Hành trình đi tìm loài “thủy quái” cua bùn

08:00 11/02/2014

Ít ai biết rằng, trong khu vực Thái Bình Dương đa dạng về các loài cua, chỉ có hai quốc gia sở hữu loại cua bùn khổng lồ với trọng lượng lên tới 2-3kg: Australia và Việt Nam. Để tận mắt chứng kiến loài cua khổng lồ ấy, và nghe những câu chuyện kỳ thú xung quanh chúng, PV chuyên đề ANTG đã tìm đến quê hương của loài “thủy quái”. Hành trình bắt đầu từ Singapore, nơi món cua bùn sốt cay được cả thế giới biết đến, sang đến tận Australia và trở về Việt Nam với địa danh nổi tiếng: đầm Ô Loan.

1. Nhà hàng hải sản có cái tên rất "khiêu khích" No Signboard (Không biển hiệu) tại khu Geylang cứ đến sẩm tối là đông nghẹt khách ngồi san sát, lưng chạm lưng nhau hồ hởi ăn nhậu. Hầu hết, trên bàn của thực khách, đều xuất hiện món cua sốt cay (chilli crab) nổi tiếng.

Với cái giá không hề rẻ, khoảng trên dưới 100 đôla Singapore cho 2 người ăn uống, những con cua bùn được nấu với thứ nước sốt sền sệt nồng vị cay của nhà hàng được thành lập từ những năm 70 thế kỷ trước đã mê hoặc không biết bao nhiêu thực khách trên thế giới.

Từ năm 1981, khi biển hiệu No Signboard chính thức ra đời, món cua sốt cay thậm chí đã được mệnh danh một cách không chính thức là "quốc yến" của Singapore, đủ để thấy mức độ nổi tiếng của nó. Chuyên trang về ẩm thực của CNN cũng đã từng tôn vinh đây là 1 trong 50 món ăn ngon nhất thế giới.

Ngoài bí quyết là cách chế biến nước sốt bí truyền, những con cua bùn với kích cỡ lớn từ 4-5 lạng trở lên cũng là điểm nhấn khó quên của nhà hàng này.

Vị thổ địa người Singapore gốc Malaysia đã có một thời khởi nghiệp từ cái nghề buôn cua bùn, trước khi trở thành một ông chủ xây dựng có trong tay bạc triệu, cho biết: Singapore không khai thác cua bùn, mà chủ yếu nhập từ Malaysia. Về sau này, khi nguồn cung không đủ với nhu cầu khổng lồ, cua chủ yếu được nhập về từ Sri Lanka.

Những con cua nằm tràn nguyên cả một đĩa lớn, có xuất xứ từ Ấn Độ Dương, mà chúng tôi đang ăn đây chưa phải là những con to nhất. Khi có những đơn hàng đặc biệt, khách hàng có thể yêu cầu món cua sốt cay được chế biến từ những con cua có trọng lượng lên tới 1-2kg.

Cá biệt, có những con cua bùn khổng lồ nặng tới 3kg được đưa ra phục vụ cho những vị khách đặc biệt. "Những con cua này rất hiếm, họa hoằn lắm mới có, và chủ yếu đến từ những quốc gia ven Ấn Độ Dương, có đường biển thuận lợi để vận chuyển đến Singapore mà cua vẫn sống", vị thổ địa dễ mến cho biết.

Tôi hỏi ông rằng liệu có quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á quanh đây, hay khu vực Thái Bình Dương này, có loài cua khổng lồ như vậy và có thể tận mắt chứng kiến chúng không. Ngay lập tức, ông trả lời như đã có sẵn từ trong đầu: vùng Cairns của tiểu bang Queensland và Broome của Tây Australia có thể có, còn Darwin của Bắc Australia thì chắc chắn có.

2. Từ Sydney, PV chuyên đề ANTG hăm hở bay xuống thành phố nghỉ mát nổi tiếng Cairns của tiểu bang Queensland. Từ đây, chúng tôi thuê xe tự lái vượt quãng đường 124km để đến khu rừng nhiệt đới Daintree, nơi được cho là nơi trú ngụ của loài cua bùn khổng lồ.

Bắt đầu tiến vào Vườn Quốc gia Daintree, một khung cảnh rừng ngập mặn giống hệt Việt Nam từ từ hiện ra. Những rừng tràm, rừng đước xanh rì, ôm trọn những bãi bùn và đầm lầy, cắm rễ sâu xuống nền đất bùn, bộ rễ vồng lên tạo thành hang ổ tự nhiên cho loài cua bùn.

Kỷ lục về cua sen ở đầm ô loan vẫn thuộc về con cua 2,7kg bắt hồi tháng 10/2010.

Dave, một cư dân trong vùng, cho biết, ở đây bắt cua bùn là một việc rất… dễ dàng. Người ta chỉ việc lấy một cái que dài, chọc chọc vào hốc cây. Cua cư ngụ trong đó thấy động lấy càng cắp vào que, chỉ việc lôi ra.

Ở những vùng cửa sông hay nước ngập sâu, người dân thường bắt cua bằng rọ. Họ đi thuyền, sử dụng những rọ lưới hình tròn, bên trong có vài con cá chết thả xuống đáy nước để cua tự bò vào ăn mồi. Người bắt cua căn giờ rồi đi kéo rọ, vớt cua đem về.

Nhưng luật pháp của Australia cũng quy định hạn chế rất nghiêm ngặt để bảo vệ sự phát triển lâu dài của cua bùn. Mỗi người đi đánh bắt chỉ được mang tối đa 5 rọ lưới. Mỗi rọ không được dài quá 1m và thể tích không được quá 0,5m3. Cua cái có bề ngang mai từ 14cm trở lên, cua đực có bề ngang mai từ 13cm trở lên mới được phép đánh bắt. Bắt cua cái đang mang trứng dưới bụng tuyệt đối không được phép.

Số lượng cua bùn được đánh bắt cũng khống chế cụ thể: mỗi người không được bắt quá 10 con; nếu đi theo nhóm từ 3 người trở lên trên 1 thuyền thì cả thuyền đó chỉ được bắt tối đa 30 con. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền rất nặng.

 Dave cho biết cua bùn ở khu vực này rất nhiều, nhưng bắt được những con lớn thì ông chưa được chứng kiến bao giờ, và ở chợ cũng không thấy bán. Dave giải thích cua "khổng lồ" thường rất khó bắt vì chúng ẩn sâu trong các hang dưới thân cây tràm. Nếu ở vùng ngập nước nhiều, chúng thường to đến mức chui không lọt các miệng rọ. Nếu có chui vào, thì với chiếc càng sắc như kéo, những kẻ khổng lồ đó có thể cắt đứt lưới mà thoát ra dễ dàng.

3. Thất bại ở Cairns, nhưng chúng tôi không nản chí. Chỉ còn duy nhất một địa danh có cua bùn Thái Bình Dương khổng lồ là Darwin (địa chỉ còn lại là Broome thì đã thuộc phần châu lục chìa ra Ấn Độ Dương). Tại những chợ hải sản ở tiểu bang New South Wales và Victoria, khi chúng tôi dò hỏi những người bán hàng, họ đều khẳng định chắc như đinh đóng cột là có.

Darwin dễ gây cho người ta cảm giác sững sờ vì hình như bạn đang sống ở Nha Trang hay Phukhet (Thái Lan), với khí hậu nóng ẩm, với những hàng dừa soi bóng bên bờ biển, với những du khách vận quần áo sặc sỡ tụ tập đông đảo bên những quầy bar nằm khắp con phố trung tâm.

Thật là đen đủi cho chúng tôi khi đặt chân tới Darwin đúng thời điểm thành phố đang được nghỉ để tổ chức lễ hội bang. Toàn bộ các chợ đầu mối, các đại lý thu mua và bán hải sản, và ngay cả chợ chuyên bán hải sản lớn nhất trung tâm Darwin đều đóng cửa để đi chơi lễ hội. Hệ quả là toàn bộ những người đi bắt cua bùn cũng đều dừng công việc lại chờ qua lễ.--PageBreak--

Một đêm trằn trọc không ngủ được, lang thang trong sân nhà nghỉ đã đem tới cho tôi một cơ may. Một nữ phục vụ trong lúc bắt chuyện với khách đã chỉ cho tôi một cơ hội: hãy chịu khó lái xe đi ra các khu chợ lớn vùng ven trung tâm thành phố.

Từ sáng đến cuối buổi chiều hôm sau ngồi lì trên ôtô, chúng tôi mới tìm được một khu liên hợp đang còn mở cửa tại khu vực Casuarina. Tất cả mệt mỏi đều tan biến khi người bán hàng tạp hóa bên ngoài cửa chợ trả lời câu hỏi của chúng tôi bằng cách chỉ thẳng vào góc trong cùng của khu chợ.

Bên trong những thùng kính lớn, những con cua bùn Darwin khổng lồ nằm xếp lớp im lìm như những tảng đá. Những chiếc càng khổng lồ to như chiếc kéo loại lớn, bị bó chặt bằng những lớp dây nylon dày. Ngó vẻ kinh ngạc của chúng tôi, người bán hàng gốc Ấn kiên nhẫn chờ khách hết tò mò, rồi mới giới thiệu.

Theo lời ông, con cua to nhất cửa hàng hiện có nặng khoảng 2,5kg, con nhỏ nhất là 1,2kg. Ngó con cua vĩ đại nhất của cửa hàng với diềm mai phải dài chừng 25cm, thêm bộ càng nữa thì cơ thể phải đến 35-40cm, chúng tôi tuyệt vọng không dám mua vì khu bếp dành cho khách tự nấu của khách sạn chắc không có cái nồi nào đủ to để chứa nó cả.

Sau một hồi phân vân, chúng tôi đành chọn giải pháp mua 2 con cua nhỏ nhất: một con 1,2kg, một con 1,7kg. Xách hai con thủy quái nặng trĩu tay ném lên xe, chúng tôi hồ hởi tiến về khách sạn, chờ đợi cơ hội được nếm một trong những loại cua bùn lớn và ngon nhất thế giới.

…Sự hồ hởi ban đầu thoắt đã biến thành kinh hãi khi hai con "thủy quái" liên tục cựa quậy, đưa đôi càng thúc ngược lên nắp nồi khi nước bắt đầu nóng. Chúng tôi phải luân phiên nhau gồng người lên ghì chặt nắp nồi không cho nó bật ra. Anh bạn đồng hành thở hổn hển, cho đến khi cua chín, vẫn không dám rời tay…

Lão ngư dân Võ Xưa kể lại thao tác bắt trói cua khổng lồ trên đầm Ô Loan.

4. Nhưng có một điều thật oái oăm: loài cua bùn khổng lồ được coi là thứ đặc sản thượng hạng ở khắp châu Á ấy, lại khá bị "ghẻ lạnh" ở Việt Nam.

Thôn Phú Tân 1 của xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tọa lạc tại vị trí trung tâm lý tưởng trên đầm Ô Loan. Toàn bộ thôn là một bán đảo nằm độc lập chìa ra mặt đầm, thế nên mọi con nước vào ra đầm Ô Loan, thôn Phú Tân 1 là nơi hưởng lợi đầu tiên.

Vào tháng 7 Âm lịch năm 2013, ngư dân tên Võ Nam, 29 tuổi ở thôn này đã bắt được một con cua sen nặng 1,4kg. Đã lâu lắm rồi ngư dân sống xung quanh đầm Ô Loan mới lại bắt được một con cua lớn đến như vậy.

Thời điểm bội thu cua khổng lồ huy hoàng nhất được ghi nhận tại đầm Ô Loan cách đây đã hơn 3 năm. Ngày 2/10/2010, chị Đặng Thị Thu Trang ở thôn Tân Long đã bắt được con cua nặng 1,5kg, có đường kính mai rộng hơn 15cm, chiều dài khi sải hết hai càng gần 60cm.

Chỉ sau đó một tuần, ngày 10/10, chị Cao Thị Kim Phượng thu mua được một con cua đực nặng xấp xỉ 2kg. Con cua này có sải càng dài hơn 70cm, càng to gần bằng cổ tay người trưởng thành. Và kỷ lục tiếp tục bị xô đổ, ngày 17/10, một con cua thực sự "khổng lồ" với cân nặng 2,7kg đã lọt vào tay ông Cao Văn Phụng. Con cua này có sải càng dài gần 1m, càng to bằng cổ tay người lớn.

… Lão ngư dân Võ Xưa, cha của anh Nam, theo nghề hạ bạc trên đầm Ô Loan từ năm lên 10 tuổi. Theo ông Xưa, loài cua này được dân bản địa gọi là cua sen, thường có màu xanh lá đậm rất đặc trưng. "Người lạ nhìn vào khéo còn thấy sợ không dám bắt, vì trên lưng nó vằn vện những họa tiết rất lạ, có con còn có cả hình bông hoa mai ở trên lưng".

45 năm quần thảo trên đầm Ô Loan, lão ngư này mới chỉ bắt được vài con cua sen khổng lồ. Đặc biệt, những con cua sen khổng lồ chủ yếu là cua đực, không thấy cua cái. "Ở đầm này có rất nhiều cua ta, và cua cái rất nhiều, nhưng riêng cua sen thì chỉ có cua đực", ông Xưa cho biết.

Lý giải về chuyện kích cỡ khổng lồ của loài cua sen, ông Võ Xưa cho biết: "Giống cua này bản thân nó đã lớn như vậy. Bên cạnh đó, nó thưa và ít, mà lại khỏe. Lưới của mình đánh cá mà gặp phải là nó xé rách bươm rồi đi qua".

Liên tục xé lưới của ngư dân mà thoát, những con "thủy quái" ở đầm Ô Loan đã tận dụng được khả năng sinh tồn đến tận hết vòng đời tối đa là 3-4 năm, để qua mỗi lần lột vỏ, chúng lại tiếp tục gia tăng kích thước "khổng lồ".

Nhưng ít ai biết, trái với sự tò mò háo hức của du khách khi nghe kể về loài cua khổng lồ này, những ngư dân ở đầm Ô Loan thường coi nó như một thứ "thủy quái", hay đúng hơn là "của nợ".

"Cua này to thì thấy ham thế thôi, chứ ăn không có ngon bằng cua ta. Thịt nó cũng như cua ta, nhưng ít và hơi tanh. Con cua to nhưng không chắc, thịt ốp ốp bọng bọng", ông Võ Xưa cho biết. "Cua ấy to đùng lớn gói vậy thôi chứ giá bán rất rẻ, bà con không có ham".

Con cua nặng 1,4kg mà anh Võ Nam bắt cũng chỉ được bán cho thương lái với giá 120.000đ. Giá này còn kém so với việc bắt được những loài cá có giá trị khác như cá mú bông, thậm chí chỉ bằng vài con cua ta tự nhiên có trọng lượng nhỏ hơn nhiều. Có thể loại cua này chưa được giá khiến những người đánh bắt không ham xuất phát từ sự quảng bá của chúng ta vẫn làm chưa tới

Trịnh Nguyên

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文