Rợn người “lang vườn” chữa bệnh ở Tiền Giang
- Để lang băm ấn huyệt vùng cổ, một thanh niên tử vong
- Lang “băm” chữa bệnh bằng nước lã
- Hiểm họa từ... lang “băm”
Có bệnh thì vái tứ phương
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến “thầy Tư Vui” ở ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) - một người từng một thời được đồn đoán là rất “cao tay” chữa bệnh bị rắn độc, chó dại cắn? Nằm gần khu vực chợ Thiên Hộ, chỉ cách trụ sở Cơ quan Công an, UBND xã Hậu Mỹ Bắc A chừng khoảng 1km là “cơ sở” chữa bệnh của “thầy Tư”.
Đến nơi đây, chỉ cần hỏi “thầy Tư Vui” thì ai cũng biết và chỉ vanh vách con đường đến nhà “thầy”. Chúng tôi phải vượt qua hai cây cầu nhỏ bắc qua sông mới đến được nơi ở của “thầy”. Nơi này, hoàn toàn không có biển hiệu, là căn nhà cấp 4 được cất theo kiểu xưa.
Thấy có người lạ đến nhà, một người phụ nữ trạc 40 tuổi nhanh nhẹn bước ra cười hỏi: “Tìm ai, đến chữa bệnh à, bị chó hay mèo cắn?”. Chưa kịp để chúng tôi trả lời, người phụ nữ này phán tiếp: “Tui là con dâu út của “thầy Tư Vui”, ông mất lâu rồi, từ hơn ba năm trước, giờ tui thay bố chồng tiếp tục chữa trị cho dân”.
Bà này nói tiếp: “Hai cậu ở đâu, bị chó mèo cắn bao giờ, có uống thuốc Tây vào chưa? Nếu đã uống thuốc từ hôm qua thì việc lấy nọc vẫn bình thường, sau 3 tiếng đồng hồ là được. Dưới quê người ta lấy nọc không à, không có dùng thuốc Tây bao giờ...”.
Một bé gái bị mèo cắn cũng được gia đình đưa đến nhờ “nữ thầy” cứu giúp (ảnh trái); sau khi dùng dao lam rạch da, “nữ thầy” đắp thuốc lạ lên cổ rồi bó lại. |
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên và khó hiểu, “nữ thầy” liền nói tiếp: Tại thuốc Tây chủ yếu là giảm đau, giảm nhức ở phần vết thương thôi nhưng nọc độc thì vẫn còn trong người nên phải lấy chất độc từ cơ thể ra ngoài bằng “phương pháp gia truyền” thì mới khỏi được...!?
Dứt lời, “nữ thầy” yêu cầu chúng tôi cho kiểm tra xem vết thương bị chó cắn như thế nào? Lấy cớ là bị cắn ở phần đùi nên không thể xem được thì “nữ thầy” tiếp tục gặng hỏi chúng tôi rằng có mang quần cộc theo không. Nếu có mang theo quần cộc thì vào trong mà thay để thầy xem mà chữa trị. Thấy chúng tôi đắn đo, “nữ thầy” lại cho biết, sẽ dùng dao lam rạch phần da ở vùng cổ rồi đắp thuốc bó lại cũng được và không cần xem vết cắn nữa!?
Bà này trấn an: “Sẽ dùng dao cắt nhẹ, không đau. Cắt là để bó thuốc hút nọc độc ra ngoài, còn không cắt là không chữa trị được, bó tay luôn...”. Để làm tròn vai diễn, chúng tôi đành gật đầu chấp nhận để “nữ thầy” ra tay cứu giúp bằng trò dùng dao lam rạch da rợn người.
Màn thuyết phục xem như thành công, “nữ thầy” liền mang chiếc ghế nhựa màu đỏ, đặt gần chiếc bàn tròn bằng gỗ, cạnh bên là cửa ra vào và yêu cầu chúng tôi ngồi chờ, còn “nữ thầy” thì vội di chuyển vào trong. Thi thoảng, chúng tôi nghe thấy tiếng gọi hỏi vọng ra của người con trai “nữ thầy” nhưng không rõ nội dung là gì. Chừng 5 phút sau, “nữ thầy” mới bước ra và tiến đến chỗ chúng tôi.
Lúc này, trên tay “nữ thầy” cầm chiếc dao lam cùng một cốc thuốc lạ lợn cợn màu vàng nhạt, phảng phất mùi hôi, đưa lên miệng cảm giác muốn nôn ói. Thấy chúng tôi nhíu mày với vẻ đầy hoang mang, lo lắng, lập tức “nữ thầy” nói nhanh: “Đây là thuốc gia truyền từ nhiều năm, ai đến đây cũng đều uống loại thuốc này, không sao cả. Uống xong thì người bệnh mới tiếp tục được cắt lấy nọc độc ra ngoài được”. Nhân lúc “nữ thầy” không để ý, chúng tôi giả uống xong cốc thuốc và hắt ra ngoài.
Sau đó “nữ thầy” xuất chiêu chữa bệnh bằng phương pháp kỳ quái, với ba vết cắt liên tục bằng dao lam ở vùng cổ gây chảy máu làm chúng tôi phải giật bắn người. Thấy máu chảy, “nữ thầy” liền lấy thuốc (giống như cơm nguội trộn với đường, có màu đen) đắp lên vị trí 3 vết cắt rồi dùng tấm vải hoa xiết chặt vùng cổ gây cảm giác khó thở.
Đồng thời, “nữ thầy” buộc chúng tôi phải ngồi yên trên ghế đúng một tư thế suốt 25 phút thì “thuốc mới phát huy hết mọi tác dụng”. Nếu trong khoảng thời gian này chúng tôi đi lại sẽ làm nọc độc phát tán vào cơ thể thì khi đó sẽ... nguy hiểm đến tính mạng?
Thuốc lạ của “nữ thầy” bán mang về nhà uống và đắp. |
Cuồng tín
Trong lúc chúng tôi ngồi chờ thuốc ngấm vào cơ thể thì có hai người đàn ông trạc ngoài 35 tuổi dẫn theo một bé gái cũng tìm đến “nữ thầy” nhờ cứu giúp. Một trong hai người đàn ông kia giới thiệu, quê ở tận vùng biên giới thuộc huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An). Họ còn cho biết, cháu gái đi cùng tên là Sương (8 tuổi) vô tình bị mèo cắn. Vì lo sợ nguy hiểm đến sức khỏe của cháu gái nên gia đình đã vượt hơn 100km, đội mưa đến đây.
“Chúng tôi biết đến “thầy” qua lời giới thiệu của nhiều người. “Thầy” này giỏi lắm, ai cũng khen và đồn đại như vậy, gia đình chúng tôi thấy thật sự yên tâm khi đến đây điều trị”, người chú của cháu Sương tự tin nói.
Không chỉ cắt, lể (nhể), bó thuốc cho cháu Sương mà ngay tại thời điểm này, “nữ thầy” còn chữa trị cho một thiếu nữ khác ở Tiền Giang bị mèo cắn. Cũng với chiêu tư vấn và chữa trị bằng phương pháp nêu trên, lần lượt các “bệnh nhân” cũng được “nữ thầy” cắt rồi bó thuốc ở vùng cổ. Cứ mỗi lượt chữa trị như vậy thì “nữ thầy” thu 40.000 đồng/trường hợp.
Sau khi nhận tiền công chữa trị cho chúng tôi và các bệnh nhân khác, “nữ thầy” đều không quên gửi kèm bọc thuốc lạ, cùng một thỏi thuốc được nén dạng hình chữ nhật như đất sét có mùi hôi khó chịu. “Thầy” dặn dò: “Về nhà uống hết thuốc để trong bọc, sau đó dùng tay bốc vết thương bị cắn cho rớm máu rồi đắp thuốc vào vị trí đó suốt 25 phút để hút chất độc ra ngoài, làm như thế ba lần trong ngày thì bệnh tình sẽ khỏi, chú ý không để thuốc qua đêm”.
Địa phương nói gì?
Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc quản lý của địa phương, chữa trị mà không giấy phép, không giấy chứng nhận, nếu rủi ro xảy ra thì sẽ tính thế nào? “Nữ thầy” vô tư đáp: “Mấy ổng (tức chính quyền địa phương - NV) cũng từng xuống kiểm tra, nhắc nhở nhưng tui chữa bệnh theo yêu cầu của dân, chủ yếu là làm phước giúp họ thôi. Lúc trước đông khách lắm, sau này ngành y tế làm căng, yêu cầu cơ sở phải có giấy phép nên giờ lượng người tìm đến chữa trị giảm sút đáng kể (!?)”.
Ông Trần Minh Thắng – Bí thư chi bộ ấp Mỹ Chánh 4 (xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang): “Người dân nếu bị chó, mèo cắn thì cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại là tốt nhất”. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “nữ thầy” nói trên là vợ của ông Đặng Văn Mười (38 tuổi, con trai út của ông Tư Vui). Ông Trần Minh Thắng - Bí thư chi bộ ấp Mỹ Chánh 4 (xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè) cho biết: “Người dân địa phương thường tin theo phương pháp chữa trị này!? Việc chữa trị chó dại, mèo cắn của hộ gia đình ông Đặng Văn Mười có từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy ai đến phản ánh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục tuyên truyền, vận động người dân nếu bị chó dại cắn thì cần đến ngay các cơ sở y tế tiêm ngừa phòng dại... Riêng việc chữa trị không được cấp phép thì địa phương đã kết hợp y tế xã đến kiểm tra, nhắc nhở họ không tái phạm”.
Theo chính quyền địa phương, người tìm đến nhờ vợ ông Mười chữa trị trung bình mỗi ngày từ 10 - 20 lượt khách. Lúc sinh thời, ông Tư Vui cũng dùng phương pháp nêu trên để chữa trị cho dân, lấy nọc độc rắn, chó dại cắn… chủ yếu là làm phúc, không nhận tiền. Nhưng từ khi ông Tư Vui qua đời thì người con dâu út của ông Tư Vui (là vợ ông Đặng Văn Mười - NV) đã thay bố chồng làm “thầy” chữa bệnh. Có thể do lời đồn đại, truyền miệng từ hàng chục năm qua nên người dân từ thập phương biết đến và nhờ chữa trị.
Gia đình ông Đặng Văn Mười chủ yếu sống bằng nghề nông, và có hai người con đã lớn. Trước đây, vợ ông Mười từng có thời gian phụ bố chồng trong việc chữa trị chó dại, mèo cắn. Có thể trong khoảng thời gian này, vợ ông Mười được bố chồng truyền lại nghề “dùng dao lam rạch da bó thuốc” mỗi khi bị chó dại cắn một cách hết sức nguy hiểm. Do thiếu hiểu biết nên nhiều người dân vùng sâu, xa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn cả tin và tốn tiền vào kiểu trị bệnh chưa hề có cơ sở khoa học nào khẳng định này.
Ông Nguyễn Văn Nho – Cán bộ Văn phòng UBND xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Hơn một năm trước, người con dâu út của ông Đặng Văn Vui (hiện đã chết) từng bị Công an huyện ra văn bản yêu cầu dừng ngay việc tổ chức chữa bệnh cho dân bởi không giấy phép. Tuy nhiên, qua phản ánh hiện hộ gia đình này vẫn tái hoạt động thì hướng tới xã UBND xã sẽ trình báo cáo lãnh đạo, đồng thời chờ hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.