Huyền thoại về chó Phú Quốc

09:15 30/07/2007

Bỏ qua ngôi vị quán quân và á quân trong một showdog tổ chức tại TP Lille của nước Pháp năm 1894, chỉ tính đến việc có mức giá đắt hơn 250-500 lần những con chó khác, hai cô cậu “quốc tịch Phú Quốc” Xoài và Chuối cũng có giá từ 10-15 tỷ đồng Việt Nam, theo thời giá hiện nay.

Trong đời sống của người Việt, từ xưa đến nay, chó vẫn là loài vật nuôi thân thiết nhất. Xung quanh con chó đã có không ít câu chuyện, thú vị có mà bi hài cũng có. Đã có thời điểm, “cơn sốt chó” bùng lên một cách điên khùng giúp không ít người hốt bạc tỉ nhưng cũng khiến lắm người tán gia bại sản. Rồi thì cũng qua. Đối với dân gian thì chó vẫn là chó. Người ta bảo nuôi chó để giữ nhà, để bầu bạn cho vui. Thực dụng hơn thì nuôi chó để kinh doanh, để kiếm tiền hoặc để... thịt.

Một nguồn gien quý

Nhưng chí ít cũng có một người nghĩ khác. Ông coi con chó, chính xác thì chỉ chó Phú Quốc thôi, như một niềm vui và lẽ sống của mình. Ông bỏ hàng chục năm trời tìm hiểu, nghiên cứu về nó. Ông có tham vọng biến con vật nuôi thân thiện và quen thuộc này thành một...  phương tiện ngoại giao, giúp Việt Nam đối thoại và ngẩng mặt với thế giới.

Ông “đọc” thấy trong tương lai của giống chó Phú Quốc một cơ hội xán lạn song song với một nỗi ám ảnh tuyệt chủng. Thế là ông trương lên một khẩu hiệu to đùng: “Chó Phú Quốc, niềm tự hào của chúng ta!”. Đó cũng chính là chủ đề một cuộc hội thảo nghiêm túc mà ông và những người cùng sở thích đã tổ chức vào ngày 20/7/2007 tại Hội trường Hội Nhà báo TP HCM, thu hút được khá đông người đến dự.

Ông tên là Dư Thanh Khiêm, Viện trưởng Viện giáo dục Woluwe Saint Pierre ở Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ. Để thu hút sự quan tâm của người nghe, ông đã lục tung cả từ điển Larousse cùng hàng chục bộ sách cổ, quý hiếm,  có cuốn như Les Races de Chiens của Bá tước Henri de Bylandt, một cuốn sách được xem như “thánh kinh về loài chó” được xuất bản tại Brussels từ năm 1897.

Tất cả chỉ để chứng minh một điều: chó Phú Quốc cực kỳ quý và đã từng gặt hái những thành công lừng lẫy trên đấu trường quốc tế. Nó thuần túy là một loài chó bản địa, chẳng liên quan gì đến các giống chó berger Đức vùng Alsace hay giống dingo của châu Úc. Ông cực lực phản đối những giả thuyết cũ cho rằng chó Phú Quốc là hậu duệ của chó Nam Phi hay là loại chó lai từ đảo Corse (Pháp) được... những tên cướp biển vùng Cariber mang sang Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX.

Ông cũng tỏ ra nghi ngờ và trưng ra hàng loạt bằng chứng khoa học để bác bỏ việc người Thái cứ cố ý cho rằng chó Phú Quốc là hậu duệ của chó Thái Lan, một loài chó đẹp đã được Hiệp hội Chó giống quốc tế (FCI) công nhận vào năm 2003. Dù diễn giả Dư Thanh Khiêm vẫn tỏ ra dè dặt thì người dự khán cũng hiểu ngay ý đồ của ông là muốn chứng minh ngược lại: giống chó quý của vùng miền Đông Thái Lan thực ra là những con chó lai có nguồn gốc từ đảo Phú Quốc.

Tuy khá nhỏ con (xem bảng tiêu chuẩn), nhưng những chú Phèn, Vện, Xoài, Mít nguyên quán đảo Phú Quốc vẫn tỏ ra là một loài chó săn (từ năm 1897, Henri de Blandt đã xếp chó Phú Quốc vào loại chó săn thỏ)  ưu việt, có nhiều đặc tính vượt trội so với nhiều loài chó săn khác.

Thứ nhất, chó Phú Quốc là loài chó hiếm hoi không sợ độ cao. Để huấn luyện chó Berger Đức leo lên cầu có độ cao chỉ hơn 1m, người ta phải tốn rất nhiều công sức và thức ăn dụ dỗ chúng.

Với chó Phú Quốc thì khỏi. Leo cây, leo qua tường, trèo hàng rào là việc thường xuyên của chúng. Ông Khiêm và các cộng sự đã tận mắt chứng kiến và chụp rất nhiều bức ảnh chó Phú Quốc thản nhiên đi dạo trên mái nhà y như những con mèo. Khi được ông Khiêm đề cập và cho xem những bức ảnh này, ông Jaean Jacques Dupas, Tổng thư ký Hiệp hội Chó giống Pháp đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên và thán phục.

Thứ hai, chó Phú Quốc gần như vẫn giữ nguyên được đặc tính độc lập và hoang dã. Chúng có thể sống tự lập bằng rắn, chuột... tự săn được mà không cần đến sự nuôi nấng chăm sóc của con người. Với loài chó săn thì bản năng này rất quý. Thế nhưng, để đem đi tranh tài, đặc tính hoang dã  lại là một trở ngại, bởi tất cả các showdog trên thế giới đều được tổ chức cho loài chó đã thuần chủng.

Thứ ba, đặc tính quý nhất của chó Phú Quốc là sự nhanh nhẹn và chính xác  tuyệt vời. Chúng có thể chạy trong nhà rất nhanh để đuổi bắt chuột mà tuyệt đối không trượt ngã hay va vấp vào bàn ghế, nhờ khả năng hãm phanh để chuyển hướng một cách nhanh chóng. Khả năng này của chó Phú Quốc tỏ ra ăn đứt các loại chó săn thỏ đầu bảng mà “Vua chó” Henri de Bylandt đã đề cập, ca tụng như loài Greyhound hay loài Afghan hound.

Hai loại chó săn nói trên có tốc độ bứt phá cực cao, tỏ ra hết sức hiệu quả khi đuổi bắt thỏ. Để tự cứu mình, những con thỏ không thể đua tốc độ với chó săn. Vậy nhưng chúng vẫn có thể thoát nhờ cú tuyệt chiêu chạy dích dắc, hoặc ngoặt hướng đột ngột để tránh né. Đang đà lao tới, những con chó săn đột ngột ngoặt theo con mồi có thể bị trượt, sái, thậm chí gãy chân. Tuyệt chiêu né tránh này của loài thỏ đừng hy vọng áp dụng với chó Phú Quốc, bởi cú hãm phanh đổi hướng là năng lực siêu việt của loài chó này.

Trong khi đó, loài chó Thái Lan được người Thái ca tụng lên mây, nhiều người bỏ ra cả khoản tiền lớn mua về nuôi thì cứ chạy đâu đụng rớt vỡ đó mà chẳng mấy khi bắt được con mồi nào. Chúng cũng khó có khả năng sống tự lập trong thiên nhiên. Chủ nuôi quên cho ăn là cầm chắc chúng bị đói. Nếu phải so sánh, hẳn chó Thái phải gọi chó Phú Quốc bằng... "cụ"!.

Một con chó giá… 15 tỷ đồng

Đối với nhiều người trong chúng ta, một cuộc hội thảo với chủ đề như “Chó Phú Quốc - niềm tự hào của chúng ta” có vẻ như là một điều lạ lẫm. Thế nhưng, từ cách đây hơn một thế kỷ, thậm chí xa hơn nữa, những điều tương tự lại trở nên rất quen thuộc đối với người dân châu Âu, nhất là những người trong giới quý tộc. Chó Phú Quốc, với những tính năng ưu việt, cũng đã được xuất ngoại và được người châu Âu biết đến từ rất sớm.--PageBreak--

Người đầu tiên giới thiệu chó Phú Quốc với tư cách một loài chó quý hiếm với những người yêu chó quốc tế là ông Fernad Doceul, một người Pháp sinh năm 1857 tại thành phố Nantes. Xuất thân từ Đại học Y khoa Pris, ông này đã sang làm công chức cho chính quyền thuộc địa Pháp nhiều năm liền tại các tỉnh Hà Tiên, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc Sa Đéc, Gia Định....

Năm 1886, ông mang về Pháp hai cặp chó Phú Quốc và đem tặng cho vườn thú Paris 3 con, hai đực, một cái. Vừa mới xuất hiện, chó Phú Quốc đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới sành chó ở châu Âu nhờ điểm đặc biệt là xoáy và dải lông mọc ngược ở trên sống lưng, điều không thể tìm thấy ở bất kỳ một loài chó nào khác trên thế giới.

Ông Dư Thanh Khiêm đã tìm thấy nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng đã có nhiều nhà quý tộc, nhiều người yêu chó ở châu Âu đã vượt hàng ngàn km, từ Thụy Điển, từ Italia... đến vườn thú Paris chỉ để được ngắm “no mắt” những con chó Phú Quốc đặc biệt này. Đến ngày 21/11/1891, cả ba con chó Phú Quốc lại được một chuyên gia có kiến thức sâu rộng về động vật có vú là ông Emile Oustalet, người sau này trở thành Giám đốc Ngành động vật có vú và chim của Viện Bảo tàng Lịch sử Khoa học tự nhiên Pháp giới thiệu một cách hào hứng trong một bài báo của mình.

Đỉnh cao vinh dự của loài chó Phú Quốc thuộc về hai con chó có lông màu lửa mang tên là Mango (Xoài, chó đực) và Banane (Chuối, con cái) thuộc sở hữu của một người Pháp tên là Gaston Helouin sống tại Helfaut, Pas de Calais, miền Bắc nước Pháp. Xoài và Chuối đều sinh năm 1892, được mang về Pháp khi 2 tuổi. Chúng đã được tuyển chọn để tham gia triển lãm hoàn vũ quốc tế (về chó) diễn ra tại Anvers, Vương quốc Bỉ trong hai ngày 15 và 16/7/1894, được ghi tên, lý lịch vào catalogue và lưu trữ cho đến ngày nay.

Sở dĩ Xoài và Chuối có được vinh dự này là vì vài tháng trước đó, chúng đã giành ngôi quán quân và á quân trong một showdog khác tổ chức tại TP Lille của nước Pháp. Giám khảo của cuộc thi chó này là Bá tước Henri de Bylandt. Ông là một quý tộc Hà Lan thuộc một dòng dõi danh tiếng ở nhiều nước châu Âu trong nhiều thế kỷ.

Năm 1895, vị Bá tước này chuyển sang sinh sống tại Bỉ. Được biết đến như đỉnh cao tuyệt đối của phong trào nuôi chó giống châu Âu, ông là tác giả của những cuốn “thánh kinh về loài chó” như “Les Races de Chien” “Dog of all Nations: their varieties, characteristics, point...” xuất bản bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Đức. Phong trào nuôi và triển lãm chó phát triển mạnh ở châu Âu, ông trở thành người đóng vai trò then chốt trong hàng chục hiệp hội chó giống của Anh, Bỉ, Pháp, Hà Lan và được mời làm giám khảo thường xuyên trong những dog show, dog club danh tiếng nhất.

Ngay khi vừa xuất hiện, Xoài và Chuối đã được đôi mắt lão luyện của vị bá tước này nhìn nhận như một loài chó quý hiếm. Trong những cuốn sách về loài chó mà ông viết sau này, Xoài và Chuối lại tiếp tục được đề cập, như hai đại diện tiêu biểu của loài chó Phú Quốc, sánh ngang cùng 300 giống chó quý và nổi tiếng khác trên thế giới.

Theo quy định của các Showdog, chó dự thi phải có tên tuổi, lý lịch, gia phả và bản tiêu chuẩn rõ ràng để đối chiếu. Đích thân bá tước Henri de Bylandt đã nghiên cứu và soạn thảo ra bản tiêu chuẩn gồm 26 chi tiết cho chó Phú Quốc và đưa vào các cuốn sách trứ danh của mình. Ở cuối bản tiêu chuẩn, vị bá tước đã ghi thêm chú thích: “Tôi đã có dịp chấm thi  giống chó này tại Anvers. Tôi rất ấn tượng bởi hướng lông ở sống lưng. Tôi không hề biết một giống chó nào khác có lông mọc theo lối này cả”.

Sự hoàn hảo của Xoài và Chuối đã nhanh chóng hấp dẫn và chinh phục được ban giám khảo của cuộc thi tổ chức tại Lille. Kết quả, Với khoảng cách điểm tuyệt đối, Xoài và Chuối đã bỏ xa hàng chục con chó dự thi để giật luôn cả mề đay hạng A và mề đay hạng B. Không nghi ngờ gì nữa, hai tấm huy chương của Xoài và Chuối chính là những huy chương đầu tiên của Việt Nam trên... đấu trường quốc tế. Đáng tiếc, cả trăm năm qua, người Việt Nam vẫn không mấy ai biết điều này!

Khoảng cách tuyệt đối này còn thể hiện rõ ràng trong việc định giá, một thủ tục có tính thông lệ và bắt buộc trong các cuộc thi chó. Theo catalogue của cuộc thi, những con chó khác tham gia cuộc thi này được định giá từ 50 đến 100 quan Bỉ thời bấy giờ. Trong khi đó, Xoài và Chuối một mình một cõi, được định giá những 25.000 quan Bỉ, nghĩa là đắt hơn gấp những con chó cùng dự thi khác từ 250 đến 500 lần! Một con số khiến ngay cả những tay cự phách nhất trong nghề nuôi chó của châu Âu thời kỳ đó cũng phải choáng váng, đủ biết chúng quý đến mức độ nào.

Theo ông Dư Thanh Khiêm, trong thời điểm hiện nay, một con chó đủ khả năng dự thi tại các showdog tại châu Âu (chưa cần đề cập đến việc đoạt giải), giá tối thiểu cũng 1.500 euro, tức khoảng 30 triệu đồng Việt Nam. Bỏ qua ngôi vị quán quân và á quân, chỉ tính đến việc có mặt dự thi và có  mức giá đắt hơn 250-500 lần những con chó khác, hai cô cậu “quốc tịch Phú Quốc” Xoài và Chuối cũng đã có giá từ 10-15 tỷ đồng Việt Nam, theo thời giá hiện nay! Thật khiếp đảm!

Nếu biết chuyện này, dám chắc dân Phú Quốc sẽ nhổ hết riềng, sả để bảo vệ tuyệt đối cho loài chó ưu việt này...

Bản tiêu chuẩn cho chó săn thỏ Phú Quốc do Bá tước Henri de Bylandt công bố năm 1897

Hình dáng tổng thể: Hình dáng loài chó săn nhưng đầu và mình nặng nề hơn.

Khả năng: Chạy rất nhanh khi săn mồi và rất dài hơi

Đầu: Dài vừa phải.

Sọ: Hơi cong, da nhăn.

Mõm: Khá rộng, dài bằng nửa chiều dài cái đầu.

Mắt: Nâu đỏ;  Mũi: Đen; Môi: Đen, cũng như lưỡi.

Hàm: Mạnh mẽ và dài

Răng: Rất nở nang và khép chặt

Tai: Dựng đứng hình vỏ sò, dựng đứng nhưng không nhọn lắm, phía trong tai ít lông.

Giọng: Chói tai.

Cổ: Dài và mềm, nở rộng về phía vai.

Vai: Xiên; Ngực: Rất sâu và nở rộng; Bụng: Rất thon.

Vùng thắt lưng: Rộng và mạnh mẽ.

Bắp đùi: Cơ bắp nở nang.

Chân: Dài, thẳng và gọn.

Bàn chân: Khá dài.

Đuôi: Rất linh động và ngắn, cong trên lưng, hình cánh cung, chóp đuôi gần chạm lưng.

Lông: Là một trong những đặc điểm (đặc biệt) của giống này, thật ngắn và dài trên toàn thân.

Màu sắc: Vàng lửa với mõm đen, dải lông mọc ngược màu sắc sẫm hơn.

Chiều cao ngang vai: Khoảng 55 cm

Trọng lượng: Khoảng 18 kg.

Nguồn gốc: Đảo Phú Quốc.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文