Tình người ở xưởng đóng giày “độc nhất vô nhị”

07:55 23/12/2016
Trong khuôn viên Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) có một xưởng đóng giày chuyên sản xuất những đôi giày “độc nhất vô nhị” dành riêng cho các bệnh nhân phong. Gần 20 năm nay, những người thợ đóng giày nơi đây không chỉ lặn lội khắp khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên đo đạc từng đôi chân tật nguyền để có những đôi giày cho người bệnh, mà còn dành cả tình thương, sự sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn.

Kì công người thợ

Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa bao năm qua chẳng những là nơi cứu rỗi cuộc đời, xoa dịu đau thương, mà còn là nơi chuyên làm giày cho các bệnh nhân phong.

“Xưởng đóng giày đặc biệt này được hình thành năm 1997 do 2 tổ chức phi chính phủ Handicap International (HI) và Hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan (NLR) tài trợ. Cả nước hiện có 7 cơ sở đóng giày cho người bệnh phong gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa và TP Quy Nhơn. Trong đó, cơ sở tại Quy Nhơn là lớn nhất, chịu trách nhiệm cung cấp vật tư, đào tạo kỹ thuật cho các nơi khác”, anh Nguyễn Tâm (47 tuổi) - tổ trưởng tổ đóng giày cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc giày ở đây không chiếc nào giống chiếc nào. Có những chiếc bị mất đi phần mũi, có chiếc hình tròn, có chiếc cong vẹo, uốn éo đến kì dị. Mỗi chiếc giày khiếm khuyết mang một hình dạng, kích cỡ khác nhau. Ngay cả hai chiếc giày trong một đôi cũng khác nhau hoàn toàn. Cứ hình dung rằng, nếu giày không ghi số hiệu mà để lẫn vào nhau thì rất khó để tìm ra hai chiếc của một đôi.

Anh Tâm kể về nghề đóng giày “độc nhất vô nhị”.

Xem xong những chiếc giày kì dị, anh Tâm giới thiệu chúng tôi xem những mẫu chân giả để ở kệ dài sát tường. “Phải có những mẫu chân giả này các thợ giày mới có thể làm ra những chiếc giày vừa vặn cho từng bệnh nhân. Số lượng chân giả nhiều như vậy là bởi một phần số lượng bệnh nhân nhiều; phần nữa là nhiều trường hợp bệnh nhân không được điều trị dứt điểm, bàn chân cứ mỗi năm lại bị ăn mòn, thành ra cùng một bàn chân nhưng mỗi năm hình dạng, kích thước lại thay đổi. Hằng năm, cùng với những đợt kiểm tra, đo đạc, số mẫu chân giả tại xưởng cũng tăng lên”, anh Tâm chia sẻ.

Theo anh Tâm, về lý thuyết, người học qua 3 tháng là nắm được các bước cơ bản để đóng ra đôi giày. Tuy nhiên, thực tế để đóng một đôi giày cho bệnh nhân phong thì mất thời gian lâu hơn, tùy vào mức độ bệnh nặng nhẹ. Với những “ca khó” như chân bị lật, vẹo, cụt hết ngón... thì thâm niên học nghề hơn 5 năm chưa chắc đóng được. Với những trường hợp như thế phải đo đạc, thiết kế, tạo âm bản, dương bản rất phức tạp.

“Các công đoạn sau đó lại càng yêu cầu sự khắt khe, tỉ mỉ gấp nhiều lần. Ví như ngay cả việc dán keo tưởng chừng như đơn giản thế nhưng không phải vậy. Giày đối với bệnh nhân phong gần như vật bất ly thân, kể cả lúc... đi tắm. Vì thế, dán keo mà không kỹ là dễ bị bong tróc lắm”, anh Tâm bộc bạch.

Gian nan tìm chân người bệnh

Việc đóng giày cho người bị bệnh phong kể ra cực kì khó nhọc. Tuy nhiên, những điều đó có lẽ chưa là gì với so với những gian khổ mà những người thợ giày đối mặt trên hành trình đi tìm chân để đóng giày.

“Thợ giày bình thường thì khách hàng tìm tới mình để đóng giày. Còn thợ giày cho bệnh nhân phong thì ngược lại. Nhiều người vì bệnh tật, đi lại khó khăn và nhiều lý do khác mà không thể đến xưởng nên mình phải đi tìm họ. Xưởng giày phục vụ các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nên anh em phải chia nhau địa bàn để đảm nhiệm công việc”, anh Tâm cho biết.

Một đôi giày có hình thù kì dị.

Những người thợ cho biết, trong các chuyến đi thực tế về địa phương, các anh gặp khó khăn, nhất ở khu vực Tây Nguyên. Ở các buôn làng xa xôi, nhận thức của đồng bào thiểu số còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng kì thị, hắt hủi người bệnh. Nhiều người bệnh bị buộc phải sống riêng một góc, thậm chí bị đuổi vào rừng sống vì sợ lây bệnh. Để làm giày cho họ, những người thợ phải lặn lội vào tận buôn làng để tìm gặp, thuyết phục, vận động từng bệnh nhân.

Anh Lê Viết Đức (48 tuổi) tâm sự: “Hằng năm, mỗi người chúng tôi đi về các buôn làng khoảng 2 lần. Từ Quy Nhơn, chúng tôi lái xe máy hàng trăm cây số về các buôn làng tìm người bệnh. Lần đầu tiên đến một làng xa xôi ở Gia Lai tìm người bệnh, tôi vừa hỏi, dân làng đã sợ bỏ chạy vì sợ lây bệnh. Lúc tìm đến nơi thì ngay cả bệnh nhân cũng muốn tránh mặt vì sợ người lạ. Vì bất đồng văn hóa, ngôn ngữ nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, thuyết phục họ. Nhưng mỗi người đều cố gắng hết sức để thuyết phục họ đưa chân cho đo”.

Là người có thâm niên hơn 20 năm làm giày và đi rất nhiều buôn làng Tây Nguyên, anh Tâm gặp nhiều cảnh dở khóc dở cười. “Tôi nhớ mãi lần đến một xã nằm heo hút ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), sau khi thuyết phục được bệnh nhân, tôi cứ tưởng mọi việc thế là êm xuôi rồi. Thế mà khi chuẩn bị đắp thạch cao để lấy mẫu bàn chân đem về thì tôi lại không tìm ra nước để pha bột. Hỏi ra mới biết là đồng bào sinh hoạt tắm giặt ở ngoài suối chứ không trữ nước ở nhà. Tôi phải đi bộ gần 1 cây số ra suối lấy nước về, rồi mới loay hoay làm. Nhọc nhằn thế đấy!”, anh Tâm bộc bạch.

Mỗi chiếc giày là một sự sẻ chia

Trong 8 thợ giày ở xưởng thì đã có đến 7 người ở tại làng phong Quy Hòa. Ngay từ những ngày đầu, họ đã có ý nguyện học nghề đóng loại giày đặc biệt này, bởi họ cũng là con, cháu của bệnh nhân phong. Sự đồng cảm và sẻ chia của những con người ấy có từ trong máu. Hơn ai hết, họ thấu hiểu bao khó khăn, bất tiện của người bệnh. Thiếu một thứ đơn giản nhất trong cuộc sống như đôi giày cũng trở thành một vấn đề nan giải.

Anh Nguyễn Tấn Mẫn (48 tuổi) là con thứ 7 trong gia đình có bố mẹ đều bị bệnh phong. Ngay từ lúc bé thơ, anh theo bố mẹ, anh chị vào làng phong Quy Hòa nương náu. Năm 1997, anh Mẫn được đưa đi học đóng giày tại TP HCM 3 tháng rồi trở về làm việc từ đó.

“Hầu hết người mắc bệnh phong đều mất cảm giác ở chân nên khi giẫm gai, vật nhọn, họ không biết, vết thương mỗi lúc một nặng thêm. Vậy nên đôi giày chẳng những là vật nâng đỡ mà còn xoa dịu vết đau, làm hạn chế bớt độ tàn tật của người bệnh. Đôi giày êm ái là khát khao, là ước mơ, là một món quà rất ý nghĩa mà nếu người thợ không đồng cảm khó có thể hiểu được. Chính vì thế, để làm được nghề này, người thợ cần phải có cái tâm, trái tim yêu thương người bệnh”, anh Mẫn tâm sự.

Anh Khieophone tập trung thực hành thao tác cắt đế giày.

Cũng là con của những bệnh nhân phong nhưng anh Đức đến với nghề dường như là bởi duyên số. Trước kia, anh làm đủ thứ nghề mưu sinh, từ thợ may đến đi biển, rồi mới dừng lại nơi đây. Thấm thoắt đã gần 20 năm  anh Đức gắn bó với những đôi chân tật nguyền, những đôi giày khiếm khuyết, ở đó chất chứa bao tình thương, sự cảm thông.

“Những người bị bệnh phong thường che giấu bệnh của mình. Họ cố mang những đôi giày bịt kín chân để không ai phát hiện. Thế nên khi tìm đến đóng giày cho họ, mình phải lấy tấm lòng ra thuyết phục, phải chia sẻ nỗi đau với họ, mới mong giúp họ có được đôi giày để giảm bớt những cơn đau”, anh Đức chia sẻ.

8 người với 8 câu chuyện đời, chuyện nghề khác nhau nhưng điểm chung là họ rất ngại khi kể về hoàn cảnh gia đình. Ngày ngày, họ lặng lẽ làm ra những sản phẩm xoa dịu thương đau cho những bệnh nhân phong. Hằng tháng, mỗi người thợ hoàn thành định mức 24 đôi. Tuy nhiên các anh phải tranh thủ làm cả ngày Thứ 7, Chủ nhật để có được nhiều sản phẩm phục vụ người bệnh, dù chỉ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chắc chắn rằng, với họ đây không đơn thuần là nghề mưu sinh, mà còn là sự sẻ chia từ những điều giản đơn nhất để mong cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Niềm vui truyền nghề

3 tháng nay, xưởng giày có thêm niềm vui khi đón nhận một học viên rất đặc biệt. Đó là anh Khieophone Khamphoumy (25 tuổi) - nhân viên y tế làng phong Champasak. Anh là một trong số 8 học viên của nước bạn Lào hiện đang được đào tạo tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ngày 16-9, Khieophone bắt đầu làm quen với công việc ở xưởng và hiện đang được các thợ hướng dẫn chỉ dạy cách làm giày cho bệnh nhân phong.

Anh Khieophone được các thợ giày ở đây giới thiệu 3 loại giày cơ bản dành cho người bệnh phong. Vì còn nhiều bỡ ngỡ, nên anh được các thợ giày ở đây nhiệt tình cầm tay chỉ việc mỗi khi vẽ mẫu và cắt da theo kích cỡ của các mẫu chân khác nhau. Dù việc học tập gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng anh rất quyết tâm.

Vừa trực tiếp hướng dẫn cho Khieophone cắt da, anh Tâm vừa vui vẻ cho biết: “Khieophone không biết nói tiếng Việt, cũng không biết nói tiếng Anh. Tôi thì không biết tiếng Lào nên có giao tiếp với nhau được đâu, thế nên việc dạy nghề hoàn toàn theo kiểu cầm tay chỉ việc. May mắn là cậu ấy sáng dạ, chỉ đâu hiểu đó, lại chịu khó nên tiếp thu tốt”.

Những chân giả của các bệnh nhân được lưu giữ tại xưởng giày.

Nói rồi, anh Tâm chia sẻ: “Ở bên Lào có nhiều người mắc bệnh phong, nhưng lại chưa có vật tư y tế phục vụ cho họ. Thế nên học viên rất vui khi được sang đây để học cách làm giày cho người bệnh. Người bệnh phong dù là ở đâu thì cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi tâm niệm rằng mình phải tận tình hướng dẫn cho học viên. Đó là cách để chúng tôi san sẻ tình thương đến với bệnh nhân phong của nước bạn”.

Rời xưởng đóng giày “độc nhất vô nhị” này, chúng tôi rảo bước quanh làng phong Quy Hòa nằm bên ngoài tường rào bệnh viện. Bao đau thương của bệnh nhân phong như mỗi ngày một lùi xa khi họ được chữa trị thuốc men, được nâng niu bằng những đôi giày đặc biệt. Tận mắt nhìn người bệnh nhờ có đôi giày “đặc chế” mà tự đi lại trên những đôi chân tật nguyền mới thấy hết được niềm vui của họ, càng thấm thía hơn công việc thầm lặng, sự hi sinh của những người thợ giày nơi góc nhỏ bệnh viện.

Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, xưởng đóng giày Quy Hòa sản xuất 2.500 đôi/năm, phục vụ bệnh nhân tại chỗ và các tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

“Việc đóng giày cho bệnh nhân phong rất nhọc nhằn, địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, nếu không làm bằng tình yêu thương và tâm huyết thì khó có ai đủ bền để theo nghề được. Với người bệnh, việc có được một đôi giày vừa vặn với chân mình là một điều thật sự hạnh phúc. Nhờ đó, họ không những có thể đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn, mà còn giúp giảm thiểu rất nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tật trong cuộc sống và công việc thường ngày”, bác sĩ Anh cho biết.

Phan Nhuận Phin

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Trong những ngày qua, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong những tình huống khẩn trương, nguy cấp, hành động tặng khăn lạnh và nước mát cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường càng nhân lên những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT.

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文