Sống chung với hạn, mặn ở miền Tây

14:47 05/04/2020
Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Có thể nhận thấy quy luật tự nhiên đã thay đổi. Nếu vào năm 2016, ghi nhận 100 năm mới có trận hạn, mặn lịch sử, thì nay chỉ sau 4 năm đã lặp lại và có chiều hướng xấu hơn, gay gắt hơn.

Thực tiễn cho thấy cần phải thay đổi tư duy từ “chống” hạn, mặn thành “thích ứng” để tìm giải pháp hữu hiệu.

Lao đao vì thiếu nước ngọt

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn, mặn năm nay đã làm thiệt hại tổng cộng khoảng 39.000 ha lúa Mùa và Đông Xuân 2019-2020. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre có khoảng 5.000 ha diện tích lúa bị thiệt hại do xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn, thiếu nước sạch.

Vào thời điểm hiện tại, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định hạn mặn không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà các ngành khác như dịch vụ, du lịch cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Nước ngọt cho sinh hoạt là nhu cầu cấp bách của người dân vùng hạn, mặn.

Ghi nhận tại TP Bến Tre, từ đầu tháng 2 đến nay, tại khu vực Bến Lở (phường 1, TP Bến Tre) dịch vụ mua bán, trao đổi nước ngọt cho người dân với giá khá cao, khoảng 100.000 - 300.000 đồng/m3 (tùy vào đoạn đường vận chuyển - PV). Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ phường 1) cho biết gần 2 tháng nay, nước máy nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc rất tốn chi phí. Gia đình bà đành phải “bấm bụng” thắt chặt chi tiêu các khoản khác để mua nước ngọt với giá cao.

“Mỗi ngày, dù đã tiết kiệm tối đa nhưng gia đình tôi mất trên 100.000 đồng để mua nước ngọt. Mỗi tháng tốn trên 3 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với mức thu nhập của gia đình chúng tôi” - bà Ngọc nhẩm tính.

Do nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, nên các sà lan đi lấy nước ngọt phải đi xa hơn về phía thượng nguồn nên giá thành cũng cao hơn. “Tính ra bây giờ tiền xài nước ngọt tốn hơn tiền gạo” - anh Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1988, ngụ phường Phú Tân, TP Bến Tre) nói. Theo anh Phương, mỗi ngày đều đặn 3 cữ, 4h sáng, 12h trưa và 5h chiều, anh buộc 3 căn nhựa loại 30 lít lên xe máy rồi chạy ra khu vực Bến Lở để mua nước ngọt. Mỗi ngày gia đình anh Phương mất khoảng 150.000 đồng tiền mua nước ngọt.

Còn tại các huyện vùng nông thôn cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt, được khai thác từ các giếng tầng nông đến tận hộ gia đình với giá từ 150.000 đồng 350.000 đồng/m3, tùy đoạn đường vận chuyển gần hay xa. Dọc các tuyến đường ở các huyện ven biển như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú dễ dàng bắt gặp những chiếc xe công nông chở theo bồn nước ngọt phía sau để cung ứng cho các hộ dân. Nước ở đây chỉ có độ ngọt chứ chưa đảm bảo vệ sinh vì lấy từ những giếng tầng nông ở giồng cát chưa qua lắng lọc, xử lý.

Người dân tại TP Bến Tre cũng như các huyện trên địa bàn phải dành tiền mua nước ngọt với mức giá khá cao.

Sản xuất “cầm chừng”

Tại các huyện Châu Thành, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được coi là “thủ phủ” của sầu riêng. Tuy nhiên, hiện nay những vườn cây này có nguy cơ bị chết vì thiếu nước ngọt. Tại hai địa phương này dễ bắt gặp tình cảnh người người, nhà nhà đổ nhau đi mua nước ngọt về tưới cây. Người có điều kiện thì chạy xe ba gác, ô tô tải nhỏ, người không có phương tiện thì chở từng can nước để cứu sống từng cây sầu riêng trong vườn.

Ông Nguyễn Phi Long (ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) cho biết, từ đầu mùa đến giờ gia đình phải mua từng mét khối nước để cứu lấy vườn cây ăn trái. Ban đầu, hằng ngày ông Long tốn 300.000 đồng để mua 2 khối nước tưới cây. Xót tiền mua nước, ông Long đành lấy nước dưới mương để tưới cho cây, không ngờ cây bị rụng lá và trái.

Chợ Lách là huyện nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre nhưng cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn và xâm nhập mặn. Độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông và kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Lách đạt mức rất cao từ 4-6‰. Nhiều hộ sản xuất cây giống đang rất “đau đầu” tìm giải pháp trữ lượng phục vụ tưới tiêu. Còn tại ấp cù lao Tiên Lợi (xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), do được bao bọc bởi con sông Hàm Luông nên nước mặn xâm nhập đã ở mức 7-10‰. Nhiều nhà vườn như “đang ngồi trên đống lửa” khi sầu riêng rụng nhiều trái non và lá do thiếu nước ngọt phục vụ tưới tiêu.

Kênh Tham Thu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đang cạn đáy. Ông Nguyễn Văn Đỡ cho biết khi đang cố bơm, vét số nước còn sót lại lên để cứu 2 công lúa (1.000m2/công) đang làm đòng. Trên cánh đồng các xã Đồng Thạnh, Đồng Sơn, Bình Phú, Thạnh Trị, Bình Nhì thuộc huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), nước trên kênh đã khô cạn, đất nứt nẻ. Ruộng lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nhưng có nguy cơ chết khô vì thiếu nước. Các vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cũng đang “gồng mình” trong cơn khát hạn, xâm nhập mặn. 

Thay đổi tư duy để “sống chung” với hạn, mặn

Chia sẻ với phóng viên về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, khả năng khô hạn này đã được ghi nhận và cảnh báo từ mùa mưa năm 2019. Trong 2 tháng đầu mùa mưa, vũ lượng rất thấp, chỉ bằng 60% so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân chính là năm 2019, hiện tượng El Nino xuất hiện với mức độ cao trên toàn vùng Đông Nam Á.

Ngoài ra, từ cuối tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020, Trung Quốc tuyên bố giảm xả nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng từ mức 1.200-1.400 m3/s, xuống còn 800-1.000 m3/s và tiếp tục giảm xả xuống từ 504-800 m3/s trong ngày 4-1-2020. Hậu quả là nước mặn đã nhanh chóng vào sâu vùng ĐBSCL từ giai đoạn này.

Thực tế, ngay trong những tháng mùa mưa năm 2019, khi mà mưa đến trễ, lượng mưa quá ít, giới chuyên gia đã cảnh báo nhiều khả năng mùa khô hạn sẽ gay gắt. Thêm nữa vào khoảng tháng 7, 8-2019, các nước hạ nguồn sông Mê Kông đã chứng kiến một hình ảnh chưa từng thấy đó là mực nước của con sông có lưu lượng đứng thứ 10 thế giới này đã xuống thấp nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua.

Nhiều đoạn sông Mê Kông ở đoạn giáp biên giới Thái Lan, Lào cạn trơ cả đáy. Tương tự, ở Biển Hồ (Campuchia), hồ nước ngọt điều hòa vô cùng quan trọng đối với ĐBSCL, nguồn nước cũng suy giảm nghiêm trọng ngay trong mùa mưa.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL đánh giá rằng đối với ĐBSCL đã là quy luật, nếu quan sát mùa lũ năm trước là có thể đoán hạn, mặn năm sau. Đơn cử, năm 2015 lũ rất thấp, sang năm 2016 hạn, mặn lịch sử. Đến năm 2019 lũ lại thấp, sang năm nay 2020 hạn, mặn lại dữ dội như hiện nay.

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Bến Tre phát nước ngọt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn.

Theo Thạc sĩ Thiện, người dân vùng ĐBSCL cần phải thích ứng với hạn, mặn. Mà cụ thể là phải phân biệt năm cực đoan và năm phi cực đoan. “Thường sau năm cực đoan sẽ là những năm phi cực đoan. Năm nay là năm cực đoan. Vì vậy, chiến lược cho năm nay là “né” hạn mặn” - Thạc sĩ Thiện phân tích và diễn giải hạn, mặn không phải xảy ra ngay lập tức, đùng cái là tới ngay, mà đã được cảnh báo từ nhiều tháng nhưng có người tin, người không. Người tin đã “né” rồi, người nào không tin vẫn xuống giống và nay đã thấy thiệt hại.

Theo Thạc sĩ Thiện, về lâu dài, để giải quyết “bài toán” hạn, mặn ở ĐBSCL, thứ nhất phải tách chuyện nước sinh hoạt và sản xuất ra riêng biệt. “Trước đây, mình cứ nói ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cái này rất không ổn. Nước ngọt để sản xuất thì không sử dụng được cho sinh hoạt vì nước sản xuất bị ô nhiễm, thuốc trừ sâu, ô nhiễm. Tổng nhu cầu nước ngọt vùng ven biển là 100% nhưng nước sinh hoạt chỉ 5%.

Lâu nay chúng ta không không tách ra nên dẫn đến tình trạng không đáp ứng được cái nào cả, bây giờ thì phải tách ra. Đối với 5% nước sinh hoạt, mỗi hộ có thể làm ao chứa nước hay áp dụng các công nghệ nano, dùng túi vải địa chất để chứa. Song, ao nước ngọt dùng cho sinh hoạt phải cách biệt, an toàn. Đối với nước sinh hoạt thì từ xưa dân sống ở vùng mặn đã quen, nhà nào cũng ít nhất cả chục lu, hồ xi măng... để chứa nước ngọt.

Tách nhu cầu riêng, không vì cái nọ mà làm cái kia, lấp công trình lung tung. Không nên làm lúa trái mùa ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên để mùa nước có chỗ nước lũ vào, đồng ruộng hấp thu nước. Khi mùa khô nước từ từ rỉ ra bổ sung giúp cho vùng cửa sông cân bằng mặn, ngọt” - Thạc sĩ Thiện nói.

Nói về giải pháp thích ứng hạn, mặn cho vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL cho rằng, phải tiếp cận một cách tổng thể, phối hợp liên ngành.

“Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL đã có, đó là tầm nhìn dài hạn, là tư duy thích ứng thuận thiên, phát huy kinh nghiệm truyền thống bản địa. Tuy nhiên, đây là mới là một cái khung tạo thuận lợi cho người dân. Cần phải có đầy đủ các thông tin khoa học, cơ quan chức năng phải có cảnh báo sớm để người dân dịch chuyển. Nếu như không nâng cao được năng lực cảnh báo sớm của các cơ quan khoa học thì người dân cũng không biết.

Thứ hai, phải đồng bộ hạ tầng, nhất là nông nghiệp. Thứ ba, là nâng cao năng lực. Nếu trước đây bằng kinh nghiệm sản xuất, truyền thống thì bây giờ phải bước sang kinh tế tri thức, người dân phải nắm được thông tin. Ngoài thông tin về thời tiết, thủy văn thì còn thị trường nữa. Đừng đổ lỗi cho nông dân không nghe theo khuyến cáo” - Tiến sĩ Hiệp phân tích.

Đảm bảo an ninh lương thực

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, Viện đã nghiên cứu, lai tạo ra hơn 180 giống lúa, đáp ứng nhu cầu cho các địa phương và người dân trong vùng. Hiện nay, đất trồng lúa của ĐBSCL hơn 3,2 triệu ha, hằng năm sản lượng lúa đạt từ 24 đến 25 triệu tấn lúa. Với con số này, vùng ĐBSCL không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực mà góp phần rất lớn vào xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho vùng ĐBSCL cũng không hề nhỏ khi biến đổi khí hậu, hạn, mặn diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thì các địa phương cần quy hoạch lại vùng sản xuất; liên kết vùng, tiểu vùng để có những giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay.

“Đối với những vùng bị rủi ro rất lớn thì chúng ta chuyển hẳn sang cây trồng khác, hoặc là nuôi trồng thủy sản. Những vùng có tiềm năng duy trì ở đất lúa thì phải tuân thủ thời vụ, theo khuyến cáo của từng địa phương cụ thể, để chúng ta tranh thủ nguồn nước ngọt gieo trồng phù hợp với từng vùng” - Tiến sĩ Thạch cho biết.

Trần Lĩnh

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt ưebsite, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

Nhà đạo diễn kiệt xuất Roman Carmen đã cùng các đồng nghiệp Xôviết đến Việt Nam năm 1954 và làm bộ phim “Việt Nam”, ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của dân tộc ta.

Những suất quà chứa đựng nhiều tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Báo CAND và nhà hảo tâm, với mong muốn đồng hành cùng các em học sinh và giáo viên trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; qua đó cùng chung tay, góp sức nâng bước các em đến trường.

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Chính trị nội bộ của đảng Cộng hòa Mỹ lại trở nên bất ổn do nghị sĩ Marjorie Taylor Greene quyết tâm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi ông này thuyết phục Hạ viện thông qua gói viện trợ quân sự cho nước ngoài, trong đó có Ukraine.

Ngày 4/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Bình, SN 1994, trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ khiến 1 người tử vong.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12 do Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá mới đây là rất kịp thời, thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ của các lực lượng tham gia phá án.

Lê Phương Nam đã lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các Chi cục Kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng/suất; xin chuyển công tác trong lực lượng Công an có giá từ 200 - 450 triệu đồng/suất; xin vào học tại Trường Trung cấp Cảnh sát có giá từ 450-700 triệu đồng/suất…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文