Những phận đời éo le mưu sinh trong giá rét

07:14 20/01/2021
Hà Nội đang trong đợt giá rét kỷ lục. Vậy mà, dưới chân cầu Long Biên, trong cái xóm trọ lụp xụp, rách nát mà người ta quen gọi với cái tên “khu ổ chuột” vẫn có những cụ già phải mưu sinh cả đêm trong cái rét căm căm ấy. Hầu hết trong số họ đều có một điểm chung, đó là những người già neo đơn...


Nghỉ ngày nào đói ngày đó

Chúng tôi tìm đến “khu ổ chuột” đúng vào lúc các cụ trong xóm đều đi vắng cả. Hỏi ra mới biết, hôm nay các cụ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang đi nhận quà hỗ trợ của chính quyền. Người đầu tiên trở về từ nơi nhận quà là bà Nguyễn Thị Bình, 82 tuổi (quê Yên Phong, Bắc Ninh). Bà bảo: “May quá, đang lững thững đi bộ thì gặp được đứa cháu cùng xóm trọ đi lấy đồ nên nó chở về luôn. Chứ không với cái chân đau này thì không biết bao giờ bà mới về được đến phòng trọ”. 

Phòng trọ xập xệ tại xóm trọ “ổ chuột”.

Vừa nói, bà vừa vén ống quần lên chỉ vào vết khâu dài gần hết dọc ống chân. Đấy chính là vết tích của một lần không may bị tai nạn khiến ống chân bị vỡ. “Bình thường không sao, chứ cứ hễ trái gió trở trời hay vào những ngày lạnh như dịp này thì chân bà lại đau lắm, nhiều khi còn chả nhúc nhích được”, bà Bình chia sẻ.

Một góc xóm “ổ chuột”.

Vậy mà trong những ngày rét kỷ lục này, chưa một ngày nào bà Bình dám nghỉ công việc bán nước ở gần bến xe bus, vì “bỏ ngày nào là đói ngày đó”. Mà không đi bán thì cuối tháng cũng không đủ đóng tiền thuê phòng trọ. Căn phòng nhỏ chỉ vài mét vuông nhưng giá thuê cũng tới hơn 800.000 đồng/tháng. Bên trong căn phòng nhỏ xíu, đồ đạc chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo vắt trên sợi dây dọc theo chiếc phản nhỏ. Cạnh đó là chiếc xe đẩy, chính là cả “gia tài” của người phụ nữ bất hạnh này.

Ngày nào cũng thế, cứ 5 giờ chiều là bà Bình lọ mọ đẩy chiếc xe “đồ nghề” ra bến xe bus. Công việc sẽ kết thúc vào 4 giờ sáng hôm sau. “Những đêm rét, nhiệt độ có khi xuống 7-8 độ, bà mặc gần chục cái áo, dày mỏng đủ cả, phía ngoài còn khoác thêm cả cái áo mưa mỏng mà vẫn không ăn thua. Nhiều khi ngồi chân tay cứ run cầm cập, rót cho khách chén nước mà đổ ra ngoài gần hết. Trời rét, người ta cũng hạn chế ra đường lắm nên bán cũng chẳng ăn thua đâu. Có khi ngồi cả buổi cũng chỉ được vài chục nghìn thôi”, bà than thở.

Cụ Bình khoác trên người gần chục cái áo nhưng vẫn không chống được cái rét căm căm.

Nhiều năm nay, bà Bình bám trụ ở “khu ổ chuột” này chỉ với một mong muốn duy nhất là có thể tự nuôi thân, không phiền lụy đến ai. Chồng mất từ khi bà còn rất trẻ, không lâu sau, đến đứa con trai mới chỉ vừa tròn 6 tuổi cũng bỏ bà đi. Buồn chán, bà Bình theo người ta đi buôn chuyến đường dài rồi sau đó bị lừa cả vốn lẫn lãi. Không còn tiền cũng chẳng còn ai nương tựa nên bà về ở nhờ nhà em trai. Nhưng mà cái cảnh mình không có tiền, phải ăn nhờ ở đậu, cả em trai và em dâu đều khinh ra mặt. Không chịu được cảnh đó nên bà bỏ xuống Hà Nội kiếm ăn qua ngày rồi bám trụ đến giờ.

Tết đến, bà ra bắt xe bus về quê thắp hương cho tổ tiên và bố mẹ, cùng lắm cũng chỉ nán lại đôi ba ngày là lại xuống phòng trọ. Bà bảo không ở quê lâu một phần vì bất đồng với em trai và em dâu, phần khác là vì sợ mất “cơ nghiệp”, vì “người ta có nhiều nên người ta không lo mất, chứ bà có mỗi cái “cần câu cơm” nó mà nhấc đi mất thì cứ xác định là nhịn đói dài dài”.

Cụ Bình bật khóc khi kể về cuộc đời mình.

Gần phòng trọ của bà Bình là phòng trọ của mẹ con bà Trần Thị Ba (75 tuổi, quê gốc ở huyện Hải Hậu, Nam Định). Mang tiếng có con trai ở cùng nhưng chưa một ngày bà Ba được dựa dẫm vào con. Bởi lẽ người con trai cả của bà không được khôn ngoan như người bình thường. Gần 40 tuổi nhưng anh Bình chẳng biết làm gì, cả ngày chỉ loanh quanh trong phòng trọ. Hôm nào hứng chí anh bỏ đi chơi lại khiến bà Ba đi tìm đỏ mắt. Bà bảo không ngại khó khăn, vất vả vì... cuộc đời đã bao giờ sướng đâu. Làm gì cũng được miễn là có tiền để thuê phòng trọ và tiền ăn cho hai mẹ con. Con bà không khôn nên bà sẽ phải nuôi nó đến lúc bà nhắm mắt xuôi tay. Bà chỉ lo là sau này mình chết đi rồi thì ai sẽ cưu mang nó.

Bà Ba sinh được 2 người con, anh Bình là con trai cả, con gái út là Nguyễn Thị Tý. Chồng bà bị u não nên mất sớm. Hồi đó vì quá sốc trước sự ra đi đột ngột của chồng nên sức khỏe và tinh thần của bà Ba suy sụp. Ba mẹ con bà từng có giai đoạn được đưa vào trung tâm từ thiện chuyên cưu mang những hoàn cảnh khó khăn nhưng một thời gian sau trung tâm này giải thể. Không đủ khả năng và sức khỏe để nuôi 2 đứa con, bà Ba đã phải cho con gái út đi làm con nuôi nhà người ta và giữ lại đứa con trai khờ.

Bà Ba luôn làm mọi việc để có tiền lo cho hai mẹ con sống qua ngày.

Lang bạt nhiều nơi, cuối cùng mẹ con bà Ba dạt về góc chợ Long Biên và “nhập khẩu” tại đây suốt nhiều năm qua. Để có tiền nuôi con, bà Ba làm đủ thứ nghề. Ban ngày đi bốc dỡ, gánh hoa quả thuê, ban đêm lại đi nhặt phế liệu. Nhưng, vài năm trở lại đây, sức khỏe yếu đi nhiều nên bà Ba chỉ có thể đi nhặt phế liệu. “Cứ 4 giờ sáng là ra khỏi phòng trọ để đến khu chợ Long Biên. Thời điểm này chợ họp buổi sớm sắp tan nên có nhiều phế liệu người ta vứt đi. Mấy ngày vừa rồi rét quá, mở cửa phòng trọ bước ra ngoài mà chân tay run rẩy, hai hàm răng gõ vào nhau cành cạch. Nhiều khi phải mặc mấy cái áo mưa mỏng, chân cũng quấn bằng túi nilon, mặt mũi bịt kín chỉ còn hở mỗi đôi mắt nhưng vẫn không thấm vào đâu. Trời lạnh, đi mãi chẳng được một bước nên phế liệu nhặt được giảm hẳn”, bà Ba kể.

Mỗi khi tết đến, mẹ con bà Ba thường là những người về quê sau cùng của “khu ổ chuột”. Bà bảo còn đi được thì dẫn con về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên và chồng, chứ sau này bà yếu thì chắc tết nhất hai mẹ con cũng ở lại đây thôi. Mơ ước lớn nhất của bà Ba là mong được một lần gặp lại người con gái út mà mình đã đứt ruột cho đi. Nhắc tới đứa con giờ không biết ở nơi nào, bà tâm sự: “Chẳng biết bây giờ nó sống thế nào. Có được sung sướng hay lại khổ sở. Chẳng biết con bà nó có trách bà nhiều không. Tôi mong gặp con nhưng chỉ sợ khi gặp rồi nó lại không nhận mình”.

Đông con nhưng vẫn neo đơn lúc tuổi già

Khác với bà Bình và bà Ba, bà Hà Thị Tân (77 tuổi, quê Vĩnh Phúc) có tới 4 đứa con. Nhưng, cả 4 người con của bà kinh tế đều rất khó khăn, có đứa làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Bà bảo: “Chúng nó nuôi nhau rồi nuôi con cái còn chưa nổi thì tính gì đến chuyện nuôi mình. Đứa nào cũng khó nên tôi chả biết dựa vào ai. Thôi thì còn sức khỏe thì cứ tự đi kiếm sống. Đến khi nào đuối quá thì đành phó thác cho chúng nó vậy”.

Dù có tới 4 đứa con nhưng bà Tân vẫn phải bươn chải và sống một mình.

Hơn 3 năm trước chồng bà Tân qua đời sau một thời gian dài lâm bệnh nặng. Lo xong xuôi công việc cho chồng, bà Tân bỏ quê xuống Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. Bà đến và tá túc tại cái xóm trọ “ổ chuột” này cũng đã được 3 năm. Từng đó thời gian bà hành nghề bán xôi dạo tại chợ Long Biên. Mỗi ngày bà chỉ dám đồ vài cân gạo nếp rồi gánh dọc chợ bán. Công cuộc mưu sinh hằng ngày của bà Tân thường bắt đầu lúc 10 giờ đêm và kết thúc vào khoảng 4-5 giờ sáng.

Bà kể mới hôm vừa rồi, do trời rét quá lúc gánh xôi đi, trời lạnh quá cứng hết cả chân nên ngã. Xôi đổ đằng xôi, bếp đổ đằng bếp, viên than tổ ong bắn vào chân, đến bây giờ vẫn còn bỏng. Rét mướt như đợt này, đến nằm trong chăn vẫn còn run nói gì phải ra đường, nhất lại là ra đường vào ban đêm với lúc sáng sớm. Thế nhưng, nếu không đi bán xôi thì bà cũng chẳng đủ tiền mà đóng tiền phòng trọ.

Không chỉ lo tiền ăn và tiền phòng trọ, mỗi tháng bà Tân còn phải mất hơn 500.000 đồng tiền thuốc. Căn bệnh rối loạn tiền đình hành hạ bà nhiều năm qua. Mỗi khi thay đổi thời tiết đầu bà lại đau như muốn vỡ ra. Nhưng, dù đau cỡ nào bà cũng vẫn phải cố, nhất định không được bỏ bán hàng.

Ngày nào cũng vậy, sau khi về nhà, bà Tân thường ngồi đếm thành quả của một đêm lao động cực nhọc. Vừa đếm những đồng tiền lẻ bà vừa chia nó ra thành từng khoản. Một phần để mua gạo và các nguyên liệu khác cho buổi bán ngày hôm sau. Một phần tiền ăn, một phần tiền phòng trọ và một phần tiền thuốc. Mỗi phần như thế, bà Tân lại cho vào một túi riêng để không bị lẫn. Bà bảo làm như thế mình mới biết được phần nào mình còn đang thiếu và thiếu bao nhiêu để còn biết mà cố.

Chiều muộn, chúng tôi rời xóm trọ “ổ chuột” khi thành phố đã lên đèn. Giữa nơi phồn hoa này, vẫn có những mảnh đời đang phải vất vả mưu sinh trong khốn khó.

Song Ngọc

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Vào ngày 15/3, Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) nhận tin báo từ người dân về việc, trên địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân tử vong là bà Đ.T.N (SN 1960), còn chồng bà N. là ông L.V.P (SN 1964) bị thương tích nặng. Gây án xong, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Trong những ngày cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe, đưa vào khai thác cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu, Nghệ An đến QL 46B). Đây là hai dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vượt mốc 2.000km.

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Trong những ngày qua, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong những tình huống khẩn trương, nguy cấp, hành động tặng khăn lạnh và nước mát cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường càng nhân lên những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文