HLV bóng đá nữ đầu tiên Nguyễn Văn Tịnh – Người gieo mầm bị quên lãng

16:25 28/03/2014

Con đường Cao Bá Nhạ, quận 1, TP HCM sáng ấy vắng tanh, phía trên khu chung cư cũ, ông dõi mắt nhìn xuống đường. Đó là thói quen hay là cách giải khuây, cũng không biết rõ lắm.
Ông già, tuổi già như trời chiều, hoài niệm về quá khứ là thứ duy nhất mà ông sở hữu vào lúc này.

Một thời quần đùi áo số, một thời mê mải trên sân cỏ, một thời vận nghiệp huấn luyện viên, một thời mà nói theo cách của ông thì "Cầu thủ nào cũng ham chơi vậy"… Giờ, tuổi gần bát thập, chỉ lấy khoảng không gian trước căn nhà chưa đến 40m2 tại tầng 2 của khu chung cư ấy, làm vui.

Ông là danh thủ Nguyễn Văn Tịnh.

1. Không có quá nhiều những vật lưu niệm liên quan đến thời ông còn xông pha trên sân cỏ trong căn nhà được đánh số 208, chung cư Cao Bá Nhạ. Căn nhà mà thuở còn trẻ trai ông mải vui quên bẵng, chỉ tìm về khi tuổi đã già, lại vừa trải qua cơn tai biến cách đây hơn 2 năm. Trong căn nhà ấy, người phụ nữ của ông vẫn đợi. Bà tên Huỳnh Thị Liên, năm nay tuổi cũng đã xấp xỉ 70.

"Hồi còn trẻ ở Sài Gòn, ổng đá cho CLB Phòng không, ổng đẹp trai lắm. Cao to, tài hoa. Cô yêu rồi lập gia đình với ổng. Ổng đi đá ở đâu cô cũng theo giữ, sợ mất chồng mà. Ổng không vui, rầy cô hoài. Rầy thì rầy, còn giữ thì cứ giữ", bà Liên kể vậy.

Ngày trước, ông đá ở vị trí tiền vệ, đó là vị trí tài hoa nhất trên sân bóng đá lại điển trai, nên ông đi đến đâu cũng nhiều cô mê. Với nghiệp cầu thủ, ông gặt hái được rất nhiều thành công. Mấy năm bóng đá miền Nam Việt Nam còn làm mưa làm gió ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí là cả khu vực châu Á. Ông từng nằm trong thành phần đội bóng đá miền Nam, đoạt ngôi vô địch giải đấu quốc tế Tam hùng, diễn ra tại Thái Lan.

Sau năm 1975, ông gần như giải nghệ cho đến khi những người làm thể thao giai đoạn mới biết tên nhớ tài, mời ông về cộng tác với vai trò làm huấn luyện viên (HLV). Ông nắm Đội Công nghiệp thực phẩm - thuộc Bộ Công nghiệp thực phẩm miền Nam, tham dự giải Vô địch Quốc gia A1 suốt 10 năm liền từ năm 1976 cho đến năm 1986. Năm 1986, đội bóng giải thể, ông chuyển về làm ở Trung tâm Thể dục Thể thao Tao Đàn, tiếp đến là làm HLV Trưởng Đội Bóng đá nữ Tao Đàn, tiền thân của CLB Bóng đá nữ TP HCM. Đây là đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam ở thời điểm này.

Tôi hỏi ông, ngày đó làm bóng đá nữ có khó không? Ông trả lời, khó thì khó nhưng mà vui lắm. Nguồn cầu thủ chủ yếu được chọn lựa theo cách, HLV tổ chức các trận đấu ở những tỉnh khác nhau, thấy nữ vận động viên nào được thì mời về thi đấu. Mà thi đấu cũng chỉ vì đam mê là chính, tiền bạc là điều thứ yếu.

Trong đội bóng đá nữ dưới thời của ông, có những cái tên mà về sau trở thành trụ cột của Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam, như: thủ môn Kim Hồng, Mỹ Oanh, tiền vệ Lưu Ngọc Mai, Đoàn Kim Chi.

"Mai hay lắm, cô ấy là người Hoa, tính mạnh mẽ. Trước khi làm cầu thủ bóng đá, hình như Mai chơi bóng rổ thì phải. Thi đấu rất khôn ngoan, kỹ thuật khéo. Hai thầy trò hợp tính nhau vô cùng. Rồi Mỹ Oanh, Kim Chi, Kim Hồng… đứa nào cũng giỏi", ông kể bằng giọng đứt quãng, khó nhọc.

"Cái hồi tôi làm bóng đá nữ, mọi thứ còn mới mẻ lắm. Mình cứ lấy giáo án tập luyện của đội bóng đá nam, giảm xuống một chút rồi áp dụng cho cầu thủ nữ. Vui lắm. Tôi dắt đội đi thi đấu khắp nơi", vẫn lời ông kể.

HLV Nguyễn Văn Tịnh (ngoài cùng bên phải, hàng ngồi) khi còn dẫn dắt CLB Công nghiệp thực phẩm.

Tất nhiên, CLB Bóng đá nữ dưới thời của ông đạt được nhiều thành tích bởi một thời gian rất dài, bóng đá nữ TP HCM là bước đệm quan trọng cho sự thành công của cả Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Rời khỏi vai trò HLV bóng đá nữ, ông không có gì ngoài niềm vui trong quá khứ. Tôi nghe nữ cầu thủ Mỹ Oanh, hiện tại đang công tác tại Trung tâm Thể dục Thể thao quận 1, HLV Đội bóng đá nữ TP HCM nói rằng: "Có thể do bố Tịnh chỉ làm hợp đồng, nên không có chế độ lương hưu".

Chị Oanh là một trong những học trò cũ của ông vẫn ghé thăm ông đều đặn. Ghé thăm, tức là có giúp đỡ ít nhiều.

2. Hồi ông còn làm cầu thủ, rồi làm HLV, mải chơi nên dính chuyện phòng nhì, phòng nhất. Bà Liên kể: "Hồi đó, ghen muốn chết à chú. Mà có làm gì được ổng đâu. Cứ nói ổng là ổng lại bảo "Cầu thủ nào mà không vậy".

Ông thương cô kia, bỏ bà với con thơ ở phía gia đình bên vợ. Bà gặp, bảo: "Thôi thì ông thương người ta, tui cũng đành chịu. Có điều, con cái lớn rồi, không lẽ tui cứ ở bên má hoài. Ông có thể xin cho mấy mẹ con tui cái nhà để ở được không". Khi đó, ông còn làm HLV cho Đội Công nghiệp thực phẩm, ông xin đơn vị, đơn vị đồng ý cấp cho ông căn nhà ở khu chung cư mà cả gia đình ông lưu trú cho đến giờ.

Mấy năm trước, cái cô mà ông thương đuổi ông ra khỏi nhà. Lúc đó, ông cũng đã yếu nhiều. Bà nghĩ nghĩa xưa, đưa ông về nhà chăm sóc. "Sao bác hay vậy?", tôi hỏi. "Giờ không lẽ để ổng cù bơ cù bất hoài sao chú. Giận thì giận, mà thương thì thương chứ", bà Liên trả lời.

Đằng đẵng mấy chục năm, ông về lại với bà kéo theo nhiều khốn khó. Ông yếu, đi lại không thuận lợi, ngã liên tục. Người già, ngã kéo theo tai biến. Ông gần như nằm một chỗ, bà nhờ bác sĩ vật lý trị liệu đến nhà, châm cứu rồi điều trị cho ông mấy tháng liền, ông mới lẫm chẫm vịn cầu thang đi tới đi lui được một quãng.

Mà bà cũng có mạnh khỏe gì đâu. Di chứng từ lần ngã gãy chân khiến bà phải chống gậy đi lại trong nhà. Cứ vậy đó, người mệt ít chăm người mệt nhiều. Chi tiêu thì hết sức tằn tiện, mấy người con cũng nghèo khó, người cho ba mẹ cái này, người cho ba mẹ cái kia, đều không đáng kể.

Cuộc sống của HLV Nguyễn Văn Tịnh hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Thi thoảng, học trò cũ nhớ thầy, kéo nhau đến chơi với ông, biếu ông ít tiền tiêu vặt, nói theo cách của ông thì "Có cho tôi mấy ngàn".

Có tiền, ông vịn cầu thang, đi bộ xuống dưới đường, đón xe ôm chạy một mạch vào sân bóng đá Tao Đàn để thăm người quen cũ. Có ai ở đó đợi ông đâu, ông vào chỉ vì nhớ sân bóng, nhớ cái không khí mà cả đời ông đã gắn bó với nó.

"Mấy lúc ổng vô sân vào giờ không có ai luyện tập, chú bảo vệ nhận ra ổng. Thương nên đón xe ôm cho ổng về lại", bà Liên bảo vậy.

Tôi xin phép được vào trong căn hộ của ông bà để ghi hình, căn hộ không có gì. Ở vị trí trang trọng nhất là cái tủ đựng vật dụng cá nhân, ông dán những tấm poster lớn có hình cựu cầu thủ Lưu Ngọc Mai, hình ảnh đội bóng đá nữ thành phố.

Một vài hình ảnh hiếm hoi có màu đen trắng hoặc vàng nhạt lưu lại thuở ông còn làm HLV, được bà Liên cất cẩn thận trong cái cặp táp màu đen, cũng đã cũ. Bà Liên nói hoài: "Hồi đó, ổng đẹp trai lắm. Con gái gặp ổng là mê liền đó".

Chị Mỹ Oanh cho biết: "Thầy Tịnh tính nghiêm khắc trong tập luyện lắm, nhưng ngoài đời thì rất vui. Chị nhớ nhất là cái lần sau giải bóng đá nữ, mấy chị em trong đội quyết định liên hoan bằng một chương trình biểu diễn thời trang tự chế. Nghĩ đó là chuyện vui của phụ nữ thôi, ai ngờ là đêm biểu diễn, thầy đến rất sớm rồi còn xung phong làm giám khảo cuộc thi. Chị nhớ hoài kỷ niệm này".

Phụ nữ theo nghiệp quần đùi áo số vốn dĩ đã chịu nhiều thiệt thòi, từ chế độ đãi ngộ cho đến tương lai bấp bênh khi giải nghệ. Nghe chị Mỹ Oanh kể lại chi tiết này, mới thấy hết những niềm vui bé nhỏ mà các chị dành dụm cho chính cá nhân mình.

Trong nỗi hoài niệm quá khứ, ông Tịnh kể: "Lúc tôi còn làm bóng đá nữ, dẫn mấy đứa ra Hà Nội thi đấu. Thầy trò ngồi quán cóc với nhau, vui không sao kể xiết. Mới đó, mà nhanh quá rồi".

3. Ông về hưu, cứ gọi vậy cho hợp nhẽ. Chứ tình thật là ông thôi giữ vị trí HLV CLB Bóng đá nữ, vì hưu thì phải có chế độ. Đằng này, ông có chế độ gì đâu. Ông về hưu, cũng là về với người phụ nữ đầu ấp tay gối cùng ông nhiều năm trời, người phụ nữ mà ông chọn là người phối ngẫu rồi cũng chính ông "Mải rong chơi, quên mất chốn quay về". Trò chuyện với bà, biết là ban đầu bà vẫn còn giận ông. Nhưng, tình nghĩa phu thê mạnh hơn tất cả những thứ cảm xúc khác, nên may mắn ông còn có chỗ mà quay đầu. Chứ giả bà còn giận, thì chắc chắn giờ này, không biết ông còn lưu lạc nơi đâu.

Ông kể giọng ngắt quãng: "Mấy đứa bóng đá nữ khổ lắm, chú biết không? Mấy đứa khá khá, theo nghề huấn luyện viên còn đỡ. Chứ còn lại không biết bây giờ ra sao?".

Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, mấy chị từng là tuyển thủ Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam như Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng, Mỹ Oanh… có hẹn nhau đến thăm ông. Ông mừng như trẻ con bắt được quà. Hỏi ông có nhớ học trò không? Ông nói, nhớ chứ sao không nhớ. Nhưng mà, mỗi người mỗi cảnh, mấy đứa còn cực nhiều quá.

Nghe câu nói này của ông, tự dưng tôi liên hệ đến câu chuyện mà một người bạn chuyên mảng thể thao kể.

Khi biết chúng tôi làm loạt bài về hoàn cảnh của các vận động viên, huấn luyện viên sau khi từ giã nghiệp thể thao, bạn tư vấn thêm: "Mấy chị trong đội tuyển bóng đá nữ lứa đầu, gần như chị nào cũng khổ hết. Có viết giúp được người ta thì viết. Có gì, để mình cung cấp số điện thoại cho". Đợi hoài không thấy bạn phản hồi, tôi gọi nhắc. Bạn tình thật trả lời: "Mình có liên lạc với mấy anh bên Liên đoàn Bóng đá để hỏi số, mà mấy ảnh bây giờ cũng không còn liên lạc với ai hết".

Dò hỏi thêm anh em đồng nghiệp trong nghề, chỉ nghe loáng thoáng chị này đang bán bánh mì, chị kia đang phụ gia đình sửa xe gắn máy, có chị thì mở quán nước mía mưu sinh... Biết là biết vậy thôi, chứ có tìm được đích xác hay không thì chắc phải chờ vào chữ "duyên".

Nghiệp bóng đá với các chị cũng như với HLV Nguyễn Văn Tịnh, cứ như là một cuộc dạo chơi hoàn toàn không vụ lợi. Còn có sức thì chơi, hết sức lại về tất bật mưu sinh, cũng không đòi hỏi gì, cũng không cầu cạnh chi. Như khi tôi hỏi: "Xin lỗi, mạn phép cho cháu được hỏi, chi tiêu của hai bác ở thời điểm hiện tại trông chờ hết vào con cái. Mà con cái thì không có ai khá giả hết, tính sao bây giờ ạ?".

Ông cười, nụ cười hồn nhiên như vừa kiến tạo một đường chuyền đẹp cho đồng đội ghi bàn, nụ cười hân hoan như khi đội bóng ông dẫn dắt giành chiến thắng. Chỉ có bà Liên, vợ ông là gương mặt lộ vẻ lo toan.

Bà cho biết thêm rằng, đồng đội cũ của ông có thành lập Quỹ Cựu cầu thủ. Cuối năm, họ tìm đến nhà để mời ông đi dự một buổi liên hoan gặp mặt, giúp đỡ nhau một số tiền. May mắn nhất, là những cầu thủ từng được ông huấn luyện vẫn luôn kính trọng, xem ông là thầy dẫu có thể đã trải qua rất nhiều năm.

Vài tháng trước, cựu cầu thủ Đinh Công Hoàng, từng là cầu thủ của ông dưới màu áo CLB Công nghiệp thực phẩm có đăng ký tham gia chương trình "Vì bạn xứng đáng" của Đài Truyền hình Việt Nam VTV. Sau khi kết thúc phần chơi của mình, anh Hoàng thắng được giải thưởng trị giá hơn 30 triệu đồng, anh mang hết số tiền đó về biếu vị HLV cũ với hy vọng "Thầy phần nào giải quyết được khó khăn trong cuộc sống". Có lẽ, đó là thành quả lớn nhất mà ông đã đạt được trong quãng đời làm HLV của chính mình, sự ghi ơn của những người học trò cũ.

Tôi vẫn nghĩ, có người tiên phong nào lại không chịu những thiệt thòi. Và có người tiên phong nào lại không xứng đáng được vinh danh. Cá nhân vị HLV đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam Nguyễn Văn Tịnh, ông chính là một trong những người đầu tiên gieo mầm cho phong trào bóng đá nữ.

Không nhẽ, chúng ta lại để người gieo mầm chỉ biết nghĩ về quá khứ để tạm quên đi những cực nhọc ở đời sống thực ngay thời điểm này

Ngô Nguyệt Hữu

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文