Hạnh phúc là khi cứu được người

20:30 26/02/2023

Bác sĩ CKI, Thiếu tá Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện 19-8, Bộ Công an hẹn gặp tôi vào buổi trưa, khi chị vừa thực hiện xong ca nội soi can thiệp cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực. Ít ai biết rằng, bác sĩ nhiệt huyết, tận tâm, đam mê và yêu nghề ấy lúc đầu không thích ngành y mà muốn trở thành nhà báo. Thế nhưng, chị nghe theo gia đình đi học ngành y.

Thích nghề báo nhưng chọn nghề y

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2009, bác sĩ Việt Anh nhận công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 và gắn bó tới nay. Chị tâm sự: “Nghề y khó khăn nhất là đi học, học nhiều và học dài. Khi đi làm phải trực, đang trực con ốm thì làm thế nào? Có những tình huống không thể khắc phục được. Dù lúc đó tôi rất thích báo chí, nhưng cơ duyên đã đưa mình trở thành sinh viên y khoa, sau này thì yêu nghề như yêu sinh mệnh”, chị chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Anh (thứ 2, từ trái qua) với các chuyên gia y tế bệnh viện CIMEQ Cuba.

Chị đã từng “buồn bã khủng khiếp” khi chứng kiến người bệnh tử vong trước sự bất lực của mình trong lần đi thực tế vào năm thứ tư đại học, tưởng chừng không tiếp tục học được nữa thì khi về nhận công tác và gắn bó với Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, chị đã tìm được hạnh phúc và niềm đam mê trong công việc. Hạnh phúc đó xuất phát từ niềm vui mỗi lần chị cứu sống được người bệnh.

Năm 2013 bác sĩ Việt Anh đi học nội soi can thiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm đó, bác sĩ nữ làm nội soi cấp cứu ngoại trú không có nhiều và chị là nữ bác sĩ đầu tiên ở bệnh viện đi học. Chị mang theo con nhỏ 3 tuổi vào TP Hồ Chí Minh, thuê nhà gần bệnh viện để vừa tiện gửi con, vừa học tập. Để tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia đầu ngành, buổi trưa chị thường không nghỉ mà tận dụng thời gian học. Thậm chí, ban đêm, nếu có ca cấp cứu, chị cũng chạy vào viện xem các “tiền bối” thực hành. Khi rảnh rỗi, chị mua lòng lợn về kì cụi “thực hành nội soi”. Miệt mài đến mức lãnh đạo khoa trêu: “Bác sĩ Việt Anh là nhân viên của Chợ Rẫy rồi”.

Bác sĩ Việt Anh thực hiện nội soi dạ dày.

Những ngày tháng học tập ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã mang đến cho chị vô vàn kiến thức và kinh nghiệm quý báu, bồi đắp thêm hành trang để khi trở về áp dụng vào thực tiễn, mang lại nhiều thành công trong chuyên môn. Chỉ 2 năm sau, chị đã thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa tiên tiến nhất. Từ ngày đầu chưa quen, cầm củ máy nội soi tối về mỏi nhừ tay, hay chùn chân do phải đứng từ sáng đến chiều, thì nay chị đã trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu về nội soi tiêu hóa ở Bệnh viện 19-8. Nhờ những chẩn đoán chính xác, nhiều ca bệnh đã được cấp cứu thành công, nhiều khối u ác tính đã được cắt bỏ sớm, mang lại sự sống cho người bệnh.

Nội soi để gắp… ma túy trong dạ dày

Mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hóa thực hiện 100 lượt nội soi dạ dày, đại trực tràng, có những ngày đông bệnh nhân, các bác sĩ phải làm thông trưa. Chị kể, có những nhiệm vụ thật đặc biệt với người bác sĩ, đó là nội soi cấp cứu gắp ma túy ở những nghi phạm khi cơ quan công an có yêu cầu. Ma túy là được bọc rất nhiều nilon, nếu không cẩn thận trong quá trình nội soi, nilon vỡ ra sẽ gây ngộ độc cho nghi phạm.

“Thông thường, người bệnh khi nuốt phải dị vật, chỉ mong khai thật để bác sĩ gắp ra. Nhưng, với các nghi phạm thì ngược lại, họ chống cự quyết liệt, không hợp tác. Chúng tôi phải giải thích, dị vật có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng mới chịu hợp tác để bác sĩ nội soi gắp ra”, chị kể. Tuy nhiên, không phải ca nội soi nào cũng thuận lợi. Có đối tượng là nữ, thuyết phục mãi không khai số lượng ma túy đã nuốt, chỉ khẳng định nuốt 1 gói.

Bác sĩ Việt Anh thăm khám cho người bệnh.

Bằng kinh nghiệm và trực giác, chị không tin lời khai trên, khi đưa ống vào nội soi, chị “tìm” rất kỹ trong dạ dày và gắp ra 5 gói ma túy. “Hầu hết các đối tượng đều khai không thật, nuốt nhiều nhưng khai ít, ngoài việc cố gắng lấy các gói ma túy vẹn toàn, nguyên trạng ra thì còn phải đủ số lượng, nếu để sót, không may ma túy xuống ruột non vỡ ra gây ngộ độc cho nghi phạm”, bác sĩ Việt Anh chia sẻ.

Vì để phục vụ yêu cầu công tác cũng như thời gian điều tra vụ án, những ca nội soi đặc biệt này thường diễn ra vào ban đêm. Có khi đang ở nhà, điện thoại bệnh viện gọi đến, bất kể là nửa đêm hay tảng sáng, chị cũng có mặt.

Có trường hợp đối tượng không hợp tác, bác sĩ phải “dọa”, cuối cùng mới đồng ý nội soi, nhưng “tìm” mãi trong dạ dày không thấy. “Ca này chúng tôi nghi ma túy đã xuống ruột non, đại tràng, phải thụt 2 lít nước hậu môn để cho chất thải ra. Bác sĩ lại phải tìm trong đó để lấy ra 2 gói ma túy 1x2 cm bọc nilon màu hồng”, chị kể.

Hạnh phúc khi người bệnh được cứu sống

14 năm gắn bó với nghề y, bác sĩ Việt Anh không nhớ hết những bệnh nhân mà mình cứu sống. Có ca cấp cứu, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, máu phun “phè phè”; hoặc có ca mổ cấp cứu thực hiện song song cùng lúc vừa mổ, vừa nội soi. Với chị, mỗi lần cứu được người bệnh, chị rất hạnh phúc, điều này là động lực để chị gắn bó và đam mê với sự nghiệp cứu người. Điển hình là nam bệnh nhân người dân tộc Mông ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) vào nhập viện trong tình trạng chảy máu đường tiêu hóa rất nặng. Bệnh nhân đã tới Bệnh viện 19-8 điều trị 3 lần, bác sĩ phải truyền 20 đơn vị máu trong vòng 3 tháng, xuất huyết 5 lần, nhưng khi nội soi dạ dày và đại tràng không phát hiện tổn thương.

Chị nghĩ đến chảy máu từ đường mật, nhưng bác sĩ khác thì nghĩ chảy máu ruột non. Chụp CT ruột non, dựng hình đường mật thì phát hiện túi giả phình động mạch gan trái. Túi này cứ chảy máu rỉ rả nhiều lần.

Khai thác tiền sử của người bệnh, hóa ra trong 1 lần đi bản, anh này bị ngã đập bụng xuống viên đá, nghĩ nhẹ không để ý. Nhờ chẩn đoán chính xác nên đã tìm ra căn nguyên của việc chảy máu, ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Việt Đức. Không may, Hà Nội mưa lớn kéo dài gây ngập và tắc đường, bệnh nhân lại rất nguy kịch, nếu xe phải dừng giữa đường thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong. May mắn, cuối cùng cũng đưa được bệnh nhân tới Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng rất yếu. Người nhà không biết tiếng Kinh, không có tiền nộp làm thủ thuật, chị phải đứng ra làm bảo đảm cho người bệnh. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã được cứu sống.

“Điều vui nhất với tôi trong nghề y là cứu được người bệnh. Mỗi khi bệnh nhân được cứu sống, tôi lại thấy yêu nghề hơn. Đêm 30 Tết năm đó, bệnh nhân gọi điện cảm ơn: “Vì có chị mà em còn được ăn Tết với gia đình, vợ em có chồng và con em có cha”. “Nghe được những lời chân thành này, mình cảm nhận được hạnh phúc và thấy ý nghĩa khi đã đeo đuổi nghề y”, nữ bác sĩ chia sẻ. Chị kể, trong một lần lên công tác Hà Giang, nghe tin trong đoàn có bác sĩ Việt Anh, bệnh nhân đã đi xe máy 100 km tới tặng chị gói chè san tuyết.

… và trình diễn kỹ thuật nội soi đại tràng tại bệnh viện CIMEQ Cuba.

Những niềm vui nho nhỏ khi cứu sống người bệnh đã tích lũy thành động lực thôi thúc bác sĩ Việt Anh ngày càng đam mê nghiên cứu, cập nhật những kỹ thuật tiên tiên nhất trong nội soi tiêu hóa cũng như lâm sàng, để cứu chữa cho nhiều ca bệnh khó. Điển hình là bệnh nhân ở Ba Vì (Hà Nội) đang công tác tại một huyện vùng sâu, của tỉnh Gia Lai, bị viêm gan do rượu, dẫn đến xơ gan rất nặng, bệnh viện địa phương trả về. Trên đường về quê để “chờ chết”, khi đi qua Bệnh viện 19-8, nghĩ rằng “còn nước còn tát”, anh ghé vào. “Chúng tôi đã tập trung điều trị tích cực cho bệnh nhân bằng những thuốc tốt nhất, 1 tuần sau tiến triển tốt lên, bệnh nhân ổn định dần, hết suy gan và được ra viện. Từ việc về chờ chết, bệnh nhân đã khỏe mạnh, trở lại công tác bình thường, còn sinh thêm con thứ hai. Dù nhiều năm trôi qua, nhưng nghe tin tôi vào Gia Lai công tác, bệnh nhân đi bộ vài km mang măng rừng, trái bơ ra cho đoàn bác sĩ”, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa vui vẻ kể lại.

Ngoài tham gia trực cấp cứu, điều trị những bệnh nhân nặng và đặc biệt, bác sĩ Việt Anh còn tham gia công tác Hội Phụ nữ của Bệnh viện 19-8, cùng đồng đội đến các nơi vùng sâu, vùng xa khám bệnh miễn phí cho đồng bào. Chị còn là bác sĩ trao đổi, học tập tại Bệnh viện CIMEQ, Bộ Nội vụ Cuba.

Khoa Nội tiêu hóa đã làm chủ được tất cả những ca cấp cứu gan - mật khó. Đặc biệt, đã triển khai và thực hiện thường quy các kỹ thuật cao như: Nội soi mật tụy ngược dòng, cắt ung thư sớm qua nội soi, siêu âm nội soi, chọc sinh thiết gan, dẫn lưu đường mật qua da, mở thông dạ dày qua da, cắt polyp kẹp cầm máu, nong tâm vị...

Là người đam mê với công việc, mỗi lần nội soi chẩn đoán u bác sĩ Việt Anh luôn “đeo đuổi” đến cùng. Ca mổ xong chị lại chạy lên phòng mổ xem u đó thế nào, mình chẩn đoán có đúng không. Chưa đi đến tận cùng thì chị chưa thấy thỏa mãn và bứt rứt không yên, phải đi tìm được câu trả lời vì sao chưa tìm ra nguyên nhân bệnh. Nhờ những nỗ lực không ngừng, niềm đam mê và sự cảm thông với người bệnh, bác sĩ Việt Anh đã phát hiện sớm và can thiệp nội soi chẩn đoán ung thư cho nhiều trường hợp, mang lại hạnh phúc cho biết bao người bệnh.

Trần Hằng

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文