Nụ cười không tắt của cô nữ sinh nghèo mắc ung thư
1. Có địa chỉ của Huế trong tay, nhưng chúng tôi vẫn khá vất vả để tìm được chỗ trọ của cô nữ sinh Học viện Nông nghiệp. Căn phòng trọ của Huế nằm tít sâu trong con ngõ Cửu Việt 1 (thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội), vốn là rìa làng. Đón chúng tôi là một cô gái nhỏ nhắn, mảnh dẻ. Thật khó tin là cô gái bé nhỏ này đã “trường kỳ kháng chiến” chống lại bệnh ung thư suốt 5 năm qua mà khuôn mặt vẫn luôn ngời lên niềm lạc quan, yêu đời.
Căn phòng trọ chừng 10 m2 mà Huế đang ở cùng với hai người bạn nữ khác dường như theo phong cách “tối giản”. Ba người mà chỉ có một chiếc giường tầng và hai chiếc tủ tôn mỏng dính. Không tivi, không truyền hình cáp, Internet cũng không nốt. Cuộc sống vật chất đơn giản là vậy, song câu chuyện mà Huế kể với chúng tôi lại đầy sắc màu, đầy cung bậc và thậm chí khiến cho người ta phải rớt nước mắt.
Sinh ra và lớn lên tại một gia đình nông dân nghèo ở thôn An Phú, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), từ nhỏ Huế đã tỏ ra là một người con hiếu thảo, chịu thương chịu khó. Lên 10 tuổi Huế đã biết ra đồng cấy lúa, làm cỏ, tưới tắm... giúp bố mẹ. Mẹ Huế ngoài việc đồng áng thì còn đi buôn rau. Sáng sớm nào bà cũng chở nặng một xe rau sang xã bên bán, đến trưa mới về.
Ngoài giờ đi học, Huế phải cơm nước rồi phụ giúp bố lo mấy sào lúa và hoa màu, dạy em trai học... Dù vậy Huế vẫn luôn đạt học sinh giỏi. Cô bé có rất nhiều mơ ước: làm bác sỹ, làm giáo viên... Vậy nhưng những ước mơ của Huế tưởng như vỡ vụn khi một tai họa ập đến.
Phạm Thị Huế tại căn phòng trọ trên phố Cửu Việt. |
Cuối năm lớp 10, Huế tự nhiên cảm thấy đau bụng dài ngày. Sau khi siêu âm ở bệnh viện, các bác sỹ phát hiện một khối u ở gan và chỉ định phải mổ. Huế được phẫu thuật tại bệnh viện Việt - Đức, lấy đi khối u 4x5cm. Khoảng một tháng sau đi khám lại, gia đình bàng hoàng khi nhận được hung tin tại vị trí mổ đã xuất hiện những tế bào ung thư. Huế phải nhập viện K để điều trị.
Phác đồ điều trị của Huế cũng giống với phần lớn các bệnh nhân ung thư khác. Huế được chỉ định truyền hóa chất ở Bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội). Khi đó Huế chỉ nghĩ đơn giản rằng con người ai chả có bệnh, không bệnh này thì bệnh kia. Sau khi phẫu thuật sẽ khỏi và tiếp tục được đi học. Nhưng ai mà biết được chữ ngờ...
Thời gian đầu truyền hóa chất, Huế như muốn chết đi được. Em cảm thấy cơ thể như không còn sức sống nữa, chỉ còn là một thân xác khô héo. Rồi Huế nghĩ đến những bài học, những ước mơ còn dang dở nên lại càng buồn bã. Nhưng rồi Huế được đọc những tấm gương vượt lên bệnh tật, được bạn bè người thân động viên điều trị để sau này tiếp tục đi học. Và trong cơ thể cô gái bé bỏng này bùng lên một ngọn lửa âm ỉ. Ngọn lửa quyết tâm chiến thắng bệnh tật.
Dứt đợt truyền hóa chất, Huế quay về trường học tiếp. Các bạn ở lớp cũng hơi tò mò khi thấy mái tóc của Huế có phần khác trước (Huế đội tóc giả, và cũng không kể với ai về bệnh tình của mình). Một thời gian sau, Huế lại cảm thấy cơ thể “biểu tình”. Vào bệnh viện, các bác sỹ cho biết khối u mới đã mọc tại chỗ cũ, và chỉ định phải phẫu thuật. Tiếp tục những ngày đau đớn trong bệnh viện, cùng chuỗi thời gian truyền hóa chất.
Dù mất nhiều thời gian để điều trị bệnh, song Huế vẫn tranh thủ những lúc tỉnh táo mượn sách vở của bạn bè, thầy cô tiếp tục tự học. Khi lên lớp 12, được cô giáo giảng bài về căn bệnh ung thư, Huế mới biết là mình mắc phải bệnh nan y. Huế sốc và khóc tu tu như đứa trẻ.
Tuy nhiên, khi ngẫm lại thì Huế thấy nhiều người mắc bệnh này thường “đi” rất nhanh, chỉ trong vòng 1 đến 6 tháng. Còn bản thân đã phẫu thuật 2 năm rồi mà vẫn bình thường thì Huế không sợ nữa. Huế nghĩ sẽ có một phép màu nào đó giúp em khỏi bệnh. Huế vững tâm tiếp tục học hành. Trời cũng không phụ công người, dù chỉ học bữa đực bữa cái song Huế luôn là người học giỏi nhất lớp. Kỳ thi tuyển sinh đại học, Huế đã đỗ vào Học viện Nông nghiệp với điểm số cao.
Thời điểm Huế hạnh phúc bên người yêu. |
Cũng trong thời gian điều trị, mẹ Huế luôn túc trực ở bệnh viện để trông nom con gái. Khi Huế làm hồ sơ thi đại học, vì thương con nên bà không cấm cản. Nhưng khi thấy giấy báo nhập học thì bà kiên quyết phản đối. Bà bảo việc học đại học rất gian khổ, con thì bệnh tật thế suốt ngày phải đi bệnh viện thì làm sao theo nổi. Thêm nữa, qua mấy lần phẫu thuật, kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng eo hẹp hơn, khó có thể lo cho em học tiếp.
Ngoài ra, cũng ít người tin rằng thân mang trọng bệnh như thế Huế có thể lấy được chiếc bằng đại học để phục vụ cuộc sống sau này... Rồi một thân một mình nơi đất khách quê người, làm sao bố mẹ yên tâm!
Nhưng Huế không chịu. Em thuyết phục bằng được bố mẹ cho đi học.
2. Ngày nhập học, Huế phải nhờ một người chị họ mang hồ sơ đến làm thay, vì cũng chính là ngày em phải nhập viện để truyền đợt hóa chất mới. Dứt đợt truyền, ngày ngày Huế lại đội tóc giả lên giảng đường. Suốt năm thứ nhất đại học, thầy cô, bạn bè không ai biết Huế mang trọng bệnh.
Ngành học mà Huế lựa chọn là Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm. Khi được hỏi vì sao lựa chọn ngành học này, Huế cho biết: “Em biết căn bệnh như em đang mắc phải thì sau này sẽ rất khó xin được việc. Nhưng em được các thầy cô giảng về nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tật, nhất là bệnh ung thư là do thực phẩm. Vì vậy em muốn đi học ngành này để mình có điều kiện nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, để sau này có điều kiện giúp đỡ mọi người kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng tránh tối đa bệnh tật”.
Thời gian đầu lên Hà Nội học, mẹ Huế cũng theo con lên cùng. Ban đầu chưa biết đường sá, bà hay thuê xe ôm đưa Huế đến các bệnh viện, các trung tâm xét nghiệm... Sau thấy tốn kém quá, bà liền mang chiếc xe máy thường ngày vẫn chở rau để đưa con đi khám. Nhiều lần lớ ngớ đi sai làn đường, bà bị cảnh sát giao thông tuýt còi. Nhưng khi trình bày, bà được các anh thông cảm, chỉ nhắc nhở rồi cho đi.
“Lên Hà Nội mấy năm rồi nhưng em chưa một lần được đi taxi đâu anh ạ” - Huế kể. Sau vài tháng nhập học, Huế cảm thấy tự lo được cho bản thân nên không phiền đến mẹ đưa đón nữa. Năm đầu, Huế trọ gần trường nên em đi bộ, còn nếu đi đâu xa thì Huế chọn phương tiện xe bus. Năm nay Huế chuyển đến cuối phố Cửu Việt 1 vì giá thuê phòng rẻ hơn (chỉ 1 triệu đồng/tháng). Huế dùng tiền học bổng mua chiếc xe đạp hết 300 ngàn đồng làm phương tiện đi lại.
Huế trong vòng tay của các bạn tình nguyện viên. |
Điều trị dài ngày ở bệnh viện, Huế gần như đã trở thành bệnh nhân lâu năm nhất của Khoa Nhi - Bệnh viện K cơ sở 3. “Tuần nào cũng có những bệnh nhân mới nhập viện. Họ giống hệt như em hồi đầu mắc bệnh. Ai cũng tỏ ra buồn rầu, ủ rũ. Tự nhiên em thấy mình phải có trách nhiệm lấy lại niềm vui cho họ”.
Thế là cứ dứt đợt truyền, Huế lại chạy đến chỗ các bệnh nhân mới chuyện trò tâm sự, động viên họ. Thỉnh thoảng Huế lại rủ mọi người đi uống trà đá “chém gió”; rồi vui đùa khiến những sầu não về bệnh tật được vơi bớt. Cũng thời gian trên giường bệnh, Huế có một tình yêu đẹp, song cũng thật buồn.
Năm 2014, trong số hàng trăm bệnh nhân điều trị cùng thời điểm, có một bệnh nhân đã làm Huế xao lòng: Bệnh nhân Dương Tuấn Anh (22 tuổi, trú tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Khi Huế gặp Tuấn Anh thì cậu đang điều trị ung thư xương và đã bị cắt bỏ một phần chân phải: “Em cũng là bệnh nhân ung thư như anh ấy, cũng bị rụng hết tóc do truyền hóa chất. Nhưng em thấy mình may mắn hơn anh ấy rất nhiều, vì mình vẫn có đủ tay chân để đi lại, đỡ khó khăn hơn anh ấy. Sau khi chúng em làm quen rồi 2 người hay nói chuyện với nhau, ít lâu sau, em và anh ấy yêu nhau” - Huế kể.
“Thỉnh thoảng chúng em còn được dành cho không gian riêng trong bệnh viện để có thể nói với nhau những điều khó nói trước đám đông và chụp ảnh tình tứ với nhau... nên lúc đó cả hai cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Khi còn ở bên nhau, chúng em đã từng gọi nhau là vợ - chồng. Dù biết là khó khăn nhưng em vẫn cứ hy vọng đến một ngày em và anh ấy sẽ có một đám cưới với nhau” - Huế kể mà nước mắt em trào ra.
Nhưng rồi khoảng một năm sau, bệnh tình của Tuấn Anh ngày càng diễn biến xấu. Từ ung thư xương bị di căn vào phổi, bệnh viện đành phải đồng ý cho cậu trở về nhà tự điều trị. Những ngày cuối, Huế luôn túc trực bên người yêu. Bố mẹ của Tuấn Anh vì cảm động mà nhận Huế làm con nuôi của gia đình.
3. Sau khi Huế phẫu thuật lần thứ 3 không bao lâu tại vị trí cũ lại phát hiện ra những tế bào ung thư mới. Gia đình thì nản, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Huế cũng phải lắc đầu: "Hết cách rồi!". “Nếu là bệnh nhân khác nghe bác sĩ nói câu đó chắc chỉ còn cách trở về nhà nằm chờ chết, thế nhưng em vẫn muốn tin vào một phép mầu nào đó. Bác sĩ ở bệnh viện muốn em dừng chữa bệnh vì biết gia đình em kiệt sức quá rồi. Em rời bệnh viện nhưng vẫn đi tìm thầy lang để chữa thuốc Nam”.
Ba lần phẫu thuật với rất nhiều lần truyền hóa chất đã lấy đi mấy trăm triệu đồng, Huế cảm thấy đau đớn vì đã khiến cho bố mẹ ngày một vất vả. Mẹ Huế dù phát hiện bị bệnh viêm gan B, song cũng chả dám khám xét gì cả. Bà chỉ cắt thuốc Nam của một ông lang gần nhà. Và mỗi buổi sáng bà phải đi chợ sớm hơn. Bố Huế thì ngoài việc đồng áng còn đi thu mua phân gà để đem bán lại cho người ta làm phân bón...
Dù mang bệnh trọng nhưng Huế vẫn luôn lạc quan. |
Năm đầu trọ học tại Hà Nội, mỗi tháng Huế xin bố mẹ khoảng 2 triệu đồng. Nhưng sang năm nay Huế chỉ xin dưới 1 triệu, thậm chí vài trăm ngàn thôi. Vì Huế được học bổng 650 ngàn/tháng. Huế cũng không tiêu pha gì nhiều.
“Đợt này em chuyển sang ăn chay nên cũng đỡ tốn anh ạ. Mỗi ngày chỉ hết chưa đến 10 ngàn đồng đâu”. “Ăn chay là ăn gì?”, tôi hỏi. “Em chủ yếu ăn rau, khoai sọ, thỉnh thoảng ăn đậu phụ. Có bữa chỉ có một mình em còn không nấu cơm... Ăn như thế em lại thấy khỏe lên anh ạ”.
Thời điểm này, Huế đang tích cực cùng nhóm bạn đi thực tập ở một công ty thực phẩm tại Bắc Giang. Thời gian rỗi, Huế lại lên Vĩnh Phúc tham gia một khóa thiền để chữa bệnh. “Dù xét nghiệm thấy tế bào ung thư vẫn còn, song em thấy cơ thể lúc này khỏe ra nhiều anh ạ. Em chỉ mong bệnh tình thuyên giảm, để học nốt năm cuối, rồi đi làm đỡ đần cha mẹ...”.
Chia tay Huế, chúng tôi cũng luôn hy vọng sẽ có phép màu để cô gái này thoát khỏi bệnh tật. Và trên môi em, nụ cười sẽ không bao giờ tắt!