Gian nan cứu nạn ở Rào Trăng

15:25 30/11/2020
Kể từ khi xảy ra vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào ngày 12-10 làm 17 công nhân mất tích, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế là một trong những đơn vị đầu tiên tiếp cận hiện trường bằng đường thủy để cùng với lực lượng quân đội ghi nhận, đánh giá tình hình sạt lở, tham mưu cơ quan chức năng có phương án cứu nạn, cứu hộ (CNCH) kịp thời.

Qua nhiều giai đoạn với bao khó khăn, vất vả và nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an vẫn quyết tâm bám hiện trường phối hợp với các lực lượng chạy đua thời gian để tìm người mất tích.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích ở khu vực lòng sông Rào Trăng.

Vượt núi, băng rừng tìm người mất tích

Tháng 11-2020, Thừa Thiên-Huế bước vào mùa mưa với những trận mưa lớn dài ngày. Ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 nằm ở thượng nguồn sông Bồ, hạ nguồn sông A Lin thời tiết diễn biến khó lường hơn khi mưa lớn thường xuất hiện vào buổi chiều và buổi tối như thử thách lòng can đảm của các lực lượng làm nhiệm CNCH tại đây.

Bên trong khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 4, sau bữa cơm tối, các CBCS tranh thủ tìm chỗ ngả lưng lấy sức sau một ngày tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. Dù mệt mỏi nhưng Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn cố gắng chia sẻ với chúng tôi về công việc tìm kiếm các nạn nhân kể từ những ngày đầu xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng cuốn trôi khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích.

Thượng tá Trần Văn Lâu cho biết, những ngày đầu, do tuyến đường 71 dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở nặng ở nhiều điểm, chưa được thông tuyến nên hướng tiếp cận vào hiện trường sạt lở ở thủy điện này duy nhất chỉ bằng đường thủy. Công an tỉnh đã thiết lập cầu đường thủy từ bến đò lòng hồ thủy điện Hương Điền, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà đến đập thủy điện Rào Trăng 4. Từ đây, các CBCS vận chuyển ca nô và trang thiết bị vượt dốc cao qua đập Rào Trăng 4, sau đó di chuyển thêm 6km bằng đường thủy mới vào đến ngã 3 cầu Tam Dần. Tiếp đó, đơn vị di chuyển bằng đường bộ thêm gần 3km theo đường 71 mới vào đến thủy điện Rào Trăng 3.

Quá trình di chuyển bằng đường thủy vào hiện trường sạt lở vô cùng khó khăn do lưu vực lòng hồ thủy điện Hương Điền có địa hình rất phức tạp, mưa lớn làm mực nước lòng hồ dâng lên nhanh. “Sau nhiều giờ di chuyển bằng đường thủy, vượt núi, cắt rừng, lực lượng cứu nạn tiếp cận được hiện trường. Sạt lở làm bùn đất ngập sâu, bùn lội ngập đến đầu gối nhưng các CBCS đơn vị vẫn cố gắng đi khảo sát các vị trí sạt lở, tiếp cận khu vực nhà điều hành công trình.

Tại hiện trường, ước tính có hàng chục nghìn m3 đất đá sạt lở vùi lấp gần như toàn bộ nhà điều hành và các lán trại kề bên với độ sâu từ 5 đến 7m. Tại đây, đơn vị dùng flycam ghi nhận hiện trường, đánh giá tình hình để báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai biện pháp CNCH thích hợp”, Thượng tá Lâu kể lại.

Những ngày sau đó, mưa lớn khiến đường 71 - tuyến đường độc đáo duy nhất dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3 tiếp tục sạt lở nhiều điểm nên phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế điều động ca nô, thuyền của người dân phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an thực hiện vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị, máy bơm nước, nhiên liệu, nhân lực đưa vào Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích.

Thượng tá Trần Văn Lâu và Đại úy Lê Văn Kỳ (đứng góc trái) sửa chữa máy bơm hút nước ở lòng sông Rào Trăng.

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tìm kiếm nhưng chỉ mới tìm được 5 thi thể nạn nhân ở thủy điện Rào Trăng 3, sau cơn bão số 13, tranh thủ thời tiết nắng ráo, lực lượng CNCH tiếp tục triển khai giai đoạn 3 tìm kiếm các nạn nhân với phương án đào bới ở khu vực lòng sông Rào Trăng.

Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, trong các giai đoạn tìm kiếm nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, Công an tỉnh luôn huy động, bố trí các CBCS có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm giỏi và biết sửa chữa máy móc tham gia CNCH.

Chạy đua thời gian, tranh thủ từng giờ nắng

Sau một đêm nghỉ ngơi, đúng 4h30 sáng, khi sương mù còn phủ kín dày đặc vùng núi Phong Xuân thì các CBCS thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và lực lượng CNCH nghỉ qua đêm tại nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 4 đã thức dậy chuẩn bị tư trang, ăn vội bữa cơm sáng để hành quân lên đường vào thủy điện Rào Trăng 3.

Sau khi có lệnh xuất phát, những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở CBCS chạy chậm vượt qua từng đoạn đường đèo dốc, sạt lở vừa được khắc phục trên tuyến 71. Hơn 30 phút di chuyển, đúng 5h30, lực lượng CNCH đã có mặt tại hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 để triển khai giai đoạn 3 tìm kiếm các nạn nhân ở khu vực lòng sông Rào Trăng.

Sau vài phút nghe phổ biến kế hoạch triển khai công tác tìm kiếm, các CBCS sử dụng 2 máy bơm chữa cháy chuyên dụng và 2 máy bơm dòng để hút nước ở khu vực lòng sông Rào Trăng 3 vừa được ngăn đập. Tiếp đó, tài xế các xe múc vào hiện trường tiếp tục công việc đào bới, múc cát, đá ở lòng sông tìm kiếm các nạn nhân. Những tảng đá lớn, những khối bê tông lẫn các cuộn sắt thép nằm sâu dưới lòng sông sau vụ sạt lở kinh hoàng dần được máy múc đào đưa lên phía bờ sông.

Ở phía trên bờ, hàng chục người căng mắt dõi theo sự di chuyển của những chiếc gầu múc với hy vọng tìm thấy được thi thể các nạn nhân. Trước đó, để thực hiện công tác tìm kiếm ở khu vực lòng sông này, lực lượng CNCH phải huy động tổng lực phương tiện, nhân lực, đào đắp hàng trăm khối đất đá. Ngoài ra, còn sử dụng hơn 300 rọ đá ngăn đập tạm cao hơn 3,5m, rộng 5m, dài 15m nằm ở thượng lưu ngay vị trí sạt lở của thủy điện Rào Trăng 3.

Sau khi đập đắp hoàn thành, nước Rào Trăng chảy vào dòng nhân tạo vừa được đào xong với độ sâu khoảng 3m, rộng 5m và dài 150m. Còn tại lòng sông Rào Trăng, các đơn vị huy động 5 xe múc hoạt động hết công suất đào bới lòng sông với độ sâu từ 2 đến 3m so với mặt sông cũ để tìm kiếm người mất tích.

Tranh thủ phút nghỉ ngơi, Đại úy Lê Văn Kỳ, cán bộ Đội Công tác Chữa cháy và CNCH cho biết, quá trình thực hiện đào bới dưới lòng sông Rào Trăng gặp rất nhiều khó khăn do buổi chiều ở hiện trường thường có mưa lớn, lượng nước ở thượng nguồn đổ về, chảy xiết làm sạt lở, cuốn trôi một phần đất đá ở thân đập tạm vừa được đắp. Các CBCS phải sử dụng thêm rọ đá, bạt để gia cố, chống thấm thân đập.

“Khối lượng sạt lở đất, đá quá lớn khiến việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích gặp nhiều trở ngại, song anh em đơn vị quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phối hợp tốt với các lực lượng CNCH để tìm thấy tất cả các nạn nhân. Đây là điều mong mỏi lớn nhất của những người làm công tác CNCH và người thân, gia đình các nạn nhân mất tích”, quệt giọt mồ hôi trên khuôn mặt, Đại úy Kỳ chia sẻ.

Sau bữa cơm trưa và nghỉ tại chỗ trong khoảng 30 phút, Thượng tá Trần Văn Lâu, Đại úy Lê Văn Kỳ cùng gần 20 CBCS thuộc 6 đội của phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Quân khu 4 và các đơn vị tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân ở lòng sông Rào Trăng.

Trời mưa lớn nhưng cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn bám hiện trường cùng các đơn vị tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3.

Có mặt tại hiện trường, Trung úy Phạm Thanh Đồng (quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thuộc Đội Chữa cháy và CNCH số 2 là một trong số CBCS trẻ tuổi khẩn trương nối lại đường ống bơm nước để tiếp tục công việc tìm kiếm trong buổi chiều trước khi có mưa lớn. Trung úy Đồng chia sẻ, anh được Ban Chỉ huy phòng điều động lên thủy điện Rào Trăng 3 làm nhiệm vụ CNCH từ ngày 18-11 và đây là lần thứ 3 anh nhận nhiệm vụ tại Rào Trăng.

Theo Trung úy Đồng, do khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có nguy cơ sạt lở cao nên cứ đến buổi chiều tối, sau khi kết thúc công việc tìm kiếm thì anh em đơn vị và lực lượng CNCH lại di chuyển về thủy điện Rào Trăng 4 để nghỉ qua đêm.

Công việc tìm kiếm kéo dài nhiều ngày, thời tiết diễn biến phức tạp, vào mùa này thường có mưa lớn vào buổi chiều và buổi tối nên lực lượng CNCH luôn cố gắng tranh thủ từng giờ nắng để hoàn thành các phần việc trong ngày.

“Trong đợt mưa bão vừa qua, quê nhà em bị ngập lụt nặng nhưng vì ở khu vực Rào Trăng 3 không có sóng điện thoại nên không thể gọi về nhà hỏi thăm tình hình. Dù rất nóng ruột, lo lắng cho cha mẹ già ở quê nhưng phải đến khi trở về nhà điều hành ở thủy điện Rào Trăng 4 thì em mới có thể liên lạc được về nhà. Qua điện thoại, người vợ sắp cưới và cha mẹ em bày tỏ sự lo lắng khi biết em lên Rào Trăng tham gia công tác cứu nạn, tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, em đã kịp thời động viên vợ và cha mẹ mình để mọi người an tâm”, Trung úy Đồng chia sẻ.

Chiều 22-11, các lực lượng đã tìm thấy thêm 1 thi thể bị chôn vùi sâu dưới lớp đất đá ở lòng sông Rào Trăng. Như vậy, trong số 17 công nhân gặp nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 đã tìm được 6 thi thể, 11 nạn nhân còn mất tích. Công tác tìm kiếm giai đoạn 3 gần như hoàn tất khi toàn bộ khu vực lòng sông Rào Trăng nằm dưới vị trí sạt lở đều đã được đào bới từng lớp đất đá, tìm kiếm kỹ càng.

Tận mắt chứng kiến hiện trường vụ sạt lở và theo dõi lực lượng CNCH thực hiện công tác tìm kiếm, thân nhân các nạn nhân không giấu được sự xúc động. Nhìn khối lượng đất, đá sạt lở lớn tại hiện trường được đào bới, ông Ngô Viết Cường, cha một nạn nhân nghẹn ngào nói: “Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và các lực lượng khi đã rất nỗ lực tìm kiếm người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có con tôi. Nếu không trực tiếp vào hiện trường thì tôi không nghĩ rằng hiện trường tìm kiếm lại khó khăn, hiểm trở và công tác cứu nạn lại gian nan, vất vả đến thế”.

Trong những ngày diễn ra công tác tìm kiếm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh và Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã nhiều lần đến hiện trường để động viên các CBCS và chỉ đạo công tác tìm kiếm.

Chứng kiến tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương của các lực lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã biểu dương và chuyển số tiền 100 triệu đồng là quà của nhân dân gửi đến lực lượng cứu nạn. Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, công tác tìm kiếm, CNCH tại sông Rào Trăng là một “cuộc chiến” và đề nghị các lực lượng, CBCS phát huy tinh thần chiến đấu, tranh thủ từng giờ nắng, vượt qua khó khăn đảm bảo an toàn hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã và đang huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, tập trung tất cả những giải pháp cần thiết để tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Anh Khoa

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文