Lớp học không tên vùng biên ải

14:45 18/11/2016
Hình ảnh cái lớp học nhỏ bé nơi vùng biên ải xa xăm của Tổ quốc khiến những ai sống và đến đó chứng kiến sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn, bao dung hơn với cuộc đời, với mọi người. Và khi nghĩ về tương lai của các em ở đây, chúng tôi thêm tin tưởng vào sự tươi sáng của nó. Vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc như chợt gần hơn, ấm áp hơn.

Ông giáo già và bầy trẻ nhỏ

Gần 10 năm hoạt động, lớp học đặc biệt không có tên gọi, không ồn ào, náo nhiệt với tiếng trống khai giảng. Nhưng ở đó, ngày ngày người ta vẫn thấy ông giáo già Ngô Tùng Bích (76 tuổi) cần mẫn, kiên trì uốn từng nét chữ, chỉ dạy từng phép tính cho những học trò nghèo ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, nơi vùng biên giới giáp Campuchia. Lớp học ấy, 10 năm qua là nơi chắp cánh “ước mơ con chữ” cho những đứa trẻ nghèo hiếu học.

Gọi là lớp học đặc biệt bởi khi đến với lớp học này, hình ảnh chúng tôi bắt gặp gần 20 em học sinh đủ mọi lứa tuổi đang chăm chú làm bài tập trong một căn chòi nhỏ xíu được dựng tạm bợ bằng gỗ vụn, tôn và che chắn bằng những tấm vải chằng chịt lỗ vá. Thấy người lạ, những đứa trẻ nhốn nháo nhìn chúng tôi.

Ông giáo già nhắc nhở học sinh trật tự, ổn định lớp học rồi sau đó ra tiếp chúng tôi. Đó chính là ông Ngô Tùng Bích ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, ông Bích cho biết: Xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp nói chung và ấp Tân Hòa nói riêng là địa bàn biên giới giáp với Campuchia, phần đông người dân sinh sống nơi đây là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, do đó ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của các em học sinh.

Nhiều đứa trẻ học đến lớp 2, 3 nhưng viết chữ, phát âm chưa thạo, ngay cả phép tính cộng, trừ, nhân, chia cũng còn yếu. Cách đây khoảng 10 năm, đường sá còn là những con đường đất đỏ trơn trượt. Nhà các em lại xa trường lớp nên nhiều em phải bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ lên nương rẫy.

Ông Ngô Tùng Bích từng là một nhà giáo dạy toán tại TP HCM. Khi vừa về hưu, ông về sinh sống tại ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Hằng ngày, nhìn thấy cảnh các cháu nhỏ đi học vất vả, có em phải bỏ học giữa chừng như thế, ông Bích trăn trở, suy nghĩ nhiều ngày đêm. Cuối cùng, ông quyết định mở một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo trong ấp. Đó là vào năm 2007. 

Ông giáo Ngô Tùng Bích và các em trong lớp học.

Mới đầu, cơ sở vật chất chẳng có gì. Ông Bích cặm cụi dựng một căn chòi trong khu đất trống trước nhà mình để làm lớp học. Tuy nhiên, khi mới mở lớp, ông Bích gặp nhiều khó khăn bởi bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có tâm lý ngại cho con em đi học.

Để có thể giúp các em học được con chữ, ông phải lặn lội tới từng nhà vận động phụ huynh cho các cháu tới lớp. Vừa động viên phụ huynh, ông Bích còn đến các trường học ở các khu vực khác có điều kiện hơn để xin bàn, ghế cũ rồi tự bỏ tiền mua thêm bảng, phấn để phục vụ việc dạy và học.

Lúc đầu, lớp học chỉ có vài ba em theo học. Nhưng dần dần tiếng tăm về lớp học miễn phí của ông giáo già Ngô Tùng Bích bắt đầu lan rộng, nhiều phụ huynh đã gửi con đến lớp để theo học. Gần 10 năm mở lớp đến nay, người thầy giáo già hiền lành và tốt bụng Ngô Tùng Bích chưa bao giờ nhận tiền học phí của bất kỳ em học sinh nào.

Lớp học của ông giáo Bích còn đặc biệt hơn bởi nó tập hợp học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ông Bích cho biết, để việc dạy và học có hiệu quả, ông phải chia lớp học ra thành nhiều nhóm, từ lớp 1 đến lớp 5 để kèm và chỉ dạy từng tí một. Mỗi tiết học đều được ông Bích chuẩn bị khá công phu theo chương trình trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các môn dạy của ông Bích chủ yếu là toán và môn văn. Ông tận tình chỉ dạy cho các cháu nắm vững những nội dung căn bản trong hệ thống giáo dục bậc tiểu học để các cháu theo kịp chương trình học trên lớp. Những khi có thời gian rảnh rỗi, ông Bích tranh thủ trau dồi, trang bị thêm những kiến thức mới cho phù hợp với chương trình cải cách sách giáo khoa.

Không chỉ dạy con chữ, ông Bích còn dạy các em về đạo lý, cách làm người, sống có ích. Ông Bích xem đó là một nguyên tắc bất thành văn ở lớp học đặc biệt này. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của ông giáo già Ngô Tùng Bích mà những đứa trẻ ở lớp học đã học được rất nhiều điều. Dường như chúng dễ thương hơn, lễ phép hơn mỗi lần tới lớp, với mọi người.

Dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng gần 10 năm qua, ông Bích vẫn duy trì lớp học đều đặn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, không kể Thứ bảy hay Chủ nhật, ông giáo Bích vẫn miệt mài đứng lớp chỉ dạy cho các cháu. Và lớp học đặc biệt ấy vẫn vang lên tiếng giảng của người thầy già và tiếng đọc, đánh vần của những học trò nghèo.

Hằng ngày, lớp học của ông Bích rất sôi động. Ông coi bọn trẻ như con cháu trong nhà, nấu nước, quạt mát cho các cháu học. Đôi khi thấy ông mệt, cụ bà Văn Kim Sơn và anh con trai Ngô Tùng Bảo cũng xắn tay vào dạy để ông giáo được nghỉ ngơi. Vì thế, có lúc lớp học của ông Bích có đến 3 người thầy.

Mặc dù chỉ là một lớp học tự phát, song ông Bích vẫn có ý thức cho các em làm quen với những gì quy chuẩn nhất. Từ cách bài trí trở đi. Trong lớp học nhỏ này, gia đình ông Bích trịnh trọng treo ảnh Bác lên vị trí cao và dễ nhìn nhất. Ngay bên dưới là dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Hai bên là 3 chữ “Tâm - Trí - Nhẫn” do anh Bảo tự viết.

Nói về việc làm của mình, ông giáo Ngô Tùng Bích tâm sự: “Tôi làm việc này là từ cái tâm với mong muốn các cháu biết thêm cái chữ, biết tính toán để theo kịp bạn bè, tiếp tục học tập để thành người tốt cho xã hội là vui rồi”.

Lớp học của ông giáo Bích đặc biệt bởi nó tập hợp học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Thắp sáng tình người và tri thức

Gần 10 năm trôi qua, ông giáo Ngô Tùng Bích cũng không nhớ hết được mình đã truyền dạy kiến thức cho bao nhiêu học trò “tốt nghiệp” từ lớp học của mình. Nhưng có một điều mà ông có thể khẳng định, đó là tất cả các em học sinh khi học qua lớp học đều có sự trưởng thành, theo kịp chương trình học với các bạn học cùng trang lứa. Nhiều em trước đây phải nghỉ học vì học lực yếu thì giờ đây đã có thể hòa nhập lại trường và trở thành học sinh khá, giỏi.

Em Đàm Thị Sen, học sinh của lớp học đặc biệt này tâm sự: “Gia đình em nghèo, lại đông anh em, nên không có điều kiện đi học như các bạn cùng trang lứa. Học lực em yếu nên em đã nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Được ông giáo Bích tới nhà động viên, em đã theo học và dần dần em đã học tốt hơn, giờ em đã trở lại trường theo học tập cùng các bạn.”

Trong lớp học này, những hoàn cảnh như em Đàm Thị Sen không phải là hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến. Lời tâm sự đó của em Sen như nói hộ cho tâm tư các em học sinh ở lớp học đặc biệt này. Có thể nói, lớp học của ông giáo Bích là chiếc cầu tri thức để các em mạnh dạn bước vào những chặng đường học tập và sinh sống của mình sau này. Lớp học của ông giáo Ngô Tùng Bích đã thắp sáng tình người và tri thức cho các em.

Đối với ông giáo Bích, công việc dạy học vẫn tiếp tục và đơn giản trở thành thói quen, niềm vui trong cuộc sống của ông suốt 10 năm qua. Chỉ vài ba hôm không có các cháu đến học, ông lại cảm thầy buồn. “Dù tuổi đã cao, nhưng còn sức thì vẫn dạy, tình cảm tình làng nghĩa xóm thân thiết lắm, dù chỉ còn một cháu đến lớp học thì tôi vẫn dạy. Nó đã trở thành thói quen hằng ngày, chỉ bỏ vài ba hôm không có cháu đến học là tôi lại thấy buồn”, ông giáo cười hiền lành.

Không chỉ là thầy giáo dạy chữ của bọn trẻ mà ông giáo Bích còn là thầy dạy chữ cho nhiều người lớn. Nhiều phụ huynh của các em trong lớp đã từng là học trò của ông. Họ yêu mến ông và gọi bằng “ông giáo” một cách trìu mến và kính trọng.

Với tuổi đời gần 80, dù gia đình khó khăn, thuộc diện hộ gia đình nghèo của xã, nhưng có lẽ cái duyên của nghề “đưa đò” đã gắn liền với cuộc đời ông giáo Bích. Từ khi còn nhỏ, ông đã thấm nhuần lời kêu gọi của Bác Hồ trong phong trào diệt giặc đói, giặc dốt năm 1945. Đến khi lớn lên, ông Bích cũng theo con đường làm nghề giáo để dạy chữ cho mọi người. Rồi đến cái tuổi về hưu, ông giáo Bích vẫn tiếp tục nghề “đưa đò” mang con chữ đến những trẻ em nghèo trong ấp Tân Hòa.

Ông Bích tâm niệm: “Cả đời tôi luôn lấy tấm gương Bác để học tập. Những công việc giản dị đời thường của Bác, tôi phát huy như: Kiên quyết không tơ hào của dân dù chỉ một đồng; siêng năng đi bộ, tập dưỡng sinh; không uống rượu, hút thuốc. Bác Hồ là vị lãnh tụ dành nhiều tâm huyết cho ngành giáo dục, quyết tâm diệt giặc dốt. Tôi mong việc mình làm cũng là cống hiến chút sức lực cho ngành giáo dục huyện nhà”.

Gần 10 năm trôi qua, ông giáo Ngô Tùng Bích cũng không nhớ hết được mình đã truyền dạy kiến thức cho bao nhiêu học trò.

Bên cạnh việc dạy chữ, ông Ngô Tùng Bích còn năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội. Năm 2012, ông giáo Bích được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến.

Nhận xét về ông Ngô Tùng Bích và lớp học miễn phí, ông Đoàn Văn Thùy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Tiến nói: “Việc ông Bích mở lớp tình thương miễn phí nhằm giúp đỡ gia đình cũng như bản thân các cháu nhỏ khó khăn nắm vững thêm các kiến thức là nguồn động viên to lớn đối với các cháu.

Kể từ khi ông mở lớp dạy, các cháu đã đủ kiến thức cơ bản theo học trên lớp. Đến nay tình trạng các cháu bỏ học vì không theo nổi chương trình hầu như đã không còn. Ông Bích thực sự là tấm gương sáng người cao tuổi mẫu mực để mọi người và các cháu học tập noi theo”.

Chia tay lớp học, hình ảnh ông giáo nghèo Ngô Tùng Bích vẫn miệt mài gieo mầm con chữ trong một lớp học đặc biệt đó là căn chòi lá đơn sơ giữa vùng biên giới trùng điệp núi rừng cứ ám ảnh tâm trí chúng tôi mãi. Và trong lòng chúng tôi canh cánh với lời tâm sự của ông giáo già Ngô Tùng Bích: “Đối với tôi, việc dạy học cho các cháu nhỏ là chuyện vui của cuộc đời. Tôi chẳng có mong ước gì lớn lao, chỉ mong còn có sức khỏe, để truyền dạy con chữ cho các cháu, giúp chúng khôn lớn, thành người có ích cho xã hội”.

Tâm nguyện đó với ông giáo già chỉ là một mong muốn nhỏ nhoi, nhưng với chúng tôi nó thật lớn lao và đầy ý nghĩa. Và hình ảnh cái lớp học đó khiến những ai sống và đến đó chứng kiến sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn, bao dung hơn với cuộc đời, với mọi người. Và khi nghĩ về tương lai của các em ở đây, chúng tôi thêm tin tưởng vào sự tươi sáng của nó.

Bởi nó được thắp sáng bằng ánh sáng của tri thức và lòng nhân ái của những con người đáng quý như thầy giáo già Ngô Tùng Bích. Vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc chợt như gần hơn, ấm áp hơn khi những tiếng học bài của các em vang lên trong sương sớm.

Phạm Huy Văn – Hoàng Nguyên

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文