Làng mõ chốn cố Kinh

17:50 28/07/2020
Họ mang nỗi lòng mình gửi vào từng thớ gỗ, biến chiếc mõ không chỉ là vật dụng nhỏ hằng ngày trong những ngôi chùa mà còn mang chở cả tâm hồn và tài năng của người Việt trong đó.

Nhọc nhằn nghề chế tác mõ

Ở xứ Huế bây giờ, người ta vẫn nói đến làng mõ. Làng mõ là nơi vẫn duy trì nghề đục đẽo, tạo ra những sản phẩm là những chiếc mõ. Ở phường Thủy Xuân, TP Huế trước đây có một số hộ gia đình đã từng làm mõ nhưng cuối cùng chỉ còn vài ba hộ đứng vững với nghề. Điều đặc biệt là có những cơ sở “gia truyền” 3 đời chuyên làm mõ cung ứng cho khắp nơi một cách lạ kỳ.

Người bình thường ít biết rằng với chiếc mõ cũng có những sự tích gắn liền và gần như tất cả người làng mõ đề biết về sự tích ấy. Nhiều nghệ nhân trong làng mõ kể xưa kia có con cá kình theo thầy chùa, không chịu tu luyện, nên làm chuyện xằng bậy. Thầy chùa quở phạt, làm con cá kình ngộ ra và cúi đầu nhận tội, rồi bảo rằng, ngày ngày thầy cứ cầm dùi gõ vào đầu cá để cá ngộ ra. Từ đó, chiếc mõ phỏng theo hình đầu cá. Nên hoa văn chiếc mõ bao giờ cũng đục theo hoa văn vảy cá, vảy rồng.

Nghệ nhân Lê Thanh Liêm bên chiếc mõ đục dở.

Trong căn nhà nhỏ của mình luôn vang những tiếng đục, tiếng thử mõ, ngổn ngang những khúc gỗ đủ các cỡ để người làm mõ chế tác. Nghệ nhân Lê Thanh Liêm ở phường Thủy Xuân cặm cụi bên một chiếc mõ chưa thành hình. Với ông, hình như mõ đã gắn liền với cái nghiệp của ông vậy. Ông vẫn thường bảo mình là người có “duyên lành” với nghề làm mõ. Năm 18 tuổi, ông Liêm phải “gác bút” để học nghề mộc vì gia cảnh khó khăn. Sau đó, ông chuyển sang nghề chạm, rồi điêu khắc tượng. Nghệ thuật chạm khắc, tạo hình trang trí đã cuốn hút anh đam mê, gắn bó với nghề làm mõ cho đến ngày nay. Bây giờ, ông là một trong số ít những nghệ nhân làm mõ nổi tiếng của xứ Huế này.

Ông Liêm bảo, ngoài tư chất, còn chịu khó cất công lặn lội khắp nơi, ra Bắc vào Nam để học hỏi kinh nghiệm về nghề. Đến nay đã gần 20 năm trong nghề, tiếng mõ của ông đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Một điều đặc biệt, ấy là toàn bộ công đoạn làm mõ đều bằng thủ công, mất nhiều thời gian và phải có kinh nghiệm. Tiếng kêu và vẻ đẹp của đường chạm trổ trên từng chiếc mõ là yếu tố phân biệt đẳng cấp của người làm mõ. Vì thế, rất ít người theo học được nghề này bởi nó cần sự kiên nhẫn và đam mê. Muốn làm xong một chiếc mõ nhỏ cần khoảng 2 ngày đối với người cao tay. Còn loại to thì phải mất cả nữa tháng, thậm chí phải mất cả tháng trời mới hoàn thành.

Một chiếc mõ lớn, thể hiện tài năng nghệ thuật của nghệ nhân làng Thủy Xuân.

Nhiều người từng ngỡ ngàng, khi ông Liêm mang tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội một chiếc mõ khổng lồ với trọng lượng lên tới 250kg cách đây 10 năm. Đặc biệt, dù là mõ nhưng khi dùng dùi để gõ vào thì phát ra âm thanh rất lớn, vọng như tiếng trống. Nhiều người thuở ấy đã bảo, chiếc mõ đó là ghép lại của nhiều thanh gỗ mít chứ không thể có cây mít nào to như thế để làm mõ được. Mỗi lần nghe mọi người hoài nghi về điều đó và cho tới tận bây giờ, ông Liêm vẫn chỉ cười, bảo một câu rằng: “Với mõ, người làm phải có tâm và tất cả mõ đều phải được làm từ gỗ nguyên khối. Người ta có thể không tin nhưng sự thật là vậy”.

Và ông Liêm cũng không ngại ngần kể về cơ duyên có được cây mít khủng. Đó là cây mít với tuổi đời hơn 200 năm ở sâu trong một ngôi làng heo hút. Ông mất gần 1 tháng mới chuyển về được. Có được gỗ, ông lại mất ngủ vì chắc chắn ông phải làm được cái mõ lớn nhất từ trước đến nay để phù hợp với quy mô của đại lễ. Để làm sao cho mõ vừa đẹp, tiếng mõ phải thanh thoát và nhìn vào nó, ai cũng biết được đây là cái mõ của 1.000 năm Thăng Long. Đó có lẽ là chiếc mõ cuộc đời ông.

Ngoài nghệ nhân Lê Thanh Liêm, gần đó còn có gia đình ông Phạm Ngọc Dư ở thôn Hạ II, phường Thủy Xuân, TP. Huế. Đây có lẽ là gia đình đặc biệt nhất của làng mõ, bởi 3 thế hệ đều theo nghề. Đời ông Dư, đến đời con và bây giờ là đời cháu cũng theo nghề làm mõ. Anh Phạm Ngọc Thanh Hải, cháu đích tôn của ông Phạm Ngọc Dư cũng đã theo nghề được nhiều năm.

Với tuổi mới chỉ sinh năm 1984, anh Hải đã giữ và theo được truyền thống được gọi là “mõ họ Phạm”, rất có tiếng không chỉ ở vùng này mà còn vang xa cả trong và ngoài nước bởi âm thanh vang, kiểu dáng chuẩn, độ bền cao. Anh Hải tự hào khi tiếng mõ từ gia đình mình đã vang xa khắp các vùng, ngõ ngách chùa chiền trong tỉnh, vang cả cùng trời cuối đất nước Việt, rồi sang tận Đài Loan, Nhật Bản và cả những đất nước xa xôi như Mỹ, Úc,...

Xưởng làm mõ tại làng Thủy Xuân.

Tiếng lòng trong mõ

Với nghệ nhân Lê Thanh Liêm, cũng như với gia đình mõ của ông Phạm Ngọc Dư, họ không chỉ đưa thương hiệu mõ Huế đi khắp các tỉnh thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Đó không hẳn chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là tấm lòng của họ trong từng sản phẩm, là ước mơ đưa tiếng mõ Việt đi khắp nơi.

Nếu mọi người để ý một chút, có thể thấy mõ không xuất hiện ở chỗ lắm tiền nhiều của. Mõ cũng chẳng phải là thứ đồ dùng đắt khách, dễ mua hay dễ dùng, cũng như sản xuất đại trà theo kiểu công nghiệp như những mặt hàng khác. Và thực tế, chẳng mấy người có thể đủ tâm sức để theo nghề làm mõ. Thế nên, chỉ có thể là yêu tiếng mõ ấy lắm người ta mới gắn cuộc đời mình với việc làm ra những chiếc mõ. Những người như ông Liêm, ông Dư và các thế hệ đã âm thầm góp phần duy trì tiếng mõ yên bình, dẫu cho cuộc sống tất bật, xô bồ.

Nghề làm mõ kỳ công lắm. Để hoàn thành một cái mõ, mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có tình yêu, sự nhẫn nại thì khó có thể theo đuổi được. Bởi, một chiếc mõ hoàn thiện, trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc chọn gỗ, phác thảo thô, tạo ruột, khắc hoa văn, quét dầu bóng bảo vệ, cho đến phơi khô... Gỗ chọn làm mõ phải đạt được các tiêu chí như không nứt nẻ, cứng nhưng không giòn, không thấm nước. Đặc biệt độ dai, nạc nhưng phải có vân xoắn để khi gõ không bị lực làm bể.

Gỗ mít hiện vừa hiếm, vừa hay bị lỗi bên trong. Nhiều cây bề ngoài thì bình thường nhưng khi mua về đục ra thì bên trong bị hư. Một cây gỗ mua mấy chục triệu đồng thế là phải bỏ. Ngày xưa có nhiều loại gỗ tốt như trắc, mun. Nhưng rừng ngày càng bị thu hẹp nên những loài gỗ quý dần tuyệt chủng.

Bây giờ, khi làm mõ, người ta thường chọn gỗ mít là chính. Gỗ mít vừa đảm bảo được các tiêu chuẩn để làm mõ, hơn nữa không quá hiếm, giá thành lại tương đối rẻ. Một thợ giỏi phải làm mõ loại lớn này trong nhiều tháng mới xong. Hoa văn của mõ Huế thường là cá hóa rồng, dây lá, thư pháp... Ông Liêm chia sẻ như thế khi vừa đưa những nhát đục tài tình vào trong chiếc mõ đang dần thành hình của mình.

Sản phẩm mõ của xứ Huế.

Theo ông Liêm, một chiếc mõ chất lượng không chỉ đẹp với những hình chạm trổ bên ngoài mà quan trọng là âm thanh phát ra. Âm càng vang, càng trong thì càng hay. Khó nhất trong các công đoạn làm mõ là tạo tiếng, mà ngôn ngữ chuyên dụng là lấy tiếng cho mõ. Điều này cực kỳ khó, đòi hỏi sự hiểu biết và độ nhạy bén của nghề. Thực ra đó là cách đục hổng ruột của chiếc mõ. Mõ được cấu tạo theo miệng con cá, hai bên lỗ hổng tròn và một đường xẻ rãnh cắt ngang. Hoa văn của mõ Huế thường là cá hóa rồng, dây lá, thư pháp...

Nguyên lý âm thanh là khi đánh, lực tác dụng sẽ tạo ra âm, va vào thành ruột mõ, thoát ra từ hai bên. Khi tạo ruột mõ, phải linh hoạt, lát đục phải mềm mại, vì chỉ cần mạnh tay sẽ làm thủng vỏ của mõ nhưng nhẹ tay thì không đủ lực cho lát đục. Mõ sẽ kêu được hay hoặc không chính là bởi độ nhạy cảm nghề. Điều này, chỉ có những người có đôi tai đặc biệt, kết hợp với đôi tay nhuần nhuyễn mới có thể làm được.

Điều thú vị nhất là người giỏi nghề sẽ biết lấy cả tiếng mõ đực, mõ cái. Với những nghệ nhân như ông Liêm, ông Dư chỉ cần đi ngang qua chùa nghe tiếng mõ là biết ngay chùa đó có nữ tu hay nam tu. Tiếng mõ chùa nữ tu nghe vang “cốc cốc cốc”, còn chùa có nam tu sẽ có tiếng mõ nghe trầm hơn “cúng cúng cúng”, âm trầm. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, thì âm thanh tiếng mõ thể hiện triết lý âm dương. Tiếng mõ đực nghe âm trầm nhưng rất vang, ngược lại, tiếng mõ cái thanh nhưng nhanh chìm. Có lẽ, với những người nghệ nhân khi làm mõ như thế này, họ phải đủ độ thiền tụng trong từng nhát đục, khi mỗi tiếng mõ cất lên, dù ở trong chùa hay trong nhà, đó như đã là một nhiệm mầu của sự sống rồi.

Những chiếc mõ do các nghệ nhân Thủy Xuân xứ Huế làm bây giờ không chỉ có mặt ở những ngôi chùa lớn nhỏ ở Huế như Từ Đàm, Từ Hiếu, Linh Mụ, Tường Vân, mà còn vào Nam ra Bắc và thậm chí là xuất sang các nước như Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Canada. Những tiếng mõ làng Thủy Xuân bây giờ vẫn thế, cứ râm ran trong sự khắc khoải lòng người...

Minh Ngọc

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文