Nơi ấy, 20-10 không hoa

07:13 22/10/2020
Mưa cứ trút xuống miền Trung khiến con nước dâng lên dữ dội, những người phụ nữ gồng mình níu lấy đàn con, mắt ầng ậng nước nhìn dòng lũ cuốn đi hết thảy. Với họ, ngày 20-10 này không quà không hoa, chỉ mong sự yên bình là điều duy nhất.

Miền gạch vỡ

Hơn 10 ngày qua, những cơn bão số 6, số 7 nối tiếp nhau, rồi áp thấp nhiệt đới liên tục ập vào miền Trung, mưa như trút hết nỗi niềm khiến mặt đất nước dềnh lên đục ngầu cả một dải đất dài. Mỗi năm, từ tháng 8 trở đi đến tháng 11, những người phụ nữ cứ mỗi lần nhìn trời phương Nam đổ mưa và gió mạnh, là e ngại những cơn áp thấp quần tụ đâu đó ngoài biển khơi rồi sẽ ập vào đất liền. Những cơn bão gió lùa tróc cây tróc nhà, những ngọn mưa xối xả đất trời, những trận lụt triền miên nhiều ngày lại tái diễn từng năm.

Những đêm vừa rồi, nước lên giữa trời mưa xối xả, khắp các vùng Quảng Bình, Quảng Trị... những tiếng kêu cứu thảm thiết vang lên. Những dòng tin cầu cứu dồn dập trên mạng xã hội, những cuộc điện thoại cầu cứu vang lên trên khắp các đầu số. Chỉ cần có một chút hy vọng là họ lại bám víu lấy. Nước dâng trong đêm, giữa giấc ngủ nhọc nhằn mùa lũ dồn dập khiến bà con không kịp trở tay. Có nhiều vùng trong đêm đang ngủ, mẹ già tỉnh giấc vùng dậy thấy nước đã tuôn vào nhà, có những người phụ nữ hốt hoảng vội lùa đàn con nhỏ lên gác cao, đục mái nhà trèo lên, có những người mẹ ôm đứa con khản giọng kêu cứu, có rất nhiều người như thế những đêm qua.

Bà Trương Thị Khuyên, mẹ của chiến sĩ Lê Tuấn Anh (Cam Lộ - Quảng Trị), khóc vì lo lắng cho con và đồng đội bị vùi lấp... Ảnh: Lâm Hưng Thơ.

Nước dâng quá nhanh và ngập hết mọi thứ trong đêm. Những bao lúa vừa khô chưa kịp chất lên gác. Những bầy gà, bầy vịt, bếp núc, bầy heo trong chuồng, cây rơm ngoài ngõ, đám cải vừa xanh, vồng khoai vừa ra củ, con nghé vừa biết bú sữa... tất tần tật, chìm trong nước đục ngầu. Trước cơn cuồng nộ của đất trời, mỗi người phải bỏ hết để cứu lấy thân mình trước đã!

Những đứa con xa quê chỉ biết liên hệ với gia đình bằng điện thoại mà thấp thỏm lo âu, cứ mỗi lần nghe lũ về là ruột gan bồn chồn, sợ hãi. Bạn bè từ khắp nơi trao đổi với nhau qua tin nhắn, qua Zalo, Facebook, tường thuật trực tiếp từng chút tình hình bão lũ.

Trước sức tàn phá của lũ lụt, đời sống người dân lâm cảnh chiếu đất màn trời và chỉ cầu mong con nước rút. Những đoàn từ thiện mà trong đó có rất nhiều phụ nữ, họ vận động quyên góp để hỗ trợ đồng bào trong lũ lụt, họ mặc áo phao, mang nhu yếu phẩm đi cùng chính quyền địa phương vượt qua những cơn mưa tối tăm mặt mũi, vượt qua những con nước dưới lòng thuyền, vượt qua nỗi sợ hãi và cả những hiểm nguy để đến với đồng bào mình đang lay lắt chờ đợi.

Những đoàn thuyền băng qua bao trảng, bao đồng. Mưa quất tơi bời vào mặt. Gió lùa rách cả áo mưa. Có những người phụ nữ ròng nước mắt vì sợ. Khi đến nơi, bà con mà đa phần vấn là phụ nữ níu vào nhau bằng những chiếc ghe, là phương tiện di chuyển mùa lụt, để đến nhận gạo, nhận tiền và nhu yếu phẩm. Những gương mặt lam lũ, chợt ngời lên một chút ấm áp, trong mưa gió tảo tần. Họ phải vật lộn với lũ lụt đã bao nhiêu ngày ở vùng thấp trũng ấy...

Là phận phụ nữ, dù là người trong vùng nước ngập, hay những đoàn từ thiện trải nhiều ngày đi khắp các xóm thôn để cứu trợ, họ chẳng màng tới ngày lễ này. Bởi với họ, ngày đó trong hoàn cảnh này chẳng còn nhiều ý nghĩa nữa. Họ chỉ mong giúp được nhiều người hơn, họ chỉ mong đất trời đừng mưa trút, nước đừng dâng để cuộc sống đừng khốn cùng nữa.

Hai phụ nữ trong vùng lũ ở Quảng Trị, một người là dân trong vùng lũ nhiều ngày thiếu lương thực đang ăn mỳ tôm, còn lại là người mang lương thực đến cứu trợ.

Những người phụ nữ, yếu đuối những lúc bình thường, bỗng chợt can trường và mạnh mẽ trong ngịch cảnh. Họ gánh gồng gia đình trong những cơn lũ dữ, họ cùng những người đàn ông dầm mình trong mưa gió, trong những đợt nước dâng để góp chút sức của mình mang đến niềm hy vọng cho nhiều phụ nữ khác. Họ đâu cần những bông hoa 20-10 trong những ngày thê lương này.

Chị Bùi Thị Nga, một người phụ nữ từ Bình Dương đã gần 10 ngày qua rong ruổi khắp các vùng nước ngập ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... khi nghe nhắc tới ngày 20-10, chị chỉ nhẹ nhàng bảo: “Mình chẳng mong gì, khi đã nhìn thấy sự cùng cực của những người phụ nữ trong vùng lũ lụt như thế này, chỉ cầu mong cho nước lũ rút đi, đời sống bà con đỡ phần vất vả. Với mình, những ngày này chỉ muốn đến được với nhiều người, chia sẻ được với nhiều người hơn mà thôi!”.

Có lẽ, có rất nhiều người phụ nữ như chị Nga đang cùng với đồng bào mình ở vùng lũ để chia sẻ nỗi khốn cùng. Họ bỏ qua niềm vui nhận hoa nhận quà ngày lễ này, để mang tấm lòng mình đến với nhiều người còn rất khốn khó trong vùng nước lũ.

Bắt đầu một cuộc “chiến đấu” trong cảnh gieo neo cơ cực. Cuộc chiến ấy, với lụt lội hằng năm, có lẽ không thể nào phai nhòa trong ký ức của bao người.

Trĩu nặng nỗi đau

Những vụ sạt lở đất liên tục báo về, như những nhát dao cứa vào tim từng người vậy. Những vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, những vụ sạt lở ở Hướng Hóa... đã khiến rất nhiều người dân và quân nhân tử nạn. Trong số người thân của những người không may mắn ấy có rất nhiều người là bà, mẹ, chị hay em gái của người xấu số. Với họ, ngày lễ này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nỗi đau quá lớn phủ trùm lên tất cả. Nỗi đau riêng của mỗi người, của mỗi gia đình hòa chung nỗi đau của đất nước, của cộng đồng trong mùa mưa lũ.

Nhiều người vừa tiếc thương vô vàn khi tiễn đưa các cán bộ, quân nhân và nhà báo trong vụ sạt lở tại Huế những người thân của các quân nhân đã sụp xuống vì nỗi đau quá lớn ập tới bất ngờ. Trong những bức ảnh, những đoạn clip đăng tải trên mạng và trên báo chí, nhiều người đã vô cùng xót xa khi thấy cảnh người mẹ một cán bộ chiến sĩ được đồng đội của con cõng tới trong lễ truy điệu. Mẹ già tóc bạc trắng, ánh mắt đau đớn đến cùng cực đã mất con. Nỗi đau ấy chắc chẳng ai có thể thấu hết.

Bà Trương Thị Khuyên, mẹ của chiến sĩ Lê Tuấn Anh (Cam Lộ, Quảng Trị, một trong những quân nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 337) khóc không thành tiếng. Hai ngày trước, con trai có gọi điện thoại và khoe sắp về nhà. Trong doanh trại tự tay làm một món quà lưu niệm để tặng mẹ.

Những phụ nữ an ủi nhau trong Lễ truy điệu 13 cán bộ, quân nhân hy sinh khi giải cứu người bị nạn ở Rào Trăng 3, họ chung một nỗi đau quá lớn. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

Bây giờ, bà chẳng còn mong quà lưu niệm của đứa con trong ngày 20-10 nữa. Đứa con không trở về với bà, món quà nào còn ý nghĩa gì. Bà ngồi bên bụi cỏ nhàu bùn đất, tiếng khóc không thôi trong những giờ phút đồng đội đào bới tìm con mình. Bà, cũng như bao bà mẹ khác của những cán bộ, chiến sĩ trong vụ sạt lở này, còn mong đợi gì nữa!

Hôm mọi người đến thăm gia đình Lê Văn Phú (SN 1995, Thừa Thiên-Huế) - 1 trong số 15 nạn nhân trong vụ sạt lở Rào Trăng 3. Sau nhiều ngày, Phú cùng các nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. Ngay trước nhà là mâm áo, cháo, gạo, bông quả... Mùi nhang vương khắp nhà. Mẹ Phú với áo dài lam, đang ngồi trước bàn thờ Phật. Chị gái Phú với đôi mắt sũng nước và sưng húp vì đã khóc nhiều ngày. Mẹ Phú chỉ ảnh trên tường, trong bộ đồng phục với tấm bằng tốt nghiệp, gương mặt trẻ trung, bà òa khóc.

Phú là con trai duy nhất của gia đình. Ba mẹ là nông dân nhưng nuôi 3 chị em em ăn học thành tài. Học ra trường hơn 3 năm không tìm được việc làm, Phú xin được việc ở Rào Trăng, nghe ba mẹ động viên, Phú quyết định đi làm. Nhận lương mới được 3 tháng thì sự cố xảy ra. Chị gái Phú nói trong nước mắt rằng khi biết tin của em, 1-2 ngày đầu còn mong em trở về. Bây giờ, chỉ cầu mong tìm thấy em. Mẹ Phú, giờ này còn mong gì hơn là tìm được con mình!

Một phụ nữ ở vùng lũ Quảng Bình chế một chiếc bè để đưa người thân già yếu đến với đội cứu hộ.

Lắng đọng

Một vài nơi ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã ngừng mưa, ánh sáng rọi vào những căn nhà đổ nát, nỗi đau của người dân nghèo như mảnh đất khô cằn lại một phen xói lở khi nhìn vào từng miếng ngói, mảnh gạch vụn vỡ. Nhặt nhạnh từng chút một, những người đàn bà vùng lũ dùng đôi bàn tay thô ráp xoa xoa, như đang âu yếm đứa con ruột thịt của mình. Đôi mắt họ vẫn không rời căn nhà mình gắn bó bấy lâu nay.

Khi nước rút, những ngấn nước còn bạc thếch lưu dấu trên những thân cây xù xì, trên nền gạch ẩm mốc. Con nước còn xâm xấp mặt đường còn len lỏi trong những xóm thôn vùng thấp. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những căn nhà trống huơ không mái, chỉ còn sót lại hai phần ba vách tường còn lộ mảng gạch đỏ sẫm, phía dưới ngổn ngang những gạch ngói, nhiều người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, ngồi bên đống đổ nát suy tư. Có những người đã già với mái tóc bạc trắng, ngồi thẫn thờ trước căn nhà sập sau lũ như lặng đi. Rồi run rẩy lôi trong đống gạch ngói chiếc áo cũ nhàu còn vương bùn non.

Hai phụ nữ cùng chia sẻ nỗi niềm mùa lũ trong hai vị thế khác nhau nhưng tình cảm là như một.

Trên mạng xã hội và cả trong những lời thì thầm cùng nhau, nhiều phụ nữ những nơi khác cảm nhận được sự trái ngang của cuộc sống, họ lặng lẽ giấu đi những bó hoa hay những món quà được tặng ngày 20-10. Những hoạt động kỷ niệm, những bữa tiệc mừng ngày lễ, nhiều nơi đã không còn tổ chức rầm rộ nữa. Họ không muốn vui trên nỗi đau đồng bào đang trải qua ở miền Trung ruột thịt.

Đi qua các vùng quê, nhà cửa tan hoang sau bão lũ, người dân gần như mất hết tài sản, chỉ còn lại nền nhà đổ nát. Tôi chỉ biết trấn an bằng câu nói cũ rích: “Tài sản mất đi còn có thể làm lại, cũng may người không sao”. Bão đến, cây đổ, nhà bay, con nước lại tràn bờ bãi, dâng trong mắt người nỗi âu lo đến thảng thốt. Tất cả là hiện thực của mùa tai ương ở nơi như đoạn giữa đòn gánh của đất nước này...

Tiêu Dao - Minh Ngọc

Chiều ngày 16/9, Công an xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai phối hợp với chính quyền cơ sở đưa 115 người dân thôn Kho Vàng đang lánh nạn trên núi xuống ở tại khu nhà dã chiến do Công an tỉnh Lào Cai xây dựng. Tất cả đều rất phấn khởi, đồng thuận, tin tưởng vào chính quyền và lực lượng Công an.

Trong vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành đã được Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra Kết luận điều tra và đề nghị truy tố các bị can vào ngày 28/5 và Kết luận điều tra bổ sung vào ngày 6/9 vừa qua, một loạt cán bộ thuế đã “dính” đến sai phạm trong việc hoàn số tiền thuế hơn 145 tỷ đồng cho dự án “3 không” là Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3…

Chiều tối 17/9, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có buổi đối thoại "đặc biệt" với giáo viên, nhân viên Trường mầm non Ánh Dương (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến của các giáo viên sau những lùm xùm trong thời gian qua. 

Công an tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp với Cục CSHS và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an vừa tổ chức triệt phá thành công đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức hoạt động trên không gian mạng với số lượng đặc biệt lớn; bước đầu tạm giữ 6 đối tượng tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文