Những nhà sư đầy ắp tinh thần nhập thế

18:24 04/07/2017
Họ đều là người xuất gia tu hành nhưng có điểm chung không xa lánh cuộc đời. Với tinh thần nhập thế, Thượng tọa Thích Thanh Cần (chùa Quế Phương), Thượng tọa Thích Quảng Hà (Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định) đã và đang có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực góp phần làm cho cuộc sống nơi mình hành đạo trở nên yên bình, tốt đẹp hơn. Qua những việc làm của họ, những giá trị nhân văn, cao đẹp của Phật giáo được thấm sâu, lan tỏa hơn trong đời sống hôm nay...

1. Như nhiều ngôi chùa khác, chùa Quế Phương ở xã Hải Tây (Hải Hậu, Nam Định) cũng mang vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch. Khác biệt là buổi chiều hôm ấy khi bước chân vào chùa chúng tôi bất ngờ bắt gặp một hình ảnh vô cùng xúc động.

Sư trụ trì Thượng tọa Thích Thanh Cần cùng lúc “đánh vật” với 4 đứa trẻ, quãng lên ba, lên năm. Tay cầm bình sữa, tay cầm khăn, Thượng tọa hết quay bên đông cho đứa này mút một tý lại quay bên tây cho đứa kia mút một tý. Lúc đứa này mút thì dùng khăn lau mồm cho đứa kia, tay làm miệng xuýt xoa cưng nựng. Một lát sau, khi cả 4 bé đều đã “thỏa cơn khát” và được sự hỗ trợ thêm của một đệ tử, Thượng tọa mới thảnh thơi quay sang chuyện trò.

Mấy năm qua, Thượng tọa Thích Thanh Cần luôn bận rộn với việc “làm cha”.

Nhà sư trụ trì cho biết các em đều là những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ở cổng chùa ngay từ lúc mới sinh, được trụ trì cưu mang, nuôi dưỡng. Không biết nguồn gốc, tên tuổi nên khi nhận nuôi các em, Thượng tọa đặt tên mới cho các em theo họ Phật, đó là Thích Thanh Thành, Thích Thanh Hưng, Thích Tâm Phúc và Thích Ngọc Minh...

Những ai đã và đang chăm sóc trẻ em đều biết đây là công việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, trên hết là một tấm lòng yêu trẻ. Thượng tọa chia sẻ, bây giờ thì ông và các đệ tử đã có nhiều “kinh nghiệm” nuôi trẻ nhưng ngày đầu đón các em về, thầy trò gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng biết làm thế nào, phải vào làng tìm những bà mẹ đang nuôi con nhỏ để hỏi kinh nghiệm, tham khảo thêm cả trên sách báo. Từ việc tuổi nào thì uống sữa nào, cho ăn, tắm rửa ra sao đều phải học.

Khi đã “thạo việc”, Thượng tọa cùng các đệ tử thay nhau làm tất cả các công việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em như một người mẹ thực thụ. “Đêm đêm, mấy thầy trò cùng “đàn con” trải đệm nằm ngủ dưới nền nhà. Chùa không thiếu giường nhưng vẫn phải trải đệm dưới đất bởi sợ nếu ngủ trên giường, đến đêm ngủ quên, các cháu lăn xuống đất mà các thầy không biết thì khổ”, Thượng tọa chia sẻ.

Khi Thích Thanh Thành, Thích Thanh Hưng đến tuổi học mẫu giáo, Thượng tọa cùng các đệ tử lại có thêm một việc đó là ngày ngày thay nhau đưa đón các em đến trường. Để yên tâm mỗi khi vắng chùa, Thượng tọa cho lắp hệ thống camera nối Internet, nhờ vậy bằng chiếc điện thoại ở đâu ông cũng quản lý được “các con” và bao quát được mọi việc ở chùa.

“Chẳng biết có phải các cháu sớm hiểu về hoàn cảnh của mình hay không mà cháu nào cũng ngoan, cho gì ăn nấy, không mấy khi quấy khóc”, Thượng tọa kể.

Trong câu chuyện, Thượng tọa Thích Thanh Cần chia sẻ ông rất tự hào về quê hương Hải Hậu, một trong số ít huyện đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới” vào năm 2015. Yêu mến, tự hào về quê hương nên như lời Thượng tọa, ngoài hoạt động phật sự, làm được điều gì có ý nghĩa cho quê hương ông đều làm một cách nhiệt thành.

Khi nhân dân xóm 12 xã Hải Hà, cùng huyện Hải Hậu thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thượng tọa đã đứng ra vận động, quyên góp ủng hộ nhân dân xóm 12 toàn bộ vật liệu, qua đó cùng người dân trong xóm làm được con đường bê tông dài hơn 1 km.

“Nhìn bà con hào hứng đắp đất, đổ vật liệu làm đường, xong việc lại tổ chức liên hoan mừng có đường mới nhà chùa cảm thấy rất vui vì việc làm nhỏ bé của mình đã góp phần khơi gợi, nhân lên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư”, Thượng tọa nhớ lại.

Rồi, cũng nhờ có Thượng tọa “xắn tay”, nhiều hộ nghèo ở địa phương được dọn về ở trong những ngôi nhà mới. Chuyện rằng, cách nay chưa lâu, Hội Phụ nữ xã Hải Tây phát động quyên góp trong hội viên giúp một hội viên xây mới lại ngôi nhà đã cũ nát. Khổ nỗi, cố lắm Hội cũng chỉ quyên góp được một nửa số tiền, số còn lại chưa biết vận động thêm ở đâu. Biết chuyện, Thượng tọa không ngần ngại đi quyên góp để ủng hộ Hội số tiền còn thiếu.

Thượng tọa Thích Quảng Hà: “Cuộc đời Đức Phật dạy chúng ta bài học về môi trường”.

Không chỉ có vậy, nhiều năm qua, hằng tháng Thượng tọa còn duy trì việc ủng hộ hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Hải Tây, Hải Đông, Hải Long, mức mỗi em 50.000 đồng/tháng. Vào đầu năm mới, Thượng tọa đều tổ chức gặp mặt con em quê hương đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, trao quà, khích lệ, giúp các em và gia đình ý thức rõ hơn tầm quan trọng của việc phải nỗ lực học hành. Với nhiều gia đình thương binh - liệt sỹ ở địa phương, Thượng tọa cũng có những việc làm thiết thực khi hằng năm đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà...

Chúng tôi cũng rất cảm động khi Thượng tọa chia sẻ tâm nguyện lớn của mình là phải xây dựng được một nhà dưỡng lão ở địa phương. Thượng tọa rất mừng vì tâm nguyện của mình được chính quyền địa phương nhiệt thành ủng hộ, thông qua việc đồng ý cấp một khu đất khá rộng giúp thượng tọa và các cộng sự triển khai thực hiện. Gọi là nhà dưỡng lão nhưng theo Thượng tọa khi hoàn thành xây dựng, đây sẽ là nơi tiếp nhận nuôi dưỡng tất cả các đối tượng có hoàn cảnh éo le, từ người già neo đơn, người tàn tật đến các em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa.

Vui hơn, Thượng tọa cho biết, việc xây dựng địa chỉ nhân đạo từ thiện này cũng nhận được sự ủng hộ cao của các đoàn thể ở địa phương. Qua tuyên truyền, vận động, các hộ dân trong xã đã nhất trí ủng hộ 10kg gạo/năm làm nguồn lương thực nuôi dưỡng các đối tượng sẽ tiếp nhận...

2. Nhiều lần tiếp xúc, chuyện trò và chứng kiến Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó Ban thường trực Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Nam Định, đại biểu HĐND tỉnh “đăng đàn”, chúng tôi cảm nhận ở ông có nhiều điều “lạ”. Lạ từ dáng vẻ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát đến sự thẳng thắn, quyết liệt trong ngôn từ. Nhưng, ẩn  trong sự thẳng thắn, quyết liệt ấy là đầy ắp tinh thần nhập thế, đau đáu những nỗi niềm nhân sinh...

Như ở nhiều diễn đàn khác, mới đây, tại một diễn đàn ở địa phương, thêm một lần nữa Thượng tọa Thích Quảng Hà cho thấy tinh thần nhập thế của mình khi bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng về thực trạng và hậu quả của ô nhiễm môi trường hiện nay.

“Chúng tôi sốt ruột lắm! Mỗi ngày cả nước có gần 30 người chết vì tai nạn giao thông thì xôn xao cả thế giới. Nhưng theo công bố của Bộ Y tế, mỗi ngày cả nước có tới hơn 200 người mắc bệnh ung thư thì lại rất âm thầm”, Thượng tọa nhìn nhận.

Lấy ví dụ ở ngay  KCN Hòa Xá (TP Nam Định) - nơi chùa Phúc Trọng do Thượng tọa trụ trì nằm liền kề, ông cho biết lâu nay ngã tư đường Phùng Khắc Khoan giao với đường bao quanh KCN (nằm ngay sau chùa) trở thành nơi đổ trộm rác thải từ các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại đây.

“Cứ nhân lúc không có người là họ mang rác ra đổ trộm, đốt trộm, khói khét xộc cả vào chùa”, Thượng tọa phàn nàn.

Để tìm hiểu thêm, hôm sau chúng tôi tìm đến chùa Phúc Trọng thì thấy đúng như phản ánh. Ở bốn phía của ngã tư đường nằm ngay sau lưng chùa, rác sinh hoạt không rõ ở đâu ra được đổ đầy ngay dưới lòng đường. Quanh quẩn ở đó nửa buổi chiều nhưng chúng tôi không thấy có ai đến thu gom, chỉ thấy một mình nhà sư trụ trì (Thượng tọa Thích Quảng Hà) lụi cụi vun rác thành đống để đốt.

Trò chuyện với Thượng tọa mới hiểu thêm lý do tại sao mỗi khi “đăng đàn” tại các diễn đàn, tại các kỳ họp HĐND tỉnh ông lại nói nhiều, nói gay gắt về vấn đề môi trường đến vậy.

Thượng tọa Thích Quảng Hà (đứng giữa) tại hội nghị ký giao ước thi đua thực hiện mô hình “3 an toàn” giữa các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Thượng tọa Thích Quảng Hà cũng rất băn khoăn khi có không ít người vẫn rất thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường: “Đơn cử, mỗi khi trong nhà có người nằm xuống, con cháu cứ mang những thứ liên quan đến người chết như giường chiếu, chăn đệm... quẳng đầy ra vệ đường, vệ sông. Không biết khi đó trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ở đâu? Với vai trò, chức trách của mình, anh phải giám sát, phải đến nhắc nhở chứ!”, Thượng tọa thẳng thắn.

Việc nhiều người có thói quen đốt tiền, vàng mã trong chùa, Thượng tọa cũng không đồng tình. “Đức Phật không cần tiền! Ngài dành cả đời khổ công tu luyện cốt để từ bỏ “tham - sân - si” nên ngài không bắt chúng sinh phải mang tiền đến cho ngài. Đức Phật chỉ mong chúng sinh thực hành tâm sáng, hướng thiện. Chúng tôi luôn phản đối việc đốt tiền, vàng mã trong chùa, nhất là việc nhét cả tiền vào tay, tai Phật, vì vừa không đúng với giáo lý đạo Phật vừa làm môi trường bị ô nhiễm, dễ phát sinh cháy nổ”, ông phân tích.

Nhìn nhận bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả xã hội, của toàn dân, trong đó có các tôn giáo, Thượng tọa Thích Quảng Hà cho biết: “Không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi các tôn giáo, trong đó có Phật giáo đã rất có ý thức bảo vệ môi trường. Cả cuộc đời đức Phật sống ở rừng, gần gũi với thiên nhiên. Việc bảo vệ môi trường quan trọng như thế nào, đức Phật đã dạy chúng tôi từ chính cuộc đời của đức Phật. Chính vì vậy, buổi lễ nào chúng tôi cũng giảng giải về tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống, thấy rất hiệu quả!

Mới đây, Hội Phật giáo tỉnh tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông, kéo dài 3 ngày, có ngày có đến 7.000 người tham dự. Vậy mà khi buổi lễ kết thúc, mọi người đứng dậy nhưng dưới sân không hề có rác thải bừa bãi như thường thấy.

Tại Đại hội Hội Phật giáo huyện Vụ Bản mới đây, tôi cũng dành nhiều thời gian để nói về vấn đề môi trường, phát động tín đồ bằng mọi giá phải tham gia bảo vệ. Bởi, xây dựng nông thôn mới mà không bảo vệ được, để môi trường ô nhiễm, xảy ra bệnh tật thì có đạt chuẩn cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Rõ hơn cả, theo Thượng tọa, việc Phật giáo tích cực tham gia bảo vệ môi trường được thể hiện qua việc đến ngôi chùa nào cũng cảm nhận được không khí trong lành, thoáng mát vì có nhiều cây xanh, luôn được vệ sinh sạch sẽ.

Nói đến việc xây chùa, tìm hiểu chúng tôi lại có dịp biết thêm được nét tính cách rất riêng của Thượng tọa Thích Quảng Hà. Ông chia sẻ, là con Phật nên ông rất thấm nhuần lời dạy trong Phật pháp, đó là: “Xây chùa, tô tượng, đúc chuông/Trong ba việc ấy thập phương nên làm”.

Khi xây chùa Cẩm (xã Yên Dương, huyện Ý Yên, nơi Thượng tọa từng trụ trì - NV), để có gạch xây chùa ông đã tự đóng, tự nung lấy. Ngoài ra ông còn cùng tăng ni cấy gần 2 mẫu ruộng để tự túc lương thực. "Tôi là nhà sư nông dân nên làm việc gì cũng là tu! Cày bừa, làm ruộng, nung gạch cũng là việc tu của tôi”, Thượng tọa hài hước.

Được biết, không chỉ trăn trở, tích cực tuyên truyền, vận động tăng ni, tín đồ Phật tử trong tỉnh tham gia bảo vệ môi trường, Thượng tọa Thích Quảng Hà cùng cộng đồng Phật giáo ở Nam Định còn có rất nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa khác. Trong đó, từ nhiều năm nay, Hội Phật giáo tỉnh luôn phát động, duy trì việc quyên góp hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở; nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tặng xe lăn cho người khuyết tật.

Hội cũng luôn duy trì phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn thể khác ở địa phương phát động thực hiện phong trào "3 an toàn” (an toàn về người, tài sản và địa bàn) với những nội dung thiết thực như vận động tín đồ tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; cảm hóa người lầm lỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền, Công an tỉnh ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả...

Trần An Nhiên

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文