Chuyện về “Thánh phượt” Việt Nam: Kỳ tích người Việt

14:15 18/04/2015
Sáu tháng lênh đênh "trên một thế giới nửa chìm nửa nổi", vượt qua hải trình hơn 8.850 km, từ Hồng Công, qua Đài Loan, Nhật Bản, vượt Thái Bình Dương, tới gần bờ biển nước Mỹ, với sứ mệnh tái hiện lại lịch sử của 2.000 năm trước. Hải tặc, cá mập, bão tố, 2 lần suýt chết, chứng kiến mảng tre từ từ chìm dần xuống nước, chứng kiến từng cây luồng bong ra khỏi mảng… đối với Lương Viết Lợi, chưa phải là điều khó khăn nhất phải đối diện…

Điều mà ngư dân Sầm Sơn này tự hào hơn cả, là bằng nghị lực và ý chí phi thường, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, ông đã thành công, tồn tại, trong một không gian văn hóa hoàn toàn khác biệt, với những con người hoàn toàn xa lạ.

Cứ thử hình dung, đối với một công dân Việt Nam hiện đại, ngay trong thời điểm 2015 hiện nay, phải sinh hoạt với 4 người Anh, trên một diện tích khoảng 80m², ròng rã suốt 6 tháng, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Ngôn ngữ, phong cách sống, sự khác biệt về ẩm thực, các cú sốc văn hóa… va chạm hàng ngày sẽ khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress, thậm chí trầm cảm.

Bắt cá mặt trăng và xẻ thịt cá phơi khô làm thức ăn dự trữ. Ảnh: Joe Beynon.

Nhưng vào thời điểm năm 1993, một ngư dân như Lương Viết Lợi, mới bước ra từ một "vùng trũng" của thế giới, chỉ với một cuốn từ điển Anh - Việt bỏ túi, hiên ngang và tự tin nhập cuộc với thế giới hiện đại, và đóng một vai trò xuất sắc không thể thay thế được trên mảng Từ Phúc. "Đó thực sự là một cuộc chiến tinh thần. Đã có những lúc, vì khác biệt văn hóa và không thể hiểu nổi nhau thông qua ngôn ngữ, tôi đã có cảm giác buông xuôi", ông Lợi tâm sự.

1. Trải qua lần suýt chết đầu tiên, khi chỉ trong khoảnh khắc, chiếc tàu vận tải khổng lồ sẽ húc tan Từ Phúc và dìm nó xuống đáy biển, chiếc mảng tre yên ả vượt qua eo biển Đài Loan, mượn đà chảy của dòng hải lưu Kuroshio, tiến vào vùng biển Đài Loan.

Cũng trong quãng thời gian này, Lương Viết Lợi đã thể hiện vai trò quan trọng của mình, bên cạnh việc điều khiển và sửa chữa mảng Từ Phúc. Lợi là người đầu tiên câu được cá lớn, nguồn thực phẩm tươi quyến rũ, thay thế những món đồ hộp ăn kéo dài từ ngày này qua ngày khác.

Cả bè Từ Phúc đã ngất ngây với tay nghề đầu bếp của Lợi, khi ông xẻ con cá nục heo câu được thành những khoanh dày, sau đó chiên với dầu và nước tương. Nhưng món tiếp theo của Lợi, chế biến theo kiểu ngư dân Sầm Sơn chính hiệu, bỏ toàn bộ phần thừa của con cá vào nấu cháo, đã bị mọi người tẩy chay. "Hy vọng chúng ta không phải ăn món này cho bữa sáng", Mark lầm bầm.

… Kế hoạch cập bến Đài Loan của mảng Từ Phúc đã bị phá sản, vì con nước và gió không đưa nó đi theo đúng kế hoạch của Tim Severin. Không ghé vào Đài Loan, Từ Phúc phải đối diện với thực tế: sắp hết các phụ tùng thay thế, sửa chữa. Lương thực cho đoàn thám hiểm cũng đã cạn dần, tình trạng thiếu nước ngọt cũng bắt đầu được cảnh báo. Thủy thủ đoàn thậm chí đã phải sử dụng công thức pha nước ngọt lẫn nước biển khi nấu ăn.

Nhưng những khó khăn này không hề làm thui chột sự vững vàng của các nhà thám hiểm. Đối với những thành viên kỳ cựu không nói, ngay cả đối với Lương Viết Lợi, anh luôn giữ được sự lạc quan và nhiệt tình đáng kinh ngạc. "Luôn thức dậy khi trời vừa hửng sáng, dù không phải lượt trực nhật của mình, luôn là người đầu tiên xung phong cho bất cứ việc gì, luôn tỉ mỉ vò sạch quần áo trong cái thùng ở đuôi mảng bằng dầu gội đầu hay bánh xà phòng, có vẻ như lúc nào Lợi cũng hết sức hài lòng", Tim Severin quan sát Lợi sau 3 tuần lênh đênh trên biển.

Nhưng để có được sự vững vàng như vậy, như chính ông Lợi thừa nhận, là bởi Từ Phúc đã có được một vị thuyền trưởng tuyệt vời: Tim Severin. Tim luôn là người vô cùng tâm lý, luôn để ý tới từng diễn biến tinh thần nhỏ nhặt nhất của các thành viên. Chính Tim đã lựa chọn Joe, một con người luôn vui vẻ, kiên nhẫn và hòa đồng, đảm trách việc dạy tiếng Anh cho Lợi, thông qua cuốn từ điển Anh - Việt. Và trong suốt cả chuyến đi dài 6 tháng, Joe luôn là một vị giáo viên ngôn ngữ tuyệt vời!

2. Ngày 9/6/1993, mảng Từ Phúc tiến hành đợt thay đổi nhân sự đầu tiên, có điều, nó không diễn ra tại một bến cảng nào đó, mà ngay… trên biển. Nina Kojima, thành viên nữ duy nhất của Từ Phúc, đã thay thế vị trí của Geoffrey, mang theo "sức sống" tiếp tế cho Từ Phúc: hoa quả tươi và nước suối đóng chai.

“Buồng làm việc” trên mảng Từ Phúc. Máy tính và hệ thống radio vệ tinh hoạt động nhờ nguồn năng lượng mặt trời. Ảnh: Joe Beynon.

Cũng ngay trong đêm 9/6 đó, Từ Phúc đã phải đối diện với hải tặc. Khi Mark, Joe và Lợi đang ngủ say, chỉ có Tim và Nina trong phiên gác đêm, một chiếc tàu lạ đã tiếp cận Từ Phúc, tắt động cơ và áp sát mạn bè. Sau 2 lần quay đi trở lại chỉ để quan sát "đám tranh tre nứa lá kỳ lạ trên biển", chiếc tàu lạ bỏ đi. Chuyến viếng thăm kỳ lạ ấy khiến Tim băn khoăn, và chỉ 3 ngày sau, ông đã có câu trả lời: một sĩ quan cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, đó là một con tàu hải tặc nổi tiếng, thậm chí dám lên cả đảo để cướp của, và cảnh sát biển Nhật Bản đã cố gắng ngăn chặn nó vài tuần nay!

Ngày 10/6, "tuần lễ đen đủi" tiếp diễn khi 1/3 cột buồm của Từ Phúc bị gãy trong một cơn gió cấp 4. Ngày 12/6, Từ Phúc cập bến đảo Myako trong sự tiếp đón trọng thể của chính quyền và cư dân địa phương. 9 ngày lưu lại đảo Myako, Từ Phúc đã được thay thế toàn bộ hai cột buồm chính, cài lại chương trình bị lỗi của radio vệ tinh và bổ sung thành viên Rex Warner.

Cuối tháng 6/1993, cú sốc văn hóa đầu tiên vì rào cản ngôn ngữ đã diễn ra với Lương Viết Lợi. Khi đang gỡ dây câu bị rối, do vô ý, Lợi đã giật mạnh sợi dây câu cá, trong khi Mark đang ngậm nó trong mồm, và lưỡi câu đã làm sứt miệng Mark. Mark nạt nộ, đánh Lợi, còn Lợi sững sờ và bị tổn thương. Tim đã phải đứng ra giải quyết. "Tôi cảm thấy tiếc cho Lợi, vì không biết tiếng Anh nên không thể đáp lại, giải thích hay xin lỗi. Anh chỉ có thể thu mình lại, buồn bã và giữ im lặng mấy tiếng đồng hồ… tôi vẫn lo sự cô lập này đến một lúc nào đó sẽ là quá sức chịu đựng của Lợi", Tim kể lại.

3. Đầu tháng 7/1993, mảng Từ Phúc cập bến mũi Shiono Misaki. Các thành viên của mảng Từ Phúc đã tiến hành thăm viếng một địa danh quan trọng: Shingu, nơi lưu lại dấu ấn hải trình của nhà thám hiểm người Trung Quốc Từ Phúc. Ông đã ở lại đây 3 năm, dạy những người dân địa phương những kỹ thuật đánh bắt cá và nghề trồng lúa. Một dị bản khác của lịch sử cho biết, rất có thể Từ Phúc đã mất và được chôn cất ở đây.

Chuẩn bị vĩnh biệt mảng Từ Phúc (tàu California Galaxy đến đón đoàn sau thông báo của lực lượng tuần duyên Mỹ). Ảnh: Joe Beynon.

Ngày 20/7, mảng Từ Phúc cập bến Shimoda. Tại đây, một bộ buồm mới do đích thân ông Phạm Văn Chính chế tạo, được gửi sang từ Việt Nam, đã chờ sẵn. Từ Phúc cũng được bổ sung 1.250 lít nước ngọt, gạo, mỳ sợi, cá khô, xúc xích khô, chao, rong biển, bánh kẹo…

Đợt thay đổi nhân sự cuối cùng của mảng Từ Phúc cũng đã diễn ra: Mark Reynolds và Nina Kojima tạm dừng hành trình, nhân sự được bổ sung là Trondur Partusson. Lần đầu tiên đặt chân lên Từ Phúc, sau khi xem xét kỹ càng, "con sói biển" đã từng tham gia 3 chuyến thám hiểm cùng Tim tuyên bố, chiếc bè Sầm Sơn này là một trong những phương tiện thủy đẹp nhất mà anh từng thấy.

4. Ngày 5/8/1993, mảng Từ Phúc chính thức tiến vào Thái Bình Dương bao la, trong tình trạng toàn bộ thân mảng đã ngập trong nước, chỉ trừ cái mũi và phần đuôi phía sau.

Lợi đã phải nếm trải vết thương đầu tiên trong cuộc hành trình. Vô ý để tay đằng sau một cái xiếm, tay anh bị xiếm siết mạnh vào thân mảng, khiến bó cơ tay bị đè và cánh tay bị bầm, may không bị gãy xương. Lợi đã phải ngồi bó thuốc hết 2 ngày, với cánh tay bị treo, "như một chú chim bị gãy cánh" (Tim Severin).

Từ lúc rời đất Nhật Bản cho đến giữa tháng 8, mảng Từ Phúc tận hưởng sự thái bình của Thái Bình Dương. Chiếc mảng lướt đi trong sự hộ tống của cá nhà táng và cá voi, các thủy thủ đoàn say sưa bổ sung kho lương thực tươi sống bằng đủ thứ cá: cá mập, cá nục heo, cá thu, cá mặt trăng nặng 40kg, cá nâu, cá ngừ vây vàng… câu chúng lên, xẻ thịt rồi phơi khô làm thức ăn dự trữ.

Tháng 9/1993, Lợi bị viêm phần dưới lá phổi bên phải, phải điều trị dài ngày bằng kháng sinh. Tác dụng phụ của kháng sinh đã khiến cho ngư dân Sầm Sơn chưa bao giờ biết đến thuốc này bị tiêu chảy hành hạ, mỗi ngày đi ngoài 5-6 lần. Ngày 11/9, cánh buồm chính quật Tim bay xuống sàn bè, khiến ông bị gãy 2 xương sườn.

Tinh thần của Lợi, sau cú sốc vì bệnh tật, đã trở nên suy sụp dữ dội. Ông thường xuyên đứng một mình, mắt chăm chăm buồn bã trông ra biển. "Dưới ánh sao đêm, tôi trông rõ thấy bóng hình cậu ta rũ xuống vì đau buồn". "Lần này, cậu ta ngoảnh mặt đi và òa lên khóc. Không nức nở ầm ĩ, cậu ta khóc rưng rức, lặng lẽ, thỉnh thoảng rút chiếc khăn quấn cổ ra lau nước mắt". "Chính rào cản ngôn ngữ đã gây ra mọi chuyện - đơn giản vì cậu ta không diễn tả được tình cảm và ý nghĩ với mọi người nên cậu ta cảm thấy bị gạt ra rìa" (Tim Severin).

5. Từ ngày 26/10 đến đầu tháng 11/1993, mảng Từ Phúc liên tục hứng chịu sự hành hạ của những cơn gió mạnh và bão tố. Và Từ Phúc đang phải đối diện với một nguy cơ tiềm ẩn từ lâu: chiếc mảng có thể bị bục ra bất cứ lúc nào.

"Tính vẹn toàn của trọn bộ thân mảng đã biến mất". "Mọi thứ đều đã mòn mỏi và tiều tụy. Các cánh buồm đã bạc màu và te tua. Khắp nơi là những dây và nút buộc gia cố. Những thanh gỗ bạc phếch và vênh váo. Mũi mảng không còn ngẩng cao mà đã rũ xuống mặt nước. Toàn bộ hình bóng chung của mảng đã thay đổi", Tim nhận định.

Sau một cuộc họp khẩn cấp, lấy ý kiến của tất cả các thành viên và tiến hành biểu quyết, Tim Severin đã đi đến một quyết định đau lòng: để đảm bảo an toàn cho các thành viên, họ phải rời bỏ mảng Từ Phúc.

Ông động viên họ về bản chất thành công của chuyến đi: "Đó không phải là tới châu Mỹ trên mảng tre giống như người leo núi phải đạt được tới đỉnh. Mục đích của chuyến du hành này là khảo cứu, chế tạo, vận hành một chiếc mảng tre, những trải nghiệm thực sự các điều kiện mà những thủy thủ bè mảng xưa kia đã từng trải qua, cuộc sống thực của đại dương, và ghi chép lại tất cả mọi điều mà chúng ta có thể làm được".

"Lợi đã thấy khuôn mặt của chúng tôi ra sao. Cậu ta như đau thắt trong tim. "Buồn!Sad!Sad!", cậu ta thốt ra. "No America". Có lẽ với Lợi quyết định này là khó khăn nhất. Cậu ta phải trở về Sầm Sơn và giải thích ra sao với những người đã tham gia đóng mảng là tại sao không đến được châu Mỹ, tại sao bao lao động khó khọc của họ lại chẳng đạt được cái gì", Tim cảm nhận.

…Ngày 16/11/1993, tất cả thủy thủ đoàn của mảng Từ Phúc "di tản" lên tàu container mang tên California Galaxy. Vĩnh viễn chia tay mảng Từ Phúc, họ mất 9 ngày để trở lại Tokyo. Sau đó, mọi người lần lượt chia tay nhau.

Người hùng Lương Viết Lợi bay từ Tokyo về Hồng Công, sau đó về đến Hà Nội. Nhưng hành trình lưu lạc vất vả của ông, lúc đó mới thực sự bắt đầu…

(Còn tiếp)

Việt Đông

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文