Hoang sơ miền Rú Chá

12:18 11/06/2019
Phá Tam Giang, phá Tam Giang!/ Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng/ Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu/ Mây trầm ngâm khói nước miên man”.

Nhắc đến đầm phá Tam Giang, du khách thường nghĩ đến một vùng sông nước mênh mông, phóng khoáng, mang đậm hơi thở trầm mặc của mảnh đất cố đô. Nơi đây không chỉ có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hữu tình mà còn là miền đất ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị chờ đợi du khách trải nghiệm và khám phá. 

Cách trung tâm thành phố Huế 10km, rừng ngập mặn Rú Chá nằm men quốc lộ 49, theo hướng cửa biển Thuận An là một khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của vùng sông nước nằm ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Rừng ngập mặn Rú Chá nhìn từ trên cao.

Rừng cây đặc biệt

Rú Chá có tự bao giờ có lẽ đến những người già nhất ở cái làng Thuận Hòa này cũng không biết, chỉ biết từ ngày làng khai hoang lập ấp đã thấy cây chá có ở đó rồi. Rú Chá được biết đến là rừng ngập mặn có giá trị sinh thái đặc biệt, một khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang.

Có lẽ điểm gây ấn tượng mạnh đầu tiên của khu rừng chính là cái tên độc đáo: Rú Chá, vừa có vẻ hoang sơ, vừa có chút gì đó bí ẩn, ma mị. Theo tiếng địa phương, “rú” có nghĩa là rừng, còn “chá” là tên một loại cây mọc chiếm tới 90% rừng nơi đây. Cái tên tưởng chừng dân dã quê mùa nhưng lại rất đỗi gần gũi, thân thương.

Đây là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy sinh đặc trưng của vùng đầm phá, trong đó nổi bật là cây chá. Vào khoảng tháng 8, cây bắt đầu ra hạt, trái nhỏ như quả tiêu và kết thành chùm. Đến tháng 9, hạt chá rụng xuống và theo dòng nước lũ phát tán đi những nơi có điều kiện thích hợp để sinh trưởng và phát triển.

Trước kia, các con đường dẫn vào Rú Chá đều là đường đất gồ ghề do người dân trong vùng đắp lên. Đến nay, những con đường đất đã được bê tông hóa, thuận tiện cho du khách di chuyển tham quan khu rừng. Hai bên lối đi này là hàng cây chá sừng sững khẳng khiu với bộ rễ lớn bám chắc vào lòng đất. Cây chá sống quần cư dầm chân trong vùng nước lợ và bãi sình lầy quanh năm chua mặn.

Chá sống ken dày, cây nọ dựa vào cây kia, cành chen cành, lá quấn lá nương tựa vào nhau kiên gan bền vững trước sóng gió Tam Giang. Có những cây hàng trăm năm thân cành quăn queo, gốc rễ xù xì như những gốc bonsai cổ thụ cực kỳ đẹp mắt.

Ông Đáp, người đã gắn bó 30 năm với Rú Chá.

Ở những đoạn đường mòn, chá vít đầu vào nhau, thân cành quấn quýt đan xen tạo thành những đường hầm cây xanh ngoằn ngoèo sâu hun hút trông rất lạ. Đi dưới hàng cây chá, chỉ có những hạt nắng li ti xuyên theo kẽ lá chiếu xuống lung linh. Rú Chá hoang sơ, buổi trưa chẳng có bóng người, chỉ có bóng cây chá liêu xiêu ngả nghiêng trong ánh nắng loang lổ như bóng đoàn người đứng tựa vào nhau, âm u, tịch liêu. Đặc biệt, hằng năm, cứ vào thu, rừng chá trổ hoa vàng rực cả một vùng, óng ả như một đóa hoa khổng lồ khoe sắc nổi bật trên nền trời nước xanh bao la diệu vợi...

Ngay giữa rú lại có cái chòi canh khá bề thế, cao vượt khỏi rừng cây nên đứng từ trên cao phóng tầm mắt ra thấy cả một vùng Rú Chá như một bức tranh lộng lẫy trên vùng đầm phá Tam Giang mênh mông sóng nước. Dưới tán rừng ấy là một thế giới hoang sơ đượm màu bí ẩn, liêu trai về cuộc sống mưu sinh của người dân

Đến với rừng ngập mặn Rú Chá, du khách sẽ được đắm chìm vào một không gian tươi mát, sảng khoái và thư dãn nhất giữa mùa hè nắng cháy. Ở đây, bạn có thể tản bộ trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo đâm sâu trong lòng rừng chá, chiêm ngưỡng những bộ rễ cây trăm năm tuổi, hít hà cái trong trẻo của sông nước, núi rừng. Thu hết vào tầm mắt một màu xanh trải dài quyến rũ, những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống sẽ bị bỏ lại ở sau lưng.

Cũng như mắm, đước, vẹt, bần... chá là loài cây ưa sống vùng ngập mặn, lại sống thành rừng nên nó như bức bình phong tự nhiên ngăn sóng gió bảo vệ đất liền. Đối với người dân nơi cửa biển, những cây chá khẳng khiu không chỉ là một phần cuộc sống mà đó còn là bức bình phong vững chãi, che chắn bảo vệ dân làng Thuận Hòa trước những cơn sóng dữ.

Miếu bà Đức Thánh mẫu

Ngoài vẻ đẹp hoang sơ và trầm mặc, rừng ngập mặn Rú Chá còn được biết đến là nơi có miếu thờ bà Đức Thánh Mẫu linh thiêng gắn liền với nhiều câu chuyện tâm linh thần bí. Truyền thuyết của dân làng Thuận Hòa kể rằng ngày xưa trong một trận lụt lớn, bát nhang của Đức Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén trôi về nằm ở đây. Dân làng thấy thế bèn lập miếu thờ. Từ đó đến nay, người dân vẫn tổ chức đám giỗ Đức Thánh Mẫu tại miếu vào ngày 3-3 âm lịch.

Theo lời của người giữ miếu thì vào thời vua Duy Tân có một vị hoàng tử về rừng Rú Chá săn bắn. Đến gần miếu thờ Thánh Mẫu thấy một con chim trắng đậu trên mái, vị hoàng tử giương súng bắn 3 phát nhưng con chim không chết. Về đến hoàng cung, vị hoàng tử liền lâm bệnh nặng.

Biết chuyện, vua Duy Tân đích thân đến miếu khấn lạy thì vị hoàng tử khỏi bệnh. Sau đó, nhà vua đã tặng sắc bản và cho tu bổ lại ngôi miếu, truyền dân làng hương khói hằng năm. Nghe nói miếu rất thiêng, đi qua phải cúi đầu, những ai bất kính buông lời trêu ghẹo thì đều gặp họa do bị Thánh Mẫu quở phạt.

Căn nhà của vợ chồng ông Đáp bên rừng ngập mặn.

Thực hư những câu chuyện này chưa được kiểm chứng và cũng không biết đúng sai thế nào, chỉ biết rằng bao đời qua dân làng Thuận Hòa vẫn coi miếu Thanh Mẫu là nơi tôn nghiêm, rất linh thiêng và không dám xúc phạm đến sự tôn nghiêm ấy.

Cũng theo lời những người già trong làng, phía sau miếu thờ Đức Thánh Mẫu là đình làng Thuận Hòa. Ở đây có một căn hầm bí mật của chiến sĩ cách mạng. Người dân trong làng thường mang thức ăn, nước uống ra rú nuôi cán bộ. Về sau, giặc phát hiện nên đã tìm cách tiêu diệt. Không ít cây chá bị bom đạn quật ngã. Giặc buộc dân làng dời đình vào làng. Vì thế, bây giờ đình làng chỉ còn phế tích. Tuy nhiên, miếu thờ Đức Thánh Mẫu qua nhiều lần tu sửa nên vẫn khá khang trang. Trải qua thời gian, những câu chuyện tâm linh của miếu thờ bà Thánh Mẫu vẫn được nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm hiểu. 

“Robinson” xứ Huế

Những tưởng giữa nơi đầm lầy tứ bề nước non, rừng rú hiu quạnh này sẽ chẳng có ai sinh sống, vậy mà lại có một đôi vợ chồng già gắn bó với nó hơn 30 năm. Cuộc sống của đôi vợ chồng già được ví là “Robinson xứ Huế”, “dị nhân” hay “người giữ rú không lương” cũng ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn và thú vị như chính cái Rú Chá mà họ đang nương tựa này. Đó là vợ chồng ông Đáp và bà Hồng, năm nay đã ngoài bảy mươi nhưng sức khỏe vẫn còn dẻo dai lắm.

Giữa một vùng đầm phá hoang sơ, có những khoảnh khắc bình yên đến lạ kì của hai con người giữ rú: bà Hồng đang cặm cụi giặt đồ dưới bến còn ông Đáp thì trầm mình dưới nước, phía sau kéo theo chiếc ghe nhôm nhỏ làm bằng vỏ đạn pháo của Mỹ chở theo lỉnh kỉnh mấy cái cọc tre, lưới, dây lạt... đi buộc dặm lại mấy chỗ lưới quây bờ bị hở để phòng mùa nước lên cá tôm nuôi đi hết.

Những bạn trẻ khám phá Rú Chá.

Vợ chồng ông Đáp vốn có con cháu đầy đủ nhưng do thích cuộc sống thiên nhiên hoang dã mà bỏ làng ra Rú Chá cắm chòi ở đã hơn ba chục năm nay. Túp lều của họ nằm trên một cồn đất nhỏ giữa tứ bề là nước, bên cạnh có ngôi mộ lớn, xung quanh cây cối mọc um tùm, đêm còn không có điện. Có lẽ chúng ta sẽ không đủ dũng khí để sống một cuộc sống cách biệt và cô đơn như vậy trong thời hiện đại này. Nhưng ông bà lại vui với cảnh sống ấy vì được ngụp lặn thỏa thích giữa thiên nhiên trong trẻo, ban sơ.

Cuộc sống của ông bà đơn giản và đạm bạc, không mưu cầu gì. Ngày ba bữa cơm rau với tôm cá đánh bắt được dưới đầm. Tận dụng mặt nước đầm phá quanh rú, ông bà nuôi tôm cá, gà vịt... lúc rảnh rỗi thì vào trông coi rừng hoặc sửa lại hai cái chòi nổi trên phá dùng làm nơi nghỉ ngơi ngắm cảnh và cũng là chỗ ngủ, hóng mát lý tưởng vào mùa hè. Nhìn cuộc sống bình yên ấy, tôi lại chợt nhớ tới cái thú “nhàn” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa. Một cuộc sống nhàn tản, hòa hợp với thiên nhiên và đã trở thành triết lý sống: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao”.

Cùng với chính quyền địa phương, đội kiểm lâm, vợ chồng ông bà Đáp ra sức gìn giữ, bảo vệ Rú Chá, biến nó thành điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn ở Huế. Đến đây, người ta không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp lãng mạn đượm vẻ liêu trai của Rú Chá, được nghe những câu chuyện thấm màu huyền sử mà còn được chứng kiến sự hồi sinh của một vùng sinh cảnh quý hiếm qua những gốc chá sần sùi gân guốc, những chồi xanh đang vươn lên mạnh mẽ như sức sống bất diệt của con người nơi đây qua những năm tháng đạn bom.

Còn đối với vợ chồng ông bà Đáp, giờ họ cũng có thêm niềm vui mới, đó là thỉnh thoảng có người về thăm Rú Chá sợ mải chơi nhỡ bữa nên cậy nhờ ông bà nấu cho bữa cơm. Cơm ông bà nấu bình dân, có gì ăn nấy, chủ yếu là mấy thứ có sẵn ở Rú Chá, ai thích ăn gà vịt thì bảo ông bà ra vườn bắt, cá thì dưới đầm, mỗi bữa chỉ đủ sức nấu cho độ vài người. Nói như bà Hồng: “Thêm chén thêm đọi mệt nhưng có người về chơi với Rú Chá là vui rồi!”.

Có người bảo xứ Huế chẳng có mùa thu, chỉ có những cơn mưa buồn đã thành thương hiệu. Dường như chẳng phải thế, Huế cũng có mùa thu và thu cũng rực vàng miên man như nắng sớm, cũng xốn xang lay động và lãng mạn chẳng kém với nơi nào. Nếu không tin bạn cứ thử về xứ Huế để được một lần đắm mình trong sắc thu vàng lao xao trên Rú Chá mà nghe dạ ngẩn ngơ chân chẳng muốn rời.

Trung Thành

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文