Ghi ở vùng đất cư trú của người Chơro: Lạ lẫm… cà-uôn

15:40 18/02/2014

Ai đến Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) thăm buôn làng của người Chơro nằm giữa rừng Mã Đà sẽ thấy hình ảnh lạ khó lý giải: Phía sau ngôi nhà dài cổ truyền dùng trong sinh hoạt của từng gia đình bao giờ cũng hiện diện ngôi nhà sàn nhỏ nhưng cao hơn nhà chính. Các già làng tiết lộ đó là cà-uôn, nơi cư ngụ của… thần mẹ lúa.

Đi qua nhiều buôn làng của các tộc người vùng cao ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên như Êđê, M’nông, K’ho, S’tiêng, Mạ, Bahnar, Jrai..., tôi biết các tộc người kể trên tôn thờ rất nhiều vị thần và thể hiện việc sùng kính ấy qua những nghi lễ hiến sinh vật tế thần như heo, trâu, bò, dê. Riêng việc xây nhà để thể hiện lòng tôn kính của mình đối với vị thần lúa gọi theo thổ ngữ là Yang-va như người Chơro thì hơi bị lạ!

Ẩn sau những ngôi nhà thờ thần mẹ lúa này là ăm ắp các chế luật, lễ nghi đậm dấu hồng hoang, lạ kỳ đến huyền hoặc!

Trước khi đến Mã Đà, tôi có dịp tiếp cận thế giới tâm linh của người Bahnar ở Kon Tum và không khỏi ngỡ ngàng khi biết được có quá nhiều vị Yang (thần linh) chi phối đời sống tinh thần lẫn đời thực của người bản xứ. Bên dòng chảy của con sông Đắk Bla hùng vĩ, các già làng ở buôn Kon Dơ-ri thuộc xã Kon Rơ-Wa (thành phố Kon Tum) liệt kê các vị thần được tổ tiên người Bahnar nhận diện và tôn thờ như Bok Glaih (thần sấm sét), Yang Đak (thần nước), Rôih (thần voi), Yang Satôk (thần ghè), Yang Koong (thần núi)… và Yang Sơ-ri hay Yang Đai là vị thần coi giữ lúa gạo (thần lúa - PV).

Theo tín ngưỡng của người Bahnar, Yang Sơ-ri hay Yang Đai là vị thượng đẳng thần nằm trong nhóm các đấng lập ra đất trời, muôn vật cũng như chăm nom rừng núi, sông suối cùng nghề nghiệp làm ăn, cuộc sống thường ngày của con người. Ở cương vị trọng đại ấy, thần lúa Yang Sơ-ri thường trú ngoài rẫy, trong lẫm lúa hay trong nồi cơm. Vì có thần mới có lúa gạo mà ăn nên người Bahnar rất tôn quý và tin vị thần này thường hiện hình dưới hình dạng một đứa trẻ trai hoặc gái có sài ghẻ đầy mình.

Cái sự sài ghẻ ấy của thần theo giải thích của cụ K'Siu, ngoài 70 tuổi dựa trên hình dạng xù xì của vỏ lúa: "Nằm mơ, nằm mộng thấy thần như vậy là điềm báo được mùa. Nếu thấy đứa trẻ trắng trẻo là điềm xấu, báo hiệu lúa thu hoạch bị lép, chỉ có vỏ mà không có hạt" - cụ K'Siu, tiết lộ.

1. Tại ngôi nhà sàn cổ được làm từ tre nứa, lồ ô, dây mây rừng, lá tranh mà không phải đóng một cây đinh nào bên con suối Sa Mách chảy từ rừng già Nam Cát Tiên - vùng rừng từng một thuở nhung nhúc dấu chân các đàn min (bò tót), hổ, voi rừng và tê giác…, già làng Tơ Tơ, thủ lĩnh tinh thần của người Chơro qua 2 cuộc trường chinh oanh liệt, hết kháng Pháp lại đuổi Mỹ, đón khách bằng phong cách rất lạ, ông đóng khố, trịnh trọng mời khách lên ngôi nhà sàn cổ truyền lúc nào cũng đỏ lửa và mời khách uống rượu xe-tơm được ủ từ hơn 30 loại rễ, củ, lá rừng có vị thuốc.

Khi cơ thể của khách đường xa được ủ ấm bởi men rượu thơm lựng, già Tơ Tơ khi ấy mới  bắt đầu câu chuyện về tục lệ làm nhà cho thần lúa "ngụ" thể hiện qua tục thờ Yang-va. Ông nói từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch hằng năm, khi rảnh rang mùa vụ, các buôn làng của người Chơro sẽ vui dịp cúng thần lúa Yang-va mà đồng bào gọi là "ăn nhang lúa" (nhang=Yang=thần-PV). Và đây cũng là thời điểm để người người, nhà nhà chỉnh đốn, trau chuốt, gia cố cho cà-uôn - ngôi nhà của thần lúa Yang-va thêm phần trang nghiêm, vững chãi!

Như nhiều gia đình người Chơro ở Mã Đà, phía sau ngôi nhà dài của mình, già Tơ Tơ làm ngôi nhà cho thần lúa "ngụ" rất trang trọng. Nhà có hình dáng như ngôi nhà dài truyền thống, có mái tranh, có cầu thang lên xuống, phía trong có vách ngăn…, cả thảy đều được làm từ cây cối quanh vùng.

Già Tơ Tơ cho biết theo phong tục của người Chơro, cà-uôn, ngôi nhà của thần lúa được xây dựng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm với vật liệu chủ lực là tre nứa, lồ ô (làm sàn và vách ngăn), cỏ tranh hay lá trung quân (lợp mái). Nhưng về hướng thì phải tuân thủ như nhà ở, theo hướng Đông - Tây nhằm tránh cho mặt trời không đi ngang qua đòn dông: "Nếu không làm đúng như vậy là xúc phạm đến Yang-va, sẽ bị quở phạt" - già Tơ Tơ, lưu ý.

Như nhiều tộc người thiểu số ở vùng rừng Đông Nam Bộ như Mạ, S'tiêng, K'ho…, người Chơro ở Mã Đà nói riêng, trên đất Đồng Nai nói chung theo tín ngưỡng nguyên thủy, họ thờ đa thần vì niềm tin vạn vật hữu linh, từ sông suối, ao hồ, chim muông đều có thần cai quản. Ví như thần rừng (Yang bri), thần suối (Yang dal), thần nhà (Yang nhi), thần ruộng (Yang mơ)…. Nói chung như người Bahnar, danh mục các vị linh thần của người Chơro nhiều vô kể, như thần ghè, thần núi, thần lửa, thần sấm sét!

Người Chơro tôn thờ đa thần, điều đó miễn bàn cãi nhưng vì sao tổ tiên của họ lại dành sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua việc làm nhà cho thần lúa Yang-va "ngụ"? Vì sao các vị thần khác lại không được hưởng "đặc ân" ấy? Vì sao lại có sự nhất bên trọng nhất bên khinh như vậy: "Vì Yang-va là Yang lớn nhất trong các Yang" - già làng Dương Văn Dương, 76 tuổi, giải thích.

Rồi già nói sở dĩ tổ tiên người Chơro làm nhà cho Yang-va và cất lúa trong ngôi nhà cà-uôn riêng biệt để giữ hồn mẹ lúa được sạch sẽ, không để trong nhà nhằm tránh ô uế, như vậy nhằm thể hiện sự tôn kính với vị thượng đẳng thần, bằng không Yang-va cũng như ông bà tổ tiên sẽ nổi giận, trừng phạt làm cho người và trâu bò đau bệnh, có khi chết trong đau đớn!

2. Cách ngôi nhà sàn cổ của già làng Tơ Tơ vài trăm bước chân là nhà của già làng Điểu Bích, tuổi ngoài 70. Như già làng Tơ Tơ, già làng Điểu Bích cho biết sau khi làm xong ngôi cà-uôn, gia chủ phải làm lễ cúng vái ông bà tổ tiên và Yang-va long trọng. Lễ cúng do già làng uy tín nhất chủ trì với con vật hiến sinh thường là con gà luộc và các sản vật tại chỗ như trầu cau, bình trà, nải chuối…

Cuộc trò chuyện với những người già giữa vùng rừng sâu hun hút một thuở cho tôi biết rằng bao đời qua, hạt gạo đóng vai trò quan trọng trong đời sống của tộc người, nên việc tôn sùng thần lúa thể hiện qua việc làm nhà cho thần "ngụ" là điều hiển nhiên. Không chỉ được làm nhà để "ở", hạt lúa - hạt gạo còn thể hiện tầm ảnh hưởng với đời sống người Chơro qua nghi thức vãi gạo chọn cuộc đất làm nhà sàn.

Thật thú vị khi tôi được già làng Tơ Tơ cho biết muốn xây dựng nhà sàn, trước tiên vị trưởng làng, hay già làng phải chọn cuộc đất ưng ý như gần nguồn nước, bằng phẳng, quang đãng, phì nhiêu… Chọn được cuộc đất rồi, để xem nó có thực sự lý tưởng để dựng nhà hay không, già làng sẽ dãy vạt sạch cỏ, chọn 7 hạt gạo căng mẩy, nguyên vẹn để xuống rồi úp chén ăn cơm lên trên để qua đêm. Hôm sau nếu thấy các hạt gạo còn nguyên thì có thể làm nhà. Trường hợp các hạt gạo bị xê dịch, bị "sứt mẻ" thì gia chủ phải chọn cuộc đất khác.

Các già làng giải thích lý do phải chọn địa điểm mới bởi cuộc đất kia có mối mọt, thể hiện qua việc chúng gặm nhấm 7 hạt gạo. Đây là những loài côn trùng có hại, nếu làm nhà ở phạm vi chúng sinh sống thay vì tránh xa chắc chắn ngôi nhà sẽ không được "thọ" lâu bởi bị chúng gặm nhấm, phá hoại.

Sau khi cà-uôn, ngôi nhà dành cho thần lúa Yang-va được hình thành, gia chủ sẽ mang lúa để vào đấy. Và vì người Chơro theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình nên ngôi nhà thờ thần lúa cà-uôn sẽ do người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình trông coi, gọi là mẹ lúa, tiếng bản địa là mây-va. Bà Hồng Thị Lịch, vợ già làng Tơ Tơ, là một mây-va, một mẹ lúa như thế.      

Ở tuổi ngoài 70 nhưng mẹ lúa Hồng Thị Lịch nhanh nhẹn, hoạt bát như người mới ngoài 50. Là mẹ lúa trong gia đình nên cứ đến mùa vụ thường vào tháng 3 âm lịch, vào thời điểm cúng Yang-va, bà Lịch bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, bà tất bật cùng người nhà và sự trợ giúp của dân làng làm gà, heo, chuẩn bị bánh trái dâng thần: "Lúc mọi người chuẩn bị lễ cúng thì mẹ lúa đeo gùi, tay cầm xà-gạc (vừa là nông cụ phát hoang vừa là vũ khí chống thú dữ - PV) ra rẫy. Trên đường đi, mẹ lúa chặt ngọn mía, thân chuối non, lấy 2 trái bầu khô được để sẵn bỏ vào gùi. Đến giữa rẫy, mẹ lúa khấn vái, cắt bụi lúa cho vào gùi, rồi mang tất cả lên cà-uôn khấn cúng thần"…--PageBreak--

Khi biết chúng tôi vượt đường xa tìm hiểu về tục làm nhà cho thần lúa độc đáo của dân tộc mình, bà Hồng Thị Lịch đã nhiệt tình kể những nghi thức cúng Yang-va, vị thần tối thượng. Cùng với heo, gà được hiến sinh, buổi lễ không thể thiếu những lời khấn, tiếng đồng la vang vọng và không khí ăn uống, nhảy múa sôi động của gia chủ và người làng: "Phong tục đồng bào mình ngoài cúng nhang lúa còn cúng rẫy, cúng lúc lúa có chửa (lúa ngậm đòng - PV), cúng lúc thu hoạch lúa…".

Thật ấn tượng khi chúng tôi được bà Hồng Thị Lịch giải thích tập tục của người Chơro ví lúa có bầu tương tự phụ nữ mang thai, nên ngoài trầu cau, gà, rượu, lễ vật cúng mẹ lúa còn phải có me, hay khế chua, có khi có cả 2 thứ vì đó là những món cây trái mà phụ nữ có bầu ưa thích…

Mẹ lúa Hồng Thị Lịch tiến hành nghi lễ cúng Yang-va.

3. Hôm đến Mã Đà, thật may buôn làng Chơro đang vào thời điểm cúng Yang-va nên chúng tôi có dịp đắm mình vào không khí mừng mẹ lúa sôi động với những người đàn ông lo mổ heo và các bà, các chị thì hăng hái làm các loại bánh cúng thần lúa như piêng puh (bánh dày với mè đen giã nhuyễn với nếp), piêng chum (bánh tét)…

Theo các nhà dân tộc học, trước năm 1975, người Chơro được gọi bằng tên gọi khác là Dơro hay Chrau Jro, được chia thành nhiều thị tộc như Chrau M'xang (nay cư trú ở huyện Tánh Linh-Bình Thuận), Chrau M'rơ (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Chrau B'Giêng (Long Khánh, Đồng Nai)…

Tài liệu điền dã của các nhà dân tộc học cho biết người Chơro là những cư dân nông nghiệp lâu đời nên rất thành thạo trong việc trồng ruộng lúa nước với các kỹ thuật như người Việt như cày bừa, gieo mạ, cấy. Họ cũng là chủ nhân của nhiều giống lúa quý cho gạo dẻo thơm như va keh (lúa cà ké), va thuc (lúa ruồi), va chap chay (lúa khô vằn), va tơm (lúa mờ ớ), va brau Yang (lúa bãi trầu). Ngoài ra còn có các giống nếp đặc trưng hiếm gặp như nh'pal Chrau Jro (nếp cái Chơro), va con brih (nếp tép), bram bray boh (nếp muối)…

Sau khi được chuẩn bị xong, các lễ vật được để trên bàn thờ với hai cây tre non được già làng Tơ Tơ vót thành bông lúa tượng trưng để làm đẹp lòng vị thần tối thượng. Và cũng thật thú vị khi ngoài mâm cúng chính thức Yang-va để bắt đầu vào vụ mới, chúng tôi thấy gia chủ còn làm mâm cơm gọi là hứa trả vụ với những que tre được xâu 7 miếng gồm tim, gan, mật, lòng… của con vật hiến sinh (heo hoặc gà).

Đến với buôn làng Chơro vào thời điểm cúng thần lúa, lẽ dĩ nhiên hôm ấy chúng tôi say, say vì men rượu thơm lựng, vì tình đất, tình người miền sơn cước và "say" vì cái cảm giác được hòa mình vào một tập tục với nhiều nét đặc sắc thể hiện dấu ấn của một xã hội nông nghiệp của bộ tộc sống giữa rừng, được hình thành và duy trì từ hàng trăm năm trước, qua bao đời người vẫn còn vẹn nguyên đến lung linh, huyền ảo

Phúc Trinh

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文