Láo nháo như...phòng khám tư nhân

21:31 29/05/2022

Giá thuốc, giá dịch vụ tại các phòng khám tư nhân chằng chéo, rối rắm đủ thứ tên gọi chuyên môn khiến bệnh nhân rơi vào “ma trận” không thể hiểu và cũng không biết gì. Bác sĩ nói sao thì nghe vậy, nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn thế nào thì làm theo. Ai cũng mong nhanh chóng hết bệnh, uống được đơn thuốc hiệu quả, nhưng cuối cùng tiền mất mà bệnh vẫn đèo bòng...

Chặt chém thật lực

Từ nhiều năm nay, hoạt động khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn rất nhiều bất cập cũng như góc khuất, mặc dù các cơ quan chức năng đã rốt ráo kiểm tra, xử lý nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Bệnh nhân đến phòng khám đều phó thác sinh mệnh của mình cho các y, bác sĩ nhưng nhiều người không thể phân biệt được chất lượng khám chữa bệnh cũng như tay nghề của đội ngũ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Ông Lê Văn Tiến, 68 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh sau khi bị nhiễm COVID-19 đã nhiều lần phải đi điều trị bệnh hậu COVID ở cả bệnh viện công lẫn phòng khám tư. Gần đây, ông tới một phòng khám tư nhân gần nhà tại TP. Thủ Đức vì chứng đau đầu. Ông được chỉ định làm “gói” hậu COVID-19 với đầy đủ các “món” như xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, điện tim, chụp X-quang, CT... hết hơn 3 triệu đồng nhưng cuối cùng bác sĩ kết luận đau đầu do hậu COVID-19 và kê cho ông một liệu trình thuốc uống trong vòng 1 tháng rồi tái khám. Khám xong về nhà, ông Tiến vẫn không biết mình bị bệnh gì, những cơn đau đầu vẫn tiếp diễn và ông phải uống thuốc ngủ thường xuyên.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở làm đẹp “chui” tại một chung cư ở TP. Hồ Chí Minh.

Uống xong 1 tháng thuốc, bệnh tình ông Tiến không mấy thuyên giảm, nhưng giờ ông không muốn đi khám bệnh nữa vì ở đâu cũng một “gói” tổng quát chung chung và thuốc Tây. Ông Tiến tìm đến phòng khám y học cổ truyền, chuyển sang dùng thuốc Nam và châm cứu.

Tương tự, bà Lê Thị Minh Nhẫn, 55 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đến phòng khám tư nhân ở quận 6, khám bệnh vì chứng đau nửa đầu, mất ngủ. Phòng khám chỉ định cho bà làm nhiều xét nghiệm, chụp chiếu và cuối cùng kết luận bệnh đau thần kinh nửa đầu do hậu COVID-19. Trước đó, bà Nhẫn cũng đến nhiều bệnh viện khám nhưng tình hình không tốt nên có tâm lý “chán” đi khám ở bệnh viện vì phải xếp hàng lâu, tới phòng khám tư người ít, khám nhanh vì được chỉ định làm dịch vụ. Lâu dần, tài chính kiệt quệ mà không tìm ra bệnh, bà Nhẫn nản quá bỏ mặc bệnh tình, chấp nhận sống chung.

TS. bác sĩ Nguyễn Như Vinh - Trưởng Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Để hạn chế tình trạng bệnh nhân bị chỉ định làm nhiều các cận lâm sàng nhằm xác định bệnh, mất thời gian và tốn nhiều tiền, các bác sĩ ở đây tiếp nhận ban đầu đều được đào tạo có thể chẩn đoán và điều trị các triệu chứng phổ biến của hậu COVID-19. Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có 2 hình thức cơ bản hoạt động khám chữa bệnh. Hình thức phổ biến là tiếp nhận bệnh nhân và khám sàng lọc ban đầu. Hình thức thứ hai là có một đội ngũ để điều trị loại bệnh đó, điều này chi phí sẽ tăng cao hơn”. Theo bác sĩ Vinh, hiện nay, có nhiều nơi lạm dụng các xét nghiệm để phát hiện bệnh.Tuy nhiên, một bệnh nhân đi khám cũng không cần làm quá nhiều xét nghiệm. Điều quan trọng là chẩn đoán bệnh, tầm soát tốt giúp bệnh nhân không đi vòng tốn kém.

Khám bệnh hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều sai phạm trong lĩnh vực y tế tư nhân

Thực tế, nhiều cơ sở y tế tư nhân nhắm mắt làm sai quy định khám, chữa bệnh để thu về lợi nhuận. Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đại Việt trên đường 3/2, phường 16, quận 11 với nhiều lỗi vi phạm. Cụ thể, phòng khám này đã yêu cầu người bệnh thanh toán đối với chi phí khám, chữa bệnh chưa được niêm yết công khai; thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Với những vi phạm trên, phòng khám này bị phạt số tiền 66 triệu đồng và buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo.

Ngoài ra, bác sĩ Trần Thị Bạch Vân tại phòng khám này bị phạt 63 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 3 tháng vì đã lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định; chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì vụ lợi; sử dụng thuốc hết hạn sử dụng và thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp ngoại khoa khác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người bệnh. Trước đó, phòng khám đa khoa Đại Việt từng bị xử phạt nhiều lần vì các vi phạm khám chữa bệnh, thực hiện phá thai “chui”. Năm 2019, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh từng cảnh báo về 11 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc làm việc, trong đó có phòng khám này.

Bên cạnh đó, từ ngày 5-5 đến 13-5, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng xử phạt 115 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh trong thời hạn 18 tháng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo hoạt động khám, chữa bệnh tại một phòng khám ở địa chỉ 886 quốc lộ 22, khu phố 8, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi. Cơ sở này đã cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động; chưa có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Cùng bị phạt còn có một cơ sở tại 135 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1 bị đình chỉ hoạt động 18 tháng và phạt 92,5 triệu đồng. Cơ sở này đã kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh, không có giấy phép hoạt động và khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Phòng khám đa khoa Hà Đô bị Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Hành nghề “chui”, quảng cáo trái phép

Không chỉ các phòng khám nội khoa, ngoại khoa của y tế tư nhân bị phát hiện sai phạm, mà nhức nhối không kém là tình trạng của thẩm mĩ viện, cơ sở làm đẹp ở TP. Hồ Chí Minh với hàng loạt vụ việc nghiêm trọng, gây hệ lụy chết người. Mới đây nhất phải kể đến thẩm mĩ viện Kangnam Sài Gòn.Một phụ nữ 61 tuổi đã tử vong trong quá trình xử lí mỡ bụng tại bệnh viện thẩm mĩ này.Và đây không phải là ca tử vong duy nhất, hằng năm tại một số thẩm mĩ viện có tiếng vẫn để xảy ra sự cố chết người. Tuy nhiên, những cái chết tức tưởi vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh, răn dạy nhiều chị em tìm đến làm đẹp. Cái đẹp đôi khi phải trả giá quá đắt.

Nhiều sai phạm liên quan đến các cơ sở làm đẹp tư nhân đã được cơ quan chức năng chỉ mặt điểm tên. Thẩm mĩ viện quốc tế Venus, địa chỉ 2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3 đã bị Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phạt 26.500.000 đồng với các vi phạm như không niêm yết đầy đủ giá dịch vụ khám bệnh; chữa bệnh không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh đầy đủ theo quy định của pháp luật. Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, buộc cơ sở tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Tiếp đến là Công ty TNHH Trung tâm Y tế Hà Đô, địa chỉ 35B-35C đường Ba Tháng Hai, phường 11, quận 10 bị xử phạt 200.000.000 đồng với loạt vi phạm như cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh; không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa; quảng cáo các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh buộc cơ sở tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Một phụ nữ tới Bệnh viện Kangnam Sài Gòn làm đẹp, sau đó thì tử vong.

Dù đã bị xử phạt vi phạm nhưng tình hình khám chữa bệnh, hoạt động sai phạm tại một số cơ sở y tế tư nhân vẫn tái diễn. Đáng ngại hơn là trong đó có trường hợp bệnh nhân được thực hiện tại các cơ sở không có Giấy phép hoạt động khám bệnh theo quy định. Do đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu chính quyền các quận, huyện tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, lưu ý việc đăng ký tên của nhóm đối tượng kinh doanh dịch vụ thẩm mĩ phải được thực hiện theo đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường hậu kiểm để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, lưu ý chấn chỉnh tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mĩ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu... phải đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép đăng ký kinh doanh. TP. Hồ Chí Minh yêu cầu xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế mở rộng phần mềm ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng phản ánh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, Công an TP. Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp với Sở Y tế và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, nhất là những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Lĩnh vực làm đẹp liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân. Thủ đoạn hành nghề “chui” ngày càng tinh vi. Trước tình hình trên, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kêu gọi người dân cung cấp thông tin phản ánh liên quan đến các cơ sở hành nghề và quảng cáo trái phép để kịp thời xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thẩm mĩ.

Trước tình trạng “loạn giá” dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chấn chỉnh việc tổ chức khám sức khỏe hậu COVID-19. Theo đó, Sở Y tế thành phố yêu cầu không điều chỉnh tăng giá các dịch khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết. Không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan đến hậu COVID-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19 với giá khám bệnh theo yêu cầu cụ thể. Trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu đã thực hiện kê khai với Sở Y tế và thực hiện công khai giá để người dân lựa chọn.

Ngọc Thiện

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文