Những mảnh đời người Việt ở Siem Reap

10:37 16/05/2017
Tên của bà là Chan Tha, một cái tên Campuchia thuần túy nhưng bà lại là người Việt. Bà kể: “Tui sinh ra, lớn lên ở Biển Hồ Siem Reap (Campuchia), giờ tui 42 tuổi. Cha mẹ tui dắt nhau qua đây năm 1960 rồi từ đó tới lúc tui lấy chồng, cả gia đình sống trên mặt hồ, trong một con thuyền gỗ bề ngang 3m, dài 5,5m, đánh bắt tôm cá bán kiếm tiền qua ngày. Đói thì phải ráng làm kiếm cái ăn nhưng sợ nhất là ốm đau, bịnh tật...”.

Theo anh Hoàng Xuân Khoa, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Siem Reap, hiện có khoảng gần 7.000 người Việt sống ở nơi này, phần lớn trên mặt nước Biển Hồ với những con thuyền nhỏ bé, cũ nát, ngày ngày chài lưới đánh bắt tôm cá để mưu sinh.

Số còn lại ở trên bờ, buôn bán lặt vặt: “Siem Reap hiện có 4 điểm trường, dạy từ lớp 1 đến lớp 5 - trong đó có 2 lớp dành cho học sinh Campuchia với tổng số 603 em...” - anh Khoa nói: “Mặc dù chính quyền Campuchia đối xử với bà con Việt kiều rất tốt nhưng đại đa số các em học sinh Việt kiều đều không có khai sinh, không hộ khẩu nên học hết lớp 5 thì không còn chỗ nào để học nữa vì hiện tại vẫn chưa có trường cấp 2. Mà nếu có chăng nữa thì tìm đâu ra nguồn giáo viên bởi lẽ với 13 giáo viên tiểu học, hằng tháng Hội trả thù lao cho mỗi người 2.200.000 đồng tiền Việt.

Học sinh người Việt ở Biển Hồ ngày ngày vẫn phải đến trường trên chiếc xuồng nhỏ bé, mong manh.

Với số tiền ấy, giáo viên chỉ đủ sống cầm hơi nhưng không phải tháng nào Hội cũng có để trả. Vận động một số hộ người Việt kinh doanh thì họ chỉ giúp 1-2 lần. Có hộ khi chúng tôi đến thì họ ở trên lầu rồi sai nhân viên xuống bảo rằng họ đi vắng...”.

Tiếp xúc với một số bà con Việt kiều chúng tôi mới hiểu thêm về nỗi khổ của những người “không mảnh giấy lận lưng”. Bà Chan Tha nói: “Mấy năm trước, chính quyền cấp cho chúng tôi một cái giấy, gọi là “pô pây” (tương đương như sổ tạm trú KT3 ở Việt Nam) nhưng hiện nay họ đã thu lại để chờ làm thủ tục công nhận là người nước ngoài sống trên đất Campuchia. Không giấy tờ, bà con tụi tui không dám đi đâu hết. Nhiều người vẫn còn thân nhân sống ở Việt Nam, nghe tin con cháu lấy vợ lấy chồng mà cũng không về mừng được”.

Ông Trần Thiên, quê ở Vĩnh Long, đến Biển Hồ đã 9 năm kể: “Tui biết nghề thợ hàn. Nhiều cơ sở sản xuất cơ khí ở đây rất cần những công nhân như tui nhưng tui lại không xin vào được vì chẳng có giấy tờ gì hết. Mong sao chính quyền Siem Reap mau chóng xét, cấp cho tụi tui giấy chứng nhận để tạo điều kiện cho tụi tui có công ăn việc làm đàng hoàng”.

Tuy nhiên, để được công nhận là “người nước ngoài sống trên đất Campuchia”, được cấp “thẻ ngoại kiều” không phải đơn giản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số gần 7.000 Việt kiều ở Siem Reap, mới chỉ có 927 người được chính quyền ra quyết định, công nhận là người nước ngoài và cấp thẻ ngoại kiều. Ngay như bác sĩ Thái Bá Y, vợ anh, các con anh đều mang quốc tịch Campuchia nhưng anh cũng vẫn là... người nước ngoài!

Bác sĩ Thái Bá Y, Giám đốc Bệnh viện Mekong, nguyên là y sĩ trong đội quân tình nguyện Việt Nam, sang Campuchia hồi năm 1979 góp phần đánh đuổi Khmer Đỏ do Polpot cầm đầu, giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Năm 1989, khi tình hình đã ổn định, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, Thái Bá Y ở lại, mở phòng khám bệnh rồi dần dà, anh xây dựng được 2 BV đa khoa, một ở Siem Reap và một ở Sihanoukville.

Anh Y nói: “Khi được cấp thẻ ngoại kiều thì cứ 2 năm một lần, mỗi người phải đóng 250.000 riel - tương đương 1.250.000 tiền Việt. Người có thẻ ngoại kiều được quyền lấy vợ, lấy chồng là công dân Campuchia, được đi làm tại các công ty, xí nghiệp Campuchia, được mua xe, mua nhà - nhưng chỉ được mua từ lầu 1 trở lên, không được mua tầng trệt và cũng không được mua đất”.

Ông Nguyễn Văn Biên - cũng là Việt kiều, cho biết: “Nếu chưa được cấp quyết định công nhận là người nước ngoài sống trên đất Campuchia thì coi như bà con tụi tui cư trú bất hợp pháp. Nghe nói tháng 6 này, chính quyền sẽ mời bà con đến làm hồ sơ thủ tục nên ai cũng mừng...”.

Bác sĩ Sarieng đang giải thích cho mộåt bệnh nhân người Việt rằng việc điều trị, ăn uống hoàn toàn miễn phí.

Để hiểu thêm về tình cảnh của bà con người Việt, tôi xuống Biển Hồ. Ngay sát mép nước, đã có hơn 100 người chờ sẵn để được đi khám bệnh miễn phí. Anh Iêng, tên Việt là Nguyên, người đã có 47 năm sống ở Biển Hồ ngậm ngùi: “Nói thiệt với nhà báo, trong số tụi tui đây có những người không bị bịnh tật gì hết nhưng vẫn đi khám, vẫn khai nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, nóng sốt - là những bệnh mà đa số bà con thường gặp - rồi lãnh thuốc về... để dành! Mai mốt lỡ đau ốm thì có mà uống chứ tiền đâu mua”.

Đời sống khó khăn vì không giấy tờ tùy thân, mưu sinh vất vả do thiếu thốn phương tiện sản xuất nhưng đó chưa phải là hết đối với bà con Việt kiều ở Biển Hồ, Siem Reap. Ông Lê Nuôi, 61 tuổi, sống trên mặt nước Biển Hồ đã hơn 40 năm nói: “Sắp tới đây, chính quyền tỉnh Siem Reap sẽ đưa tất cả chúng tôi lên bờ để cải tạo cảnh quan du lịch nhưng chưa biết sẽ đi đâu. Lúc đầu, chính quyền dự kiến dành một khu đất ở phía tây thành phố làm nơi tái định cư nhưng nay nghe nói khu đất ấy đã được bán cho một công ty để họ xây khách sạn...”.

Bà Thạch Buôn, cũng là cư dân Biển Hồ nói thêm: “Lên bờ thì cũng mừng, thoát khỏi cái cảnh sông nước trôi nổi, con nít đi học cũng dễ dàng nhưng người lớn tụi tui làm gì để sống đây? Mấy chục năm nay đã quen với tấm lưới, cần câu, với con tôm, con cá. Giờ lên bờ, đất đai làm ruộng làm vườn không có, vốn liếng buôn bán cũng không. Đi làm mướn thì đâu phải lúc nào cũng sẵn việc, chưa kể nhiều người già rồi, sức khỏe sao được như xưa”.

Cuộc sống vất vả, nhiều người mới hơn 30 tuổi mà đã cằn cỗi như 40. Bác sĩ Sao Sarieng, người Campuchia nhưng nói tiếng Việt rành như người Việt vì anh đã có 1 năm học tiếng Việt tại Hà Nội và 6 năm học y tại Đại học Y Dược TP HCM hiện đang làm việc cho một bệnh viện ở Siem Reap cho tôi biết: “Có những thiếu niên đến khám bệnh, mặc dù họ mới 14-15 tuổi nhưng họ khai đau lưng, đau khớp gối, hậu quả của việc phải lao động nặng ngay khi mới trưởng thành”.

Dẫn tôi sang phòng lưu bệnh của BV Mekong, bác sĩ Sarieng chỉ tay vào một phụ nữ bắp chân trái sưng tấy, nằm thiêm thiếp: “Chị ấy là người Việt, tên Pha, ở Biển Hồ, bị viêm da tiếp xúc nhưng không có tiền chữa trị. Khi đến đây đã có dấu hiệu nhiễm trùng nên phải dùng kháng sinh, kháng viêm liều cao...”.

Bà con người Campuchia, người Việt đăng ký khám bệnh, nhận quà ở một Bệnh viện tại Campuchia.

Nghe có tiếng người nói, chị Pha mở mắt ra rồi câu đầu tiên khi cố ngồi dậy là chị... xin về vì chị sợ rằng BV chỉ khám bệnh, cấp thuốc, còn nếu nằm lại thì phải trả tiền. Chừng nghe bác sĩ Sarieng giải thích rằng chị sẽ được miễn phí toàn bộ, kể cả cơm ăn nước uống cho đến khi lành thì chị mới nằm xuống nhưng trên mặt chị, vẫn mơ hồ đâu đó nỗi âu lo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn người Việt sống ở Biển Hồ đều xuất phát từ những tỉnh miền Tây Nam bộ như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp..., trong đó có người đã sống đến đời thứ 4. Anh Hoàng Xuân Khoa, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Siem Reap nói: “Hội là chỗ dựa của cộng đồng người Việt nhưng Hội cũng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ bà con, chủ yếu là kinh phí”.

Mong ước lớn nhất hiện nay của Hội là được Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nhà hảo tâm giúp cho mấy lớp dạy nghề vì: “Học xong lớp 5 mà không có nghề nghiệp thì các em lại rơi vào cảnh làm thuê vác mướn”.

Bên cạnh đó, khi chính quyền Siem Reap triển khai làm hồ sơ để cấp thẻ ngoại kiều cho bà con thì số tiền 250.000 riel (1.250.000 tiền Việt) mà mỗi người phải đóng cũng là vấn đề nan giải vì nếu không được sự giúp đỡ từ trong nước thì có thể rất nhiều người Việt ở Siem Reap vẫn sẽ là những người cư trú bất hợp pháp trên xứ sở Chùa tháp mà thôi...

Vũ Cao

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Do lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình quan tâm chăm sóc nhưng đồng chí Đặng Thị Cẩm Thúy đã từ trần hồi 15h 20 ngày 01/5/2024 (nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an.

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文