Phóng viên chiến trường nơi tâm dịch

13:44 23/06/2021
Cùng với các lực lượng khác, công an các đơn vị, địa phương đã góp phần làm nên “lá chắn” vững vàng ở nơi tuyến đầu chống dịch. Ở những nơi ấy, đội ngũ báo chí trong lực lượng CAND chúng tôi có các anh, các chị, những phóng viên không chuyên ở các Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng của Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị công an các địa phương.


Ở chính tâm dịch, dù công việc vô cùng khó khăn, phức tạp và không kém phần nguy hiểm, các anh, các chị - như những chiến binh dũng cảm, là “cánh tay nối dài” của Báo, phản ánh nhanh nhất, chính xác nhất, trung thực nhất những hình ảnh, thông tin về dịch bệnh cũng như những nỗ lực, tấm gương hy sinh của các lực lượng tuyến đầu...

Gác lại nỗi riêng tư

Thiếu tá Đặng Thị Lan Anh, Đội phó Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an Hà Nam đã xin nghỉ phép, sắp đặt kế hoạch cho gia đình đi nghỉ lễ 30-4, 1-5. Nhưng, khi dịch bệnh xảy ra, chị đã tự nguyện quay về đơn vị làm nhiệm vụ, động viên gia đình chờ dịp khác.

Cán bộ tuyên truyền Công an tỉnh Bắc Giang tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ.

Do điều kiện dịch bệnh, chị và các cán bộ cùng đội sau khi làm nhiệm vụ ở tâm dịch thì tự “cách ly” tại cơ quan, không dám trở về nhà. Trên Facebook trong dịp nghỉ lễ, Lan Anh đưa hình ảnh các con đang đi trải nghiệm cùng lớp học và hình ảnh người mẹ trong bộ đồ chống dịch với đôi mắt vời vợi hướng về gia đình, nhìn mà nao lòng.

Không chỉ Lan Anh, cả 7 đồng chí trong tổ tuyên truyền của Công an tỉnh Hà Nam đều có con nhỏ. Đồng chí Lê Thị Phượng khi làm đêm ở cơ quan phải gửi con ở nhà hàng xóm vì không có ông bà nội, ngoại gần bên. Thượng úy Bùi Phương Thảo, con chưa đầy 18 tháng tuổi nhưng suốt từ đầu đợt dịch đến nay, hầu như đêm nào cũng thức đến 2-3h sáng để đọc và viết tin, bài phục vụ công tác chống dịch. Việc đi tác nghiệp ở vùng tâm dịch không thể tránh được tiếp xúc gần các F0.

Đại úy Trần Trung Dũng, Đại úy Trần Văn Đoàn đều đã tác nghiệp ở những nơi sau đó được thông báo có F0. Dù các anh, các chị đã trang bị rất kỹ các phương tiện chống dịch nhưng tâm trạng lo lắng không thể không có. Tuy nhiên, với bản lĩnh và sự hy sinh, họ vượt lên sự lo lắng ấy để hoàn thành nhiệm vụ của người lính.     

Trao đổi về những khó khăn, vất vả của CBCS trong quá trình tác nghiệp tại các vùng có dịch, Trung tá Vũ Minh Sơn - Phó trưởng Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Nam cho biết: “Với trách nhiệm của người cầm bút, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp sẽ đến bất cứ đâu theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh. Hy vọng với những thông tin được truyền tải nhanh, chính xác và đầy đủ, chúng tôi sẽ góp chút công sức vào công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Không chỉ lan tỏa tinh thần chống dịch của Chính phủ, của tỉnh mà chúng tôi còn muốn gửi đến độc giả những hình ảnh đẹp về tình người nơi tâm dịch, những khó khăn, vất vả của CBCS trên mặt trận phòng, chống dịch...”.

Thiếu tá Đặng Thị Lan Anh, Công an Hà Nam trong giờ nghỉ hiếm hoi khi trực chiến.

Lần thứ hai lao vào tâm dịch

Đây là lần thứ hai, Vĩnh Phúc phải gồng mình với cuộc chiến chống dịch COVID-19, đồng nghĩa với việc các CBCS Tổ tuyên truyền thuộc Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an Vĩnh Phúc lại căng mình, lăn xả vào tác nghiệp nơi tâm dịch, bất kể ngày đêm, hầu như không có ngày nghỉ. Các anh chị đã cập nhật hàng trăm tin, bài, phóng sự phản ánh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của chính quyền tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh...

Có những hôm, các CBCS trong tổ phối hợp cùng nhau quay phim, sản xuất gần 10 tin, bài, phóng sự truyền hình, tất bật từ sáng đến tận 12h đêm, quên cả cái đói, cái mệt, để “chạy đua” với thời gian và tình hình dịch bệnh phức tạp diễn ra.

Do đã có kinh nghiệm của lần tác nghiệp trước nên Trung tá Nguyễn Thị Minh Ánh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng, luôn nhắc nhở các cán bộ của mình khi đi tác nghiệp ở vùng dịch phải tìm hiểu kỹ lưỡng tình hình địa phương, lên danh sách, kế hoạch tiếp cận nhân vật, địa điểm cụ thể...

“Khi tác nghiệp ở tâm dịch, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi về đến cơ quan, gia đình, tuyệt đối không tiếp xúc với CBCS trong đơn vị cũng như những người thân trong gia đình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan cho người khác, nhất là đối với “phóng viên chiến trường” như chúng tôi” - Trung tá Ánh cho biết.

Cả tổ tuyên truyền có 6 người (2 nam, 4 nữ), khi 2 cán bộ nam đi tăng cường cho các chốt phòng, chống dịch thì chỉ còn 4 chị em đảm nhận toàn bộ công việc của tổ. Đại úy Trần Thị Lan Hương và Đại úy Phạm Hải Yến, chồng công tác trong ngành, đang trực chiến tại các chốt phòng, chống dịch của Công an tỉnh nên phải gửi con nhỏ về quê cho ông bà chăm sóc. Lòng mẹ nào xa con cũng nhớ thương, nhất là khi con nhỏ chưa đầy 2  tuổi. Nhưng, các chị đã vượt lên nỗi riêng tư ấy, vì họ là chiến sĩ công an, luôn nỗ lực vì sự bình yên của người dân.

Những giọt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ

Sau khi Bắc Giang trở thành ổ dịch vô cùng phức tạp, các anh chị thuộc Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng của Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh Bắc Giang nhiều ngày đêm liên tục trực chiến tác nghiệp, để có những hình ảnh, thước phim, những thông tin chân thực nhất về tình hình dịch bệnh cũng như nỗ lực của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng Công an nơi tâm dịch.

Các cán bộ tuyên truyền Công an tỉnh Vĩnh Phúc trong tâm dịch.

Toàn bộ lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang cùng các lực lượng tuyến đầu khác phải căng mình làm công tác gác chốt, thiết lập khu vực phong tỏa, thần tốc trong công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để xác định các F. Một lần nữa, các cán bộ của Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng lại trực chiến, theo sát các hoạt động của công tác phòng, chống dịch để sản xuất những tác phẩm báo chí mang tính định hướng dư luận, bởi lúc này, rất nhiều thông tin “rác” trên mạng xã hội được đăng tải, với nội dung không đúng sự thật, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.

Khi công tác truy vết, xét nghiệm ở Bắc Giang diễn ra thần tốc, hàng trăm y, bác sĩ, công an, quân đội đã tham gia giữ ANTT và làm công tác xét nghiệm, hàng nghìn công nhân xếp hàng như những đoàn tàu chờ đến lượt lấy mẫu bệnh phẩm. Để kịp thời phản ánh công tác lấy mẫu xuyên đêm, nhóm 3 cán bộ của Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng do Trung tá Ngô Minh Thúy - Đội trưởng trực tiếp chỉ huy tác nghiệp và làm công tác chuẩn bị đồ bảo hộ, nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế, mũ chống giọt bắn cho anh em. Chị còn cẩn thận “quán triệt” anh em đeo 3 chiếc khẩu trang, đeo găng tay và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét mới được tác nghiệp.

“Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức, không thoát được mồ hôi, trên mặt lại đeo tới 3 lớp khẩu trang và kính chắn. Cứ quay được vài phút là kính chắn lại bị mờ như sương đêm, 3 chị em phải thay phiên nhau vừa ghi hình, vừa... lau kính” - Thiếu tá Thân NgọcThạch, Phó Đội trưởng kể lại. Sau hơn 1 giờ tác nghiệp, toàn thân ai cũng ướt đẫm mồ hôi, thở hồng hộc vì không hít đủ không khí, cảm giác rất ngột ngạt, bí bách. Lúc này ai cũng chỉ muốn được dội nước lên đầu cho bớt khó chịu.

Tuy nhiên, trong những môi trường làm việc "nóng bỏng", nguy hiểm như thế, các anh, các chị trong các Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng công an các địa phương mà chúng tôi tiếp xúc vẫn không một lời kêu khó, kêu khổ. Đối với họ, đó là nhiệm vụ của người lính, khi có mệnh lệnh là lên đường và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“So với những gì mà các lực lượng y, bác sĩ, công an, quân đội... nơi tuyến đầu đang tận hiến, sự dấn thân của chúng tôi có lẽ không có gì đáng kể” - Thiếu tá Thân Ngọc Thạch bộc bạch. Nhưng, chúng tôi, mỗi khi nhận được tin, bài phản ánh về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh mà các anh chị gửi về, xin được trân trọng và gửi lời tri ân sâu sắc. Bởi những trang viết ấy đã thấm đẫm mồ hôi, tâm sức, cả sự hy sinh, dấn thân của các anh, các chị, những người mà chúng tôi xin được gọi là “phóng viên chiến trường” nơi tâm dịch.

Thu Hòa

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Chúng tôi đến thăm Thư viện Tưởng niệm Các Mác và Trường Công nhân tại thủ đô London (Anh) vào một ngày nắng đẹp. Khám phá Thư viện, thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời hoạt động của nhà tư tưởng cách mạng tiến bộ, lỗi lạc C. Mác. Có thể khẳng định đây là nơi một "kho báu" lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

Không chỉ thúc các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương phân bổ vốn và giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文