ông Chắt, được biết vợ ông tên là Trần Thị Lý, 74 tuổi, quê gốc ở Nam Định. Tôi tò mò muốn biết, mối lương duyên nào khiến tình yêu của họ nảy nở để 2 người nên vợ nên chồng. Nhất là khi quê của họ cách xa nhau hơn trăm kilômét, thời buổi chiến tranh loạn lạc, ông Chắt lại đi chiến đấu liên miên. Khi hỏi chuyện này, ông cười khà khà bảo: “Chẳng có tình yêu nào cả, tôi biết bà ấy, làm đám cưới, rồi lại trở về đơn vị chiến đấu chỉ trong vòng có vài ngày thôi, làm gì kịp yêu”.

Nói rồi ông kể: “Chẳng là những năm 60, gia đình tôi sơ tán vào Thanh Hóa, gia đình bà ấy cũng từ Nam Định sơ tán vào trong ấy. Ở trong này, bố mẹ tôi có quen và biết bố mẹ bà ấy. Lúc đó, bà ấy cũng đã ngoài đôi mươi, cũng tích cực tham gia du kích chiến đấu ở địa phương. Bố mẹ đôi bên ước hẹn sẽ gả con cho nhau. Tôi đi chiến đấu suốt, chẳng mấy khi về vùng sơ tán thăm bố mẹ nên không biết gì về chuyện này.

Năm 1968, trong một lần tôi được nghỉ phép về Thanh Hóa thăm bố mẹ. Thế là các cụ dẫn tôi đến nhà bà ấy để xem mặt, dạm ngõ và tổ chức đám cưới luôn. Sau đám cưới, vợ chồng chưa kịp bén hơi nhau, chưa hiểu gì nhiều về nhau, tôi phải trở về đơn vị chiến đấu. Chuyện vợ chồng tôi đến với nhau chỉ vậy thôi”.

Đang trò chuyện, vợ ông Chắt từ trong nhà đi ra, tôi mời bà ngồi uống nước để trò chuyện với bà về tình yêu của ông bà, chuyện một mình bà nuôi 3 con trong khi chồng đi chiến đấu xa nhà. Bà cười hiền từ: “Hoàn cảnh thời chiến, ai cũng phải như thế cả. Cưới nhau xong được 2 ngày, ông ấy lên đường trở về đơn vị. Còn tôi ở lại tham gia hoạt động du kích chiến đấu ở địa phương. Năm sau, gia đình 2 bên trở về quê cũ sinh sống, làm ăn, tôi theo gia đình chồng về quê ở Bình Hàn vừa tham gia công tác, vừa tham gia chiến đấu”.

Ông bà cưới nhau năm 1968 những do ông mải chiến đấu xa nhà, còn bà cũng bận công tác, mãi 6 năm sau, năm 1974 vợ chồng ông mới sinh con đầu lòng. Đến năm 1976 và 1981, bà lần lượt sinh thêm người con thứ 2 và thứ 3. Một mình bà tần tảo nuôi ba con, trong khi ông bận công tác xa nhà. Mọi khó khăn, vất vả một mình bà gánh hết. Vừa nuôi con, vừa tham gia công tác tại trạm y tế địa phương. “Hồi đó, khó khăn lắm, cơm chẳng đủ ăn, phải ăn độn cho đỡ đói. Khổ lắm chú ạ!”, bà Lý nhớ lại giai đoạn khốn khó đó.

Ông Chắt bên góc ảnh kỉ niệm chụp cùng đồng đội năm xưa.

Giữa bộn bề khó khăn, ông Chắt về nghỉ hưu để chia sẻ, gánh vác chăm lo xây dựng gia đình, nuôi dạy 3 con còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi lớn với bà. Mặt khác, ông còn tích cực tham gia công tác tại địa phương làm bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư số 3, phường Bình Hàn, tham gia hội cựu chiến binh... Ở vị trí, vai trò nào ông cũng tham gia tích cực, sôi nổi. Còn bà, cũng rất hăng hái tham gia các hoạt động hội, đoàn thể với vai trò hội viên. Năm 2014, bà Lý vinh dự được trao Huy hiệu 50 năm tuổi đảng, còn năm 2016, ông Chắt cũng vinh dự đón nhận Huy hiệu 55 tuổi đảng.

Các con của ông bà đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Hiện nay, vợ chồng ông Chắt có tất cả 7 cháu nội, ngoại, trong đó 5 trai, 2 gái. Nhìn ông bà tình cảm ngồi ôn lại những kỉ niệm về một thời gian khổ, hào hùng, tôi thầm cầu chúc ông bà luôn khỏe mạnh, an hưởng tuổi già.

Việt Cường

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文