Theo chân cảnh sát quản lý hành chính

08:46 19/11/2019
Cảnh sát quản lý hành chính là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có nghiệp vụ chuyên sâu, kiến thức toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Nhưng, quan trọng hơn, đó là tinh thần, thái độ tận tụy, trách nhiệm với công việc, trân trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân, coi người dân như người thân của mình.

Với phương châm đó, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hòa Bình luôn được nhân dân tin yêu, quý mến, gửi hàng trăm thư khen ngợi.

Ấn tượng với bà con vùng cao

Theo đoàn công tác của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi có dịp đến với bà con xã vùng cao Nà Mèo, huyện Mai Châu. Hay tin cán bộ Công an tỉnh đến thôn bản làm chứng minh nhân dân (CMND), bà con có mặt từ sáng sớm để được cấp giấy.

Ông Ngần Văn Mộc (77 tuổi, người dân tộc Thái, ở xóm Nà Mèo) được con cháu đưa đến sớm để làm thủ tục. Cán bộ tận tình thăm hỏi, giúp ông chụp ảnh, lấy dấu vân tay, kê khai lý lịch... khiến ông xúc động. Hay trường hợp anh Hà Văn Tuấn, 29 tuổi, có dấu hiệu bệnh thần kinh, gia đình có nguyện vọng làm CMND cho Tuấn.

Cán bộ Công an về cơ sở Cấp chứng minh nhân dân cho người dân.

Khi gia đình đặt vấn đề, Đại tá Hoàng Duy Dũng - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC đã chỉ đạo tổ công tác giải quyết tận nhà. Mặc dù quá trình lấy vân tay, chụp ảnh gặp nhiều khó khăn do Tuấn chống đối quyết liệt. Sau một hồi “vật lộn” với Tuấn, cán bộ công an mới hoàn thành được công việc.

Theo Trung tá Hà Thu Hiền - Đội trưởng Đội Chứng minh, hộ khẩu: “Những trường hợp như Tuấn không phải hiếm, song với tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, chúng tôi luôn coi người dân như người thân của mình, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích của bản thân, có như vậy chúng tôi mới được dân tin, dân yêu và ủng hộ”.

Lần khác, chúng tôi đến xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình để cấp CMND cho bà con nghèo. Đến nơi, bà con đã có mặt đông đủ ở trụ sở ủy ban xã từ khá sớm để được cấp giấy. Chỉ vì thiếu CMND mà bà con gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống. Trung tá Hà Thu Hiền chia sẻ, nhìn vào ánh mắt bà con, chúng tôi thấy ánh lên niềm vui. Các chiến sĩ cũng nhận thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng. “Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục có thêm những việc làm ý nghĩa để phục vụ nhân dân, làm đẹp hơn hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân”.

Chỉ trong buổi sáng, đoàn đã hoàn thành việc cấp trên 800 CMND cho bà con nơi vùng cao này. Với các trường hợp do tuổi cao, đau ốm, tàn tật... không thể đến làm thủ tục, đoàn cử cán bộ trực tiếp đến tận gia đình cấp CMND, thăm hỏi, tặng quà động viên. Trong chuyến đi này, đoàn đã tặng 20 suất quà có ý nghĩa cho bà con nghèo, động viên họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. 

Khó khăn trong quản lý cư trú

QLHC về trật tự xã hội bao gồm rất nhiều công việc phức tạp, phải nắm chắc nhân, hộ khẩu, di biến động của người dân trong toàn tỉnh. Muốn quản lý tốt con người thì phải nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Về vấn đề này, ở tỉnh Hòa Bình, Thượng tá Phạm Minh Thắng - Phó Trưởng phòng rút ra một bài học sâu sắc.

Đó là khi công trình nhà máy thủy điện hoàn thành, hàng trăm hộ công nhân với hàng ngàn nhân khẩu chuyển đi mà không làm thủ tục cắt chuyển hay tạm vắng. Mặt khác, do phải di dời vùng ngập lòng hồ sông Đà, bà con chạy tứ tán, trong đó rất đông gia đình chuyển vào Tây Nguyên định cư mà ngày đi chưa kịp làm thủ tục cắt chuyển gây nên những phức tạp không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều.

Trong thực tế, công tác quản lý cư trú và cấp CMND còn nhiều khó khăn, bất cập. Để có được một tấm CMND thì phải có sổ hộ khẩu. Sổ hộ khẩu lại do cấp xã, thị trấn lập (trừ ở cấp quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh vẫn do công an thành phố cấp). Do nể nang, có cán bộ cấp xã xác nhận hộ khẩu một cách vô tội vạ. Lợi dụng, một số người đã cố tình gian dối thông tin cá nhân.

Trường hợp của công dân Ngô Thị T. là một ví dụ điển hình. Là giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu, bà T đã tìm cách thay đổi ngày tháng năm sinh từ 20-10-1954 thành 17-7-1955. Khi có được giấy CMND với năm sinh 1955, bà T đã đòi cơ quan chủ quản cho tiếp tục công tác hoặc được hưởng trợ cấp nghỉ sớm theo quy định.

Một buổi cán bộ Công an về bản vận động người dân giao nộp súng tự chế.

Sự sai lệch về thông tin cá nhân giữa hồ sơ cán bộ và giấy CMND của bà T. làm UBND huyện Tân Lạc khó xử, bà T. còn liên tục ra yêu sách. Thậm chí, bà T. đã khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền.

Bằng kinh nghiệm trong nghề, Thượng tá Phạm Minh Thắng chỉ đạo thu thập thông tin ngay từ địa phương, nơi bà T. cư trú. Tại bản khai nhân khẩu được thiết lập từ năm 1999 do bà T. tự khai và ký tên ghi bà T. sinh 20-10-1954. Và ngày 25-9-1999, bà T. đã được cấp giấy CMND với ngày sinh 20-10-1954. Đây là năm sinh khớp với hồ sơ cán bộ của bà T. mà UBND huyện Tân Lạc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc quản lý.

Vậy tại sao bà T. lại có được giấy CMND với ngày sinh 17-7-1955 để đòi yêu sách với cơ quan chủ quản? Sự thể diễn biến như sau.

Biết mình sắp nghỉ hưu, bà T. mang một bản sao giấy khai sinh với ngày sinh 17-7-1955 lên “nhờ” xã xác nhận. Sau khi có bản sao giấy khai sinh này, bà T. làm hồ sơ xin cấp đổi hộ khẩu, rồi từ đó xin cấp đổi CMND. Khi có CMND mới do chính Công an tỉnh Hòa Bình cấp, bà T. nghĩ mình sẽ đạt được ý đồ gian dối. Nhưng với đầy đủ chứng lý, Thượng tá Thắng đã chỉ đạo cán bộ trực tiếp gặp và thuyết phục bà T. Sau đó ra thông báo hủy CMND số 113117110 mang tên Ngô Thị T. sinh ngày 17-7-1955 do Công an tỉnh Hòa Bình cấp ngày 20-5-2008, đồng thời hủy giấy khai sinh bản sao, quyết định thu hồi và hủy chứng thực bản sao giấy khai sinh của bà T.

Công an xã đã chỉnh sửa ngày tháng năm sinh trong hộ khẩu cho bà T. và cấp đổi sổ hộ khẩu cho bà T. là không có căn cứ pháp lý và phải chịu hình thức kỷ luật. Việc khiếu kiện của bà T. khép lại. Và rồi chính bà T. viết thư cảm ơn Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình về việc trên. 

Hay gần đây, qua công tác tra cứu, phát hiện việc làm giả CMND của Bùi Văn Tân và Lại Văn Dương cùng ở Yên Thủy, Hòa Bình. Do muốn đi xuất khẩu lao động mà chưa đủ tuổi, Tân và Dương đã dùng máy tính và kỹ thuật số sửa năm sinh rồi chụp lại CMND một cách rất tinh vi mà mắt thường khó có thể phát hiện.

Bên cạnh những sai phạm về làm giả CMND nêu trên thì trong những năm qua, bộ phận thường trực tiếp dân và kiểm tra hồ sơ CMND đã kịp thời phát hiện 33 trường hợp tráo người xin cấp đổi CMND. Điển hình như trường hợp Lê Quang Dương, sinh ngày 16-6-1986, thường trú tại Dân Hạ, Kỳ Sơn, đã tráo lấy thông tin của Lê Quang Duy, sinh 10-3-1981; Nguyễn Thị Xay, sinh năm 1985, trú tại Yên Mông, TP Hòa Bình tráo người lấy thông tin của Nguyễn Thị Bay, sinh năm 1982; Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1964, thường trú tại Kim Thư, Thanh Oai, Hà Nội, mượn sổ hộ khẩu, tráo người, lấy thông tin của anh Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1972, ở Lạc Thủy, Hòa Bình. Các trường hợp tráo người xin cấp đổi CMND đều với mục đích đi xuất khẩu lao động.

Nữ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tận tâm với công việc.

Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

Theo Đại tá Hoàng Duy Dũng, chuyển biến rõ nét về cải cách hành chính trong lực lượng cảnh sát QLHC là hầu hết các thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đã chuyển sang xu hướng phục vụ nhân dân thay vì “cơ chế xin - cho” như trước đây. Đã từng bước thay đổi những quy định không còn phù hợp, bố trí lại lực lượng, tập trung rà soát các văn bản QLHC, loại bỏ những thủ tục rườm rà, giảm thiểu những giấy tờ, thủ tục không cần thiết, chuẩn hóa các biểu mẫu thực hiện thống nhất, đẩy mạnh công khai hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại khi giải quyết thủ tục hành chính.

Với phương châm “làm hết việc không hết giờ”, “Thứ bảy vì nhân dân phục vụ”, trong 3 năm qua, Phòng Cảnh sát QLHC đã hoàn thành cấp 223.047 CMND trong toàn tỉnh, giảm 50% thủ tục hành chính liên quan đến cấp CMND, hộ khẩu, giảm thời gian cấp CMND xuống còn 7 ngày.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã bố trí cán bộ tiếp dân tại bộ phận một cửa Trung tâm hành chính công tỉnh Hòa Bình để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân. Đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh Hòa Bình chuyển, trả kết quả đến tận nơi cư trú, giảm thời gian đi lại, giảm chi phí cho người dân.

Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này được đào tạo, sử dụng thành thạo phần mềm cấp, quản lý CMND, thực hiện cấp phát CMND tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày ngày nghỉ.

Các cán bộ tặng quà cho người già neo đơn ở xã Tự Do, Lạc Sơn.

Đơn vị tổ chức hàng trăm cuộc cấp CMND tại các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc với 134.500 trường hợp. Phối hợp với Công an các huyện, thành đoàn tổ chức 21 lượt cấp CMND tại cơ sở cho 10.500 trường hợp. Đặc biệt, đơn vị còn tổ chức trên 1.028 lượt cấp CMND lưu động cho các đối tượng già, yếu, neo đơn, tàn tật, cấp cứu tại bệnh viện với trên 2.058 trường hợp.

Tại các buổi cấp CMND, đơn vị đã dành tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em không nơi nương tựa... động viên các gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được nhân dân hết mực tin yêu, quý mến và gửi trên 50 thư cảm ơn, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát QLHC.

Không chỉ đổi mới trên lĩnh vực cấp phát giấy CMND, Phòng Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội đã tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký con dấu theo cơ chế “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục cấp giấy phép khắc dấu từ 15 ngày xuống dưới 3 ngày, cấp giấy xác nhận ngành nghề kinh doanh đủ điều kiện về ANTT và đăng ký sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ 7 ngày xuống còn 1 đến 2 ngày, cảnh sát 113, cảnh sát trật tự tiến hành xử lý tại chỗ các lỗi vi phạm của công dân... tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ nhân dân.

Theo đánh giá của Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương trong cả nước đạt nhiều kết quả rõ nét, tiêu biểu trong tổ chức triển khai mặt công tác này.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Đại tá Hoàng Duy Dũng, điều quan trọng nhất, về nghiệp vụ là phải chuyên sâu, về thái độ là phải kính trọng, lễ phép với nhân dân. Luôn biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ công an hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Như Hùng

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文