Ước mơ của “thiên thần không cánh”

22:45 09/12/2016
Có những số phận khi sinh ra không được lành lặn về cơ thể, phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng với ý chí mãnh liệt, họ đã vượt lên hoàn cảnh để sống và để nuôi dưỡng ước mơ. Cháu gái 8 tuổi Nguyễn Thị Sơn Dương, ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng, Hải Dương) là một trường hợp đặc biệt như vậy.

Khi sinh ra Sơn Dương đã không may mắn bởi bị thiếu đôi cánh tay, song bằng nghị lực phi thường, cháu đã nỗ lực vươn lên để trở thành một học sinh giỏi. Nhiều người dân ở thôn Bầu và nhiều học sinh ở trường Tiểu học Lai Cách 1 rất khâm phục trước ý chí nghị lực của “thiên thần không cánh” Nguyễn Thị Sơn Dương.

Số phận thiệt thòi

Một ngày tháng 11, giữa tiết trời se lạnh chuyển mùa, cuối thu sang đông, chúng tôi tìm đến nhà của bé Sơn Dương sinh sống ở thôn Bầu, thị trấn Lai Cách. Người hàng xóm già tốt bụng gọi cửa giúp tôi. Ra mở cửa là một người phụ nữ còn trẻ, lúc đầu tôi tưởng là mẹ của cháu Sơn Dương. Chị mời tôi vào trong nhà, còn chị mải tiếp tục quét sân.

Vào trong nhà tôi thấy một bé gái độ chừng 8 tuổi đang chơi cùng 3 cháu bé nhỏ hơn độ 2 - 3 tuổi. Cháu bé gái ấy có gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to nhưng thiếu hai cánh tay. Dù chưa gặp nhưng trước khi đến đây tôi được một anh bạn quê ở Cẩm Giàng giới thiệu: “Cháu bé này tên là Sơn Dương, năm nay 8 tuổi. Lúc chào đời cháu đã không có hai cánh tay rồi. 4 năm trước tôi đến chơi, lúc đó mới 4 tuổi nhưng cháu đã biết làm nhiều việc bằng đôi chân nhỏ bé của mình... Nếu đi học, bây giờ cháu cũng đã học lớp 3 rồi”.

Cháu Sơn Dương kẹp bút vào chân để viết chữ.

Những lời giới thiệu của người bạn trùng khớp với cháu gái đang đứng trước mặt tôi. Tôi nhẹ nhàng hỏi: “Cháu có phải là Sơn Dương không?”. Cháu gái ấy bẽn lẽn nhìn tôi vừa gật đầu, vừa trả lời: “Vâng ạ!”. Trả lời tôi xong, cháu lại chạy ra chơi với mấy em nhỏ.

Trò chuyện với người phụ nữ vừa mở cửa mời tôi vào nhà, được biết chị chỉ là người hàng xóm. Chị cho biết, bố mẹ cháu Sơn Dương đi làm không có nhà, còn ông bà nội đưa một cháu đi tiêm phòng chưa về. Tôi ngồi nhìn cháu Sơn Dương chơi với các em nhỏ, thỉnh thoảng hai mẩu thịt ngắn ngủn từ khớp bả vai ngọ nguậy cà vào má, vào cằm như thể đang gãi cho khỏi ngứa.

Một lúc sau, ông bà của bé Sơn Dương về. Biết cháu chưa được ăn sáng, ông Thắng lại tất tả dắt xe đi mua đồ ăn. Nhìn cháu Sơn Dương ăn ngon lành mà chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Phần bún của bé Sơn Dương được ông đổ vào bát to rồi đặt ở bậc nhà. Như thói quen hằng ngày, bé Sơn Dương ngồi ở bậc thềm, chân trái giữ bát bún, chân phải điều khiển đôi đũa để “gắp” bún lên ăn. Bé làm rất thành thạo và ăn rất ngon lành, chỉ một loáng đã hết bát bún to mà không để rơi vãi ra ngoài.

Chúng tôi một lần nữa ứa nước mắt khi ông Thắng kể chuyện về cháu...

Trước đây, gia đình ông Thắng sống ở Quảng Ninh, đến năm 2003 mới chuyển về quê sinh sống. Vợ chồng ông Thắng sinh được 4 người con trai, trong đó anh Nguyễn Văn Tuyên (bố cháu Dương) là con trai thứ hai. Năm 23 tuổi, anh Tuyên lập gia đình với chị Hoàng Thị Lương Hiền. Khi chị Hiền có thai, cả nhà ông Thắng vui mừng lắm. Trong suốt thời kỳ mang thai, chị Hiền có bị cảm cúm nhưng đi khám thai bác sỹ thông báo, thai vẫn phát triển bình thường.

Khi gần đến tháng đẻ, vợ chồng Tuyên lên Hà Nội siêu âm, với ý định đẻ mổ ở năm “lợn vàng” 2007 cho may mắn. Nhưng buồn thay, bác sỹ cho biết thai nhi bị thiếu 2 tay. Vợ chồng anh Tuyên buồn rầu về thông báo kết quả cho bố mẹ biết. Lúc đó mọi người mới vỡ lẽ, ai cũng đau xót.

Ngày 1-2-2008, chị Hiền sinh con gái bị khuyết mất 2 cánh tay và gia đình đặt tên cháu là Nguyễn Thị Sơn Dương. “Nhìn thấy cháu nội bé bỏng, xinh đẹp lại thiếu mất 2 tay, chúng tôi buồn lắm, thương cháu vô cùng”, ông Thắng tâm sự.

Việc nuôi bé Sơn Dương cũng rất vất vả, vì cháu khóc suốt đêm, khiến cả gia đình không ai ngủ được. Mỗi khi tắm hay đưa cháu đi tiêm phòng, các thành viên gia đình và các y, bác sỹ đều ái ngại, cảm thương. Bé Sơn Dương lớn bình thường như các cháu bé khác “3 tháng biết lẫy, 9 tháng biết đi”.

Lúc biết đi là lúc cực nhất của bé Sơn Dương. Vì không có tay để đỡ, để chống nên cháu thường xuyên bị ngã. Mỗi lần ngã như cây chuối đổ, chuyện sứt đầu mẻ trán xảy ra như như cơm bữa. Những lần chứng kiến con ngã máu mồm máu mũi tuôn trào, vợ chồng ông Thắng và vợ chồng anh Tuyên đau xót vô cùng.

Nhìn ông Thắng mắt đỏ hoe khi kể về đứa cháu gái bé bỏng thiệt thòi, tội nghiệp của mình, khiến tôi cũng rất xúc động, cảm thông cho ông và thương cháu Sơn Dương. Nếu cháu không bị khuyết thiếu đôi tay, có lẽ cháu sẽ rất xinh đẹp và không phải chịu nhiều đau đớn khổ sở bởi những cú ngã như “cây chuối đổ” đem lại.

Ước mơ gieo mầm từ nước mắt

Đến khi bé Sơn Dương được 3 - 4 tuổi, để cháu không bỡ ngỡ với cuộc sống nên cứ đi chơi đâu xa, vợ chồng ông Thắng lại cho bé Sơn Dương đi cùng. Vợ chồng ông Thắng còn mua máy tính, nối mạng Internet cho cháu xem. Những lúc không đi chơi đâu xa với ông bà, bố mẹ bé Sơn Dương lại “đánh” bạn với cái máy tính xem phim hoạt hình và chơi các trò chơi. Vợ chồng ông Thắng và bố mẹ cháu Dương cũng hướng dẫn tập cho cháu làm một số động tác, một số việc bằng đôi chân bé nhỏ.

Do không có đôi tay, bù lại Sơn Dương lại có đôi chân rất mẫn cảm, cứ tập một động tác gì, hay làm một việc gì, bé chỉ ngượng nghịu lúc ban đầu, sau đó chỉ thời gian ngắn cháu có thể làm được. Bé Sơn Dương có thể làm những việc đơn giản như quét nhà, lau nhà, nhặt rau, cầm thìa, cầm đũa, điều khiển thìa, đũa bằng chân... Ông Thắng bảo: “Để cháu tập làm quen với công việc giúp cháu khỏi lạ lẫm, ngượng nghịu và có phản ứng linh hoạt thôi. Chứ chúng tôi chẳng bao giờ khiến cháu làm việc gì cả”.

Cháu Sơn Dương bên ông nội, người luôn chăm sóc cháu hết lòng.

Mặc dù không đi học mẫu giáo nhưng ở nhà Sơn Dương được ông bà hướng dẫn, chỉ bảo cho những đồ vật, màu sắc, con chữ, con số, dạy tập nói, tập hát, tập viết bằng chân. Lúc thì bé kẹp phấn viết, vẽ nguệch ngoạc ra sân, lúc lại cặp bút chì, bút dạ viết, vẽ ra giấy. Nhìn thấy cháu, con hí hoáy viết, vẽ bằng chân, tuy chưa thành hình gì, chữ gì nhưng vợ chồng ông Thắng và bố mẹ cháu vui mừng đến rơi nước mắt.

Đến tuổi đi học, bé Sơn Dương được chị dâu ông Thắng là bà Trần Thị Dung, giáo viên Trường Tiểu học Lai Cách 1 đến động viên, hướng dẫn trong suốt 3 tháng hè trước khi bé Dương vào lớp 1. Bà Dung kể: “Cháu Dương chỉ bị khuyết tật 2 tay thôi, chứ cơ thể cháu, trí não cháu phát triển bình thường. Nhưng vì cháu không đi học mẫu giáo, mầm non nên việc tiếp xúc hòa đồng với bạn bè, với cô giáo, nhận mặt chữ, viết chữ sẽ hạn chế hơn các bạn khác. Nếu không hướng dẫn cho cháu khi vào lớp 1 sẽ khó theo kịp các bạn. Nghĩ vậy, tôi dành 3 tháng hè để hướng dẫn cho cháu một số kiến thức, kỹ năng cơ bản của trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 để cháu khỏi bỡ ngỡ.

Các cháu bé bình thường viết bằng tay khi bắt đầu cầm bút tập viết cũng rất chật vật, huống chi cháu Sơn Dương lại tập viết bằng chân thì sẽ khó hơn gấp nhiều lần. Trước hết tôi hướng dẫn cho cháu cầm bút chì, cầm phấn bằng chân cho thành thạo, cách kẹp bút, kẹp phấn ra sao cho bút, cho phấn không rơi và  điều khiển bút viết cho dễ dàng. Hằng ngày, cứ chiều chiều, một bà một cháu đánh vật với bút với vở, với phấn với bảng. Lúc đầu, do chưa quen nên lúc viết được nét này khi chuyển sang viết nét khác chân cháu lại xóa luôn nét vừa mới viết, vì chân cháu chưa quen không nhấc lên được. Tôi phải hướng dẫn cháu mỗi khi viết xong nét nào phải nhấc gót chân để di chuyển mới không xóa những nét đã viết.

Lúc đó, cháu chưa viết được ngay đâu, tôi yêu cầu cháu tô theo nét chữ mà tôi viết sẵn. Nhìn cháu bặm môi, gồng người để viết, mồ hôi tứa ra mà thấy thương cháu quá chừng. Hai tuần đầu, cháu mới biết tô những nét sổ thẳng, gạch ngang. Những bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua, các nét chữ đã được cháu Sơn Dương tô, viết thành thạo. Cháu rất nỗ lực, chịu khó. Ngoài thời gian bà hướng dẫn về nhà cháu phải tập rất nhiều. Sau 3 tháng hè, cháu đã viết được những nét sổ thẳng, gạch ngang, xiên phải, xiên chéo... Tôi rất mừng khi cháu đã có thể điều khiển được đôi chân của mình để viết nên được những nét chữ đầu tiên” - bà Dung chia sẻ.

Rồi năm học mới cũng đến, bé Sơn Dương háo hức được ông nội dẫn đến trường. Nhà trường phân bé Sơn Dương vào học lớp của một giáo viên trẻ. Ông Thắng nghĩ cháu mình được học ở lớp của một người họ hàng nên cũng thấy yên tâm. Nhưng buổi chiều ông Thắng đi đón cháu, ông thấy gương mặt cháu mình buồn thiu, rầu rĩ chẳng nói chẳng rằng.

Về đến nhà ông Thắng cùng bà và bố mẹ gặng hỏi mãi, bé Sơn Dương mới òa lên khóc tức tưởi. Vừa khóc bé vừa nói: “Con không đi học nữa đâu. Tại mẹ sinh con ra không có tay nên đi học cô giáo không nói, không dạy con học gì cả. Chẳng ai chơi, nói chuyện với con”. Nhìn con trẻ khóc tức tưởi, mọi người trong gia đình chết lặng, xót xa.

Cháu Sơn Dương dùng chân kẹp đũa để gắp đồ ăn.

Những ngày sau đó, dù gia đình nói như thế nào bé Sơn Dương cũng không đi học nữa. Ông Thắng đến phản ánh với ban giám hiệu nhà trường, rồi nhà trường cho phép bé Sơn Dương được tự chọn cô giáo. Nghỉ học mất khoảng 1 tuần, gia đình động viên mãi cuối cùng bé Sơn Dương mới đi học trở lại. Bé được chuyển vào học lớp cô Oanh. Được cô giáo mới quan tâm, chỉ bảo tận tình, bé Sơn Dương dần hòa nhập với các bạn trong lớp.

Để cháu quen được, tôi phải mất mấy tháng liền đưa cháu đi học và phải ngồi lại trong lớp với cháu. Vừa để cháu vững tâm, vừa hướng dẫn, động viên cháu học. Khi cháu quen dần, tôi mới không ngồi học cùng cháu nữa mà ra đứng ngoài cửa lớp. Một vài tháng sau, cháu quen hẳn tôi mới về”, ông Thắng tâm sự.

Bé Sơn Dương học rất chăm chỉ. Cứ chiều nào, ông hay bà đón về, bé lại vào bàn học và làm bài tập về nhà ngay, chứ không đi chơi. Ông nội bé bảo: “Cháu tiết kiệm lắm, vở cháu tận dụng viết kín dòng, kín trang mới thôi, chứ không bỏ dòng bỏ trang lãng phí như các bạn khác đâu. Có lẽ cháu sợ nếu viết bỏ trang lãng phí nhanh hết vở sẽ tốn tiền của ông bà, bố mẹ. Tôi cứ phải động viên cháu, cứ viết hết vở ông lại mua, cháu không phải lo. Thành tích năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi”.

Nói xong ông Thắng đứng dậy, đi ra chỗ tủ lấy giấy khen của cháu cho tôi xem. Giấy khen lớp 1 và lớp 2 nhà trường tặng cho cháu với thành tích hoàn thành xuất sắc trong học tập, khiến tôi rất khâm phục.

Khi tôi ngỏ ý muốn được xem cháu viết, được ông bà động viên, cháu đã lấy giấy bút viết cho tôi xem. Mọi thao tác từ mở hộp bút, lấy bút, rồi kẹp bút vào chân bé làm rất thành thục. Quyển vở đặt xuống mặt ghế, chân trái cháu kê vào mép vở để giữ, còn chân phải kẹp bút viết. Từng nét chữ nắn nót hiện lên trang giấy kẻ ô ly.

Một lúc sau Sơn Dương viết xong dòng chữ: “Nguyễn Thị Sơn Dương, lớp 3B, Trường Tiểu học Lai Cách 1”. Tôi lại ngỏ ý bảo cháu viết bằng tiếng Anh, bé viết tiếp 2 từ tiếng Anh: “Hello”. Tôi còn xem một số vở viết của cháu, chữ cháu khá đẹp mà nhiều bạn viết bằng tay cũng không bằng.

Tôi hỏi cháu: “Sau này, lớn lên con ước mơ làm gì?”. Bé Sơn Dương nhìn tôi ngại ngùng, không nói rồi chạy lên tầng chơi với các em. Ông nội cháu đỡ lời: “Những lúc hai ông cháu nói chuyện tâm sự, tôi thường đùa sau này con phải học tiếng Anh thật giỏi mới làm ra nhiều tiền để nuôi ông. Còn hằng ngày, ông cháu nói chuyện, cháu thổ lộ ước mơ sau này làm bác sỹ chữa bệnh cứu người!”.

Còn bà Dung, người đã dạy bé Sơn Dương trước khi bé vào lớp 1 cho biết: “Trong quá trình dạy cháu, trò chuyện với cháu, nắm bắt các biểu hiện của cháu, tôi thấy cháu có biểu lộ mong ước sau này làm giáo viên. Lúc dạy học, cháu hay đố lại tôi lắm...”

Việt Cường

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文