Hãy chung tay ngăn chặn nạn bạo lực học đường

06:02 29/04/2023

Khi xảy ra bạo lực ở trường học, nhiều học sinh không tìm đến giáo viên hay phụ huynh để nhờ giúp đỡ bởi không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia. Cảm giác cô đơn và bất lực trước bạo lực học đường, nhiều em đã tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để bày tỏ nỗi lòng và xin lời khuyên. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một hiện tượng đáng báo động, là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Tìm sự đồng cảm ở “thế giới ảo”

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau cả trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có 1 trường có học sinh đánh nhau. Nghiêm trọng hơn, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn.

bl2.jpeg -0
Bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh

Mới đây, vụ việc nữ sinh N.T.Y.N. (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thuộc Đại học Vinh) treo cổ tự tử tại nhà riêng nghi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với chúng ta. Phải tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời khi đang ở cái tuổi đẹp nhất, đủ thấy những gì nữ sinh N. đã trải qua khủng khiếp và bế tắc đến nhường nào.

Theo chia sẻ của phụ huynh em N. là bà P.T.T.V. thì bản thân bà đã hai lần lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con gái. Trong đó, có một lần bà gặp được trực tiếp thầy Hiệu trưởng. Lúc ấy, thầy Hiệu trưởng không nhất trí cho N. chuyển lớp và nói gia đình phải nhìn nhận lại tại sao em N. lại không thích nghi với các bạn. Thầy cũng hứa sẽ chấn chỉnh lại lớp, xem xét nếu kết quả học tập kỳ 1 của N. tốt.

Nữ sinh G.T.C (lớp 8A2 trường THCS Xuân Nộn) đi giám định thương tích sau vụ bị một số em học sinh khác đánh hội đồng

Vị phụ huynh này cũng chia sẻ, ở lớp, em N. bị tẩy chay, bị tách ra khỏi nhóm bạn do không bỏ tiết, không tham gia đi chơi với nhóm này. Bà V. còn cung cấp nhiều tin nhắn trò chuyện giữa hai mẹ con trước khi em N. tự vẫn. Theo đó, trong những lần trò chuyện với mẹ, em N. nhiều lần tâm sự: “Con sợ đi học, sợ đến trường”.

Tiếp đó, vào ngày 20/4, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng đã có thông tin ban đầu về vụ việc xảy ra vào ngày 2/4 khi học sinh G.T.C (học sinh lớp 8A2 Trường THCS Xuân Nộn) đi giám định thương tích sau vụ bị một số em học sinh khác đánh hội đồng. Trong vụ việc, một số học sinh Trường Cao đẳng Việt -  Hàn, Trường THCS Xuân Nộn và một số em học sinh khác đến nhà em G.T.C. và yêu cầu em này ra ngoài nói chuyện. Sau đó nhóm học sinh trên đã có hành vi đánh em C. và quay clip. Sự việc diễn ra tại khu vực ngoài nhà trường, trong ngày nghỉ. Nguyên nhân ban đầu được cho là do các nữ sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt, học tập. Gia đình nạn nhân đã gửi đơn tố giác với Công an xã Xuân Nộn, đồng thời gửi đơn kiến nghị tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh.

Hội “những người bị bạo lực học đường cô lập body shaming” là nơi để nhiều học sinh tìm kiếm sự đồng cảm

Một điều vô cùng nguy hiểm, nhiều em học sinh lại không tìm đến bố mẹ, thầy cô, bạn bè để chia sẻ về những áp lực đang phải trải qua mà các em lại tìm đến không gian mạng để giãi bày tâm sự. Từ đó, nhiều hội nhóm kín như: “CLB phòng chống Bạo lực học đường”; “Chia sẻ - tẩy chay bạo lực học đường” hay “Hội những người bị bạo lực học đường cô lập Body shaming”. Trong đó, “Hội những người bị bạo lực học đường  cô lập Body shaming” có tới hơn 11 nghìn thành viên tham gia trong nhóm kín. Tại đây, rất nhiều các thành viên đã chia sẻ câu chuyện mà bản thân họ đã và đang trải qua. Đa số đều cảm thấy mệt mỏi và bất lực với việc phải đến trường mỗi ngày. Một thành viên ẩn danh viết: “Mình ghét việc đến trường, đơn giản nó giống ác mộng vậy. Mình bị cô lập, tẩy chay, cảm giác đi học ngày nào cũng bị nói xấu, nó đau đớn và tủi thân lắm. Mình mới chỉ học lớp 10 thôi, chả biết phải làm sao nữa”.

Một thành viên khác cũng chia sẻ: “12 năm đi học, bạn phải trải qua những gì?

Là những lần bị đánh đến ôm mặt khóc. Là khi phải quỳ xuống xin đừng đánh vào mặt vì mẹ sẽ thấy. Vô số lần bị con trai trong lớp đè ra động chạm vào vùng nhạy cảm hay những đứa con gái giữ tay để cởi áo con ra rồi chạy khắp trường khoe với mục đích: “trêu thôi mà, đùa tí làm đ gì căng”. Những bức ảnh dìm, những bài viết mắng chửi dần dần xuất hiện trên mạng mà không có lý do, chỉ chửi mà thôi. Hàng loạt những con người hùa theo vào dòng chảy, họ chửi bới, lăng mạ, nguyền rủa 1 người mà họ còn chẳng biết là ai. Chưa thỏa mãn, họ còn khủng bố tin nhắn, dọa đánh chỉ vì: “Bạn tao ghét mày, bạn tao ngứa mắt mày, mày đừng để tao tìm đến nhà con ch ạ”.

Thành viên này cũng tâm sự thêm rằng: “Đến khi nói ra cho thầy cô, cho gia đình thì chỉ nhận lại được câu: “Em phải như nào thì các bạn mới như thế”, “Con phải làm gì chúng nó mới làm vậy”. Không một ai thấu hiểu, không một ai giải quyết. Mỗi một ngày đi học lại là chuỗi ngày địa ngục. Để rồi mình cũng đã dại dột. Cổ tay hiện giờ vẫn còn dấu vết của những vết xước, sức khỏe thì yếu đi do uống thuốc quá liều, dạ dày bị ảnh hưởng vì nhịn ăn 4 ngày và rất nhiều hệ luỵ khác chỉ bằng dao tem và 3 vỉ panadol extra.

Về mặt tinh thần, mình bị trầm cảm giai đoạn nặng có kèm theo loạn thần. Mình xin mọi người, dù gì đi chăng nữa làm ơn đừng bạo lực người khác được không? Ngày hôm qua, một cô gái đã ra đi chỉ vì chuyện bạo lực học đường, và nó như đang nhắc lại quá khứ của mình. Mình tuyệt vọng lắm, mình sợ lắm”.

Trường Chuyên Đại học Vinh, nơi em N. từng học trước khi xảy ra vụ việc đau lòng

Dưới mỗi bài đăng luôn có các thành viên trong nhóm an ủi nạn nhân bạo lực học đường hoặc đưa ra lời khuyên để giải quyết vụ việc như báo với gia đình, giáo viên, nhà trường, cơ quan Công an hoặc gặp trực tiếp phụ huynh của kẻ bắt nạt. Một số tài khoản khác còn kêu gọi người đăng bài nhắn tin riêng với mình để tâm sự và chỉ các mẹo đối phó với bạo lực học đường.

Việc không nhận được sự đồng cảm và đồng hành từ gia đình lẫn nhà trường, nhiều học sinh bị bạo lực học đường đã coi việc giãi bày ẩn danh trên môi trường mạng như một cứu cánh tinh thần.

Nguyễn Thị Thanh Huyền (trú tại TP. Bắc Giang, Bắc Giang), quản trị nhóm “Chia sẻ - tẩy chay bạo lực học đường” với gần 2 nghìn thành viên chia sẻ về lý do lập nhóm là: “Muốn tạo nên một cộng đồng giao lưu để những trường hợp đã, đang là nạn nhân của bạo lực học đường có cơ hội chia sẻ tâm tư, vướng mắc đang gặp phải. Qua đó, giúp họ nhận thêm sự hỗ trợ, đồng hành để không cảm thấy cô đơn và bị bỏ lại như nhiều vụ việc thương tâm vừa qua”.

“Uống thuốc hạ sốt cho bệnh ung thư”

Có thể thấy việc nhiều học sinh bị bạo lực học đường không tìm đến người thân yêu của mình để chia sẻ, để tìm giải pháp là một điều đáng báo động. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân để vấn nạn này ngày càng có xu hướng tăng lên, đa dạng hơn. Chỉ khi những vụ bao lực học đường xảy ra, dư luận lại xới lên và nhiều người lại giật mình, thốt lên rằng: “Bạo lực học đường chưa khi nào giảm. Nó vẫn còn là vấn nạn”.

Lâu nay những vụ việc bắt nạt học đường thường được tường thuật và nhìn nhận như vài hiện tượng đơn lẻ của những đứa trẻ hư. Phần lớn các trường xảy ra vấn nạn này thường lên tiếng theo kiểu phủi trách nhiệm hoặc giải quyết theo cách “uống thuốc hạ số cho căn bệnh ung thư”. Có lẽ chính việc né tránh và tự dối mình như vậy đã khiến chúng ta không có những hành động quyết liệt. Chính vì thế từ nhà trường, gia đình đều có cái nhìn hời hợt, phiến diện… không có giải pháp căn cơ.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) chia sẻ với báo chí: “Bạo lực học đường giờ không chỉ nói về những đứa trẻ hư nữa. Trẻ ngoan cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Vấn nạn đó đang trở nên báo động hơn bao giờ hết. Một quan niệm sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là cho rằng cứ trẻ con đánh nhau là trẻ hư. Thực tế không có trẻ nào sinh ra đã hư. Và người lớn không thể vô can trong chuyện đứa trẻ hư. Khi xã hội đầy rẫy những chuyện như thầy cô bạo hành, dâm ô học sinh, cha mẹ đánh chửi nhau, hành hạ con cái... không thể trách vì sao trẻ bị nhiễm thói xấu, trở nên hư. Chỉ nên trách người lớn đã chưa thực sự quan tâm và giúp đỡ trẻ vượt qua những khủng hoảng này”.

Việc nhiều người cho rằng vấn nạn bạo lực học đường đầy rẫy ở châu Âu, Mỹ, Hàn, Nhật… TS Hồng cho rằng: đây là kiểu lập luận không thể trưng ra để hợp thức hóa sự thờ ơ đối với trẻ hay những hành động mang tính đối phó, thụ động. Việc cải cách triệt để giáo dục để trường học trước hết phải là nơi trẻ cảm thấy an toàn, được bảo vệ và hạnh phúc. “Nhiệm vụ cung cấp tri thức cho trẻ chỉ là một trong những nhiệm vụ của nhà trường bên cạnh việc dạy cho trẻ những giá trị chân, thiện, mỹ một cách gần gũi, cụ thể, sinh động chứ không phải theo kiểu kinh viện, phiến diện. Trẻ phải được trang bị kỹ năng sống và rèn luyện bản lĩnh để đối mặt và vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc đời”, TS Khuất Thu Hồng nhận định.

Bên cạnh những ý kiến bạo lực học đường là trách nhiệm của nhà trường và gia đình, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần phải có những xử lý kỷ luật thật nặng, không có vùng cấm. Theo như GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, nếu như em nào mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa các em này vào trại giáo dưỡng.

“Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Còn với những em là nạn nhân của bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tìm giải pháp”.

Phong Anh

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 cho biết rằng ông hy vọng sẽ có các cuộc đàm phán thực chất giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại vào cuối tuần này và dự đoán rằng mức thuế 145% của Mỹ đối với Trung Quốc có khả năng sẽ giảm xuống.

Nằm ở tuyến đầu của Tổ quốc, các xã biên giới không chỉ là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là vùng trọng điểm về ANQG. Với hàng trăm đường mòn, lối mở giáp ranh các nước láng giềng, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, xuất nhập cảnh trái phép diễn biến hết sức phức tạp. Công an xã tại biên giới, với nhiệm vụ bảo vệ an ninh địa bàn, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng, đang là lá chắn vững chắc ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia.

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc: Mai Sơn-quốc lộ 45, quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây. Theo Bộ Xây dựng, 5 tuyến cao tốc này sẽ được khai thác trong thời hạn 7 năm kể từ ngày bắt đầu thu phí. Phương án, mức thu phí cũng đã được quy định, song thực tế nhiều dự án vẫn chậm tiến độ.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã có báo cáo "Kết quả bước đầu và giải pháp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thuyền cổ" gửi UBND tỉnh Bắc Ninh với 7 trang A4. Khi xem kỹ nội dung báo cáo, chúng tôi thấy nổi lên nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm và… khó tin.

Tình trạng ăn xin, mua bán hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách tại các điểm du lịch, khu phố đêm, phố đi bộ, nhà hàng quán ăn tại TP Huế vẫn tồn tại… Chính quyền và ngành du lịch TP Huế đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm siết chặt quản lý, đẩy lùi các hành vi làm xấu môi trường du lịch.

Bầu trời các thành phố lớn của Ukraine đã tạm yên những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày do phía Nga đưa ra chính thức có hiệu lực ngày 8/5, tuy nhiên, Kiev vẫn thúc giục các đồng minh tạo sức ép để Moscow đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn dài hơi hơn.

Nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) đang trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các nhãn hàng. Tuy nhiên, kênh quảng cáo hiệu quả này cũng đang ẩn chứa không ít rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều KOL do thiếu hiểu biết về sản phẩm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng dẫn đến quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm để đạt lợi nhuận, doanh số.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 3 bị can là lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng".

Tỷ phú Bill Gates ngày 8/5 đưa ra cam kết sẽ cho đi gần như toàn bộ tài sản cá nhân của mình trong hai thập kỷ tới và cho biết những người nghèo nhất thế giới sẽ nhận được khoảng 200 tỷ USD thông qua quỹ của ông vào thời điểm các chính phủ trên toàn thế giới đang cắt giảm viện trợ quốc tế.

Thanh tra Thanh tra Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng vừa yêu cầu loạt  khách sạn gỡ hình ảnh hạng sao trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking... Một trong lý do chính là các khách sạn này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng sao nhưng vẫn tự ý “nâng sao” để nâng cấp hình ảnh, lừa dối du khách...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.