Ám ảnh phận người
Lạc Sơn là huyện vùng sâu của tỉnh Hòa Bình, kinh tế, xã hội kém phát triển, cuộc sống người dân bản Mường này gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, cái nghèo, cái đói đeo bám năm này qua năm khác. Người dân Lạc Sơn phải đối mặt với nỗi lo khác còn lớn hơn, phát sinh vấn đề xã hội phức tạp, đó là số lượng người tâm thần có chiều hướng gia tăng. Làm sao để quản lý người tâm thần là câu chuyện nhức nhối và thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây.
Sát hại chị dâu vì nghĩ là... “trăn tinh”
Theo chân Thiếu tá Bùi Văn Thành - Phó trưởng Công an xã Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình, chúng tôi có mặt tại xóm Tưa 3, xã Ân Nghĩa mục sở thị cuộc sống của người tâm thần. Mặc dù được Thiếu tá Thành nói trước nhưng chúng tôi cảm thấy sốc đến quặn lòng khi chứng kiến nơi ở của anh Bùi Văn Mạnh. “Căn nhà” của anh khuất lấp dưới những tán tre, đám cây ăn quả mọc hoang dại ở giữa vườn là cái... chuồng lợn. Chỉ đến khi lại gần, qua khe hở của bức tường gạch xây dở, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng người.
Trong khoảng không gian chật hẹp dường như xây lên để dành cho việc nuôi lợn được hoán cải thành nơi ở của Mạnh. Những tấm phản ghép bằng mấy tấm gỗ mục, cũ bẩn. Thấy người lạ, Mạnh co rúm, thu mình sợ hãi. Cùng với cử động của thân người, dưới cổ chân Mạnh lộ ra sợi xích sắt ghim chặt vào cột bê tông chắc chắn ngay bên cạnh... Có lẽ, những ai lần đầu chứng kiến cảnh tượng này không khỏi ám ảnh, day dứt cho một phận người.
Nhắc lại câu chuyện về người con trai út, bà Bùi Thị Bẻn khóc nấc, nước mắt trực trào. Ai sinh ra cũng muốn con mình được khỏe mạnh, được ăn học thành người. Thế nhưng, hoàn cảnh đưa đẩy, con trai bà mắc phải chứng bệnh lạ, bỗng dưng trở thành người không bình thường, bị mọi người xung quanh ghẻ lạnh, cô lập. Bà đau đớn đến quặn lòng khi buộc phải yêu cầu gia đình xiềng, xích con để tránh gây hậu họa cho mọi người.
Bà Bẻn cho biết, thời điểm chưa mắc bệnh, Bùi Văn Mạnh là một cậu học sinh hoạt bát, nhanh nhẹn, được thầy cô tin yêu, bạn bè quý mến. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nhận thấy Mạnh có chí hướng, có thể tự lập phát triển, gia đình đã hùn vốn cho Mạnh làm thủ tục sang Malaysia xuất khẩu lao động. Sau thời gian lao động tại nước ngoài, Mạnh trở về nước tiếp tục đi làm ở công ty trong phía Nam. Tuy nhiên, trong thời gian này, Bùi Văn Mạnh mắc phải bệnh lạ, có biểu hiện trầm cảm, ngại va chạm, tiếp xúc với người xung quanh. Những cơn đau đầu dồn dập, loạn thần khiến Mạnh trở thành một người hoàn toàn khác.
Từ một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, Mạnh trở nên tiều tụy, cơ thể suy nhược, đặc biệt, trạng thái thần kinh không ổn định, hay nói nhảm, chửi đổng. Mỗi lần lên cơn, Mạnh có những hành động điên dại, mất kiểm soát như con thú hoang.
Đỉnh điểm là vào buổi trưa ngày 25/4/2014, trong một lần lên cơn, Bùi Văn Mạnh đã gây ra chuyện đau lòng chấn động miền sơn cước này. Sau khi đi chăn trâu về, vào nhà thấy chị Bùi Thị Sinh, sinh năm 1983 (chị dâu của Mạnh) vừa mới sinh cháu thứ hai được ít lâu đang nằm trên giường. Lúc này, hoang tưởng nghĩ rằng đó là... “trăn tinh” đang ấp con, Mạnh như con thú hoang dại gào thét, dùng chày gỗ đánh chết chị dâu rồi kéo xác ra ngoài đường. Sau khi gây án, Mạnh coi như không có chuyện gì xảy ra, bình thản kể với mọi người chiến tích đánh chết... “trăn tinh” của mình.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xác định Mạnh mắc bệnh tâm thần nặng nên đã đình chỉ vụ án, trả về cho gia đình. Khi về, dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình của Mạnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Chu kỳ phát bệnh ngày càng dày. Mỗi khi lên cơn, Mạnh như con thú điên, liên tục hò hét, đập phá, truy sát mọi người xung quanh. Nhận thấy việc để Mạnh ngoài xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy hiểm cho người khác, gia đình đau đớn buộc phải xiềng, xích Mạnh vào chiếc chuồng hiện nay. Hơn chục năm nay, ngày nào bà Bùi Thị Bẻn cũng đều đặn mang đồ ăn, thức uống cho con trai. Mỗi lần nhìn con, bà xót xa, đau đớn chảy nước mắt.
Ở xã Ân Nghĩa, Bùi Văn Mạnh không phải là bệnh nhân tâm thần duy nhất bị xích, nhốt. Trước đó, Bùi Văn Phúc ở xóm Vổ cũng là người tâm thần bị nuôi nhốt nhiều năm trong cũi. Vốn là một người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường K, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, từ năm 1984 cho đến năm 1995 thì phát bệnh. Mỗi khi lên cơn, Bùi Văn Phúc thường đi lang thang khắp xóm, trên người lúc nào cũng mang theo dao, nỏ, lúc thì nói nhảm, chửi đổng, lúc lại gào thét, gây hấn với người xung quanh.
Có lẽ, do ảnh hưởng chiến tranh, sang chấn tâm lý do bom, mìn, mỗi lần nghe tiếng động lớn, bất kể đó là tiếng gì đều khiến đầu óc Phúc quay cuồng. Anh hoang tưởng cho rằng có ai đó muốn sát hại mình. Mỗi lần như vậy, Phúc lại vác dao truy đuổi hoặc bắn tên về phía đó. Đỉnh điểm là trong một lần em vợ Phúc sang chơi, khi nghe tiếng xe máy, Phúc giật mình hoảng loạn, dùng chính con dao luôn mang bên người đâm, chém liên tục nhiều nhát vào người cậu em vợ, làm người này tử vong tại chỗ.
Là người chịu bao đớn đau, tủi nhục khi chồng mắc bệnh tâm thần, chị Bùi Thị Nhung kể rằng, mỗi lần lên cơn, Phúc lại đánh, chửi vợ con và người xung quanh. Gia đình tìm đủ cách chữa trị, đưa Phúc đi điều trị tâm thần, mua thuốc uống đều đặn..., song bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh, chị bàn với gia đình đóng chiếc cũi bằng gỗ nhốt chồng trong đó. Chỉ có như vậy, Phúc mới không gây nguy hiểm cho người khác và chị cũng yên tâm làm ăn, chăm sóc gia đình.
Ngoài các trường hợp trên, theo chân cán bộ xã Vũ Bình, chúng tôi đến thăm Bùi Văn Hợp ở xóm Át. Là người tâm thần, có “thâm niên” mắc bệnh trên 20 năm thì cũng từng ấy thời gian Hợp phải sống trong cũi, nuôi nhốt ở góc vườn. Từ khi mắc bệnh, mỗi lần lên cơn, Hợp lại đi lang thang khắp xóm, gặp ai cũng đuổi, đánh. Sợ gây họa, gia đình đã đóng cũi để nhốt Hợp trong đó. Nhưng, cũng chỉ được một thời gian, Hợp lại phá cũi trốn ra ngoài. Cứ vậy, những chiếc cũi chắc chắn, kiên cố bằng những khúc gỗ lớn đã liên tiếp được dựng lên nơi góc vườn để cầm giữ “con thú hoang” trong tâm hồn người đàn ông này...
Chung tay của cộng đồng
Ông Bùi Minh Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn cho biết, những năm 90 thế kỷ trước, do nhận thức hạn chế, khi phát hiện người tâm thần, người dân nơi đây nghĩ ngay đến việc bị bùa lú, bùa chài, ma quỷ nhập vào. Họ tìm đến thầy lang, thầy cúng làm phép với hy vọng sẽ hết bệnh. Thế nhưng, “tiền mất, tật mang”, bệnh tật ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều trường hợp khi đưa đến cơ sở y tế thì bệnh đã quá nặng, không có khả năng điều trị. Khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ được phổ biến rộng rãi, người dân mới tin rằng, người bệnh tâm thần chỉ khỏi bệnh khi được khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên ngành. Hiện nay, những gia đình có trường hợp tâm thần đã chủ động báo cáo chính quyền địa phương và trạm y tế để được hướng dẫn, tư vấn, điều trị phù hợp.
Theo ông Bùi Văn Hải, cán bộ y tế xã Vũ Bình, bệnh tâm thần tuy không thể chữa khỏi dứt điểm, nhưng hiện nay các loại thuốc tâm thần có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng và kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Từ đó, giúp người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường nếu duy trì việc sử dụng thuốc đều đặn, thường xuyên, đúng liều lượng và đúng phác đồ điều trị đã được chỉ định.
Để quản lý số người bệnh tâm thần, chúng tôi phải tiến hành đánh giá, phân loại tình trạng bệnh theo độ tuổi, giới tính, địa bàn, mức độ bệnh theo từng cấp độ; từ đó, đề xuất, kiến nghị gia đình và địa phương các giải pháp tư vấn, điều trị phù hợp từng trường hợp. Đối với gia đình có kinh tế khá giả thì việc điều trị thuận lợi hơn các gia đình khó khăn. Đặc biệt, với các hộ nghèo, cận nghèo thì họ phó mặc hoàn toàn cho địa phương. Nếu không có giải pháp điều trị thì họ xích, nhốt trong các chuồng như trường hợp của Bùi Văn Mạnh, Bùi Văn Hợp hay nhiều trường hợp tâm thần khác trên địa bàn.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, toàn huyện có gần 400 bệnh nhân tâm thần. Trong số đó có 25 trường hợp bệnh nhân tâm thần nặng bị xích, nhốt. Mỗi khi lên cơn, người bệnh mất kiểm soát hành vi, hành động vô thức, bột phát, có thể gây nguy hiểm cho người khác, phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương.
Thượng tá Bùi Văn Huy, Phó trưởng Công an huyện Lạc Sơn cho rằng, quản lý người bệnh tâm thần là vấn đề xã hội phức tạp, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, Công an huyện Lạc Sơn đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cùng vào cuộc, kịp thời phòng ngừa, phát hiện mầm mống tội phạm do người tâm thần gây ra; chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, thống kê số người bệnh để chủ động phương án phòng ngừa, không để người bệnh mất kiểm soát, dẫn đến phạm tội. Phối hợp các ngành, đoàn thể, xã hội xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục người bệnh tâm thần gắn với các tổ tự quản, mô hình vì cuộc sống cộng đồng; tạo điều kiện để người bệnh giảm bớt mặc cảm, tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, tạo đời sống tinh thần lành mạnh.
“Người bệnh tâm thần cũng là con người, cần được bảo đảm các quyền được sống, quyền tự do như người bình thường. Mỗi lần chứng kiến người bệnh tâm thần phải nhốt, xích trong chuồng, cũi, chúng tôi vô cùng đau xót. Quản lý tốt người bệnh, giảm thiểu hậu quả do người bệnh tâm thần gây ra là hướng đến một xã hội văn minh, một xã hội vì con người” - Thượng tá Bùi Văn Huy cho biết thêm.