“Virus” vô cảm!

08:35 23/04/2020
Đại dịch COVID-19 đang chao đảo cả thế giới. Còn ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị và đại bộ phận người dân đang nỗ lực từng ngày, từng giờ kìm chân SARS-CoV-2, không để nó lan rộng ra cộng đồng. Chúng ta đã đạt được những kết quả mà thế giới đánh giá cao. Thế nhưng, có một loại virus khác, con virus mang tên “vô cảm” đang tấn công cộng đồng mạng.

Nó mang đến cảm xúc tiêu cực, làm tổn thương, gây nhiễu loạn. Câu chuyện đau lòng về đoạn clip ghi tại một cây “ATM gạo”, hay chuyện xử lý người bán rau ở Quảng Ninh mới đây là điển hình.

Từ một clip phản cảm...

Ngày 20/4, tràn ngập mạng xã hội Facebook là một clip dài hơn 5 phút ghi lại hình ảnh ở một cây “ATM gạo” phát miễn phí cho người nghèo. Nhân vật chính trong clip là một cô gái mặc đồ đen đứng xếp hàng chờ đến lượt nhận gạo với chiếc túi nilon trên tay. Thế nhưng, khi em chuẩn bị nhận gạo thì đột nhiên có tiếng loa phát ra: “Em áo đen ra khỏi khu vực phát gạo giùm chị!” Cô ngơ ngác, lúng túng rời khỏi khu vực phát gạo mà vẫn không quên để lại chiếc túi nilon.

Em mang theo vẻ ngượng ngùng, lủi thủi ra chỗ có chiếc xe máy có người chờ sẵn. Ống kính camera của ai đó dõi theo em từ lúc xếp hàng cho tới khi em đi khuất với những lời bình luận không đáng nhắc đến. Tôi tin rằng em đang bị tổn thương, tổn thương nghiêm trọng.

Tôi thật sự thấy sốc khi xem đoạn clip này. Hình ảnh một cô gái lầm lũi, không phản ứng, không một lời giải thích và chấp hành nghiêm túc chỉ dẫn của người điều hành qua chiếc loa tại nơi này cứ ám ảnh tôi. Không hiểu những người cùng đến nhận gạo miễn phí đang ở đó đã nghĩ gì? Họ có cảm thấy bị tổn thương giống như em gái kia không, khi có những ánh mắt dõi theo, quan sát từng cử chỉ, hành động cho đến bộ quần áo, giày, mũ trên người?

Người dân đi nhận gạo từ thiện tại cây ATM gạo ở Trung tâm Thể dục - Thể thao quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Sau khi clip tung lên mạng, đã có những lời cay nghiệt dành cho thiếu nữ này. Nhưng, mừng là những lời động viên, chia sẻ với em cũng khá nhiều. Cũng có nhiều chỉ trích dành cho người quay và tung clip lên mạng. Facebooker Ánh Sáng bình luận: “Đã làm từ thiện thì xem như cho đi. Ai đến nhận cũng được, tại sao phải xem xét ăn mặc, phương tiện đi lại như thế nào? Không lẽ ăn mặc bẩn một xíu, đi bộ thì mới có tư cách sao? Người ta đã khó khăn đến mức nào thì người ta mới đi, mà đã là từ thiện thì đặt cái tâm vào giùm cái”.

Facebooker Nguyen Nguyen: “...Có nghèo đói người ta mới đến xin, chứ ổn rồi thì người ta không đến nhận của từ thiện (trừ số rất ít người tham lam lợi dụng). Đã có tâm từ thiện thì không phân biệt, ai đến đều được nhận quà, kể cả người ăn mặc sạch sẽ. Buồn quá, thương bé quá”...

Có rất nhiều sẻ chia với cô bé mang dáng vẻ tomboy mặc quần áo sạch sẽ với cách nhìn nhân văn như vậy, dù mọi người đều chưa biết hoàn cảnh thực của thiếu niên này. Và ngay sau đó, đã có thông tin rằng cô bé là người An Giang rời nhà đi kiếm tiền.

Một người dân đã đi tìm cô bé và nghe kể câu chuyện trong nỗi buồn vô hạn. Rằng, cô bé bị mẹ gọi điện: “Tối má gọi la em, nói em làm bậy gì để người ta lên án?”. Cô bé chỉ mong sao mọi người đừng đăng clip này nữa vì lo sợ khi hết dịch sẽ không đi xin được việc làm.

Không chỉ vậy, cũng tại điểm phát gạo ATM này, một cô gái chừng 20 tuổi còn bị người quay clip hoài nghi. Lấy gạo xong, cô bị giữ lại để trả lời về hoàn cảnh của mình. Đó là sự xúc phạm người đến nhận gạo.

Họ là nạn nhân của một thứ virus vô hình mà hậu quả của nó là sự tổn thương về tâm hồn, là sự thật phơi bày về những người mang danh từ thiện thiếu cái tâm khi không nhớ đến lời răn “của cho không bằng cách cho”.

 ...đến phong trào hùa theo đám đông

Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là bởi trước đó cộng đồng mạng và báo chí đã nhiều lần lên án hành động lợi dụng từ thiện trong dịch bệnh COVID-19 để trục lợi. Người ta phê phán, chửi rủa, dùng ngôn từ cay nghiệt để nói về một người mà chỉ dựa vào những vật ngoại thân như xe tay ga hay mặc quần áo tươm tất. Tất nhiên, không loại trừ trường hợp người không thực sự cần mà vẫn lấy hàng.

Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định họ là người không thiếu thốn. Bởi, bất kỳ ai cũng có thể sa cơ, có thể gặp khó khăn cần được giúp đỡ, nhất là trong hoàn cảnh mọi thứ đình trệ như hiện nay.

Có những con người sống bằng nguồn thu hằng ngày, ráo mồ hôi là hết tiền. Bởi thế, khi họ không có việc làm, không được lao động thì đồng nghĩa với khó khăn. Chẳng lẽ cứ phải mặc áo rách, áo vá, hay trông vẻ lôi thôi, khổ sở thì mới là khó khăn sao?

Người xưa đã có lời dạy “giấy rách phải giữ lấy lề”, thế nên lúc khó khăn người ta cũng phải cố gắng giữ cho mình sạch sẽ, tươm tất nhất có thể. Người ta cũng không thể bán chiếc xe duy nhất của mình, hoặc kiếm một bộ quần áo ra bộ dạng khổ sở. Đâu cần phải thế! Quan trọng là ý thức tự giác và lòng tự trọng của người đến nhận hàng từ thiện vì chỉ họ mới biết rõ họ có cần thực sự hay không.

Một người bạn của tôi đưa ra quan điểm thế này: “Miếng ăn là miếng nhục, trong lúc khó khăn người ta mới phải thế nào mới hạ mình đi xin hoặc lấy thức ăn cứu tế. Nhưng, nhiều người vẫn xúm vào chửi rủa thậm tệ khi thấy một người đàn ông đi xe máy lấy nhiều túi cơm, một ông Tây đứng bên đường xin việc làm và thức ăn... dù chưa biết vì sao họ hạ mình để làm việc đó. Đã vô cảm xin đừng mạt sát, cay nghiệt, xúc phạm, miệt thị người đi lấy đồ cứu tế, dù đôi khi có người này người khác. Làm từ thiện không nên khoe khoang, thể hiện”.

Ở cây gạo ATM tại Hà Nội hay một số địa phương khác, chúng tôi đã chứng kiến nhiều người muốn giấu mình chỉ bằng chiếc khẩu trang bé xíu trên khuôn mặt, muốn giấu đi cả thân phận khi cúi mặt bất đắc dĩ nhận món quà từ thiện. Họ cũng sợ bị soi xét, thậm chí là mang tâm lý hoang mang khi không biết mình có phải là đối tượng được hưởng ân huệ đó không, có bị xét nét không. Bởi họ biết, ai cũng có thể là nạn nhân của mạng xã hội.

Và một thái độ đúng mực           

Đại dịch COVID-19 đã “phát lộ” những thứ tưởng chừng hiếm hoi trên cuộc đời này. Đó là những tấm lòng thiện nguyện, chân thành nhường cơm sẻ áo với người khốn khó hơn mình.

Đó là những cụ già đi bộ đến chốt kiểm dịch tặng một quả bầu, mớ rau, là những người dân nhắn tin hoặc trực tiếp ủng hộ công tác phòng, chống dịch, là lớp thanh niên tình nguyện dũng cảm, tạm gác hạnh phúc riêng để đồng lòng cùng cả nước ngăn chặn dịch bệnh lây lan... Sự thống nhất, đồng lòng “chống dịch như chống giặc” đã lan tỏa và vô cùng đẹp đẽ.

Những người đi nhặt phế liệu xếp hàng giãn cách để nhận gạo, mỳ từ thiện tại số 52 phố Hoa Bằng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Huyền Châm.

Thế nhưng, dịch bệnh cũng làm lộ ra nhiều vấn đề khác. Đó là có những người thiếu ý thức, gây nhiễu loạn xã hội bằng hành động thiếu hiểu biết hoặc cố ý trục lợi như sản xuất sản phẩm chống dịch rởm, chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ... 

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quản lý và chính trị an ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Việc đổ xô vào chửi một sự việc, hiện tượng nào đó thể hiện văn hóa sử dụng mạng hạn hẹp, thậm chí là vấn đề đạo đức, là tâm lý đám đông, bầy đàn. Chúng ta lên án việc lợi dụng từ thiện để vụ lợi, tuy nhiên điều đáng lên án hơn và đáng phê phán hơn là người quay phim tung lên mạng. Hành vi của một người dân có thể là không tốt trong việc nhận quà từ thiện nhưng người quay hình ảnh đưa lên mạng trong khi chưa biết rõ thực hư thế nào thì những người đó phải xem xét về mặt đạo đức. Hành vi đó gây nhiễu loạn xã hội, gây ra sự không lành mạnh trong truyền thông, thiếu tính nhân văn. Hành vi đó làm tổn thương, ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp của họ, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức từ thiện và làm ảnh hưởng đến mục đích làm từ thiện”.

Vẫn là câu chuyện tung clip lên mạng xã hội. Ngày 19/4, dư luận lại một phen dậy sóng với clip bà Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy, Quảng Ninh chỉ đạo xử lý một người bán rau, vi phạm quy định về trật tự đô thị và Chỉ thị cách ly xã hội trong dịch bệnh.

Những lời nói không chuẩn mực của một vị công bộc của dân đã khiến dư luận phẫn nộ. Cộng đồng mạng lại đổ xô vào chửi bà Phó Chủ tịch này và có vẻ như đã quên đi lỗi cố tình vi phạm nhiều lần của người bán rau trong dáng vẻ nghèo khổ.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, đầu tiên chúng ta phải tôn vinh ý thức công dân và ý thức tôn trọng luật pháp. Dù đó là ai thì cũng phải tôn trọng pháp luật nên phải nhìn nhận công bằng. Chị bán rau, trước hết là người có lỗi, gây ra lỗi.

Thứ nhất là đã không chấp hành các quy định của Nhà nước, của địa phương về quản lý trật tự đô thị, nhất là trong lúc đang có dịch bệnh. Thứ hai là cố tình gây ra phức tạp bằng cách không chấp hành, không thiện chí chấp hành, không ý thức được trách nhiệm công dân. Khi cơ quan thực thi nhiệm vụ nhắc nhở, xử lý thì chị này không có cách sửa đúng là tôn trọng chấp hành mà gào thét gây bức xúc, thậm chí còn có thái độ hơi manh động.

Tiếp theo, chúng ta phải nói đến cán bộ. Về mặt thi hành công vụ, việc làm của họ là đúng đắn, dùng công cụ thực hiện là cần thiết. Kể cả công cụ về pháp lý, về lực lượng, dùng biện pháp thuyết phục giáo dục, kể cả biện pháp cưỡng chế là nhiệm vụ, trách nhiệm, bổn phận họ phải làm. Tuy nhiên, kỹ năng và cách thức của người xử lý công việc còn nhiều hạn chế.

Ở vị trí ấy, từ lời nói, hành vi, động tác cần chặt chẽ, kiên quyết nhưng phải có sức thuyết phục, tôn trọng người dân, tôn trọng luật, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo với tinh thần đạt hiệu quả cao nhất, tạo được đồng thuận của người dân, duy trì được kỷ cương thay vì tạo ra sự xung đột, đối đầu. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền xử lý việc này phải có cầu thị và đúng mực.

Kỹ năng, cách thức xử sự của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, chưa kể một số người có thái độ, hành vi hống hách, thiếu tôn trọng người dân, thiếu chừng mực. Những trường hợp đó phải phê phán, phê bình, xử lý. Nhưng, chúng ta phải xem từng hoàn cảnh cụ thể để đánh giá chứ không nhìn một chiều.

Mạng xã hội ảo mà thực. Bởi hằng ngày, hằng giờ mạng xã hội đang tác động lớn đến xã hội và từng cá nhân cụ thể. Thậm chí, mạng xã hội có thể dẫn dắt dư luận theo chiều hướng nó muốn.

Thế nên, mỗi người dân phải có thái độ cộng đồng, nên ủng hộ những gì tốt đẹp, thuận lợi cho xã hội thay vì đả kích cá nhân. Chúng ta có quyền phê phán nhưng không dồn trách nhiệm về một phía mà phải có căn cứ, gắn vào hoàn cảnh cụ thể để có cái nhìn điềm tĩnh hơn, tích cực hơn, khách quan, toàn diện hơn, đồng thời đảm bảo quy định của pháp luật với tinh thần xây dựng xã hội trật tự, văn minh và nhân văn hơn.

Người dân đi nhận gạo từ thiện tại cây ATM gạo ở Trung tâm Thể dục - Thể thao quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Những người đi nhặt phế liệu xếp hàng giãn cách để nhận gạo, mỳ từ thiện tại số 52 phố Hoa Bằng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Huyền Châm.

Nhìn vào mặt tích cực để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn

Việc đưa thông tin lên mạng có hai cấp độ xử lý khác nhau. Một là đưa thông tin mang tính tội phạm, hoặc liên quan đến tội phạm như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tuyên truyền chống chế độ, tung tin sai sự thật... phải xử lý theo quy định.

Trường hợp thứ 2 là liên quan đến đạo đức và nhận thức. Nội dung hay những bình luận trên mạng xã hội chưa đến mức xử lý bằng pháp luật thì chỉ có thể điều chỉnh bằng dư luận xã hội và sự nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội, cộng đồng lên án, vạch trần.

Xây dựng cái tốt đẹp trên không gian mạng tốt dần lên thì đến một lúc nào đó cái xấu sẽ bị lạc lõng. Tại sao trong cuộc sống không nhìn vào điều tích cực mà cứ nhìn vào tiêu cực? Trong dòng chảy của xã hội, cái gì tích cực sẽ vẫn phát triển.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn

Việt Hà

Chiều 28/11, với 452/452 (94,36%) đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Minh.

Ngày 28/11, thông tin từ UBND xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, liên quan đến bài viết rừng keo lá tràm của nhiều hộ dân ở thôn Phước Hưng, xã Hoà Nhơn bị san phẳng trong quá trình thi công dự án logistics cạnh đó mà Báo CAND đã phản ánh, chính quyền địa phương đã buộc đơn vị san gạt bồi thường và thực hiện cải tạo phần đất để người dân tiếp tục trồng lại rừng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, diễn ra ngày 25/11/2024 vừa qua đã xem xét, cho ý kiến việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bên hành lang Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với quan điểm của Trung ương.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện công tác dân vận đối với việc lập và triển khai quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ nơi phát sinh, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa yêu cầu bị can Nguyễn Đăng Thuyết (SN 1970, nơi thường trú: phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội và bị can Nguyễn Thị Hòa (SN 1978, nơi đăng ký thường trú: phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) là Giám sát kế toán thuế Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh và Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi ra đầu thú.

Trong những năm qua, tại tỉnh Quảng Trị, hoạt động mời thầu, tham gia đấu thầu và chấm thầu đối với dự án đầu tư công trên địa bàn, thường xuyên bị đơn thư kiến nghị, khiếu nại và tố cáo. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng chủ yếu xử lý hành chính như tạm dừng, hủy bỏ đấu thầu để đấu lại, mà không điều tra, xác minh sâu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình trạng sai phạm này lặp đi lặp lại nhiều.

Ngày 28/11, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH, Bộ Công an) cho biết, sau một thời gian tranh tài, đêm chung kết Cuộc thi quốc tế tìm kiếm giải pháp công nghệ (Dữ liệu với cuộc sống - Data For Life 2024) đã diễn ra tối 27/11, tại Đài Truyền hình Việt Nam, với sự góp mặt của 6 đội là X-Fea, NCB-CDS-AIML, Small World Big Venture, ZeroToHero, GoTrust, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文