Mắc nợ với dòng sông

09:43 14/11/2023

Miền đất phương Nam, nơi lững lờ lục bình trôi ấy có những nhịp sống miệt sông nước bao năm. Nơi những bình dị, cái cốt cách dân dã rặt phương Nam mà những con người xứ sở ấy vẫn luôn đau đáu giữ mãi theo thời gian.

Nhịp đời trên sóng nước chông chênh

Má Bảy gõ nhẹ chiếc dầm vào xáng cạp (một loại xuồng ba lá đặc trưng của miền Tây sông nước), bỏm bẻm cười khi người khách phương xa bước xuống. Má dặn cách ngồi, cách đặt chân sao cho vững chãi nhất trên chiếc xuồng bập bềnh theo con nước. Má bảo, bữa rày khách xuống chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ khá đông, nhưng người chèo xuồng như má cũng đông không kém. Giá 150 ngàn cho một chuyến đi hơn 1 tiếng đồng hồ dạo chợ nổi cũng không phải là quá đắt so với thời điểm này. Nhưng, như má Bảy nói, nếu lên những chiếc ghe du lịch sẽ chạy nhanh hơn, chỉ có điều sẽ khó luồn lách giữa những ghe chợ, những chiếc thuyền buôn theo đúng cách của người miền Tây.

Mắc nợ với dòng sông -0
Những chiếc ghe lái chở hàng trên chợ nổi.

Thời gian qua, chợ nổi Cái Răng nổi tiếng trên bản đồ du lịch cả nước, hút cả khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa miền sông nước. Nhưng, cũng như những nơi khác, khi mà cơn lốc xô bồ của du lịch kéo đến, cái hồn cái cốt của chợ nổi vơi bớt, nhạt dần đi mà ngay cả những người chèo đò trên 40 năm như má Bảy cũng phải buồn. Cái hồn của chợ nổi ấy, như má Bảy thủ thỉ thì bữa rày ít dần đi những thương hồ trên sông. Đời sống khó khăn khiến không ít thương hồ bỏ nghề, bỏ bến, bỏ dòng sông. Số còn lại cũng đang phải vật lộn mưu sinh bằng nhiều cách.

Độ mươi năm trước, khi những thương hồ là “nhân vật chính” ở chợ nổi Cái Răng này tạo nên cảnh giao thương với hàng hóa và ghe xuồng của mình vẫn còn đông đúc, trên thuyền chất đầy hàng hóa, phần nhiều là các loại trái cây, các sản phẩm miệt vườn được treo lủng lẳng trên một cây sào cắm trước mũi ghe mà người địa phương gọi là “cây bẹo”, vì thế mà người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết được trên ghe bán thứ gì. Những thương thuyền ngược xuôi, những tiếng í ới chào mời, thi thoảng xen vào vài điệu hò miền sông nước. Vào những ngày bình thường, mỗi ngày, chợ cũng có hàng trăm ghe thuyền khắp nơi xuôi ngược về đây từ lúc 3-4 giờ sáng, kèm theo tiếng động cơ máy nổ làm xao động cả mặt sông. Dường như thời hoàng kim ấy đã qua. Bây giờ, mới hơn 7h sáng nhưng đã không còn cảnh tấp nập bán buôn, không còn cảnh những cây bẹo vắt vẻo trên ghe thuyền như nhiều năm trước. Mắt má Bảy buồn buồn khi chỉ về hướng những chiếc ghe buôn bán ít ỏi còn lại níu vào nhau giữa lòng sông, những thương hồ neo chân vịt uể oải đợi người mua hàng. Trên dòng sông chủ yếu là những chiếc ghe đưa khách du lịch, ghe buôn bán thức ăn, nước uống ngược xuôi.

Đời người trên sông Hậu vốn gắn liền với kiếp thương hồ. Nhà trên mặt nước, đời trên mặt nước, khóc cười trên mặt nước và thác xuống có khi cũng về với nước. Thủy chung với nước, với màu phù sa ngầu đỏ mỗi mùa lũ lên và lặng lờ lục bình xuôi dòng. Nhưng, ai cũng cảm thấy yên bình. Đối với họ, việc buôn bán chủ yếu lấy công làm lời và hơn hết là tiếng cười cùng những lời hỏi thăm cuộc sống, gia đình, sức khỏe dành cho nhau. Hoàng hôn buông dần trên sông Hậu, những chiếc thuyền cũng là nhà của những gia đình thương hồ sống với nhiều thế hệ đã thơm mùi khói lam chiều. Dù là sống trên thuyền hay trên những ngôi nhà nổi, những gia đình ấy vẫn luôn giữ khí chất người phương Nam. Ngoài những chậu cây cảnh, những tiện nghi như tivi, dàn âm thanh, chuồng nuôi súc vật, trên thuyền còn dựng cả xe máy... chẳng khác gì cuộc sống trên đất liền. Chỉ có điều họ nổi nênh theo con nước mỗi mùa.

Đã vắng dần những hoạt động giao thương trên chợ nổi, giờ chủ yếu là những ghe du lịch chở khách trên sông.

Trên bến, dưới thuyền

Má Bảy, với cái cách sống phóng khoáng và hào sảng của người miền Tây bao năm qua vẫn xởi lởi cười, dù nét buồn hiện lên trong mắt vì chông chênh thay cho chợ nổi, đăm đắm cho những phận thương hồ, khắc khoải cho cả một dòng sông từng buôn bán đông đúc này. “Giờ chợ nổi Cái Răng làm du lịch, cách mua bán cũng thay đổi, cạnh tranh, chèo kéo khách làm mất đi vẻ đẹp vốn có. Khách thất vọng không muốn quay lại nữa!”, má Bảy buồn thỉu buồn thiu như thế. Rồi má hỏi bâng quơ rằng có cách nào để chợ nổi trở lại như xưa? Khi mà những gì khiến người nơi xa thương nhớ nhất để tìm về chợ nổi. Phải chăng là giữ được khung cảnh bán buôn tấp nập trong những sương mai. Giữ được khung cảnh những buổi chiều tà thuyền thương hồ trên chợ nổi bập bềnh đậu hết một vạt áo nắng vàng hoe. Nơi đó có những người phụ nữ nấu nồi cơm nghi ngút khói chờ người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe câu mớ cá lên. Xung quanh ghe là tiếng tivi mở những bài vọng cổ, hay tiếng radio khọt khẹt tìm chương trình ca cải lương. Rồi sau bữa ăn, đám phụ nữ tụm trên mui ghe ca vọng cổ thênh thang gió đàn lời ca của những bản tình ca bolero, những “hề, xang, xê, cống, líu”... hay rất nhiều bản nhạc như hơi thở quê hương cùng sóng sông Hậu như tạo nên bản hợp ca da diết.

Dòng sông Hậu dường như đang trở mình, nhưng đó là cái trở mình nhiều tiếc nuối. Bởi, hồn cốt của chợ nổi dường như ngày một mất dần. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ thì mỗi ngày nơi đây có hơn 200 ghe xuồng chở khách du lịch tham quan chợ nổi, nhưng số lượng ghe thương hồ lại giảm đáng kể, từ 500- 600 ghe tàu nay chợ nổi chỉ 200-250 ghe. Có lẽ vì thế, hoạt động buôn bán trên sông của chợ nổi đã chẳng còn sôi nổi như trước. Như má Bảy bảo có bữa ghe xuồng du lịch còn nhiều hơn ghe thương hồ. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc số lượng ghe thuyền thương hồ giảm, nhất là việc giao thương đường bộ đã phát triển mạnh mẽ nên giao thông đường thủy được chia sẻ bớt gánh nặng vận chuyển. Bên cạnh đó, việc hoạt động buôn bán trên sông đã bị ảnh hưởng bởi công trình dựng kè sông, phá vỡ cấu trúc trên bến dưới thuyền vốn chủ đạo trước đây. Những vựa buôn bán lớn kết nối với các thương thuyền không còn chỗ neo đậu nên phải di chuyển sang bến khác, khiến tập quán buôn bán phải thay đổi theo dẫn tới số lượng ghe thuyền giảm hẳn. Nhiều nguyên do khác như việc quản lý, sản phẩm và trải nghiệm đơn điệu cũng khiến đặc trưng của chợ nổi bị ảnh hưởng. Dẫu biết rằng, thế thời phải đổi, đời người phải thuận theo sự phát triển, nhưng nhiều người vẫn tiếc với sức sống chợ nổi Cái Răng một thời, nơi xen lẫn những thuyền hàng là những chiếc xáng cạp mỏng mảnh như lá tre dập dềnh với người chèo đò bán cà phê hay nước giải khát, bán bún hay hủ tiếu dạo trên sông, bán đủ thứ đồ ăn, đồ uống, cà phê, card điện thoại... phục vụ khách thương hồ. Làm sao cho chợ nổi sống lại, làm sao cho thương hồ không nhọc nhằn lo lắng với vận mưu sinh, làm sao cho miệt sông nước này giữ được cái hồn cốt vốn có thuở xưa giữa đổi thay thời cuộc và hơn hết làm sao vừa giữ được sự độc đáo của chợ nổi và phát triển được kinh tế từ đó. Muôn vàn câu hỏi ấy không phải là có thể giải quyết được trong vài ngày, vài tháng mà đơn vị có thể tính bằng năm, bằng hàng chục năm.

Cuộc sống trên sông nước của những gia đình thương hồ còn lại.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chợ nổi Cái Răng đến năm 2030”, chính quyền TP Cần Thơ cũng đưa ra những điều chỉnh như đẩy nhanh quy hoạch bờ kè có thể bổ sung cửa, ngõ để làm vựa trái cây cho thương hồ, giải quyết vấn đề rác thải, văn hóa ứng xử của thương hồ, tổ chức loại hình nghệ thuật, thậm chí mở rộng chợ nổi theo định hướng phát triển du lịch.

Hình thành từ đầu thế kỷ 20 để phục vụ nhu cầu mua bán trong vùng, ngày nay, Cái Răng là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Đầu năm 2023, chợ nổi Cái Răng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vi[1]etKings) công bố nằm trong Top 50 tour du lịch độc đáo mang lại trải nghiệm thú vị tại Việt Nam. Năm 2016 chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chợ nổi Cái Răng được một tạp chí uy tín của Mỹ bình chọn là “một trong 10 khu chợ nổi nhộn nhịp nhất thế giới” và nằm trong tốp “6 chợ nổi đẹp nhất châu Á”. Chợ nổi Cái Răng là nét đặc trưng sông nước không chỉ của Cần Thơ mà còn của miền Tây, nhưng rồi cứ thế chợ nổi ngày càng vắng dần. Đây là không gian văn hóa gắn liền với lịch sử vùng đất, là tài sản quý phải được gìn giữ. Nếu không có chợ nổi Cái Răng thì du lịch Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng lớn.

Cái khó trong việc quản lý cũng đã được các ngành, các cấp nhận định, cũng đã có những định hướng để giữ chân thương hồ và giữ hiện trạng tự nhiên của chợ nổi. Phải giúp thương hồ bán được hàng, thu mua gom được hàng, thực hiện chính sách đặc thù thông qua hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí bảo dưỡng tàu ghe cho thương hồ. Đặc biệt, cần duy trì ổn định hoạt động mua bán trên sông, phát triển thành chợ đầu mối, duy trì điểm trung chuyển hàng nông sản của vùng. Nên sớm điều chỉnh đề án, bỏ các công trình không phù hợp và có các giải pháp cụ thể về thu mua số lượng lớn nông sản, điểm dừng chân để các tiểu thương trao đổi hàng hóa.

Giữ được không gian văn hóa “trên bến dưới thuyền” là cái mà đang mất và sẽ mất vì làm bờ kè chắn ngang, cắt rời sự giao thương, giao lưu giữa thương hồ với trên bờ. Giữ chợ nổi không chìm bằng giữ văn hóa, đời sống tinh thần của thương hồ mới quan trọng. Thương hồ là “linh hồn” của chợ nổi Cái Răng, còn thương hồ thì chợ nổi mới còn. Nếu không giữ được chợ nổi, không giữ được thương hồ để họ sinh sống và làm ăn được trên chợ nổi thì làm sao tránh khỏi mắc nợ với dòng sông...

Tiêu Dao

Hôm 14/1, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã kiện tỷ phú Elon Musk tại tòa án liên bang với cáo buộc vi phạm luật chứng khoán liên bang, lừa dối cổ đông khi mua cổ phiếu Twitter (sau đổi tên là X) trị giá hàng trăm triệu USD vào năm 2022, trước khi đưa ra quyết định mua lại công ty này với "mức giá thấp một cách giả tạo".

Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa có chỉ đạo các ban quản lý dự án phối hợp với các nhà đầu tư và các đơn vị liên quan trong việc tiếp quản các trạm tạm trước đây và bổ sung các trạm tạm mới để phục vụ người dân và phương tiện trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến và ông Simon Spoerri, Phó Tư lệnh Cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ đánh giá, kết quả hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát hai nước thời gian qua đã giúp đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân của mỗi quốc gia, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của hai nước.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 22/1, tại Hà Nội, Đoàn Tổng Giáo phận Hà Nội do Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên làm Trưởng đoàn; Đoàn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Uỷ viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự làm Trưởng đoàn và Đoàn Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) do Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng hoa, chúc mừng năm mới lực lượng CAND.

Ngày 22/1, một lãnh đạo Công an huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng một số đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Cục An ninh mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.