Sự thật về "rò rỉ nguồn phóng xạ"... tại Bà Rịa - Vũng Tàu

16:00 09/01/2008
Một lãnh đạo Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân tỏ ý không đồng tình, việc một số phương tiện truyền thông đưa tin vụ việc nhưng chỉ trích dẫn như “rò rỉ phóng xạ" hoặc "rò rỉ nguồn phóng xạ"... Theo ông này "bức xạ nếu có ảnh hưởng đến con người, thì chỉ bằng một lần chụp CT toàn thân trong việc điều trị bệnh”.

Khoảng 14h ngày 28/12, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Dịch vụ dầu khí Hàng hải (PTSC M&C) đang làm việc tại Cảng hạ lưu trên đường 30-4, TP Vũng Tàu đã phải sơ tán đến khu vực an toàn khi phát hiện sự cố rơi nguồn chụp ảnh phóng xạ... Vụ việc sẽ không ồn ã nếu một vài cơ quan truyền thông đưa tin thận trọng và anh em công nhân được thông báo một cách đầy đủ và chính xác về sự cố.

Diễn biến vụ rơi nguồn chụp ảnh phóng xạ

Nhà thầu phụ Alpha có hợp đồng với Công ty Cảng Dịch vụ dầu khí PTSC và được phép tiến hành kiểm tra mối hàn số J19 trên sàn 2, giàn BOD theo giấy phép làm việc công trường (số 127, ngày 28/12/2007), sử dụng thiết bị chụp ảnh phóng xạ Model IRS 100 với nguồn phóng xạ kín Ir192, hoạt độ 26.68Ci.

Thời gian cho phép làm việc từ 11h30 đến 12h30 ngày 28/12. Alpha đã chọn thời điểm chụp ảnh phóng xạ vào thời gian nghỉ trưa để không ảnh hưởng đến công việc của công nhân PTSC M&C. Nhà thầu Alpha đã cùng các bên liên quan tiến hành tất cả các thủ tục, giấy phép cần thiết...

Đúng như kế hoạch, 12h30, Nhà thầu phụ Alpha kết thúc công việc và thu hồi trang thiết bị để giải phóng giàn cho công nhân làm việc.

13h30, công nhân PTSC M&C ra giàn để tiếp tục công việc như thường lệ...

13h55, nhà thầu phụ Alpha phát hiện nguồn phóng xạ bị rơi và thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp cách ly khu vực nghi có nguồn phóng xạ bị rơi và cũng ngay lập tức, Công ty PTSC M&C thông báo khẩn cấp và tổ chức cho công nhân rời khỏi giàn đến vị trí an toàn...

Khi kim đồng hồ chuyển sang 14h15, hoàn tất việc cách ly công nhân ra khỏi khu vực xảy ra sự cố. Cùng thời điểm này, Công ty PTSC M&C và Công ty Cảng Dịch vụ dầu khí đã báo cáo lãnh đạo Tổng Công ty và nhận được chỉ đạo trực tiếp xử lý sự việc; thực hiện ngay các giải pháp cần thiết để nhanh chóng khắc phục sự cố, tiến hành kiểm tra sức khỏe cho tất cả người lao động làm việc trong khu vực sàn BOD và áp dụng các chế độ chính sách tốt nhất có thể cho người lạo động...

15h, đội ứng cứu sự cố của Alpha có mặt tại hiện trường và bắt đầu công việc tìm kiếm thu gom nguồn. 40 phút sau, nguồn rơi Ir192 đã được đội ứng cứu sự cố Alpha thu hồi và đưa vào thiết bị chứa tạm thời. 16h20, nguồn được chuyển về kho chứa nguồn của Công ty Alpha tại Khu công nghiệp Đông Xuyên...

16h30, Công ty PTSC M&C, Cảng DVDK và Nhà thầu Alpha tiến hành họp với 396 công nhân làm việc tại khu vực xảy ra sự cố, thông báo và giải thích về sự cố kỹ thuật đã xảy ra. Anh em công nhân đã đề nghị làm rõ mức độ ảnh hưởng của sự cố tới sức khỏe người lao động.

Đêm cùng ngày, Cảng DVDK, Công ty PTSC M&C và Nhà thầu phụ Alpha đã làm việc với đại diện của Sở Khoa học - Công nghệ, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các bên cùng tiến hành đo phông bức xạ môi trường tại khu vực xảy ra sự cố, kết quả đo cho thấy phông bức xạ đo được bằng phông bức xạ môi trường...

Sáng ngày 29/12, các bên liên quan đến sự cố rơi nguồn chụp ảnh phóng xạ tiếp tục họp cùng toàn thể công nhân liên quan đến khu vực xảy ra sự cố, lập danh sách và phương án, bắt đầu triển khai việc đưa công nhân kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Lê Lợi, Trung tâm Y tế Vietsovpetro.

28 công nhân được cho là tiếp xúc với khu vực nguy hiểm (trong bán kính 5m) đi xét nghiệm tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt...

Sáng ngày 30/12, công trường và khu vực giàn BOD đã trở lại làm việc bình thường. 11 giờ cùng ngày, các bên liên quan tiếp tục tiến hành kiểm tra hiện trường, đo đạc các thông số bức xạ tại các vị trí trên mặt đất, vị trí rơi nguồn trên sàn 2 và khu vực xung quanh giàn BOD bằng 5 máy đo của Cục Kiểm soát an toàn bức xạ hạt nhân, Sở Khoa học - Công nghệ, Công ty PTSC M&C, Nhà thầu phụ Alpha, Trung tâm Hạt nhân TP HCM.

Địa điểm tìm thấy nguồn phóng xạ.

Với các thông số chi tiết ghi nhận được, thêm một lần khẳng định rằng: tại khu vực nguồn rơi được phát hiện (BOD) và công trường suất liều bức xạ bằng phông môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người lao động, môi trường xung quanh tại thời điểm đo hoàn toàn không có nhiễm bẩn phóng xạ và không có biểu hiện của sự rò rỉ phóng xạ.

Đêm ngày 30/12, tại công trường thi công Dự án Bunga Orkid của Công ty PTSC M&C, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty PTSC đã có một cuộc họp để trao đổi giữa các bên liên quan về sự cố xảy ra và đánh giá lại hiện trường.

Có thông tin của một số ít công nhân cho rằng, sự cố rơi nguồn xảy ra vào đêm 27/12 chứ không phải trưa ngày 28/12, và sáng 28/12, nhân viên của Alpha đã đến hiện trường để tìm "phóng xạ", ngày 29/12, một số báo cũng thông tin chi tiết này, khiến đa số công nhân thêm một lần nữa hoang mang.

Khi được hỏi về thông tin này, Nhà thầu phụ Alpha khẳng định sự cố nguồn rơi trong khoảng thời gian từ 11h30 đến 12h30 ngày 28/12, căn cứ theo các tài liệu, báo cáo và kiểm tra thực tế, Cảng DVDK và Công ty PTSC M&C cũng đồng ý với nhận định này.

Ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc Công ty PTSC M&C cho biết: "Giả sử sự cố mất nguồn xảy ra vào đêm 27/12, sáng 28/12, công nhân Alpha sẽ không dám lên hiện trường tìm kiếm khi mà họ biết đó là chất phóng xạ, lương tâm nghề nghiệp của một con người sẽ không để cho đồng nghiệp của mình rơi vào nguy hiểm"...

Ảnh hưởng của phóng xạ bằng một lần chụp CT toàn thân

Trao đổi với chúng tôi về sự cố rơi nguồn chụp ảnh phóng xạ này, ông Nguyễn Hữu Thời, Giám đốc Công ty Alpha NDT cho biết: “Ngay khi xảy ra sự cố, Alpha NDT đã xử lý theo quy trình được phê duyệt theo tiêu chuẩn của các dự án cùng loại được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Vì trước khi triển khai dự án này, chúng tôi cũng đã diễn tập ứng phó với sự cố trong trường hợp bị rơi nguồn".--PageBreak--

Mấy năm trước, vào tháng 11/2002, cũng đã xảy ra sự cố rơi nguồn phóng xạ khỏi một thiết bị đo chuyên dụng tại công trường của Công ty tàu biển Hyundai Vinashin, Nha Trang. Lần ấy, cũng chính Công ty Alpha thực hiện, trong lúc sửa máy chụp, các nhân viên của Alpha đã làm rơi ra ngoài thỏi iridium 192.

Một số cơ quan truyền thông ở thời điểm này phỏng đoán cục phóng xạ có độ bức xạ là 60Ci (Crie), trong lúc nhà cung cấp dịch vụ khẳng định độ bức xạ là 43Ci. Chỉ với mức chênh lệch độ bức xạ 17Ci đã là "một trời một vực", vì với độ bức xạ là 60Ci tiếp xúc trực tiếp bằng tay có thể dẫn đến hoại tử. Còn với độ bức xạ 43Ci, thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con người.

Dĩ nhiên, điều này không khẳng định cho việc khi cầm trực tiếp cục phóng xạ có bức xạ 43Ci sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Tại sự cố này, có vài công nhân bị nghi ngờ nhiễm phóng xạ, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nguồn tin nào cho hay họ bị nhiễm phóng xạ năm 2002 và có những dấu hiệu tiêu cực đối với sức khỏe của mình.

PV ANTG đang trao đổi với công nhân Văn Bá Quyền.

Có mặt tại khu vực bị rơi nguồn phóng xạ vào ngày 30/12/2007, Tiến sĩ Đặng Thanh Lương - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, các thành viên tham gia đã đo đạc thông số bức xạ tại vị trí rơi phóng xạ tại tầng 2 giàn BOB và bức xạ tại mặt đất theo chiều thẳng đứng của phóng xạ lẫn các khu vực xung quanh bằng 5 máy Indentifier GR 135 (máy có khả năng đo, xác định chính xác đồng vị phóng xạ) và đi đến kết luận độ bức xạ tại tất cả các khu vực được đo là... không có. Môi trường tại đây đã hoàn toàn bình thường và công nhân có thể tiếp tục làm việc.

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Thanh Lương, việc bị nhiễm phóng xạ với liều lượng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào các yếu tố, như: thời gian tiếp xúc với khu vực rơi phóng xạ là bao lâu? Khoảng cách là bao nhiêu? Xung quanh có vật gì che chắn hay không?

Hơn nữa, các triệu chứng biểu hiện tức thời của việc nhiễm lượng phóng xạ vào cơ thể cũng khác nhau, như: nôn mửa, rụng tóc (biểu hiện đặc trưng), tiêu chảy...

Tiến sĩ Đặng Thanh Lương tỏ ý không đồng tình, việc một số phương tiện truyền thông đưa tin vụ việc nhưng chỉ trích dẫn như “rò rỉ phóng xạ" hoặc "rò rỉ nguồn phóng xạ" đã vô tình ảnh hưởng đến tâm lý của các công nhân đang làm việc tại giàn khoan BOD trong lúc xảy ra sự cố. Vì trên thực tế, việc nguồn chụp ảnh phóng xạ bị rơi ra không thể nào đồng nghĩa với chuyện "rò rỉ phóng xạ" hay "rò rỉ nguồn phóng xạ".

Kết luận cuối cùng ông Đặng Thanh Lương đưa ra với tư cách là nhà khoa học: "Tôi cho rằng với bức xạ này nếu có ảnh hưởng đến con người, thì chỉ bằng một lần chụp CT toàn thân trong việc điều trị bệnh”.

Đồng thời, Tiến sĩ Lương cũng yêu cầu Công ty Alpha phải có báo cáo chi tiết vụ việc đến các cơ quan chức năng, rút kinh nghiệm về sự cố kỹ thuật và trao đổi với nhà sản xuất cung cấp thiết bị về sự cố kỹ thuật này.

Trở lại việc các công nhân có khả năng bị nhiễm phóng xạ qua sự cố này hay không, ngay khi sự cố xảy ra, 28 công nhân trong khu vực nguy hiểm đã được đưa đi xét nghiệm nhiễm xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng).

Theo đánh giá sơ bộ của PGS. TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - thì qua xét nghiệm ban đầu, có thể xác định các công nhân trên bị nhiễm xạ trong mức cho phép. Để chắc chắn hơn, Viện đang tiếp tục xét nghiệm kháng thể ADN cho số công nhân này.

Chúng tôi đã tiếp xúc với 2 trong tổng số 28 công nhân có mặt gần nhất ở khu vực rơi nguồn phóng xạ tại Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu vào sáng 31/12/2007 (sau khi trở về từ Đà Lạt, số công nhân này được tiếp tục đưa đến bệnh viện để xét nghiệm lượng hồng cầu trong máu).

Anh Văn Bá Quyền, 30 tuổi, Tổ trưởng Tổ áp lực trên giàn BOD, người chỉ đứng cách vị trí rơi nguồn phóng xạ chưa đến 1,5 mét nói: “Tôi cảm thấy sức khỏe của mình hoàn toàn tốt, không có triệu chứng gì khác biệt. Hiện tại, tôi có thể đi làm lại như bình thường".

Một công nhân khác, anh Phan Đình Anh (34 tuổi) làm việc ở khâu hàn xưởng cơ khí cũng là 1 trong số 28 người đứng gần khu vực rơi nguồn phóng xạ tỏ ra băn khoăn: “Tôi không cảm thấy dấu hiệu bất ổn nào trong cơ thể mình. Nhưng xét về mặt lâu dài thì cũng không dám chắc. Hiện, tôi không đưa ra lời đề nghị nào về chuyện bồi thường thiệt hại vì biết mình bị thiệt hại đến đâu mà đòi bồi thường?".

Trả lời tiếp câu hỏi của chúng tôi rằng liệu anh có đến công trình làm việc không, hay vẫn còn e ngại? Anh Phan Đình Anh nói thêm: "Tôi được biết môi trường ở khu vực tại công trình đã hoàn toàn bình thường, nên chẳng ngại gì về chuyện sẽ tiếp tục làm nữa".

Cần phải nói thêm rằng, ông Nguyễn Hữu Thời khẳng định sự cố xảy ra là do công nhân của ông quá tự tin trong lúc thực hiện các thao tác chụp ảnh phóng xạ. Sự tự tin là cần thiết cho công việc, tuy nhiên, bất cứ ở công trình nào thì chuyện an toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu. Mong rằng, qua sự cố này, Công ty Alpha NDT sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và không để xảy ra sự cố rơi nguồn phóng xạ thêm lần nữa.

Chúng tôi kết thúc bài viết này bằng lời của Tiến sĩ Đặng Thanh Lương trong buổi trao đổi với công nhân vào sáng 31/12/2007, khi các công nhân đòi được đưa đi xét nghiệm ở Singapore hoặc Mỹ: “Thật ra, trong môi trường tự nhiên của chúng ta đang sống luôn tồn tại các bức xạ ở mức cho phép. Cần phải nâng cao sự hiểu biết về bức xạ cũng như phóng xạ để tránh tình trạng hoảng loạn không đáng có"

Thuận Thiên - Kinh Luân

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文