Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức vị tướng già

13:37 08/05/2024

Trung tướng Phạm Hồng Cư có mười năm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1986-1995). Mười năm ấy, tôi chưa về Tổng cục, mới vào lính và đương nhiên không thể biết nhiều về ông. Vậy mà chỉ vài năm sau, cho đến bây giờ, đã hơn hai mươi năm, lại có được may mắn nhiều lần làm việc với ông, hỏi chuyện ông, viết về ông. Thật là có duyên với vị tướng mà tôi hằng kính trọng.

Tôi thường gọi ông là bác. Từ cuộc trò chuyện, phỏng vấn đầu tiên cuối năm 1997 cho một phim tài liệu về Điện Biên Phủ khi tôi còn ở Truyền hình Quân đội nhân dân đã rất ấn tượng về ông. Chúng tôi chuẩn bị câu hỏi và có dự kiến phần trả lời. Thật ngạc nhiên, vị tướng xem xét rồi quyết định thay đổi cả phần câu hỏi. Còn phần trả lời đương nhiên rất sâu sắc vì ông từng làm Phó Chính ủy Trung đoàn 36 (Bắc Bắc), Đại đoàn 308 tham gia các chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể chuyện Điện Biên.

Vậy là cậu lính tò te được học cách phỏng vấn từ vị tướng vốn là thủ trưởng của các thủ trưởng của tôi. Tôi vốn mê sách từ tấm bé và mắt đã sáng rực lên khi nhìn vào dãy tủ sách và bàn làm việc đầy sách báo, tài liệu của ông. Sau này tôi mới biết ông sinh năm 1926, là một trong những học sinh giỏi của Trường Bưởi từ năm 1940 đến năm 1944, sau đó tham gia phong trào yêu nước tại nhà trường và bị thực dân Pháp bắt, giam tại xà lim tỉnh Thanh Hóa. Ngày 9/3/1945, ông trốn ra, lập tức tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội tại Tiểu đội Phạm Hồng Thái. Trong cách mạng tháng Tám đến tháng 9 năm 1946, ông giữ chức Trung đội trưởng Tự vệ cứu quốc thành Hoàng Diệu thuộc Thành bộ Việt Minh Hà Nội.

Ở các cuộc làm việc sau với ông, nhất là khi chúng tôi mời ông làm nhân vật của các cuộc giao lưu trên sóng truyền hình đều là những buổi mà tôi học hỏi được rất nhiều từ vị tướng. Tôi còn nhớ khi đến làm việc với ông về Lễ Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã nói: “Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên đến tận bây giờ, đó là: Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có một quyết định hết sức khó khăn, tức câu chuyện “Kéo pháo vào, kéo pháo ra”, thì thế hệ chúng tôi đã nằm lại tại cánh đồng Mường Thanh, chứ không thể có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Chỉ một câu nói ngắn mà hàm chứa biết bao điều.

***

Đầu tháng 4/2024, tôi lại có chuyến đi Điện Biên. Đi để thực hiện vệt bài về kỉ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Trong hành trình chuyến đi, chúng tôi nhiều lần nhắc về bác - Trung tướng Phạm Hồng Cư dù bác đã mất. Nhiều kỉ niệm về vị tướng lại ùa về.

Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Tôi từng được nghe Trung tướng Phạm Hồng Cư nói chuyện về Điện Biên. Ông nói đại ý, Điện Biên Phủ trước hết và trước tiên là một địa danh, một dấu mốc lịch sử như bao địa danh, dấu mốc khác của đất nước Việt Nam. Vậy mà, mỗi khi nhắc đến, không chỉ người Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước từng là thuộc địa của thực dân, đế quốc ở châu Phi, châu Mỹ, có cả các cường quốc trên thế giới đều cảm nhận sự đặc biệt, ấn tượng đến ám ảnh, một bước ngoặt của lịch sử không riêng của dân tộc Việt Nam.

Vị tướng với sự uyên thâm của mình, nhất là tầm nhìn và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa lịch sử, về cái giá của máu xương đổ xuống Điện Biên để chúng ta có được Chiến thắng lịch sử đã cho các nhà văn chúng tôi nhiều suy nghĩ. Đó cũng là những thôi thúc để các nhà văn đến với Điện Biên.

Đã bảy mươi năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, phần lớn các chiến sĩ Điện Biên nếu không ngã xuống nơi chiến trường ác liệt máu trộn bùn non thì cũng đã dần dần trở về với tổ tiên nguồn cội. Người liệt sĩ Điện Biên bảy mươi năm trước: “Thân ngã xuống hóa đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên thành nguyên khí quốc gia” đúng như đôi câu đối tri ân trước Đền thờ Liệt sĩ Điện Biên Phủ đã trở thành một phần của lịch sử. Sắc lúa non xanh cánh đồng Mường Thanh ngày mới tinh sương thơm thảo, sắc ban trắng rung rinh đỉnh đồi A1 trong ráng chiều tà sao như ứa đỏ khôn khuây? Một Điện Biên bảy mươi năm đã qua vẫn thật gần trong đôi mắt đục mờ, mái đầu phơ bạc, ngực phủ đầy huân huy chương cũng đã bạc sờn theo năm tháng của 142 chiến sĩ Điện Biên đang còn sống trên địa bàn tỉnh.

Trong chuyến đi Điện Biên dâng hương các Nghĩa trang liệt sĩ, tôi đã gặp mặt một số cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các cụ đều đã trên dưới 90 tuổi, có cụ đã 103 tuổi, đã có dấu hiệu nhớ nhớ quên quên của tuổi già. Vậy mà nhắc về đồng đội đã hi sinh, ai cũng rơi nước mắt.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đồi A1, thật tình cờ, chúng tôi được gặp con gái người chiến sĩ Điện Biên, đó là chị Nguyễn Thị Nhung, chị vừa nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác trực tiếp làm công việc quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đồi A1. Chị kể vanh vách về số mộ liệt sĩ khuyết danh ở nghĩa trang Điện Biên. Chị bảo, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đồi A1 nơi chúng tôi đang đứng đây có 645 ngôi mộ thì chỉ có 53 phần mộ có tên. Nghĩa trang Độc Lập với 2.432 phần mộ cũng chỉ có 229 ngôi mộ có tên. Đặc biệt xúc động với Nghĩa trang Him Lam có 896 phần mộ đều là những Liệt sĩ khuyết danh đã cống hiến máu xương mình cho Tổ quốc. Chúng tôi ai nấy đều sững người trước những con số chị đưa ra khiến mắt mọi người ai cũng cay cay.

Tác giả tại nhà chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Khả.

Vừa buổi sáng, sau khi thăm Tượng đài ghi tội ác chiến tranh tại Noong Nhai, nơi thực dân Pháp ném bom sát hại 444 đồng bào ta mà phần lớn là cụ già, phụ nữ, trẻ nhỏ, chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Văn Khả, sinh năm 1930, quê gốc ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, là bố của chị Nhung. Bác là chiến sĩ cối 82 trực tiếp đánh Đồi A1 đợt cuối cùng vô cùng ác liệt. Người chiến sĩ Điện Biên nước da đồi mồi đã sạm đi, cặp mắt đục mờ rưng lệ kể về sự hi sinh của đồng đội. Tiếng nói cụ Khả khi được khi mất khiến chúng tôi có lúc hẫng đi chỉ biết nhìn ra khoảng trống mênh mông vời vời Mường Thanh lúa thì con gái xanh non.

Trong các cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư, vị tướng rất hay nhắc về lịch sử hào hùng của dân tộc, ông nói: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thời kỳ nào, thời đại nào dân tộc ta cũng phải đứng lên chống ngoại xâm để bảo vệ non sông đất nước và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, rất đáng tự hào. Đó là Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trong kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán; chiến thắng tại phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 trước quân xâm lược Tống; chiến thắng Đông Bộ Đầu năm 1258, chiến thắng Chương Dương - Thăng Long năm 1285 và chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên; chiến thắng Tốt Động - Chúc Động năm 1426 và chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 trong chiến tranh giải phóng chống quân xâm lược nhà Minh; chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 đánh tan quân Xiêm, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 đánh tan quân xâm lược nhà Thanh.

Trong thời đại Hồ Chí Minh là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một trong những chiến công rực rỡ trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”.

Trò chuyện với chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Khả tại nhà.

Vị tướng họ Phạm không chỉ rất thuộc lịch sử mà ông còn khái quát nó ở một chiều sâu rộng, toàn diện với nhiều sắc độ khiến thế hệ trẻ chúng tôi rất khâm phục. Đối với lịch sử đã từng diễn ra, mỗi chiến công trong từng thời kỳ và điều kiện lịch sử khác nhau, nên có đặc điểm riêng biệt, song tất cả đều là những trận quyết chiến chiến lược, những trận đánh quyết định thắng lợi trong từng cuộc chiến tranh.

Tôi vẫn nhớ khi bác Cư giảng giải đại ý rằng, cội nguồn văn hóa và trí tuệ Việt Nam là nền tảng sâu gốc bền rễ nhất làm nên chiến thắng. Cội nguồn văn hóa và trí tuệ Việt Nam càng được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trăm ngàn gian khổ. Đất nước ta đã từng lầm than chịu ách nô lệ trăm năm vùng đứng lên giành độc lập dân tộc, vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt; vừa phải đương đầu với giặc ngoại xâm súng ống trang bị đến tận chân răng, nếu không dựa vào cội nguồn văn hóa và trí tuệ, sẽ chỉ là mò kim đáy bể, lấy trứng chọi đá, việc lớn khó thành.

Trở lại câu chuyện Điện Biên, đã có những đánh giá, tổng kết kĩ lưỡng, chính xác sau độ lùi thời gian 70 năm. Điện Biên Phủ là sự tập trung cao của cả hai bên tham chiến, là cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất, toàn diện nhất giữa ta và địch. Khi bước vào chiến dịch này, nhân dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Thế mà, chỉ sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu; ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm. Chính vì thế, Điện Biên Phủ là thất bại thảm hại nhất của thực dân Pháp, là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ sự thực lịch sử đó, thế hệ chúng tôi càng thấu hiểu những điều mà Trung tướng Phạm Hồng Cư đã từng nhiều lần phát biểu trên truyền thông hoặc trò chuyện với giới văn bút chúng tôi. Đó là, cội nguồn văn hóa và trí tuệ Việt Nam chính là nền tảng căn cốt nhất làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Người chiến sĩ dù ở bất cứ nơi đâu và thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì đều luôn hướng tới nhân dân và Tổ quốc. Hàng nghìn liệt sĩ khuyết danh ở các nghĩa trang Điện Biên đã lấy máu xương của mình đổi lấy cuộc sống thanh bình cho chúng ta hôm nay, không một lời văn nào có thể nói đủ đầy về sự hy sinh vô giá ấy. Máu xương của liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh đã góp vào khơi dậy cội nguồn văn hóa và trí tuệ của mỗi chúng ta trong bước đường phía trước.

Đó cũng là những dấu ấn, những bài học quý, những tổng kết mang tính văn hóa lịch sử mà thế hệ trẻ chúng tôi tiếp thu được, nhất định sẽ phát huy và phát triển nó từ những con người cụ thể, mà ở đây là bác Cư - Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Phùng Văn Khai

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文