Vợ chồng người thương binh sẻ chia cơm áo với đồng đội

14:35 24/01/2017
Trở về cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể đã nằm lại chiến trường, vợ chồng người cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc (64 tuổi) và Trần Thị Tám (62 tuổi, ở khu vực 3, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) không chỉ chống chọi với bệnh tật, mà còn đứng ra thành lập Công ty TNHH-TMDV 27/7 (trụ sở tại tổ 6, khu vực 5, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) chuyên lắp ráp xe đạp.

Điều đáng nói, công nhân làm việc trong công ty là những thương binh có điều kiện kinh tế khó khăn, được quy tụ về từ khắp nơi trên đất nước. Suốt mấy năm nay, họ đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho nhau như những người thân trong gia đình.

1. Nhìn bề ngoài, đôi chân của Giám đốc Công ty TNHH-TMDV 27/7 Lữ Hoàng Đốc lành lặn, đi lại bình thường, nhưng ít ai biết rằng ông chỉ còn 1 chân, chân còn lại đã gửi ở chiến trường trong 1 trận đánh lớn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam tại huyện Hoài Nhơn vào năm 1974. Ông Đốc sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng chiêm trũng thuộc xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tuổi thơ lớn lên chứng kiến cảnh quê hương bị kẻ thù tàn phá, ông luôn tỏ rõ ý chí căm thù giặc. Đến năm 1969, khi ấy mới 16 tuổi, chàng thanh niên Đốc gia nhập hàng ngũ lực lượng an ninh vũ trang địa phương.

Ông Đốc cho biết: “Tôi nhập ngũ tại địa phương, rồi theo sự phân công của cấp trên, đơn vị tôi sống trong dân, ăn với dân, ngủ cùng dân khắp các địa phương trên chiến trường các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định. Những thời điểm bị địch truy lùng gắt gao, đơn vị tôi, mỗi người một nơi bí mật rút lên rừng trú ẩn. Qua đợt càn quét, chúng tôi lại về nương nhờ người dân để hoạt động.

Vợ chồng cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc.

Dù gian khổ nhưng với lòng căm thù giặc, những người lính như chúng tôi bằng mọi quyết tâm phải chiến đấu vượt qua, với mong muốn quê hương nhanh chóng sạch bóng quân thù”.

Ngày 11-11-1974, trong lúc đang cùng đồng đội chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì chân phải ông Đốc giẫm mìn tại chiến trường xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn). Ngay sau đó, ông được đồng đội đưa về Trạm Y tế Bác Ái để điều trị. Tuy nhiên, khi về đến nơi, lượng máu mất quá nhiều cùng những va chạm trên đường làm vết thương của ông bị nhiễm trùng nặng, phải phẫu thuật cắt bỏ chân.

“Khi về đến Trạm Y tế Bác Ái thì tôi đã ngất lịm vì mất máu quá nhiều. Lúc ấy, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân của tôi. Nhưng rồi, sau đó vết thương lại nhiễm trùng, các bác sĩ lại cắt bỏ thêm một đoạn. Rồi đến lần thứ ba, sau khi cắt bỏ, tôi chỉ còn giữ lại được 1/3 chân phải. Những tháng ngày sau đó, tôi vì dành thời gian điều trị nên không tham gia chiến đấu nữa. Bây giờ nhìn trong ống quần lành lặn như vậy, nhưng thật ra là đeo chân giả đấy”, người thương binh tâm sự.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người thương binh 1/4 Lữ Hoàng Đốc được điều động về làm việc tại Công an thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Làm việc tại đây được 3 tháng thì ông được đưa đi điều dưỡng tại TP Quy Nhơn. Đến năm 1976, Bộ LĐ-TB&XH mở trường dạy nghề cho thương binh tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), ông Đốc được đưa đi học nghề vô tuyến điện. Tại đây, ông gặp bà Trần Thị Tám là vợ ông bây giờ.

“Ngày đó cứ nghĩ mình bị thương tật làm việc khó khăn, cơ quan tạo điều kiện cho đi học nên cũng cố gắng học cái nghề. May mắn khi tôi vào học là vừa có cái nghề, vừa có được vợ”, ông Đốc thổ lộ.

Trụ sở Công ty TNHH-TMDV 27/7.

Ngồi trò chuyện, bà Tám bảo quê bà ở Quảng Nam. Bà Tám cũng tham gia cách mạng năm 1969, khi ấy mới 14 tuổi. “Đến năm 1971, tôi công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam. Trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972, tại chiến trường huyện Quế Tiên (huyện Hiệp Đức bây giờ), tôi bị dính bom B52, chấn thương đầu, thương binh hạng 1/4. Đến năm 1976, tôi được đưa đi học nghề điện cơ ở Thủ Đức. Tại đây, tôi và anh Đốc gặp nhau, rồi yêu nhau. Đến năm 1979, chúng tôi ra trường rồi cưới nhau”, bà Tám cho biết.

Ông Đốc ở khu trưng bày sản phẩm của công ty.

2. Sau một thời gian ngắn sống ở quê nhà Hoài Thanh, năm 1980, vợ chồng ông Đốc từ quê vào TP Quy Nhơn lập nghiệp. Tại đây, ông xin vào làm ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Định; còn bà Tám buôn bán nhỏ và chăn nuôi. Đến năm 1988, ông Đốc xin nghỉ làm ở đài, về nhà cùng vợ buôn bán phụ tùng và lắp ráp xe đạp với quy mô nhỏ.

Hồi tưởng về quá khứ, bà Tám tâm sự: “Lúc mới cưới, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm hai vợ chồng đều thương tật, nhiều lúc tôi nghĩ sau biết sống ra sao, rồi chuyện con cái nữa. Người ta đủ chân đủ tay, đầu óc nguyên lành lo cho con cái ăn học còn mướt mồ hôi, huống gì cơ thể không lành lặn như chúng tôi. Chưa hết, mỗi lúc trái gió trở trời là vết thương cũ của hai vợ chồng lại đau buốt, nhiều đêm ngủ không được. Nhưng rồi, nhờ chịu thương chịu khó làm ăn, vợ chồng tôi cũng vượt qua được khó khăn, kinh tế bắt đầu khá dần lên. Đến nay, 2 đứa con đều ăn học nên người”.

Năm 2010, khi nhà có của ăn của để, vợ chồng ông Đốc liền nghĩ đến những anh em đồng đội cũng đã bỏ lại một phần xương máu tại chiến trường giờ đang có hoàn cảnh khó khăn nên muốn làm việc gì đó để tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Nghĩ vậy, vợ chồng ông thuê 900m2 đất công ích của Nhà nước tại phường Nhơn Phú để thành lập Công ty TNHH-TMDV 27/7 chuyên lắp ráp, kinh doanh, buôn bán xe đạp trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận.

Cựu binh Huỳnh Đức Lâm đang lắp ráp xe đạp.

“Sau khi thành lập, tôi quy tụ được gần 50 cựu chiến binh từng là đồng chí, đồng đội của vợ chồng tôi vào làm việc để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh em nào còn đủ 2 tay thì làm công việc lắp căm xe đạp, vào trục, cân vành. Những người còn 1 tay thì vặn ốc. Ai mất cả 2 tay, 1 chân thì đảm nhận công việc giao dịch, tìm đầu ra cho sản phẩm của công ty. Tùy vào thương tật của mỗi người, tôi bố trí công việc phù hợp để đạt năng suất cao nhất”, ông Đốc cho biết.

Theo ông Đốc, lương cao hay thấp tùy thuộc vào sức khỏe của từng người, ai bị thương tật nặng, nằm viện nhiều ngày trong tháng thì mức lương thấp. Ai ít bị thương tật hành hạ, làm đều công thì có lương cao. Tuy nhiên, với những cựu chiến binh làm việc nơi đây, mỗi tháng kiếm thêm từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, với họ là rất vui.

“Nhìn anh em, người mất 1 tay, người mất 1 chân, người không còn chân nào, người không còn tay nào... nhưng ai nấy đều hăng say lao động và sống đầy nhiệt huyết, tôi vui lắm. Hơn 6 năm nay, chúng tôi đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho nhau dưới mái nhà chung mang tên Công ty TNHH-TMDV 27/7”, ông Đốc bộc bạch.

Cựu binh Lê Anh Tuấn phụ trách việc tìm đầu ra cho sản phẩm của công ty.

Hôm chúng tôi đến, cựu chiến binh Huỳnh Đức Lâm (56 tuổi, nhà ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đang cặm cụi với công việc của mình. Vừa làm, ông Lâm vừa cho biết: “Tôi nhập ngũ tháng 3-1981, là lính tình nguyện Campuchia, đến tháng 6-1982 tôi bị thương và mất chân phải, hiện là thương binh 1/4. Vì chỉ mất chân phải nên tôi đảm nhiệm công việc lắp láp 2 bánh và vỏ xe.

Công việc lắp ráp xe đạp không có gì khó, tập chừng 1 tháng là làm thuần thục, càng làm càng lên tay nghề. Không làm thường xuyên những mỗi tháng tôi cũng có khoản thu nhập trên 3 triệu đồng. Như vậy là vui lắm rồi”.

Một thành viên khác của công ty là cựu chiến binh Lê Anh Tuấn (56 tuổi, nhà ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cũng là lính tình nguyện Campuchia, nhập ngũ năm 1981, đến tháng 12-1987 thì bị thương, mất 2 tay và 1 chân phải, hiện là thương binh đặc biệt. Ông Tuấn là trường hợp đặc biệt ở công ty. Ông phụ trách việc quản lý, nhắc nhở mọi người làm việc; đồng thời phụ trách việc quảng bá, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

“Mùa đắt hàng nhất trong năm là mùa hè, thời điểm học sinh chuẩn bị vào năm học mới. Những học sinh đạt điểm cao trong năm học, hoặc chuyển cấp thường được cha mẹ thưởng cho chiếc xe đạp mới để đi học. Do đó, mùa này là mùa hút hàng, anh em làm không hết việc. Mỗi mùa hè công ty chúng tôi bán ra thị trường khoảng 2.000 chiếc xe đạp các loại”, ông Tuấn vui vẻ nói.

3. Theo ông Đốc, khó khăn của công ty hiện nay là khu sản xuất quá chật hẹp, nhiều khi anh em phải đứng ngoài hiên nhà để làm việc. “Năm 2012, công ty xin thuê thêm 3.000m2 đất công ích của phường Nhơn Phú để xây dựng khu sản xuất, nhà làm việc, nhà nghỉ và khu nhà vệ sinh cho công nhân. Thủ tục xin đất của chúng tôi đã được cấp phường, cấp thành phố thông qua, nhưng lên đến tỉnh thì bị tắc, không biết vì lý do gì”, ông Đốc giãi bày.

Chia sẻ về những dự định đang ấp ủ, bà Tám cho biết: “Những con em đồng đội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn rất nhiều, nhưng chúng tôi chưa thể bố trí được việc làm vì diện tích của công ty quá chật hẹp. Nếu thuê thêm được 3.000m2 để mở rộng công ty, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ việc làm với gia đình những đồng đội còn khó khăn. Hằng năm vào ngày 27-7, rồi các ngày lễ, tết... công ty dành hàng trăm suất quà tặng đồng đội, những hoàn cảnh khó khăn”.

Ông Nguyễn Cảnh Liêm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Lê Hồng Phong, cho biết: “Vợ chồng cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc không chỉ là tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi, mà còn là những công dân gương mẫu để con cháu noi theo. Với những đóng góp cho địa phương, vợ chồng ông Đốc đã được chính quyền địa phương tặng nhiều giấy khen về gương thương binh làm kinh tế giỏi. Giờ đây, đã ngoài 60 tuổi, con cháu thành đạt, nhưng với đôi tay và khối óc của mình, vợ chồng ông Đốc vẫn hăng say lao động”.

Những hình ảnh, những việc làm của hai vợ chồng người thương binh Lữ Hoàng Đốc không chỉ là niềm hạnh phúc của chính bản thân họ, mà còn là niềm vui, là chỗ dựa của nhiều đồng đội - những người trở về cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể nằm lại chiến trường, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Họ minh chứng cho xã hội thấy giá trị, phẩm chất của những người lính, người thương binh “tàn nhưng không phế”.

Phan Nhuận Phin

Trong hơn 30 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực di dời khoảng 40 nghìn căn nhà lụp xụp trên và ven nhiều tuyến kênh, rạch chính. Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hàng trăm nghìn người dân sinh sống ven các tuyến kênh, rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn gần 40 nghìn căn nhà nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh, rạch cần di dời để phục vụ chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước, phát triển các tuyến giao thông thủy nội địa, cải thiện ô nhiễm môi trường cho hàng triệu người dân đang sinh sống dọc theo các lưu vực kênh. Do đó, ngày 28/5 vừa qua Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố tờ trình kèm theo dự thảo Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà trên và ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2025-2030…

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc rà soát, duy trì chính sách giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí, đảm bảo quyền lợi cho người dân sau khi địa phương thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) tại TP Hồ Chí Minh phát đi cảnh báo về tình trạng các đối tượng mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế, thậm chí cả Sở Y tế để lừa đảo người dân. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin xã hội đối với ngành y tế.

Tối 12/7, Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 khép lại với màn tranh tài đỉnh cao bên bờ sông Hàn. Đội Jiangxi Yangfeng (Trung Quốc) xuất sắc giành ngôi Quán quân, trong khi đội chủ nhà Z121 Vina Pyrotech (Việt Nam) ghi dấu ấn lịch sử khi lần đầu góp mặt ở chung kết, khẳng định vị thế pháo hoa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Hơn 2,5ha rừng phòng hộ ven biển nhằm ngăn chặn tình trạng cát bay, sạt lở và xâm thực bờ biển ở thôn An Lộc (xã Quảng Công cũ, nay là phường Phong Quảng, TP Huế) vừa bị phát hiện cưa hạ. Đáng chú ý, khu vực rừng phòng hộ bị xâm hại này đang là điểm nóng về tình trạng sạt lở. Toàn bộ số cây sau khi bị cưa hạ đã được đưa ra khỏi hiện trường.

Vụ cháy cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa) ở TP Hồ Chí Minh khiến 8 người tử vong và nhiều người khác bị thương không phải là lần đầu cháy nổ ở các cư xá, chung cư. Có thể nói, đa phần ở các chung cư, cư xá cũ, cháy nổ thường xuất phát từ chuyện hạ tầng xuống cấp, cùng với buông lỏng quản lý từ địa phương, sự coi thường những nguyên tắc sống chung của cộng đồng dân cư...

Một trong những điểm đột phá của Luật Nhà giáo vừa được ký ban hành là việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo. Đây được xem là bước điều chỉnh quan trọng nhằm khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lí, phát triển đội ngũ nhà giáo. Từ đó, góp phần từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong một cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, thủ môn Nguyễn Filip thẳng thắn nói về vấn đề của bóng đá Việt Nam. Một trong số đó đến từ chính các cầu thủ Việt Nam. Ngoài hạn chế khát vọng ra nước ngoài, nhiều tài năng ở V.League cũng chẳng buồn cầu thị ngay cả khi mắc sai lầm.

Chủ trương bỏ thuế khoán của các hộ kinh doanh là vấn đề gây xôn xao dư luận vì nó ảnh hưởng tới hàng chục triệu con người. Trong đó, không ít người vì không nắm được thông tin chính xác, nên cho rằng vì bị buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khiến nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh đóng cửa hàng ngừng hoạt động. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính đã có trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này.

Những ngày qua, không khí làm việc tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (QLXNC) Công an TP Hồ Chí Minh khá tất bật. Trung bình mỗi ngày phòng tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ cấp định danh mức độ 2 cho người nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn thành phố.

Gần 2,3 triệu dân thường Gaza đang gánh chịu thảm kịch nhân đạo khủng khiếp khi các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Doha lại rơi vào bế tắc. Mỗi giây trì hoãn trên bàn đàm phán đồng nghĩa với thêm sinh mạng vô tội bị cướp đi, thêm gia đình tan nát, và thêm một bước sa sâu vào thảm họa diệt vong. Trong khi lãnh đạo tranh cãi về ranh giới rút quân, người dân Gaza đang chết dần vì bom đạn, đói khát và bệnh tật - một bản án tử đang được ký từng ngày giữa thế bế tắc địa chính trị.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (13/7), khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa nhiều nơi trên 50mm như: trạm Lạc Lương (Phú Thọ) 98,4mm; trạm Yên Thắng (Thanh Hóa) 69,2mm; trạm Lâm Thượng (Lào Cai) 61,4mm; trạm Trương Lương (Cao Bằng) 60,4mm; trạm Kỳ Lâm (Tuyên Quang) 57,8mm…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.