Hé lộ bí mật kho vàng núi Chúa

18:25 10/09/2011

Tình cờ đọc được lá thư của một cai vàng viết vào mùa xuân năm 1957 gửi cho ông Ngô Đình Diệm, "tấu trình" về một kho vàng trên núi Chúa, Bà Nà, chúng tôi lần mò tìm hiểu sự việc. Từ chuyện kể của những nhân chứng và tài liệu thu thập được đã dần hé lộ bí mật về một kho vàng ước lượng hàng trăm cân nằm trong lòng đất của miền núi rừng được mệnh danh là xứ sở Đà Lạt, Sapa miền Trung - nơi mà cách đây hơn một thế kỷ trước đã từng bị quân đội Pháp chiếm cứ làm nơi nghỉ mát...

Lần tìm gốc tích tác giả bức thư

Bức thư nét chữ gãy gọn, màu mực đã phai nhạt theo năm tháng. Ông Cao Đắc Ẩn - người viết bức thư này gửi cho ông Ngô Đình Diệm cũng đã về với cát bụi từ lâu lắm rồi. Khi chúng tôi gặp chị Cao Thị Từ, con gái của ông Ẩn, ánh mắt vương nỗi buồn khó tả, cho hay, cha của chị đã qua đời trong một cơn bạo bệnh cách đây 45 năm. Ngày đó, ông Ẩn đã bước sang tuổi 74. Căn bệnh của ông cũng có phần liên quan đến kho báu trong lòng núi Chúa, Bà Nà...

Việc chúng tôi tìm được chị Từ cũng khá tình cờ. Sau nhiều ngày lặn lội tìm kiếm, chúng tôi xác định được xã Hòa Thanh mà ông ẩn ghi trong bức thư gửi Ngô Đình Diệm, bây giờ được đổi tên là xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Còn thôn An Ngãi Tây, do dân cư đông đúc nên cũng đã được chính quyền chia ra thành 3 thôn nhỏ. Một số cụ già cao niên bảo chúng tôi rằng, những người mang họ Cao đều từ các nơi khác đến đất này. Họ đến vào những năm kháng chiến chống Pháp. Đa số là đàn ông tới làm ăn, rồi có vợ "bén rễ" luôn quê vợ. Trong trí nhớ của các cụ, không có người nào tên Ẩn từng làm cai vàng cho người Pháp cả...

Khi việc tìm kiếm dấu tích ông ẩn tưởng chừng như vô vọng thì bất ngờ chúng tôi lại có thông tin về một cựu công an xã Hòa Sơn, ông này rất am hiểu các gia đình sinh sống ở vùng An Ngãi Tây. Lập tức chúng tôi tìm tới gặp, ông cười ha hả nói: "Đi đâu xa, ở ngay UBND xã Hòa Sơn đó thôi!". Té ra, con gái của ông Ẩn là chị Từ, hiện đang làm công tác xóa đói giảm nghèo của xã Hòa Sơn....

Tuổi đã ngoài 50, nói chuyện xởi lởi, thể hiện rõ tính cách cởi mở đối với những người xung quanh. Nhưng, khi chúng tôi hỏi chuyện ông Ẩn và kho vàng trong núi Chúa, chị Từ im lặng lắc đầu. Đến lúc biết rõ chúng tôi có chứng cứ là bức thư ông Ẩn gửi Ngô Đình Diệm, chị mới kể lại những chuyện được truyền lại từ người mẹ ruột cũng đã mất hơn một năm trước. Theo lời chị Từ, cha của chị (ông Ản) người gốc làng Tiên Đõa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Trước khi gặp được bà Nguyễn Thị Đồng, mẹ chị Từ, ông Ẩn đã trải qua 2 đời vợ. "Lúc sinh thời, cha tui có kể là 2 bà vợ trước của ông không có con. Năm 1956, ổng gặp mẹ tui và bén duyên chồng vợ, tới năm 1958 sinh được tui. Mẹ tui trước lúc gặp ổng, bà cũng đã có một đời chồng sinh được một người con trai. Tuy chỉ mỗi tui là con ruột, nhưng cha tui thương người con riêng của mẹ còn hơn cả tui nữa...".

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông Ẩn rời xưởng làm vàng của người Pháp ở sông Vàng, ông không về quê mà xuống dựng nhà sống tại làng An Ngãi Tây. Thời gian sống ở làng này, ông rất ít tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh. Có lẽ, việc ông ở lại ngôi làng dưới chân núi Chúa này ít nhiều cũng vì vương vấn kho vàng mà ông là một trong những người trực tiếp chôn giấu. Vì thế, ông tuyệt nhiên không muốn ai biết rõ thân phận của mình. Có rất ít người quan hệ với ông qua công việc làm ăn thì cũng không biết được ông từng là cai vàng cho người Pháp ở vùng sông Vàng... Biết được điều đó, khi ông Ẩn mất đi, nhiều người lạ đã tìm tới nhà chị Từ dò la, song hai mẹ con chị cũng không hé răng nửa lời, dù họ cũng đã được ông Ẩn kể cho nghe về kho vàng trong núi Chúa. Họ không muốn câu chuyện nghe hư hư thực thực đó làm liên lụy...

Chị Từ dẫn chúng tôi đi thăm mộ ông Ẩn nằm chênh vênh bên sườn núi cạnh nhà. Trước nấm mồ của người quá cố, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Có thể người đàn ông nằm dưới đất này trước lúc nhắm mắt xuôi tay, vẫn bị day dứt, nuối tiếc về kho vàng mà ông là một trong số người tham gia chôn giấu trong núi Chúa... Theo lời chị Từ, năm chị lên 8 tuổi thì ông Ẩn qua đời. Không biết do căn bệnh gì, song lúc đó đôi chân của ông bị lở loét không đi được nữa. "Khi tui lớn khôn thì được mẹ tui cho biết, cha tui bị nhiễm phải chất độc gì đó của người Pháp trong thời gian ông làm cai vàng ở vùng sông Vàng. Mẹ tui cũng kể cho tui nghe chuyện cha tui chôn vàng".

Bức thư ông Cao Đắc Ẩn gửi Ngô Đình Diệm.

Nhớ lại chuyện mẹ kể ngày trước, chị Từ kể lại rằng, khai thác vàng ở sông Vàng đến năm 1945 thì xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp, người chủ xưởng mới bắt ông Ẩn và ông Kinh (em trai bà Đồng) khiêng số vàng trên 100kg đã khai thác được đi chôn giấu. Trước lúc khiêng vàng đi chôn, hai người bị ông chủ lấy khăn đen bịt mắt, rồi dí súng vào lưng dẫn họ khiêng vàng đi vào rừng. Tới chỗ chôn giấu thì hai người được lệnh đặt số vàng xuống để người Pháp lấp đất, đá ngụy trang. Xong đâu đấy, người Pháp nọ dẫn họ trở về xưởng khai thác, mới tháo khăn bịt mắt ra... Cho nên ông Ẩn chỉ biết được, ông cùng ông Kinh chôn vàng cho người chủ Pháp trong núi Chúa, tại một địa điểm có rất nhiều cây trúc và tiếng nước suối chảy róc rách.

Sau này, ông Ẩn đã nhiều lần lên núi Chúa tìm, nhưng không xác định được chỗ người Pháp giấu vàng. Vì, dọc theo các khe suối, cây trúc mọc bạt ngàn... Chiến tranh bom đạn liên miên, tới năm 1966, ông ẩn qua đời mang theo bao sự nuối tiếc về kho vàng trong núi Chúa xuống mồ. Còn ông Kinh thì lưu lạc phương nào không rõ. Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, cũng có rất nhiều người không rõ lai lịch tìm tới gặp bà Đồng và chị Từ để dò hỏi chuyện ông ẩn chôn giấu vàng, song nghi ngờ họ là kẻ xấu nên từ đó hai mẹ con thống nhất giữ kín mọi chuyện...           

Kho vàng trên núi còn không?

Thư ông Ẩn viết gửi Ngô Đình Diệm, có đoạn: "Kính dưng (dâng) cụ Ngô Tổng thống! Tôi tên là Cao Đắc Ẩn, 63 tuổi, chánh quán tại thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Thanh, quận Hòa Vang.

Kính thưa cụ! Trong thời kỳ Pháp thuộc năm 1942, tôi có làm công dẫn đường cho một người Pháp để mở xưởng làm vàng tại xứ Sông Vàng. Sau khi thành lập cơ xưởng làm vàng được 3 năm, số vàng rất nhiều, gặp phải Việt Minh cướp chính quyền thì người chủ tôi đem số vàng trên 100 ki-lô đi chôn". Theo trình bày của ông Ẩn, lúc đã chôn số vàng trên núi Chúa đâu vào đấy, ông cùng người chủ nọ trở về làng thì người chủ bị bắt đem vào miền Nam mất tích. Từ đó, có rất nhiều người tìm ông dọ hỏi "kho vàng", nhưng ông không hề hở môi…

Ngô Đình Diệm (thứ 3 từ phải sang) dự lễ khánh thành đường Bà Nà - Bạch Mã do Ngô Đình Cẩn chủ xướng xây dựng. Ảnh tư liệu.

Thực ra, người Pháp làm vàng ở vùng sông Vàng được nêu trong bức thư ông ẩn gửi Ngô Đình Diệm chính là rể của Chevalier - Cảnh sát trưởng người Pháp vào năm 1942 ở Đà Nẵng. Ông ta tên là Meitel, kỹ thuật gia về hầm mỏ, làm đại diện một công ty của Pháp khai thác vàng ở sông Vàng. Điều này được xác nhận bởi lá thư của một dân biểu tỉnh Quảng Nam thời Ngô Đình Diệm nắm quyền hành làm mưa, làm gió ở miền Nam. Đó là ông Dư Phước Thuận. Ông Thuận là người trực tiếp nhận thư của ông Ẩn trình lên Ngô Đình Diệm.

Tờ trình ông Thuận viết gửi Ngô Đình Diệm còn lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, cùng với lá thư của ông Ẩn, có đoạn nêu rõ: "Ở Sông Vàng thuộc quận Hòa Vang, cách núi Bà Nà 40 km (phải đi đến đấy mất 2 ngày đường) có một mỏ vàng từ rất lâu không được khai thác. Trong một lần tiếp xúc với dân địa phương, gần núi Bà Nà, thì tôi gặp ông Cao Đắc Ẩn. Sau đó vài hôm, ông Ẩn trao cho tôi một bức thư nhờ tôi kính trình lên Tổng thống, mà tôi xin đính kèm theo đây. Tôi xin thưa thêm rằng, người Pháp trong bức thư của ông Cao Đắc ẩn chính là Meitel, rể của viên Cảnh sát trưởng người Pháp thời bấy giờ ở Đà Nẵng tên là Chevalier... Ông Cao Đắc Ẩn là người dẫn đường cho Meitel và sau đó giúp việc cho ông này một thời gian cho đến khi Nhật đảo chánh Pháp. Ông sẵn sàng trình bày mọi điều mà mình biết cho chính phủ về Sông Vàng".

Sau khi hồ sơ về kho vàng trong núi Chúa được ông Dư Phước Thuận gửi đi thì em ruột của ông Diệm là Ngô Đình Cẩn thực hiện dự án mở đường Bà Nà - Bạch Mã. Ngày khánh thành, Ngô Đình Diệm cũng đích thân tới dự lễ. Dư luận ngày đó ầm ĩ rằng, Ngô Đình Cẩn "đánh hơi" kho vàng từ lá thư của ông ẩn nên ém nhẹm hồ sơ để rồi nghĩ ra độc chiêu mở đường, song thực chất là để tìm kho báu. Tuy nhiên, việc làm đó của Ngô Đình Cẩn cũng chỉ là "công dã tràng". Kho vàng mà ông ẩn đề cập vẫn nằm im nơi nào đó rất bí mật trong lòng đất núi Chúa, Bà Nà...

Trên hành trình đi tìm sự thật về kho vàng trong núi Chúa, chúng tôi cũng có tiếp xúc một số cụ già từng làm phu vàng cho người Pháp ở vùng thượng nguồn sông Cu Đê và khu vực núi Chúa, Bà Nà. Nhiều người đã kể rằng, trong Cách mạng tháng Tám, lực lượng khởi nghĩa của Hòa Vang đã kéo vào các xưởng làm vàng và thu được một lượng vàng rất lớn. Và, họ cũng nghe người ta đồn đại có người bị Pháp bắt đi chôn vàng trong núi Chúa rồi sát hại, mất tích... Trên hành trình đi tìm ông Ẩn, chúng tôi còn được người dân Hòa Ninh, ở chân núi Chúa, dẫn đến chỗ ngôi mộ "ông già Sapa", gần khu vực nhà ga cáp treo Bà Nà - Suối Mơ. Lúc còn sống, ông già này có hành tung rất bí ẩn. Ông ta không nói được tiếng Việt nên không ai biết ông từ phương nào tới. Do thấy ông ta sống một mình trong một chiếc chòi nhỏ ở giữa miền núi rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài nên người địa phương gọi là "ông già Sapa". Và sau 50 năm sống dưới chân núi Chúa, ông già đã qua đời năm 1992.

Một số người thường hay vào núi lấy củi nói với chúng tôi rằng, có đôi lần họ nhìn thấy ông già vác rựa vào rừng với tấm bản đồ đã cũ trên tay, nên họ nghi ông ta là một người lính Nhật tới miền đất này năm 1945 và được biệt phái ở lại để tìm kho vàng trong núi Chúa? Tuy nhiên, đây là sự suy đoán hoang đường, không có cơ sở...

Và như thế, kho vàng ở núi Chúa, Bà Nà, được nêu trong bức thư ông Cao Đắc Ẩn gửi cho Ngô Đình Diệm, cho đến nay vẫn chưa biết còn hay mất. Dẫu sao bí mật về kho vàng cũng được hé lộ phần nào qua những tài liệu lưu trữ và lời kể của nhiều nhân chứng và cả người trong cuộc...

Long Vân - Hoàng Giang

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文