Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam giữa tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ

13:50 14/02/2023

Giữa đống đổ nát ở thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất, giữa cái rét khắc nghiệt, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Việt Nam trong bộ đồ bảo hộ chạy đua với thời gian tìm người bị nạn đã gây xúc động.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới tham gia triển khai nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ đối với thảm họa thiên tai ở nước ngoài...

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam trao tặng đồ viện trợ y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tìm hy vọng trong sự mất mát

Ngày 6/2, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter đã vùi lấp hàng chục ngàn người dưới đống đổ nát của các tòa nhà. Người sống sót phải đối mặt với thời tiết lạnh bất thường. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố báo động cấp 4 và kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Theo lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam đã cử đoàn công tác cứu nạn đầu tiên gồm 24 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, gấp rút lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Xuống máy bay, sau 10 giờ di chuyển dưới tuyết rơi dày đặc và cái rét âm 6 độ, sáng 11/2, đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an đã đến thành phố Adiyaman, một trong 3 vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặt chân đến thành phố lạ lẫm này, dù đã được nhìn qua ảnh nhưng cả đoàn không thể mường tượng hết sự mất mát to lớn như thế. Đó là số người chết gia tăng liên tục, là những đống đổ nát, là các khu nhà bị sụp đổ, ngổn ngang - hình ảnh tưởng chừng chỉ có ở trên phim ảnh.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trưởng đoàn công tác cho biết, đoàn nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại một tòa nhà có 15 nạn nhân bị vùi lấp, vị trí trên đường 531, Adiyaman Merkez, thành phố Adiyaman. Tất cả đều bắt tay ngay vào công việc, không chút chậm trễ, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ai cũng hiểu, dưới đống đổ nát đầy rẫy hiểm nguy kia vẫn có sự sống đang chờ đợi các anh từng giây, từng phút. Thời tiết lúc này đang âm độ.

Công việc tìm kiếm các nạn nhân diễn ra rất khẩn trương.
Phút nghỉ ngơi của Đoàn công tác cứu nạn quốc tế Bộ Công an Việt Nam.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, chính quyền địa phương hỗ trợ máy cào (máy xúc), còn nhóm tìm kiếm cứu nạn phần lớn sử dụng thiết bị cầm tay. Máy cào đến đâu, lực lượng cứu nạn theo đó tìm kiếm đến từng ngóc ngách tại hiện trường của tòa nhà đổ sập. Do khối lượng gạch, vữa đổ xuống rất lớn nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam đã rất nỗ lực và hết sức khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân.

Đội cứu nạn chia làm 2 nhóm, nhóm 1 do Đại tá Nguyễn Minh Khương chỉ đạo, trực tiếp tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Nhóm 2 do Đại tá Phan Mạnh Hà, Trưởng Phòng Công tác CNCH của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH chỉ đạo việc sắp xếp các thiết bị, phương tiện, rà soát trang thiết bị y tế hỗ trợ bạn, chuẩn bị các điều kiện để thay ca cho nhóm trực tiếp chiến đấu tại hiện trường.

Việc đầu tiên của lực lượng là khảo sát hiện trường, lên phương án cứu nạn. Sau đó dùng thiết bị camera chuyên dụng dò tìm người bị nạn mắc kẹt dưới các lớp bê tông, sắt thép. Tất cả đều xác định công việc sẽ vô cùng gian nan, nhưng ai cũng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất. Các cán bộ, chiến sĩ đã lật từng mảng bê tông, dỡ từng viên gạch tìm kiếm hy vọng.

Qua hệ thống camera dò tìm, ngay tối ngày đầu tiên, một dấu hiệu của sự sống trong khu vực bị sụp đổ đã được phát hiện. Một niềm hy vọng lóe sáng, lực lượng cứu nạn như được tiếp thêm động lực để nhanh chóng cứu người một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Đội đã xác định vị trí gần nhất để tiếp cận nạn nhân, phá dỡ sâu thêm 6m đủ để một người chui vào tìm kiếm. “Hello”, “How are you?”... lời chào, hỏi thăm của người cứu nạn đã được nạn nhân đáp lại trong sự vui mừng khôn xiết.

Việc tìm kiếm nạn nhân diễn ra trong môi trường khó khăn và nguy hiểm.

Ngay lập tức, lực lượng cứu nạn của Việt Nam nhanh chóng phối hợp với đội cứu nạn của Pakistan cùng tiếp cận theo nhiều hướng, dùng sóng siêu âm xác định chính xác vị trí nạn nhân và lên phương án tiếp cận. Vừa triển khai, các đội cứu nạn vừa thật thận trọng để tránh những mảng bê tông có thể sập xuống thêm một lần nữa, ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân và của chính người cứu nạn. Và rồi, sau khoảng 30 phút, một thiếu niên 17 tuổi được đưa ra khỏi đống đổ nát an toàn trong xúc động vỡ òa.

Chiều 12/2 lực lượng cứu nạn đã tìm được 2 thi thể bị vùi lấp trong tòa nhà đổ nát và tiếp tục cuộc chạy đua tìm người bị nạn. Đêm 13/2 đoàn triển khai tìm kiếm cứu nạn tại địa điểm mới, dùng thiết bị radar để tìm kiếm nạn nhân. Các cán bộ, chiến sĩ cứu nạn cùng lực lượng địa phương tìm thấy 4 thi thể nạn nhân và đưa ra khỏi đống đổ nát tại đường 2801 SK, thành phố Adiyaman. Chứng kiến hoạt động trợ giúp của đoàn công tác CNCH Bộ Công an Việt Nam, một gia đình bản địa đã đến gặp Đại tá Nguyễn Minh Khương nói lời cảm ơn.

Trách nhiệm quốc tế

Nhìn những hình ảnh cứu nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ chuyển về nước, ai cũng cảm thấy xót xa, thương cảm người dân gặp nạn, chia sẻ khó khăn với lực lượng CNCH. Bức ảnh các cán bộ chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH cầm mẩu bánh mì ăn vội trên ngổn ngang bê tông, sắt thép đổ vỡ, giữa những bông tuyết đẹp mà lạnh buốt đến đau lòng. Những khối bê tông vỡ nát kia cũng có thể sập lần nữa vào bất cứ lúc nào nên người cứu nạn cần thận trọng và tính kỹ phương án. Sự khó khăn nhân lên gấp bội khi thời tiết khắc nghiệt mà các cán bộ, chiến sĩ cứu nạn chưa được làm quen. Thế nhưng, sự sống, ánh mắt biết ơn và tràn đầy hy vọng của cậu thiếu niên 17 tuổi đã tiếp thêm động lực để họ vượt qua khó khăn, tiếp tục tham gia cứu nạn, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế lần đầu vinh dự được giao.

Chiều 12/2 (giờ Việt Nam), lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Bộ Công an đã trao tặng 2 tấn đồ viện trợ y tế cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD), hỗ trợ nước bạn trong thời điểm vô cùng khó khăn này. Ngay sau đó, đoàn Việt Nam đã cùng AFAD vận chuyển hàng hóa đến các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế ở thành phố Adiyaman để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị.

Lực lượng cứu nạn đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát…
…và lật từng mảng bê tông tìm kiếm nạn nhân.

Được biết, ngay sau khi lực lượng cứu nạn của Công an nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, mang theo nhiều thiết bị chuyên dụng và chó nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng này bao gồm Bộ phận chỉ huy và cơ quan, Đội quân y thuộc Tổng cục Hậu cần, Đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh, Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đưa theo 6 chó nghiệp vụ.

Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hay Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ quốc tế đã không còn lạ lẫm với cộng đồng. Trước đây, Quân đội và Công an Việt Nam đã cử thành viên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Và giờ, khi nước bạn gặp thảm họa lớn, chúng ta lại cùng góp sức, chung tay khắc phục hậu quả. Đây sẽ là mở đầu cho những lần hợp tác quốc tế sau này để cùng khắc phục thiên tai, thảm họa.

Tham gia cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam thể hiện trách nhiệm, vai trò của một thành viên quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết khó khăn và thách thức trên thế giới. Việc xông pha nơi điểm nóng, khó khăn của lực lượng Công an, Quân đội Việt Nam cũng là sự nối tiếp truyền thống tốt đẹp, là trách nhiệm của Việt Nam vì hòa bình và sự ổn định trên thế giới. 

Việt Hà - Minh Hiền

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文